Thứ Hai, 07/10/2024 07:22 SA
Thằng út – truyện ngắn của DU UYÊN
Thứ Hai, 07/10/2019 07:00 SA

Pháo giao thừa vừa rộn lên, nó đã kịp chào đời. Mẹ gắng cười cho nước mắt chảy ngược vào trong. Đàn bà đi biển mồ côi đau lắm! - người ta bảo thế. Chị ngày ấy chỉ là cô bé con mười tuổi, chả biết gì ngoài việc cuống cuồng xách đèn dầu đi tìm bà đỡ giữa lúc giao thừa đang đến thật gần, chân nọ đá chân kia... phăm phăm băng qua mấy mẫu ruộng, mấy sở khoai mì, hồng hộc thở mà chẳng thấy mệt, rồi lăng xăng nấu nước cho kịp tắm em bé… Ngồi bên bếp lửa, khói cay xè, chị và thằng em kế hồi hộp chờ… nó ra đời. Mãi đến khi tiếng khóc vang lên cả góc nhà, chị cuống lên chạy vào xem mặt nó. Chị còn nhớ rất rõ vầng trán cao vuông vức và cái miệng rộng toét. Ôi, nó khóc toét miệng trông rất yêu! Nó nghiễm nhiên là thằng Út, và chị biết làm chị cả của hai đứa em trai kể từ khoảnh khắc đó.

 

Nó là đứa trẻ rất dễ nuôi, cái gì đến tay nó đều bỏ vào miệng ăn rất ngon lành, thế nên cứ béo tròn béo trục, chả bao giờ thấy đau ốm. Tuổi thơ của ba chị em đi qua trong thời cơ cực của gia đình, cũng như sự đói nghèo thường trực của mảnh đất khô cằn đầy nắng gió của miền Trung ngày ấy. Mẹ vẫn miệt mài với những chuyến hàng xa nhà. Sống trong sự đùm bọc của ngoại nhưng chị luôn ý thức rõ phải thay mẹ chăm sóc cho hai em. Cuộc sống cứ thế trôi đi yên ả, cho đến khi thằng Út lên năm, cũng là lúc gia đình chuyển vào Nam. Nókhông hề được đi mẫu giáo, chị tự dạy cho em, nhưng nó chỉ mất có hơn tuần là thuộc bảng chữ cái, rồi cứ thế mà tự ráp vần, ráp chữ. Một tháng sau đã cầm tờ báo công an mà đọc vanh vách chuyện vụ án, ai cũng tròn mắt nhìn.

 

Ngày đó, cuốn truyện tranh với em là điều xa xỉ, nên cứ mỗi khi có ít tiền trong túi, đi đâu về chị đều tạt vào tiệm sách cũ mua cuốn Doremon tặng, nó đọc ngấu nghiến như chưa từng được đọc, thương đến lạ! Đến lúc đi học, nó luôn tự giác và ý thức việc học là chính, không để ai nhắc nhở bao giờ, và cũng chưa từng đi học thêm lấy một ngày. Vậy mà năm nào cũng đạt học sinh giỏi, rồi học bổng triền miên, tập vở lãnh thưởng không phải mua suốt những năm ngồi ghế nhà trường.

 

Lên đại học, ba chị em chen chúc nhau trong căn phòng trọ hai mươi mét vuông, nó tự giác đi học bằng ba tuyến xe buýt từ Gò Vấp vào Trường đại học Kinh tế ở quận 1, mà nhất quyết không chịu mua chiếc xe máy cũ như mẹ gợi ý. Ngày đó, một lần nữa chị lại thay mẹ gánh vác gia đình. Ngoài giờ học, chị cố gắng đi làm bán thời gian rồi đến gia sư khắp mảnh đất Sài Gòn với hy vọng em mình không phải bôn ba kiếm tiền mà tập trung vào việc học, chỉ có học mới thoát khỏi cái nghèo và cơ cực đeo bám suốt bao năm. Thế nhưng nó không nghe lời chị, vẫn lén đi làm thêm. Tháng lương đầu, nó lặng lẽ để lên bàn làm việc quyển sách chuyên ngành tiếng Anh mà mấy tháng qua chị nó chưa sắm nổi, vỏn vẹn mảnh giấy bé con: “Cố lên! Chị sắp về đích rồi!”.

 

Là đứa thâm trầm, nên cái cách nó quan tâm đến chị cũng nhẹ nhàng và ý nhị như con gái. Nó cũng chưa bao giờ đi ra ngoài muộn hơn mười giờ đêm, vì nó biết chị sẽ chong đèn thức và dù có ngủ gật trên trang giáo án kia thì chị cũng sẽ đợi. Nó sợ chị lo! Nó là đứa kiên trì và đầy nhẫn nại, học bổng đại học đâu dễ gì lấy được, trong khi bao đứa bạn nợ môn, thi lại không ít lần, nhưng riêng nó vẫn cố tranh điểm để giành được học bổng suốt ba năm liền. Mỗi lần nhận được tiền học bổng, nó lại lang thang cả ngày trời ở nhà sách Xuân Thu Sài Gòn, chỉ để tìm cho bằng được những cuốn sách ngoại văn mà chị nó thích và cần - vẫn là cái cách quan tâm chị rất nhẹ nhàng và đáng yêu ấy. Nó là niềm hãnh diện cho mẹ, cho chị và cả gia đình. Mẹ không biết và cũng không thích khoe con, nhưng mắt mẹ vẫn sáng bừng lên khi nhắc đến tên thằng Út, và chị đọc được điều đó - với mẹ như thế là quá đủ cho quãng đời quá chênh chao mà mẹ đã đi qua.

 

Ngày chị tốt nghiệp, nó chúc mừng rồi quay đi giấu vội đôi mắt đang ngân ngấn nước. Rồi ngày chị về nhà chồng xa tít miền Tây, nó cũng đưa chị về đến tận nơi, để rồi khi chị chia tay mọi người, nó lại chui tọt lên xe ngồi, cố không cho ai trông thấy nó cũng đang rưng rưng, duy có chị đọc được nỗi lòng của nó.

 

Ngày chị có tin vui, nó cũng là người thường xuyên bỏ việc cả buổi sáng để đưa chị đi bệnh viện thăm khám, nhất định không cho chị tự lái xe một mình. Rồi đến ngày chị sinh, vết mổ hành hạ, nó vào bệnh viện thăm khi chị đang oằn mình với cơn đau và nước mắt như mưa, chị đang gắng xuống giường. Nó dìu chị nhích từng bước nhỏ tập đi, mắt ầng ậc nước, nó thầm thì: “Sinh đứa này thôi nha chị, đừng sinh nữa, đau đớn quá!”, rồi cứ thế nước mắt nó tuôn, mặc cho ánh mắt bao người.

 

Nó mặc! Chị nó đang đau kia mà! Khoảnh khắc ấy chị chẳng thể nào quên.

 

Chị nó bận đi dạy buổi tối, chẳng biết gởi con cho ai. Thế là cứ chiều tan sở, nó lại tất tả chạy về chăm cháu. Một tay nó bế bồng, cho ăn, rồi à ơi ru ngủ. Có hôm đi dạy về, nghe nhà im ắng, bước vô phòng thì thấy hai cậu cháu đã ôm nhau ngủ từ lâu. Thương đến nao lòng! Cứ thế, nó cưng chiều cháu và thương chị không ai bằng. Nên mãi đến hôm nay…

 

Sáu năm qua rồi - kể từ ngày chị lấy chồng, nó vẫn lặng thầm quan tâm chị, vẫn tặng chị những món quà mà nó biết chị đang rất cần nhưng cứ đắn đo dè dặt chưa mua, vẫn đưa cháu đi chơi và mua sắm cả ngày chủ nhật, để rồi tha về bao nhiêu là thứ: “Để dành cho M.H”. Khi dịch đau mắt tràn lan, cháu lây bệnh, nó vẫn nhẫn nại mang kiếng râm, ôm lấy cháu nô đùa cho thỏa nỗi nhớ vì bị cách ly, mặc chị cảnh báo, để rồi hôm sau lại phải nghỉ làm vì bị đau mắt. Vẫn vờ ghé tạt qua thăm chị rồi len lén để bao thư trên đầu tủ lạnh, len lén lấy hộp sữa dằn lên để chị đừng bắt gặp - rồi ra về lại nhắn tin: “Mua sữa cho cháu giúp em!”; vẫn bênh vực và bảo vệ chị mỗi khi sóng gió đi qua, chỉ với một lời thật ngắn: “Đừng làm tổn thương chị!”.

 

Ngày chị khóc òa trên vai nó vì mệt mỏi, nó chẳng nói gì ngoài đôi mắt đỏ hoe: “Nếu hôn nhân làm chị quá kiệt sức, thì chị hãy buông tay đi! Tự giải thoát mình để cuộc sống nhẹ nhàng hơn. Sai lầm ở đâu, sửa sai ở đó!”. Nó vẫn thế đó, vẫn yêu chị với cái cách riêng mà có thể không giống với bất kỳ đứa con trai nào khác.

 

Làm sao có thể nói hết máu mủ thiêng liêng vô bờ ấy! Nhưng chị cảm nhận được rằng…mình là một người chị hạnh phúc nhất thế gian. Dẫu cuộc đời có đổi thay, thời gian có khắc nghiệt thế nào đi nữa, cũng xin tạ ơn trên, cảm ơn mẹ đã cho con có được đứa em trai tuyệt vời. Cảm ơn đời đã cho tôi được làm chị của em! Cảm ơn em tôi - Thằng Út!

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek