Thứ Hai, 07/10/2024 11:17 SA
NSND Thanh Hải - “Hữu xạ tự nhiên hương”
Chủ Nhật, 08/09/2019 13:18 CH

NSND Thanh Hải diễn tấu đàn đá trong chương trình nghệ thuật Về nơi bình minh lên kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Phú Yên. Ảnh: CTV

Gần 30 năm gắn bó với Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Sao Biển, nhạc sĩ Bùi Thanh Hải đã khẳng định tài năng trên sân khấu, khi diễn tấu đàn đá kèn đá và trong phòng thu, khi hòa âm phối khí các tác phẩm âm nhạc, sáng tác nhạc múa và ca khúc. Anh là người “truyền lửa” cho dàn nhạc và có nhiều đóng góp vào thành tích rực rỡ của Sao Biển. Nhạc sĩ Thanh Hải, chỉ huy dàn nhạc, Phó Giám đốc nhà hát, vừa được phong tặng danh hiệu cao quý: Nghệ sĩ Nhân dân.

 

Nghệ sĩ đa tài

 

* Với một người có gần 30 năm hoạt động âm nhạc như anh, danh hiệu NSND có ý nghĩa như thế nào, thưa anh?

 

- Vinh dự vô cùng, không phải chỉ cần cố gắng là được, mà còn đòi hỏi nhiều yếu tố. Ngoài khả năng và nỗ lực của bản thân thì phải được những người thầy, người anh đi trước, đồng nghiệp ở bên cạnh và những người giữ các vị trí cao ở Trung ương ghi nhận. Cho nên với tôi, được phong tặng danh hiệu NSND là vinh dự vô cùng.

 

Những ngày qua, tôi nhận được rất nhiều cuộc gọi, rất nhiều tin nhắn của bạn bè từ khắp nơi chúc mừng. Rất vui và rất hạnh phúc, nhưng đó không phải là kiểu hạnh phúc tự mãn.

 

Nhạc sĩ Bùi Thanh Hải sinh năm 1971, được phong tặng danh hiệu NSƯT vào năm 2007. Mới đây, anh là một trong hai nghệ sĩ Phú Yên được phong tặng danh hiệu NSND. Những năm gần đây, nhạc sĩ Thanh Hải đoạt 2 HCV hòa tấu, độc tấu đàn đá và nhiều HCB. Ngoài ra, anh còn ghi dấu ấn trên lĩnh vực sáng tác nhạc múa, cùng các biên đạo và diễn viên múa mang về hàng chục HCV tại các cuộc thi ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc.

* Anh là nghệ sĩ đa tài: biểu diễn, hòa âm phối khí và sáng tác. Công việc nào mang đến cho anh nhiều cảm xúc và thăng hoa nhất?

 

- Mỗi mảng có sự sáng tạo, thăng hoa riêng nhưng với tôi, khi biểu diễn luôn có cảm giác thăng hoa nhất. Trình diễn trước công chúng, có được sự đồng cảm của những người yêu âm nhạc, hay khi diễn chung với đồng nghiệp, với ban nhạc thì mình là chỗ dựa tinh thần, là người “giữ lửa” trên sân khấu nên biểu diễn là những lúc thăng hoa nhất. Sáng tác thì thăng hoa theo kiểu khác.

 

* Riêng sáng tác nhạc múa thì sao, thưa anh?

 

- Nhạc sĩ, nhạc công là những người thầm lặng đứng phía sau diễn viên múa. Viết nhạc múa là một hướng khác, mình phải tư duy theo cách khác. Ý tưởng thì mình trao đổi với biên đạo, phải có sự ăn ý với biên đạo nhưng tư duy thì độc lập. Ngôn ngữ của nhạc múa khó truyền tải hơn. Những đoạn bi hay vui thì khán giả có thể cảm nhận được, nhưng phải làm thế nào để họ không cảm nhận sai về cái bi, cái vui đó. Niềm vui chiến thắng khác với niềm vui hạnh phúc lứa đôi; niềm vui của người mẹ gặp lại con sau bao năm khác với niềm vui của người vợ gặp lại chồng… Âm nhạc diễn tả được điều đó mới là khó, và khi diễn tả được thì anh thành công.

 

* Có vẻ như nhạc sĩ độc lập hơn cả khi sáng tác ca khúc?

 

- Đúng. Trong sáng tác ca khúc, phần lời là khó nhất. Tôi ít khi sáng tác ca khúc, thường thì trước những dịp lễ lớn của đất nước, ngày hội lớn của Phú Yên, được đặt hàng thì mình viết ca khúc, và cố gắng tập trung để viết.

 

*Anh quê ở Đà Nẵng - một đô thị lớn, sinh sống và làm việc tại Tuy Hòa. Vì sao những tác phẩm âm nhạc ấn tượng của anh thường mang sắc màu của vùng cao, miền núi?

 

- Không phải mang sắc màu đâu. Phương châm sáng tạo của tôi là âm nhạc dân tộc kết hợp với đương đại. Sống tại thành phố, mọi thứ ở phố đã quá quen, khi mình lên Tây Nguyên hoặc ra Tây Bắc thì cảm nhận quá nhiều điều mới mẻ của đời sống, của văn hóa - những điều mà trước đây mình chỉ nghe, đọc qua sách báo, giờ mới được chạm tới nên cảm xúc dạt dào hơn và việc sáng tạo cũng tốt hơn.

 

“Vợ khích tôi sáng tạo”

 

* Nhìn lại chặng đường đã qua với nhiều thành tựu, anh thấy hài lòng nhất điều gì?

 

- Tôi xác định hướng đi cho mình về âm nhạc nhưng không bao giờ sắp đặt để được cái này, cái kia. Mình cứ “hữu xạ tự nhiên hương”, thật sự là vậy. Tôi hài lòng nhất là được biểu diễn, được cống hiến sáng tạo cho Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Sao Biển.

 

* Vợ anh, ca sĩ Quỳnh Như, cũng hoạt động nghệ thuật tại Nhà hát Sao Biển. Chị ấy đứng ở vị trí nào trong sự thành công của anh?

 

- Quỳnh Như vào nhà hát cùng năm với tôi - 1990, chỉ cách nhau mấy tháng, đến nay gần 30 năm rồi. Tôi làm việc, “cày” ngày “cày” đêm và luôn có được sự hậu thuẫn rất lớn của gia đình, sự khích lệ của vợ. Trước những việc khó, đôi khi vợ còn khích tôi. Đó là cách tạo động lực rất hay để tôi làm việc. Hai vợ chồng làm cùng ngành nên rất hiểu, rất đồng cảm. Và đặc biệt, Như đã hy sinh rất nhiều trong công việc để tôi toàn tâm toàn ý với con đường mình chọn.

 

* Anh có thể chia sẻ một chút về những dự định sắp tới?

 

- Nói thật là rất nhiều. Sau khi được phong tặng danh hiệu NSND, tôi viết những status cảm ơn và nói rằng: Chặng đường còn dài, còn cống hiến và sáng tạo nhiều. Chắc chắn là sẽ như vậy.

 

* Xin cảm ơn anh!

 

YÊN LAN (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek