Thứ Năm, 10/10/2024 03:22 SA
Tháng năm thơm ngọt mùa đào
Chủ Nhật, 13/05/2018 11:00 SA

Không biết cây đào lộn hột (còn gọi là cây điều) ở quê tôi có từ lúc nào, nhưng khi học lớp bốn trường làng vào độ mùa đào lộn hột chín rộ thì tôi và những đứa bạn cùng lứa tuổi đã biết vắt vẻo trên những cành đào sau nhà để hái quả ăn và lượm hột đào, nhóm lá đào khô để lùi lấy nhân hạt đào ăn...

 

Quê tôi là vùng đất cát ở làng Tân Hòa xưa (nay là phường Phú Thạnh, TP Tuy Hòa), hầu như phía sau nhà ai ai cũng trồng loại cây đào lộn hột. Có lẽ nó là loại cây dễ trồng, dễ sống, không tốn công chăm sóc, đặc biệt là hợp với vùng đất cát chịu nắng hạn. Tuy là vùng đất cát nhưng khi đến mùa hè trời nắng chang chang, khu vườn đào nhà tôi cũng như bao nhà khác đều rợp mát bởi những tán lá đào tỏa rộng.

 

Sau Tết là cây đào đâm chồi hoa, trời càng nắng gắt thì hoa đào càng nở rộ, kết trái càng nhiều. Thường lệ vào đầu tháng năm, khi học sinh bắt đầu kết thúc năm học để nghỉ hè cũng là lúc trái đào lộn hột bắt đầu rộ chín.

 

Trong các loại cây ăn quả, chỉ có cây đào là một “thế giới riêng” vì hạt của nó lộ ra ngoài trái. Chợt nhớ ngày xưa theo chân bà ngoại ra vườn khều (hái) đào, tôi hỏi: “ Ngoại ơi sao gọi là đào lộn hột?”. Bà tôi kể rằng: Ngày xưa hột đào nằm bên trong trái, nó muốn ra ngoài để xem cuộc sống vui nhộn của con người. Lúc đó có nàng tiên đi qua cây đào và dừng lại nghỉ chân, hột đào từ trong trái nài xin: “Nàng tiên ơi, xin cho con ra khỏi trái đào này để con được thấy cảnh trần gian”. Nàng tiên động lòng liền đụng vào trái đào và lập tức hột đào lộn ra ngoài. Lần đầu tiên được nhìn thế giới bên ngoài, hột đào sung sướng kêu lên: “Ôi, thế gian đẹp quá!”. Chiều trời trở gió lốc, mưa rơi tầm tã, hột đào ướt đẫm, run sợ và thầm nghĩ: “Trước kia, khi còn ở trong trái đào, dù đen tối, nhưng ít ra còn ấm áp. Bấy giờ hột đào giật mình tìm nàng tiên để xin cho được trở lại trong lòng trái đào ấm cúng nhưng quá muộn, nàng tiên đã rời đi từ lúc nào... Và từ đó, trái đào mang tên là “đào lộn hột”.

 

Giống đào lộn hột khi ra trái có hai loại, loại màu vàng gọi là đào nếp và màu đỏ gọi là đào tẻ. Đào nếp ăn nhiều nước, ngọt có vị thanh còn đào tẻ ít nước, khi ăn hơi gắt ở cổ họng. Những ngày hè thời học cấp hai, tôi hay rủ nhóm bạn ở thị trấn Phú Lâm về nhà ăn đào. Mẹ tôi căn dặn: “Cứ hái ăn thoải mái nhưng phải nhớ, mang trái đào vào vòi nước rửa sạch, tránh để mủ dính vào quần áo. Cũng đừng ăn nhiều quá, vì sẽ bị tưa miệng và xót bụng. Còn muốn hái mang đi bao nhiêu cũng được, chỉ cần bỏ hột đào lại”.

 

Tôi ra dáng “ông chủ vườn” hướng dẫn cho nhóm bạn chọn trái đào chín mọng - rửa sạch, rồi cầm từ cái hột, ghé răng cắn nhẹ vào phần thịt của trái đào để hút phần nước ngọt bên trong. Cứ từ từ mút phần nước chứ đừng vội nhai, vì thịt trái đào chỉ toàn là xơ, thích thì mút hết, không thì chừng hai phần ba trái thì bỏ, ăn trái khác… Tan cuộc ra về, nhóm bạn lấy thêm mỗi đứa vài trái để về ngửi mùi thơm. Sau này gặp lại, mấy đứa bạn khẳng định, ăn đào ở nhà tôi trong buổi trưa nắng thật đã khát và nhiều kỷ niệm tuổi thơ...

 

Chiều nay ngồi dưới gốc cây đào lộn hột sau vườn, với tay hái mấy trái đào chín để ăn, mùi hương thơm, vị thanh ngọt xen lẫn chát chát quen thuộc đã từng bỗng nhớ về một thời tuổi thơ đong đầy nơi làng cát, nơi vườn đào quê tôi...

 

Tháng năm, mùa đào lộn hột vừa mới bắt đầu!

 

HOÀNG HÀ THẾ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek