Thứ Năm, 10/10/2024 09:24 SA
Học tập suốt đời các sự kiện lịch sử
Chủ Nhật, 01/04/2018 14:00 CH

Đội Tự hào thuyết trình món cơm vắt muối mè trong phần thi tái hiện lịch sử qua món ăn - Ảnh: THIÊN LÝ

Đến Bảo tàng tỉnh, nghe nhân chứng kể chuyện về chiến thắng lịch sử Đường 5, vẽ tranh và thuyết trình “Tự hào chiến thắng Đường 5”, làm cơm vắt muối mè và hát dân ca bài chòi... là những hoạt động thú vị do Sở VH-TT-DL tổ chức nhân kỷ niệm 43 năm Ngày giải phóng tỉnh Phú Yên (1/4/1975-1/4/2018). Qua đó giáo dục các bạn trẻ về truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm trong việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 

Chứng nhân chiến tranh kể chuyện

 

Giữa không gian trưng bày các hiện vật lịch sử tại Bảo tàng tỉnh, đại tá Trần Văn Mười, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ CHQS Phú Yên, kể cho con cháu câu chuyện chiến đấu của mình và đồng đội. Trên gương mặt đã nhiều nếp nhăn nhưng đầy hào sảng, đại tá Mười xúc động nhớ lại chiến thắng Đường 5, trận quyết chiến tiếp sau trận then chốt Buôn Ma Thuột. Nở nụ cười hiền hậu, ông hỏi: “Các cháu có biết đường 5, đường 7 nay là đường nào không?”. Rồi ông vừa kể vừa giải thích cho các học sinh hiểu rõ hơn về những quyết định mang tính lịch sử của quân ta trong chiến thắng Đường 5.

 

Được gặp trực tiếp một “nhân chứng sống” của lịch sử, khoảng cách thế hệ dường như rút ngắn, mỗi lời kể của đại tá Trần Văn Mười là một thông tin bổ ích giúp học sinh tiếp thu nhiều kiến thức quý báu về lịch sử một cách trực quan sinh động nhất. Ánh mắt khâm phục hiện trên khuôn mặt của những học sinh chăm chú lắng nghe câu chuyện. Em Phạm Trần Hoàng My, lớp 9A, Trường THCS Trần Quốc Toản (TP Tuy Hòa), bộc bạch: “Câu chuyện lịch sử qua lời kể của bác đại tá Trần Văn Mười không còn khô khan và cứng nhắc, mà nó trở nên hấp dẫn, thú vị hơn bao giờ hết. Có lẽ, sau buổi học đặc biệt này, em và nhiều bạn ở đây sẽ cảm thấy yêu thích, dành nhiều thời gian hơn cho môn Lịch sử...”.

 

Không chỉ được gặp người thật việc thật, gần 500 đoàn viên thanh niên đến từ các trường THCS Nguyễn Du, Lý Tự Trọng, Trần Quốc Toản, Nguyễn Văn Trỗi, Trường THPT Nguyễn Huệ và Trung tâm Huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ Công an Phú Yên... còn được hòa mình vào những hoạt động tái hiện lịch sử kháng chiến qua phần thi vẽ tranh, thuyết trình “Tự hào chiến thắng Đường 5”; làm cơm vắt muối mè; hát dân ca bài chòi... Các thành viên được chia làm 3 đội với các tên đội: Tự hào, Chiến thắng và Đường 5. Giống như tên gọi của các đội, bằng kiến thức và nhiệt huyết của mình, các đội đã xuất sắc vượt qua 3 phần thi trong không khí vui vẻ.

 

Những màn biểu diễn của các nghệ sĩ không chuyên đến từ các đội qua những làn điệu xuân nữ: À ơi tiếng mẹ ru hời/ Con ơi hãy giữ lấy lời mẹ khuyên/ Là người con của Phú Yên/ Đừng quên mảnh đất thiêng liêng của mình trong bài “Đất Phú quê tôi” - một sáng tác mới của nghệ nhân Bình Thảng đã gây nhiều ấn tượng. Nguyễn Phước Hoàng, Tiểu đội 4, Trung đội 2, Trung tâm Huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ Công an Phú Yên chia sẻ: “Đã hát bài chòi một đôi lần nhưng dưới sự hướng dẫn của nghệ nhân Bình Thảng, tôi thấy tự tin hơn khi thể hiện làn điệu xuân nữ”.

 

Còn nghệ nhân Bình Thảng tâm tình: “Bài chòi có giá trị rất đặc biệt trong đời sống tinh thần của người dân miền Trung. Bằng tình yêu bài chòi, tôi hy vọng có thể truyền dạy giúp thế hệ trẻ tiếp tục gìn giữ và phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc”.

 

Giáo dục lòng yêu nước

 

Thay vì ngồi nghe giảng rồi ghi chép theo cách truyền thống, được trực tiếp gặp nhân chứng chiến tranh đã giúp các bạn trẻ, học sinh có thêm những thông tin mới, sinh động, gần gũi bên cạnh những tư liệu tổng quát qua sách, báo. Trận đánh Đường 5 tiếp theo sau trận đánh then chốt Buôn Ma Thuột được tái hiện một cách sinh động và chân thực tại Bảo tàng tỉnh. Đây là trận đánh kết thúc số phận của hơn 2 vạn quân chủ lực ngụy, phá hủy và thu giữ hơn 2.000 xe quân sự các loại. Quân và dân Phú Yên đã viết nên bản hùng ca vang dội, góp phần giải phóng Phú Yên vào ngày 1/4/1975.

 

Đại tá Trần Văn Mười chia sẻ thêm: “Tôi hy vọng sẽ có thêm nhiều buổi giao lưu, tìm hiểu kiến thức lịch sử theo hình thức trực quan, sinh động để giúp các cháu có cơ hội tìm hiểu nhiều hơn về những kiến thức quý báu về lịch sử”.

 

Theo Giám đốc Bảo tàng Phú Yên Lê Thế Vịnh, các hoạt động học tập suốt đời với chủ đề “Tự hào chiến thắng Đường 5” như: nghe nhân chứng kể những câu chuyện về chiến thắng lịch sử Đường 5; vẽ tranh và thuyết trình “Tự hào chiến thắng Đường 5”; tái hiện lịch sử kháng chiến qua phần thi làm cơm vắt muối mè; trải nghiệm cùng di sản văn hóa phi vật thể nhân loại bài chòi qua các sáng tác trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ ở Phú Yên... nhằm giúp thế hệ trẻ hôm nay ôn lại những trang sử hào hùng của tỉnh nhà, tiếp thêm lòng tự hào dân tộc, ý thức được trách nhiệm trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. “Tôi hy vọng rằng, qua các hoạt động bổ ích này, các đoàn viên thanh niên sẽ có cơ hội được hiểu nhiều hơn về lịch sử, văn hóa mảnh đất mà chúng ta đang sống, không ngừng nỗ lực học tập và góp phần xây dựng quê hương, đất nước thêm giàu mạnh”, ông Vịnh nói.

 

THIÊN LÝ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek