Thứ Sáu, 04/10/2024 02:24 SA
Sự xúc động đã làm nên những tác phẩm đoạt giải
Thứ Tư, 26/12/2007 07:02 SA

3 tác giả đoạt giải Cuộc thi viết về đề tài “Đền ơn đáp nghĩa” do Báo Phú Yên phối hợp với Sở Lao động - Thương binh - Xã hội Phú Yên tổ chức, cũng là 3 CTV của báo, đã cho biết như vậy khi nói về những nhân vật trong tác phẩm của họ.

 

Tác giả NGUYỄN VĂN VIỄN, giải nhì với tác phẩm “Đêm cuối cùng của Mẹ”: LÒNG NHÂN ÁI CỦA NHÂN VẬT ĐÃ THÔI THÚC TÔI

 

071226-VIET.jpgTháng 12/1999, tôi theo các anh trong đơn vị về vùng 2, xã An Nghiệp (Tuy An) thăm Mẹ Việt Nam anh hùng Huỳnh Thị Trợ. Ở tuổi 77, mẹ vẫn còn nhanh nhẹn, khỏe mạnh, đôi mắt lấp lánh niềm vui ánh lên những nét tinh nhanh hiếm thấy ở người già. Bởi mẹ đã có anh Đoàn Thắng, một người con nuôi yêu thương còn hơn cả ruột thịt, người đã biến những khát khao, kỳ vọng của mẹ thành hiện thực.

 

Việc anh Đoàn Thắng làm con nuôi của Mẹ Huỳnh Thị Trợ như một câu chuyện cổ tích có hậu. Có nhiều bài viết, thước phim về Thắng làm cho nhiều người khâm phục. Tuy nhiên, vẫn có người còn nghi ngờ, họ không tin Thắng nhận mẹ nuôi vì xuất phát từ một tâm hồn cao thượng, không tính toán thiệt hơn. Ban đầu, tôi cũng không thật sự hiểu vì sao anh nhận làm con nuôi của mẹ, chăm sóc cho mẹ suốt hai năm ròng rã - điều mà không phải ai cũng làm được, nhất là một thanh niên như Thắng. Tuy nhiên, đến lúc chứng kiến tình cảm của Thắng dành cho mẹ trong đêm  cuối cùng của mẹ, tôi mới hiểu hết tất cả. Thắng đã đánh thức lòng nhân ái trong nhiều người, khiến mọi người biết quan tâm nhau hơn. Thắng cũng đã làm cho nhiều người có được niềm tin vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống vốn đầy rẫy những bon chen, tính toán.

Sau đêm chứng kiến những hình ảnh cảm động trước khi Mẹ Việt Nam anh hùng Huỳnh Thị Trợ ra đi mãi mãi, tôi muốn viết về Thắng. Tuy nhiên, phần vì công việc, phần vì bất lực trước ngôn từ không thể diễn tả được những điều cần nói nên cứ lần lữa mãi cho đến khi Báo Phú Yên và Sở Lao động - Thương binh - Xã hội tổ chức cuộc thi “Đền ơn đáp nghĩa”. Tôi chọn viết về một ngày trong gần 800 ngày mà anh Đoàn Thắng đã sống với mẹ như một lời tri ân với những nghĩa cử tốt đẹp của anh đã dành cho mẹ. Tự đáy lòng tôi muốn cảm ơn anh và tôi càng tin hơn rằng tình yêu thương không bao giờ phai nhạt theo năm tháng.

 

Tác giả LÊ BIẾT, giải khuyến khích với tác phẩm “Chuyện về một chiến sĩ đặc công năm xưa”: NGƯỜI THƯƠNG BINH ẤY ĐÃ TIẾP CHO TÔI NIỀM TIN, NGHỊ LỰC

 

071226-biet.jpgTôi tìm đến nơi thương binh Lê Văn Tánh ở là một mô đất nổi giữa đầm Ô Loan, trong một chiếc lều rách với bốn bề gió lộng và mùi tanh nồng của nước đầm giữa những ngày nắng như đổ lửa, mặt đầm cạn đến sát đáy. Điều thôi thúc tôi tìm đến ông bắt đầu từ những câu chuyện của ngư dân xóm Đá, thôn Tân Long xã An Cư (Tuy An) khi nói về ông trong việc đào đá phá đầm. Điều càng kích thích tôi hơn khi nhiều bà con khẳng định như đinh đóng cột: “Ông ấy không tiếp ai và không nói bất cứ điều gì về mình đâu, cháu đừng mất công”. 12 giờ trưa, tôi tìm được người đưa đò và một mình ra đảo. Khi đặt chân lên Gò Đất, sau khi cất tiếng chào lễ phép, hỏi thăm sức khỏe chân tình, ông cứ ngỡ tôi là con cháu của người quen nào ghé thăm. Sau một hồi trò chuyện, ông mới biết tôi là nhà báo muốn tìm hiểu về ông, ông trầm ngâm. Lúc đầu ông còn e dè nhưng sau ông cởi mở dần và kể ra những câu chuyện không đầu không đuôi. Bỗng dưng, ông nghĩ lại và hẹn tôi sẽ gặp lại sau. Ngay ngày hôm sau, tôi vô cùng xúc động khi ông rời đầm, một mình đón xe vào Tuy Hoà thăm gia đình tôi, trên tay là một bì tôm sú do chính đôi bàn tay thương tật chỉ còn hai ngón của mình nuôi để biếu cháu. Những buổi gặp gỡ của hai chú cháu những ngày sau đó, khi thì ở nhà tôi, khi thì ở nhà một người đồng đội ông đã mất mà ông đang hương khói… đã giúp tôi có được tác phẩm: “Chuyện về chiến sĩ đặc công năm xưa”. Chính tấm gương của ông đã tiếp thêm cho tôi niềm tin, nghị lực để công tác tốt hơn. 

 

Tác giả LÊ THANH HỘI, giải khuyến khích với tác phẩm “Nhật ký của một liệt sĩ giải phóng”: CÁI DUYÊN LỚN TRONG NGHỀ NGHIỆP CỦA TÔI

 

071226-hoi1.jpgKhoảng trung tuần tháng 7/2007, thời điểm cả nước đang hướng về kỷ niệm 60 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ, trong quá trình đi tác nghiệp, tôi được nghe một số người dân ở thôn 1, xã Hoà Vinh (Đông Hòa) kể về cuốn nhật ký của một liệt sĩ giải phóng, đang được người anh cất giữ hơn 30 năm qua. Tôi liền tìm đến UBND xã Hoà Vinh gặp anh Nguyễn Hòa, cán bộ thương binh xã hội và được anh đưa đi gặp cụ Trần An, anh ruột của tác giả cuốn nhật ký. 

 

Cụ An kể đã cất giữ, bảo quản quyển nhật ký này đã hơn 30 năm qua nhưng không nghĩ cuốn nhật ký đó có giá trị như vậy. Sau khi được cụ An trao cuốn nhật ký, tôi đọc rất kỹ. Tôi thực sự  bị cuốn hút  bởi sự chân thành, mộc mạc, giàu niềm tin yêu, nghị lực của một thanh niên nông thôn Phú Yên từng bước đến với cách mạng, tham gia vào sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước khi tuổi đời còn rất trẻ. Khép lại cuốn nhật ký, trong lòng tôi chợt bừng bừng lên một mong muốn cháy bỏng rằng, phải làm sao để cuốn nhật ký này đến được với nhiều người, nhất là giới trẻ, để hiểu rõ hơn về thế hệ cha anh của chúng ta. Ngay sau khi bài viết của tôi giới thiệu về cuộc đời liệt sĩ Trần Mộng Thành qua cuốn nhật ký được đăng trên Báo Phú Yên, lãnh đạo Hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật Phú Yên đã liên lạc với tôi để tìm hiểu rõ hơn về cuốn nhật ký. Từ đó, tôi đã cộng tác để vừa qua cuốn nhật ký của liệt sĩ Trần Mộng Thành được xuất bản.

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek