Bạo lực gia đình là nguyên nhân chủ yếu gây ra những tổn thương nghiêm trọng về thể chất, tinh thần của các thành viên trong gia đình, tác động xấu đến đời sống cá nhân, gia đình và xã hội. Chính vì vậy, để xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, rất cần sự chung tay của các cấp, ngành và toàn xã hội.
Thực trạng đáng báo động
Bạo lực gia đình gây ra những hậu quả trực tiếp về thể chất (sức khỏe, tính mạng), tinh thần và kinh tế gia đình, ngoài ra còn gây hậu quả gián tiếp về mặt kinh tế - xã hội. Bạo lực gia đình làm xói mòn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, làm tan vỡ hạnh phúc gia đình dẫn đến tình trạng ly hôn, ly thân ngày càng nhiều. Từ đó kéo theo hàng loạt vấn đề tiêu cực nảy sinh trong gia đình như: rượu chè, cờ bạc, ma túy, mại dâm và tác động xấu đến môi trường giáo dục thế hệ trẻ; ảnh hưởng xấu đến sự phát triển và hình thành nhân cách của thanh niên.
Bà Phạm Thị Tuyết Sương, Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Hòa Hiệp Trung (huyện Đông Hòa) chia sẻ: “Quan niệm gia trưởng của người chồng là một trong những nguyên nhân chính gây ra các hành vi bạo lực gia đình; các thói quen nghiện rượu, chất gây nghiện và cờ bạc không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế mà còn gây áp lực nặng nề về mặt tâm lý, tình cảm, dễ nảy sinh bạo lực gia đình; tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình, cuộc sống vợ chồng thiếu thủy chung cũng là nguyên nhân thường gây ra bạo lực gia đình.
Hơn nữa, sự che giấu hành vi bạo lực gia đình của nạn nhân vì sợ xấu hổ với người thân và làng xóm; việc giữ thể diện và hạnh phúc giả tạo của gia đình khiến nhiều nạn nhân bạo lực gia đình cam chịu, không dám tìm đến sự giúp đỡ từ bên ngoài đã tạo điều kiện cho nạn bạo lực gia đình tồn tại.
Tại Việt Nam, việc bảo đảm bình đẳng giới thực chất giữa nam và nữ đang gặp nhiều thách thức. Riêng ở Phú Yên, từ năm 2008 đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra hơn 2.200 vụ bạo lực gia đình; trong đó, năm 2017 đã xảy ra 238 vụ bạo lực gia đình, 9 vụ xâm hại tình dục trẻ em. Đáng chú ý, thực trạng trẻ em bị xâm hại đang trở thành vấn đề xã hội nhức nhối hiện nay. Trước đây, trẻ bị xâm hại thường ở độ tuổi từ 13-18 thì nay xuất hiện nhiều vụ việc ở lứa tuổi từ 5-13.
Bà Trần Thị Binh, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết, công tác triển khai thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình ở một số nơi, nhất là cơ sở còn hạn chế, chưa thường xuyên. Kiến thức về luật pháp và kỹ năng tuyên truyền của cán bộ Hội còn hạn chế.
Cấp ủy, lãnh đạo các cấp và người dân chưa nhận thức đầy đủ về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và những hậu quả nghiêm trọng của hành vi bạo lực gia đình, còn có quan niệm coi bạo lực gia đình là “chuyện riêng của mỗi nhà”. Vì vậy, công tác phòng, chống bạo lực gia đình chưa thực sự được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát và tổ chức thực hiện đồng bộ nên hiệu quả chưa cao.
Lan tỏa thông điệp xóa bỏ bạo lực
Để góp phần chung tay xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, UBND tỉnh vừa phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới diễn ra từ ngày 15/11-15/12 với chủ đề “Chung tay xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái”.
Năm 2018 là năm thứ ba triển khai Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới tại Việt Nam nhằm huy động sự tham gia, vào cuộc một cách đồng bộ, tích cực và mạnh mẽ của chính quyền các cấp, các cơ quan, tổ chức trong cộng đồng, đặc biệt là nam giới trong việc thực hiện bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em.
Cùng với đó là sự lên tiếng của các nạn nhân bị bạo lực, xâm hại, cách giải quyết, bảo vệ nạn nhân hiệu quả của các cấp chính quyền, đoàn thể sau khi họ dám tố cáo.
Bà Nguyễn Thị Hồng Thái, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Phú Yên, cho biết: “Tỉnh đã thành lập được 275 CLB Gia đình phát triển bền vững tại 73 đơn vị xã, phường, thị trấn triển khai mô hình; 35 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình tại 6 xã. Thông qua các CLB Gia đình phát triển bền vững và các nhóm phòng chống bạo lực, nhận thức của chị em đã thay đổi góp phần giảm dần định kiến giới trong gia đình”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Đình Phùng đánh giá: Bạo lực gia đình không chỉ gây tổn hại nặng nề đến tinh thần, thể chất của nạn nhân mà còn ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của gia đình và để lại hệ lụy cho xã hội. Vì vậy cần đưa ra các giải pháp không chỉ để đẩy lùi bạo lực gia đình, mà còn phải tiến tới xóa bỏ bất bình đẳng giới. Đây là một trong những mục tiêu phấn đấu của các quốc gia trên thế giới nhằm hướng đến một xã hội tiến bộ, bình đẳng và phát triển bền vững.
Thời gian tới, Phú Yên sẽ tiếp tục kiện toàn, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác này thông qua việc đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ và bố trí cán bộ chuyên trách ở một số vị trí; tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức về giới và bình đẳng giới. Đặc biệt, bản thân người phụ nữ cũng cần có kiến thức cũng như kỹ năng phòng tránh. Mỗi phụ nữ hãy tự bảo vệ mình và các con trước khi có sự trợ giúp từ các đoàn thể xã hội.
“Các sở, ban ngành, hội đoàn thể tỉnh và các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình nhằm xóa bỏ tư tưởng trọng nam khinh nữ trong các gia đình, dòng họ. Đặc biệt là chủ hộ gia đình, trưởng họ tộc ký cam kết về xây dựng gia đình văn hóa, dòng họ văn hóa và xem đây là một tiêu chuẩn để đánh giá gia đình văn hóa”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Đình Phùng |
THIÊN LÝ