Thứ Hai, 07/10/2024 11:21 SA
Để phát triển toàn diện văn hóa Phú Yên
Thứ Ba, 03/09/2019 18:00 CH

Tại buổi làm việc của lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo Sở VH-TT-DL với đoàn công tác của Bộ VH-TT-DL vừa qua, các đại biểu tập trung thảo luận những vấn đề liên quan trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch; đồng thời chia sẻ những tâm tư, nguyện vọng và đóng góp nhiều ý kiến quý báu vì sự phát triển bền vững chung của tỉnh. Phóng viên Báo Phú Yên lược ghi một số ý kiến tại buổi làm việc này.

 

BỘ TRƯỞNG VH-TT-DL NGUYỄN NGỌC THIỆN: Khai thác hiệu quả tiềm năng di tích, di sản văn hóa, phát triển du lịch theo hướng bền vững

 

Những năm qua, các mặt công tác trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch trên địa bàn Phú Yên có nhiều chuyển biến và bước đầu đạt được những kết quả quan trọng. Đặc biệt, những hoạt động kiểm kê, bảo quản, tu bổ di tích; hoạt động phát huy giá trị của di tích lịch sử luôn được các cấp quản lý quan tâm thực hiện.

 

Tuy nhiên, Phú Yên cần chú trọng hơn nữa công tác trùng tu, tôn tạo, chống xuống cấp các di tích lịch sử - văn hóa đã xếp hạng; bảo tồn các lễ hội, các loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc, văn hóa dân gian của từng địa phương, từng dân tộc; khai thác hiệu quả tiềm năng di tích, di sản văn hóa (DSVH) gắn với phát triển du lịch, xây dựng các tuyến đường phục vụ tập luyện thể dục - thể thao, nâng cao hiệu quả các phong trào rèn luyện thể dục thể thao trong cộng đồng, bồi dưỡng đối với các vận động viên, bộ môn thể thao thành tích cao...

 

Là tỉnh có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch biển, du lịch văn hóa cộng đồng, tuy nhiên du lịch Phú Yên phát triển chậm hơn so với một số tỉnh, thành trong khu vực. Song không vì thế mà nóng vội. Tỉnh cần phải có chiến lược phát triển du lịch theo hướng bền vững gắn với bảo vệ môi trường, cảnh quan. Trong đó, chú trọng quy hoạch thật tốt phát triển du lịch, kêu gọi các nhà đầu tư lớn có tầm nhìn dài hạn đầu tư khai thác phát triển du lịch...

 

PHÓ CHỦ TỊCH UBND TỈNH PHAN ĐÌNH PHÙNG: Bộ sớm có quy định chung về mô hình tổ chức, quản lý các khu du lịch quốc gia

 

UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở VH-TT-DL chỉnh sửa, bổ sung bản đồ và biên bản của 18 di tích quốc gia theo ý kiến góp ý của Cục DSVH; dự kiến sẽ hoàn chỉnh trong tháng 9 này. UBND tỉnh cũng đang chỉ đạo các ngành liên quan lập dự án trồng rừng ngập mặn tại một số di tích đầm vịnh, rất mong Bộ VH-TT-DL quan tâm ủng hộ.

 

Thời gian qua, với nguồn kinh phí hỗ trợ của Bộ VH-TT-DL, tỉnh đã đầu tư tu bổ, tôn tạo một số di tích và đang phát huy rất tốt. Tuy nhiên còn nhiều di tích chưa được đầu tư tôn tạo, do nhu cầu vốn lớn. Tỉnh kiến nghị Bộ VH-TT-DL quan tâm bổ sung nguồn vốn Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa trong các năm đến khoảng 10 tỉ đồng (trung bình khoảng 3-5 tỉ đồng/năm để thực hiện tu bổ, tôn tạo chống xuống cấp cho di tích quốc gia).

 

Đề nghị bộ sớm có quy định chung về mô hình tổ chức quản lý các khu du lịch quốc gia để có cơ sở áp dụng cho Khu du lịch Vịnh Xuân Đài; sớm ban hành văn bản hướng dẫn quy định khung về số lượng cộng tác viên công tác gia đình ở cơ sở (như Bộ Y tế, Bộ LĐ-TB-XH) để địa phương có cơ sở trình HĐND tỉnh; các bộ ngành Trung ương hỗ trợ địa phương triển khai thực hiện quy hoạch đã được duyệt.

 

Đồng thời hỗ trợ các địa phương ứng dụng công nghệ số trong công tác quản lý di tích danh thắng và quảng bá du lịch như: du lịch thông minh, bản đồ số, số hóa thông tin về các di tích, danh thắng; đầu tư cơ sở tập luyện và thi đấu thể dục, thể thao; đầu tư dự án Trung tâm văn hóa, triển lãm tỉnh...

 

GIÁM ĐỐC SỞ VH-TT-DL PHẠM VĂN BẢY: Chú trọng công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa

 

Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 77 di tích được xếp hạng (trong đó có 1 di tích quốc gia đặc biệt, 21 di tích quốc gia và 55 di tích cấp tỉnh). Ngành Văn hóa đã rà soát, bổ sung đưa vào danh mục kiểm kê di tích với 201 công trình, địa điểm và 185 DSVH phi vật thể.

 

Hiện có 4 di sản được Bộ VH-TT-DL đưa vào danh mục DSVH phi vật thể quốc gia, gồm: Nghệ thuật bài chòi; Lễ hội cầu ngư; Nghệ thuật trình diễn trống đôi, cồng ba, chiêng năm; Lễ cúng trưởng thành của người Ê Đê. Đặc biệt, di sản Nghệ thuật bài chòi tỉnh Phú Yên cùng với Nghệ thuật bài chòi Trung Bộ Việt Nam đã được UNESCO ghi danh là DSVH phi vật thể đại diện của nhân loại. Có 8 nghệ nhân của Phú Yên được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.

 

Công tác bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội truyền thống được chú trọng. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ngày càng phát triển theo hướng nâng cao chất lượng.

 

Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” thu hút đông đảo nhân dân tham gia, gắn việc phát triển thể dục - thể thao quần chúng với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa cơ sở” và chương trình xây dựng nông thôn mới có nhiều khởi sắc, phát triển sâu rộng tới các vùng sâu, vùng xa; gắn kết với các lễ hội của địa phương với nhiều nội dung phong phú.

 

Về du lịch, tỉnh thu hút khoảng 46 dự án, dịch vụ với tổng vốn đầu tư 43.000 tỉ đồng, tổng diện tích khoảng 3.000ha (228ha mặt nước). Trong đó 16 dự án đã được cấp quyết định chủ trương đầu tư; 27 dự án đã và đang thẩm định chủ trương đầu tư. Một số dự án đã đi vào hoạt động và đang tiếp tục đầu tư, nâng cấp cơ sở lưu trú đảm bảo tiêu chuẩn loại hạng đã công nhận.

 

CỤC TRƯỞNG CỤC DI SẢN VĂN HÓA (BỘ VH-TT-DL) LÊ THỊ THU HIỀN: Hỗ trợ đầu tư tôn tạo, bảo vệ các di tích quốc gia

 

Trong thời gian vừa qua, UBND tỉnh Phú Yên và Bộ VH-TT-DL cũng như các phòng chuyên môn, đơn vị chức năng của Sở VH-TT-DL Phú Yên, Cục DSVH đã phối hợp với nhau rất chặt chẽ và đạt được một số kết quả quan trọng. Tuy nhiên, công tác bảo tồn và phát huy DSVH vẫn còn tồn tại một số khó khăn.

 

Chúng tôi đề nghị UBND tỉnh Phú Yên và các cơ quan chức năng cần tập trung: Xây dựng các đề án, dự án nhằm bảo tồn, tôn tạo các di tích để phát huy các DSVH theo nội dung Công ước bảo vệ văn hóa phi vật thể mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết với UNESCO vào năm 2003. Bổ sung các báo cáo kiểm kê di sản phi vật thể, từ đó xây dựng, lập hồ sơ khoa học DSVH phi vật thể đề nghị xét tặng danh hiệu DSVH phi vật thể quốc gia.

 

Các cơ quan chức năng tạo điều kiện cho Bảo tàng tỉnh phối hợp với các bảo tàng trong hệ thống quản lý bảo tàng Việt Nam, nhất là hoạt động chuyên môn, phù hợp với chức năng nhiệm vụ, đổi mới các nội dung, hình thức trình bày...; hỗ trợ cho các nghệ nhân có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn theo Nghị định 109 của Chính phủ.

 

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015 và Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa giai đoạn 2016-2020, Bộ VH-TT-DL đã hỗ trợ cho tỉnh Phú Yên gần 21 tỉ đồng từ nguồn kinh phí đầu tư phát triển và gần 13 tỉ đồng từ nguồn ngân sách sự nghiệp để tôn tạo di tích đã được xếp hạng. Trong thời gian cuối của Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa, chúng tôi sẽ tiếp tục xem xét, đề nghị Bộ VH-TT-DL hỗ trợ một phần kinh phí sự nghiệp để tôn tạo, bảo vệ di tích xếp hạng quốc gia trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần xem xét ngân sách địa phương, huy động kinh phí từ xã hội hóa nhằm góp phần bảo vệ, phát huy giá trị di tích cũng như thúc đẩy kinh tế - xã hội toàn tỉnh.

 

THIÊN LÝ (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek