Thứ Hai, 07/10/2024 11:24 SA
NSND Cao Hữu Nhạc - Người dệt tình yêu thành giai điệu
Chủ Nhật, 01/09/2019 14:00 CH

Hơn 40 năm hoạt động nghệ thuật, trong đó có 27 năm gắn bó với Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Sao Biển, nhạc sĩ Cao Hữu Nhạc đã ghi dấu ấn của mình bằng những đóng góp xuất sắc. Là người chỉ đạo nghệ thuật, ông góp phần quan trọng đưa Sao Biển liên tục đạt thành tích rực rỡ trong các liên hoan, cuộc thi ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc. Sáng tác hàng trăm ca khúc về quê hương Phú Yên, ông đắp bồi thêm tình yêu mảnh đất này.

 

Nhạc sĩ Cao Hữu Nhạc, nguyên Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Sao Biển, là một trong hai nghệ sĩ Phú Yên vừa được phong tặng danh hiệu cao quý: Nghệ sĩ Nhân dân.

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao danh hiệu NSND cho nhạc sĩ Cao Hữu Nhạc. Ảnh: CTV

 

* Xin chúc mừng nhạc sĩ! Cảm xúc của ông thế nào khi được phong tặng danh hiệu NSND?

 

- Tôi vui lắm. Niềm vui lớn tràn ngập trong lòng. Danh hiệu NSND như là sự tổng kết quá trình hoạt động nghệ thuật của tôi và đến với tôi sau khi nghỉ hưu. Tôi nghĩ rằng mình là người hạnh phúc nhất, khi trái ngọt đã đến ở chặng cuối cuộc đời hoạt động nghệ thuật. Kết quả đó có sự ủng hộ của gia đình, của anh em đồng nghiệp, bạn bè, sự tạo điều kiện của lãnh đạo Sở VH-TT-DL và lãnh đạo tỉnh. Nếu không được tạo điều kiện để phát huy năng lực thì tôi không bao giờ có được niềm hạnh phúc này.

 

* Chỉ một ngày trước khi ông được vinh danh NSND tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Liên hoan Âm nhạc toàn quốc khu vực phía Nam năm 2019 bế mạc tại Nhà hát Quân đội TP Hồ Chí Minh; ca khúc Bình minh cực Đông của ông đoạt giải B. Ông có thể chia sẻ đôi nét về tác phẩm âm nhạc này?

 

- Từ lâu, tôi và nhà thơ Lê Cảnh Nhạc có ý tưởng phối hợp làm một tác phẩm. Sau khi ổng viết một bài thơ rất hay, tôi đã dựa vào ý thơ đó để sáng tác bài Bình minh cực Đông. Đó là tác phẩm mang tên hai ông Nhạc (cười). Bài này ca sĩ Anh Thơ đã hát trong chương trình nghệ thuật kỷ niệm 30 năm Phú Yên tái lập tỉnh. Tại Liên hoan Âm nhạc toàn quốc khu vực phía Nam năm nay, ca sĩ Thanh Vân hát theo cách khác, cũng rất đặc biệt. Nhận giải B của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, niềm vui của tôi nhân đôi.

 

* Ông đã sáng tác hàng trăm ca khúc về quê hương Phú Yên, trong đó có những bài được yêu thích như Tuy Hòa chín nhớ mười thương, Bâng khuâng đò ơi, Hò biển, Tuy Hòa thành phố phía mặt trời, Huyền ca tháp cổ, Bình minh cực Đông… Đâu là nguồn cảm xúc để ông say sưa sáng tác?

 

- Từ nhỏ, những câu hò điệu hát - đặc biệt là bài chòi của quê hương - đã thấm vào tôi. Lớn lên, nghe nhạc Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Hoàng Thi Thơ, tôi rất thích, đặc biệt là những bài hát của Hoàng Thi Thơ viết về nông thôn, về làng quê. Tôi chịu ảnh hưởng rất nhiều từ nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ.

 

Bài hát đầu tiên tôi viết là về quê hương - Tuy Hòa chín nhớ mười thương. Tôi sáng tác bài này cách đây hơn 30 năm, sau một thời gian dài ấp ủ. Đến nay, tôi có hơn 300 ca khúc. Có những bài tôi trăn trở 5-7 năm mới viết được, có bài chỉ 2-3 ngày đã xong. Có những bài tôi rất thích, dù chưa đạt giải gì, như Tuy Hòa thành phố phía mặt trời.

 

* Ông không chỉ có nhiều ca khúc được khán giả Phú Yên yêu thích mà còn đoạt rất nhiều giải thưởng về âm nhạc. Theo ông, làm thế nào để tác phẩm đi vào lòng người?

 

- Để tác phẩm đi vào lòng người thì phải có sự chân tình. Nếu mình “làm sang” bằng câu chữ, bằng giai điệu nhưng không có sự chân tình thì cũng không đọng lại, tôi nghĩ vậy. Cho nên trong âm nhạc cũng phải chân tình; cái gốc vẫn là những gì gần gũi với mình nhất, những gì rất riêng của quê hương và được thể hiện bằng ngôn ngữ mới lạ, nếu không sẽ nhàm chán. Làm sao để giới chuyên môn thích, đánh giá cao mà bà con nghe cũng thích, tác phẩm đi vào lòng người thì mới thành công. Có những bài đi vào lòng bà con nhưng giới âm nhạc không thích, họ nói bài đó mòn nhẵn, không hay. Có những bài giới chuyên môn thích, đánh giá rất cao nhưng lại không đi vào lòng người vì nó lạ quá, không gần gũi. Theo tôi, dung hòa được thì mới thành công. Và cốt lõi là tình quê, tình người trong ca khúc; cách thể hiện thì phải hiện đại.

 

* Xin cảm ơn nhạc sĩ!

 

NSND Cao Hữu Nhạc sinh năm 1957, quê ở Phước Nông (xã Hòa Bình 1, huyện Tây Hòa). Ông có 12 năm làm Trưởng đoàn Cải lương Hòa Bình (1978-1990) trước khi gắn bó với Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Sao Biển suốt 27 năm và có nhiều đóng góp quan trọng vào sự lớn mạnh của Sao Biển. Với vai trò chỉ đạo nghệ thuật, ông cùng các nghệ sĩ, diễn viên nhà hát liên tục đạt nhiều thành tích rực rỡ trong các liên hoan, cuộc thi ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc. Năm 2011, nhạc sĩ Cao Hữu Nhạc được phong tặng danh hiệu NSƯT. Trong 5 năm gần đây, ông đoạt 3 HCV về chỉ đạo nghệ thuật, tại Liên hoan Ca múa nhạc 3 nước Đông Dương năm 2011, Liên hoan Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc năm 2012 và Cuộc thi Nghệ thuật ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc năm 2015 và rất nhiều giải thưởng về âm nhạc, trong đó có giải B Giải thưởng Âm nhạc năm 2017 của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, giải A Liên hoan Âm nhạc khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên năm 2017, Giải B Liên hoan Âm nhạc toàn quốc khu vực phía Nam năm 2019…

 

YÊN LAN (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek