Thứ Hai, 07/10/2024 21:29 CH
Chiều xuống Vũng La – truyện ngắn của MẠNH HOÀI NAM
Chủ Nhật, 26/05/2019 06:00 SA

Sáng sớm, Tư lắc thúng nhựa từ ngoài biển Vũng La vào bờ rồi đến chỗ xe đông lạnh mua thức ăn cho tôm hùm. Mua xong, Tư đổ cá ra tấm bạt ngồi sơ chế mồi cho tôm hùm ăn. Hoa hỏi: Một ngày cho tôm ăn mua bao nhiêu mồi, anh? Mấy bữa nay, ngày nào cũng 3 tạ.

 

Tư chỉ Hoa cách làm cá giã cắt bằng kéo: Cá liệt thì cắt làm hai; cá nục, cá đổng cắt làm ba; còn cá hố cắt làm bốn làm năm. Tôm hùm ăn, thức ăn là đủ loại cá giã. Chịu khó làm vậy tôm mới ăn mạnh, chứ để nguyên con, tôm nhát ăn lắm! Hoa nghe có lý, gật đầu.

 

Vũng La như một “thủ phủ tôm hùm”, bởi có hàng trăm người từ các nơi đến nuôi tôm hùm bằng lồng, bè. Hồi chân ướt chân ráo mới xuống đây làm nghề nuôi tôm hùm mướn, Tư hơi lạ lẫm, sống riết thành quen.

Công việc người nuôi tôm ở Vũng La ngày nào cũng vậy. Chợ bán thức ăn cho tôm hùm là chuyến xe tải đông lạnh. Buổi sáng, xe tải chở cá đến bỏ mối, người mua không lựa mà mua trụm trong gói, mỗi gói mồi đựng trong túi ni lông là 10 ký. Trung bình mỗi lồng nuôi 70 con tôm hùm, ăn mỗi ngày hết 10 ký mồi, nuôi 10 lồng, tôm ăn hết 1 tạ mồi, riêng bè nuôi tôm mà Tư đang coi ngó, nuôi 30 lồng nên mỗi ngày phải 3 tạ. Mua xong xách từng túi thức ăn xuống mép nước bỏ vào rổ nhựa chất lên thúng lắc ra bè cho tôm hùm ăn.

 

Nuôi tôm, tối ngủ lênh đênh ngoài lồng bè toàn đàn ông nên đàn ông ở đây làm “chuyên gia” đi chợ. Tôm hùm nuôi giáp năm mới xuất bán, một năm 12 tháng, ngày nào đàn ông cũng lắc thúng đi chợ mua thức ăn cho tôm. Tôm hùm ăn to vậy nhưng người nuôi nhìn tôm ăn mạnh thì mừng, còn tôm lơ ăn hay bỏ ăn là buồn nẫu ruột, đứng ngồi không yên vì vốn liếng đầu tư lớn, có nguy cơ mất sạch.

 

Tư làm nghề nuôi tôm hùm ở Vũng La gần 5 năm, cứ một tháng có khi là tháng rưỡi về thăm nhà. Còn Hoa lần đầu tiên đi thăm chồng làm ăn xa.

 

Lúc nhỏ, thân hình Tư như con sâu rộm (vùng này sâu róm gọi là sâu rộm). Lớn lên chút nữa đi đâu ai cũng quở: Đàn ông mà nước da bông bí (da vàng như bông bí ngô), lại có cái bớt dán trên mặt (bớt bằng ngón tay nằm ngay trên gò má). Tư làm việc “bữa mốt, bữa hai”. Có lần má Tư bực tức, nạt “Tướng tá thằng này sau này không nên trò trống gì”.

 

Từ ngày xuống Vũng La nuôi tôm mướn, Tư có công giữ của giùm cho nhiều người nuôi tôm quanh vùng.

 

Từ Vũng La đi ngược lên là qua Vũng Chào rồi lên Vũng Mắm, Vũng Dông, Vũng Sứ. Trừ Vũng La ra, các vũng còn lại có đến hàng ngàn người chuyên nuôi tôm hùm, ai nuôi tôm cũng phải sắm thúng nhựa. Ngày nào cũng phải đi chợ bằng thúng. Một ngày cho tôm hùm ăn một lần vào nửa buổi sáng. Khi cho tôm hùm ăn xong lắc thúng nhựa vào bờ, kéo thúng nằm trên bờ một nửa dưới nước một nửa rồi đến quán nhỏ uống nước nghỉ trưa. Từ trưa trở về chiều, gần bờ các vũng hình thành… “xóm thúng”. Hàng trăm thúng nằm ngổn ngang, bề bộn nhưng lại giống nhau màu nước sơn, kích cỡ, kiểu dáng.

 

Biển giã mà, có lúc đột ngột sóng to đánh ập vào lôi “xóm thúng” ra xa, thúng không người lái trôi lênh đênh, có khi thúng ở Vũng La trôi qua vũng Chào, có khi thúng Vũng Dông trôi xuống Vũng Sứ. Người nuôi tôm ra đầm thấy mất thúng thuê chạy ghe đi tìm, thúng giống thúng, có người chận lận, thúng rách của mình không lấy lại lấy thúng lành, đâm ra cãi vã. Tư nghĩ ra cách mua sơn về ghi tên mình bên vành thúng, còn ghi thêm số điện thoại. Nhiều người thấy hay bắt chước làm theo, gọi là gắn “chứng minh thư” trên thúng, như: Dũng Vũng La, điện thoại 098… Hùng Vũng Sứ, điện thoại 0169…

 

Hôm rồi cũng một trận sóng lớn đánh vào bất ngờ, thúng từ Vũng La trôi lạc qua Vũng Chào. Có người đang chạy ghe thấy vậy gom lại dùng dây thừng xỏ xâu rồi kéo vô bờ, sẵn số điện thoại liên hệ từng người đến nhận. Cả “xóm thúng” trôi dạt nhưng không ai mất của, nhiều người biết ơn phong tên Tư thêm cái đuôi dài: Tư “chứng minh thư” (ý nói người đầu tiên nghĩ ra cách, gắn “chứng minh thư” trên thúng).

 

Nhiều người quý Tư, họ trả ơn bằng cách chiều a lô qua bè xã giao chén trà chén rượu. Hôm ngồi nhậu với ông Ba Thiện, lúc ngà ngà ông trút bầu tâm sự.

 

Trước đây, vợ chồng ông sống trong căn nhà lụp xụp. Đêm mưa to, ông lấy thau nhựa hứng nước dột ở phòng khách, cái thau lủng đít hồi nào không hay nên nước chảy tràn khắp nhà. Từ ngày nuôi tôm hùm, người nuôi số lượng lớn thì mỗi năm bỏ túi gần tỉ đồng, Ba Thiện nuôi túc tắc năm rồi cũng kiếm xém trăm triệu. Tích lũy ít năm cất được cặp nhà xây, chỗ phòng khách còn có gác lửng. Đứa con trai lớn năm rồi lập gia đình cất nhà kề bên, Ba Thiện cho đứt nó cái bè nuôi tôm hùm giữa Vũng La để vợ chồng có vốn lo cái “nồi riêng”.

 

Nghe Ba Thiện nói vậy, Tư ước ao sau này có vốn đầu tư nuôi tôm hùm. Hiện tại, tiền tháng làm công nuôi tôm mướn đưa về cho vợ.

 

Từ ngày làm mướn nuôi tôm hùm, Tư được dân biển thương mà người miền núi cũng quý. Lúc rảnh, Tư bắt cá trong lồng tôm (những con cá mú, cá giò chui vào lồng ăn thức ăn của tôm rồi lớn dần) phơi khô, mỗi lần về thăm nhà mang cá khô về quê làm quà ơn nghĩa với xóm làng, vậy nên bà con ở miền núi quý lắm.

 

Trưa, lắc thúng vào bờ, lại chỗ quán nhỏ cất chồm ra biển, ngồi uống nước mía. Tư nhìn xa xăm, nhớ nhà, ước mơ sau này có cặp nhà xây như Ba Thiện kể.

 

Hai hôm sau Tư tranh thủ về thăm nhà. Không thấy Hoa đâu, lân la qua mấy nhà người quen tặng cá khô, thấy Tư ai cũng mừng rỡ thăm hỏi rồi nói giọng buồn buồn. Người thì nói, “Có tiền vợ Tư ở nhà thay da đổi thịt sướng quá sanh lung, sơn móng tay móng chân”. Người thì thủ thỉ, “Hoa chê Tư “nước da bông bí”, không có con nên cặp với mấy ông buôn bò đi uống cà phê”... Tư nghe nhẫy tai.

 

Tư buồn bã trở lại Vũng La. Từ hôm đó tháng này qua năm khác Tư không về quê. Ba năm rồi Tư chưa rời khỏi Vũng La. Nhiều người biết chuyện gia đình động viên, chia sẻ. Có người không biết thắc mắc hỏi, sao lâu không thấy Tư lên bờ về trên núi. Tư cười sảng khoái, nói: “Tôi là người miền núi nhưng dân biển!”.

Ba năm nuôi tôm mướn, Tư dành dụm tiền đầu tư nuôi tôm hùm. Tư sắm lồng bè rồi cất trên bè cái chòi đóng rui mè phủ tấm bạt có chỗ chui ra chui vào nuôi tôm. Ngay cạnh cửa chui ra chui vào, Tư đặt cái kệ - là nơi để xoong nồi và đối diện là cái sạp nằm ngủ.

 

Chòi của ông Ba Thiện nằm chếch về hướng phía mé đầm nhìn “sang” hơn, lai ra phía trước mấy tấm tôn, để bộ bình chén tiếp khách nuôi tôm. Nơi đây Tư với ông Ba Thiện ngồi lai rai chén trà, chén rượu. Hơn 60 tuổi, người ông Ba Thiện còn chắc nụi, đô rượu ngang ngửa với Tư.

 

So với cách bờ thì bè Tư xa hơn nên mỗi lần lắc thúng vào bờ mua thức ăn cho tôm hùm, lúc ngang qua bè Ba Thiện, Tư ghé vào rủ, cả hai lắc thúng vào bờ.

 

Bữa đó sáng bẹt rồi không thấy Tư lắc thúng chai đi qua, Ba Thiện lắc thúng ra bè Tư thì nghe tiếng phụ nữ, ông nghĩ vợ Tư từ trên núi xuống nối lại tình xưa. Ba Thiện quay lại bờ đi chợ. Tư lục đục nửa tiếng sau mới đến.

 

Mấy ngày sau, người nuôi tôm hùm thường thấy Muội đến phụ Tư làm mồi cho tôm. Người trong xóm Vũng La biết chuyện Tư có tình cảm với Muội thì nhiều người đứng về phía Muội. Có người nói, đàn ông mà có cái bớt “làm nghèo” gương mặt, cái bớt đó sau này làm khổ con Muội.

 

Có người đang ngồi nhậu thì ghé tai nói nhỏ: “Con Muội thiệt thà quá, thương Tư ở chỗ thui thủi một mình”. Người kia cắt ngang: “Tôi thấy mỗi lần Tư buồn, Muội tìm cách chọc cho Tư cười, Tư cũng cười nhưng miệng méo xẹo. Cười tươi gì được khi nghĩ về vợ nó”. Người khác nói ra: “Gặp Muội nói nó tránh xa, coi chừng thêm một lần yêu đương bồng bột nữa”.

 

Trong xóm chỉ có ông Ba Thiện nói vào: “Kệ, lỡ rồi làm sao. Lành làm thúng, rách làm mủng”. Xóm này không ai biết “chuyện từ một đêm”, Muội đã ra bè nuôi tôm với Tư, chỉ có ông Ba Thiện.

 

Sinh ra ở xóm Vũng La, hồi nhỏ Muội ăn mặc lùi xùi, khi biết sửa soạn, Muội đem lòng yêu một anh tài xế lái xe đông lạnh chở cá giã cào bán làm thức ăn cho tôm hùm. Khi Muội có bầu, tài xế không chạy xe đến đây nữa, trốn mất biệt. Sinh con xong, ở chung với ba mẹ hai năm, Muội cất nhà riêng chỗ quẹo đầu khúc cua, nhà lợp nửa rạ nửa tôn, hai mẹ con sống nheo nhóc.

 

Hai má con Muội mỗi lần ăn nấu trong cái nồi lon gạo. Hôm rồi, Muội mua thêm cái xoong trung nấu hai lon, định vài bữa nữa Muội nói với Tư, trưa chiều anh làm siêng lắc thúng vô bờ, em nấu cơm cho anh ăn.

Mỗi năm lượng người nuôi tôm càng nhiều nên thúng “xúm” lại ven bờ chen chúc hơn. Do nuôi dày, ô nhiễm, tôm hùm bị dịch bệnh tràn lan, ở Vũng La 100 bè nuôi tôm sau hơn một tháng thì 99 bè tôm chết sạch. Còn bè Tư dây dưa chưa được năm ngày sau, tôm ngắc ngư trồi đầu lên tiếp.

 

Tôm lơ ăn, Tư đi chợ mua nửa tạ cá thức ăn cũng thừa mứa. Tôm bỏ ăn, Tư buồn nhịn đói theo luôn. Sau đợt tôm chết đến mùa mưa bão, biển động, người nuôi tôm mạnh ai nấy mạnh, tứ tản về nhà. Tư rời Vũng La, đi không một lời từ giã.

 

Muội chờ một tháng không thấy Tư trở lại, cái xoong trung mua hôm rồi chưa dính lọ nồi. Muội tính đem xoong trung ra đập cho méo mó rồi quăng đi nhưng trong đầu nghĩ, rủi Tư quay lại thì lấy xoong đâu nấu cơm? Muội nhớ nước da bông bí, nhớ nhất cái bớt trên mặt Tư… Thấy Muội buồn, ông Ba Thiện an ủi, “Nó có tưởng thì về thăm xóm lênh đênh này, không thì thôi”.

 

Nghề nuôi tôm hùm cũng có năm trúng, năm trật. Hết mùa mưa bão, người nuôi tôm vào vụ nuôi mới. Ngoài mép nước “xóm thúng” lại xô nhau. Riêng chỗ quẹo đầu khúc cua, từ ngày này qua tháng nọ, có cái thúng đơn chiếc nằm úp “chết đuối” trên bờ. Có người tò mò lại gần đọc dòng chữ trên vành thúng: Tư “chứng minh thư”, điện thoại 0169… Muội nhiều lần gọi số điện thoại ghi trên vành thúng, nhưng không có người nghe máy.

 

Từ ngày Tư rời khỏi Vũng La, chiều, ông Ba Thiện chế bình trà ngồi uống một mình. Buồn, ông chỉ uống nửa bình, hôm sau ông uống nửa bình nước trà thiu còn lại, bỏ uổng.

 

Chờ mãi không thấy Tư trở lại Vũng La, Muội và ông Ba Thiện cùng có chung tâm trạng: Chiều xuống Vũng La… buồn quá.

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek