Thứ Tư, 09/10/2024 07:29 SA
Nhớ tiếng trống trường
Thứ Hai, 29/10/2018 07:00 SA

Nhớ ngày trước đi học, chiếc trống trường là hình ảnh quen thuộc đối với học sinh chúng tôi và cả thầy cô. Dù nó chỉ là một vật vô tri vô giác bằng gỗ, nhưng có một sức mạnh ghê gớm. Đó là một hiệu lệnh mà bất cứ học sinh nào cũng phải tuân thủ mỗi khi bước vào trường.

 

Chiếc trống trường đặt ở trung tâm (thường ở phòng ban giám hiệu), nơi tất cả học sinh, thầy cô, kể cả bà bán nước bên góc trường cũng có thể nghe thấy. Nó được đánh lên bởi bác bảo vệ già. Đó là những người cựu chiến binh, thương binh, cả đời cống hiến cho Tổ quốc. Giờ về già, ở nhà mãi cũng chán nên xin một chân bảo vệ gác cổng trường kiêm đánh trống. Thỉnh thoảng, lúc bác bảo vệ bận rộn, đoàn viên, đội sao đỏ..., cứ hễ đúng tiết là đánh trống để giục học sinh vào lớp.

 

Chúng tôi yêu thích tiếng trống trường giục giã nhưng cũng rất sợ cái âm thanh “tùng tùng tùng...” ấy. Bởi những ngày đi học muộn, đi bộ từ xa nghe tiếng trống trường là ba chân bốn cẳng chạy vào cổng vì sợ bác bảo vệ đóng cửa hoặc sợ thầy cô đánh giá hạnh kiểm vào sổ đầu bài. Cũng đôi khi, lũ con trai chúng tôi nghịch ngợm, lén leo tường ra ngoài để mua quà vặt, thuê truyện... Đến lúc mải mê cuộc chơi, nghe trống vang lên là vội giành chỗ leo vào lớp sớm. Có đứa vì quá vội vàng đầu lộn nhào xuống đất vấy bẩn trông như cái bang.

 

Ngày đó, học sinh rất nghèo, làm gì có đồng hồ để đeo tay. Đứa nào gia đình khá giả mới được ba mẹ mua cho chiếc đồng hồ Casio thanh lịch. Vì vậy, trống trường mặc nhiên như dụng cụ báo thời gian hiệu quả. Chẳng cần xem xét giờ giấc, chỉ nghe tiếng trống trường điểm là vội vàng vào lớp ngay. Tuy vậy, suốt ba tháng hè, trống rảnh rang, nằm im thin thít. Bác bảo vệ buồn, thầy cô buồn mà học trò cũng có vui đâu. Bởi thế dù nghỉ hè nhưng thỉnh thoảng chúng tôi vẫn vào thăm trường, nghịch ngợm đánh vào mặt trống cho đỡ nhớ lớp, nhớ bạn bè. Bác bảo vệ thường ngày khó tính nhưng lúc này đây bác cũng muốn nghe âm thanh “tùng tùng tùng” nên phớt lờ cho chúng tôi phá phách giây lát. Khi bước sang trường mới, dù nơi ấy vẫn có trống trường nhưng có lẽ chúng tôi chưa quen với âm thanh mới nên cảm thấy vô vị khó nghe.

 

Bây giờ hiện đại nhiều rồi. Trường học thay trống trường bằng chuông điện cho tiện. Thậm chí có thầy giáo còn chế tạo ra cái trống robot được lập trình sẵn để đỡ tốn tiền thuê người đánh trống cũng như tính toán đúng thời gian. Người cầm dùi vì thế thất nghiệp. Âm thanh chộn rộn, văng vẳng của tiếng trống trường bây giờ chỉ có thể tìm được ở những ngôi trường vùng sâu, vùng xa. Những lần về thăm trường cũ, nghe tiếng chuông reo, thấy thương tiếng trống trường, thương bác bảo vệ năm xưa biết dường nào. Chợt nhớ đến bài thơ “Cái trống trường em” của nhà thơ Thanh Hào hồi học lớp hai sao thấy lòng da diết quá:

 

“Buồn không hả trống

Trong những ngày hè

Bọn mình đi vắng

Chỉ còn tiếng ve?...”.

 

HOÀNG DUY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek