Thứ Hai, 07/10/2024 09:23 SA
Lan rừng gọi mưa
Chủ Nhật, 06/10/2019 06:00 SA

Trời đang nắng, đứng bên gốc cây mận phía giếng nước, mẹ tôi nói: Trời sắp mưa. Ông trời năm nay “ngon” quá, ổng nắng cho bà con phơi lúa khô khan đổ vô bồ vô bịch xong rồi giờ ổng mưa cho hoa màu tốt tươi. Nghe vậy, tôi mới hỏi: - Sao biết sắp mưa hả mẹ? Mẹ nói: Để coi, hồi bố mày còn sống, ổng nói đâu là trúng đấy; ổng nói lan rừng nở là trời mưa.

 

Nhìn kìa, bà vừa nói vừa chỉ tay phía cây mận nơi có một chùm lan rừng búp trắng hình tam giác không đều, không cân, ba cạnh cong cong. Loại này người ta gọi là trúc lan. Nếu nói có chút thiên vị cho “ngày xưa” thì phải nói là: Cách đây vài mươi năm, núi rừng quê tôi loại lan này mọc đầy trên thân cổ thụ, nó vươn vòi, quấn quít, lòng thòng, cản đường không đi được nên phải gỡ ra lấy bớt chỉ sợ không đủ sức mang về… Bụi lan này tôi lấy về lâu lắm rồi cũng vì lý do ấy, hồi đi rừng cùng mấy ông bạn mê cây cảnh. Thời điểm cây sanh ăn mạnh nhất, nghe nói có cây sanh “Mâm xôi con gà” giá lên đến triệu đô. Chuyện đi tìm cây sanh, cây lộc vừng hồi ấy cũng rất dễ dàng vì rừng núi không phải trống trải như bây giờ…

 

Nói lại chuyện hoa lan, sau khi nghe mẹ nói vậy, tôi bước đến chỗ chùm lan đang nở hoa… một mùi thơm thoang thoảng, dìu dịu, dễ chịu làm sao… Tôi không thể diễn tả được nhưng không muốn rời xa; còn màu sắc thì càng khó mô tả hơn… Chữ nghĩa của tôi thì chỉ dừng lại ở câu “Đại khái là màu trăng trắng” vậy thôi…

 

Bụi lan này, khi mang về, đem buộc vào chỗ ngã ba trên thân cây mận là xong, lâu lâu tôi mới tạt cho gáo nước… vậy mà nó vẫn cứ tốt tươi và ra hoa đúng lúc trời sắp mưa. Nếu ai nói trời mưa mát mẻ rồi mới ra hoa là không đúng vì rõ ràng nó ra hoa trước rồi mưa sau. Tôi biết việc này mấy nhà khoa học giải thích được nhưng khi nhìn những đóa lan rừng toát lên vẻ hoang sơ, tinh tế, phong trần, lãng mạn như thế này thì tôi không muốn nhắc đến hai chữ “khoa học” nữa.

 

Ngày nay, nói đến hoa lan thì vô số, không sao kể hết, đặc biệt là lan cấy mô, tôi biết một vài loại như: Đen-rô, hồ điệp… Các loại lan người ta cấy mô đem bán, mua về trồng thì tôi gọi chung là lan “hiện đại”… Theo tôi thì chăm sóc các loại lan hiên đại vất vả hơn nhiều lần so với lan rừng, nào là phải tưới nước dạng phun sương, phải có lưới che nắng che mưa, tưới phân bón lá, bỏ phân chuyên dụng dạng túi lọc... Còn lan rừng thì đôi khi bận rộn công việc ở đâu đó không tưới nước cả tháng cũng chẳng sao; nó vẫn sống, vẫn ra hoa đúng lúc như dự báo thời tiết.

 

Tôi thích lan rừng ở chỗ nó dễ chăm sóc như vậy rồi mà còn ra hoa đúng lúc như dự báo thời tiết. Thật là hữu ích, hỏi sao không cố gắng gìn giữ để hoa lan làm ngỡ ngàng cho mỗi ai khi bước vào rừng và phải dừng tay vì sợ chặt một cành cây sẽ làm rơi một tuyệt tác.

 

Nhìn hoa lan rừng tôi chợt nhớ đến câu hát trong bài: Một đời người một rừng cây của nhạc sĩ Trần Long Ẩn: “Em như cụm lan mọc từ những cành cổ thụ già kia…” và “Nhánh lan rừng vẫn nở bên cành cháy khô… “ trong bài Nhánh lan rừng của nhạc sĩ Thế Hiển.

 

NGÔ TRỌNG CƯ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek