Thứ Ba, 08/10/2024 18:50 CH
Xênh xang áo mới xuân xưa
Thứ Năm, 31/01/2019 07:00 SA

Tháng 12 Dương lịch chuyển nối tháng Chạp trong tiết trời lành lạnh, mưa gieo cải gieo ngò làm lòng người như mềm ra. Chút lạnh, chút mưa đã làm sự lãng mạn đang nằm im trong người như đâm chồi nảy lộc. Lúc này hình như ai cũng bận rộn hơn và yêu đời hơn. Mình bỗng nhớ những lời thơ của Nguyên Sa: “Chào tháng Chạp, hôm nào thì đến Tết?/ Em mặc áo xanh hay mặc áo thêu hồng/ Bầu trời mây ở dưới áng mi cong/ Em có muốn anh giữ giùm phân nửa?...”. Bài thơ đã nói hộ ta bao điều…

 

Minh họa: HƯNG DŨNG

 

Mấy hôm nay qua phố, ta và người đi dưới màn mưa bụi, như sương chạm vào tóc, vào má, lấm tấm trên vai. Cái tấm voan như sương mù ấy đã rủ rê nhiều người ra khỏi nhà, tìm sự thi vị trong từng bước chân trên phố như du xuân sớm. Kìa, những đầm, váy, quần là áo lụa. Trong ta chợt hiện lên một miền ký ức. Ta yêu ngày xưa “Chí cha chí chát khua giày dép/ Đen thủi, đen thui cũng lượt là” (thơ Trần Tế Xương). Đặc biệt, mùi thơm quần áo tết vấn vương mình cho đến bây giờ.

 

Hồi ấy, đầu những năm 1960, mình 7, 8 tuổi và biết đòi mẹ sắm đồ tết. Chỉ đòi thôi, còn mẹ sắm gì mình mặc nấy. Có cái tết, mẹ sắm cho cậu con trai... quần Mỹ A đen bóng, áo vải si-ta nhuộm chàm. Lớn lên mình có hỏi mẹ, nhưng đến giờ mẹ chưa giải thích. Có lẽ mẹ muốn con gái đầu lòng chăng?.. Có đồ tết, lòng mình vui như mở hội, mặc đồ vào là chạy ngay khoe với xóm giềng, so đọ với bạn bè trang lứa rồi cuốn vào cái Tết thần tiên tuổi nhỏ. Mình nhớ, một buổi tối cha mẹ gọi, giao việc. Mẹ nói: “Mai cha chở mẹ đi chợ phiên sắm tết, giờ là đầu tháng Chạp rồi, phải tranh thủ đi mua sắm sớm chớ mai mốt gần Tết đồ đạc sẽ lên giá. Gà gáy là cha mẹ dậy đi rồi, sáng mai con lo cho mấy đứa em, bắt sâu trên hàng bông vạn thọ xong rồi nhớ tưới nước mấy rò rau, líp cải để kịp cho mùa Tết nghen!”. Tối nằm lẩm nhẩm nhớ những lời mẹ dặn, mai mình khổ rồi đây, nhưng rồi nghĩ mai mẹ về, mình có đồ tết, lòng vui sướng và ngủ lúc nào không hay. Trong mơ thấy cha đạp xe đạp chở mình đi chơi, mình mặc đồ tết thơm tho mùi vải mới. Cha đạp xe qua cầu 21 nhịp có tàu lửa cùng chạy chung rồi xem hội bài chòi, chơi lô tô, xem bầu cua cá cọp. Những mơ ước trong mùa Tết luôn thường trực trong lòng mình…

 

Ngày Tết chờ mọi người ở cuối con đường thời gian xuân - hạ - thu - đông. Một năm vất vả đầu tắt mặt tối mưu sinh, nhưng tháng Chạp về là nhà nào cũng rộn ràng cho Tết. Trong việc chuẩn bị ấy, dù nhà nghèo cũng ráng sắm bộ đồ tết cho con, cho mỗi người trong gia đình. Ai cũng nghĩ: Cả một năm lam lũ, giờ đến ba ngày Tết phải sắm đồ mới cho cả nhà vui. Và họ tin rằng năm mới, mặc đồ mới sẽ được may mắn cả năm. Lúc ấy không có đồ may sẵn như bây giờ, nên việc sắm đồ tết gồm nhiều “công đoạn” mà tụi nhỏ như mình thích thú, bắt đầu từ lúc mang vải đến nhà thợ may, đo kích thước rộng, dài… Về nhà, tụi nhỏ tính từng ngày, niềm vui lớn dần theo thời gian hẹn. Đồ tết hồi nhỏ của mình là bộ quần áo may bằng vải ta, vải tám thơm mùi thuốc nhuộm, mặc vào là nghĩ ngay đến vườn bông vải nở trắng nhà ngoại, nghĩ đến công đoạn bắn bông kéo vải, nhớ dáng mẹ ngồi bên khung cửi thoăn thoắt thoi đưa. Lớn một chút, mình có áo trắng popelin quần short kaki; còn em gái thì quần Mỹ A đen láng, áo màu bông xanh bông trắng. Mẹ luôn nói không để các con thua kém các bạn cùng trang lứa trong xóm. Rồi tuổi 12 đến, cái tuổi cúng ông Táo và “xác định” rằng mình có chút lớn khôn nên cha mẹ cũng ráng lo cho mình quần áo đẹp hơn. Sáng mùng 1, mình nghĩ thầm, với bộ đồ in-phăng thẳng thớm trên người, mẹ vừa ũi, áo nổi li như nếp gấp tờ giấy, mình sẽ hãnh diện khoe với bạn bè… Nhưng không hẹn mà gặp, bạn nào đồ cũng đẹp, cả nhóm háo hức rủ nhau đi chơi dù đường bụi mù sau những chiếc xe quân sự thời chiến.

 

Tuổi trăng rằm, mấy bạn nữ mặc áo lụa, áo phin, quần sa-tanh tôn dáng người, gió xuân hây hẩy; còn bọn con trai mình thì quần Âu, áo sơ mi xoa Pháp, ra dáng thanh niên. Mình nhớ dáng mẹ, dáng bà thanh tao trong bộ săn đầm, mang guốc mộc; còn ông trang nghiêm với khăn đóng, quần lãnh, áo the; cha thì mặc áo bà ba “muôn thuở”, có chăng thay màu đen hàng ngày bằng màu trắng pa-tít và bộ pyjama màu ruốc viền tay, viền túi trong mấy ngày Tết. Những năm đầu của thập kỷ 1970, có lần cả lớp mình rủ rê chơi tết, con trai mặc quần ống loe hippy, bọn con gái áo dài xoa, tà ngắn cũn ngang gối… Lúc này quần áo tết muôn màu muôn sắc, các loại sẹc, loại xoa, siêu sô, siêu cát…, các kiểu quần áo mới tràn ngập. Trên những đường phố lớn của thị xã có nhiều hiệu vải, có cả hiệu vải của anh Chà - và Ấn Độ. Còn thợ may thì hồi ấy nhiều lắm, từ các cô thợ may đầy khách ở làng quê đến những hiệu may tân thời, nổi tiếng ở phố.

 

Rồi đất nước có bước ngoặt lịch sử. Tết 1976 đến trong niềm vui hòa bình thống nhất, song cuộc sống đầy khó khăn. Rồi cuộc sống khá dần lên, cái ăn cái mặc ngày Tết càng được chăm chút hơn, muôn sắc muôn màu; thời trang hưng thịnh.

 

Người ạ! Ta và người đi trong ngưỡng cửa mùa xuân. Chiều nay, nhìn bao chàng trai cô gái vui tươi dạo phố, bất giác ta ngẩn ngơ, nhớ đến nao lòng những mùa áo mới ngày còn nhỏ dại. Tuổi thơ đã xa nhưng mùi thơm vải mới cùng với mùi bánh thuẫn, mùi cốm, mùi rau, mùi hương của các loại hoa… đã tạo ra mùi tết đặc trưng trong không gian xuân, in sâu vào ký ức. Ta cũng nhớ mãi cho đến bây giờ, cứ sau mùng 7 hạ nêu, là ta lại nhẩm tính còn gần 12 tháng nữa mới đến Tết. Lại rộn ràng với áo tết xênh xang! Đâu đây câu thơ Nguyễn Bính phảng phất bay trong hồn người “Đây cả mùa xuân đã đến rồi/ Từng nhà mở cửa đón xuân vui/ Từng cô em bé so màu áo/ Đôi má hồng lên, nhí nhảnh cười”…

 

Nhớ lắm áo mới xuân xưa!

 

CAO HỮU NHẠC

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek