Thứ Sáu, 04/10/2024 02:26 SA
Cuộc thi viết về “Đền ơn đáp nghĩa”:
Ngời sáng đạo lý và những con người cao đẹp
Thứ Tư, 26/12/2007 07:00 SA

23 tác phẩm vào chung khảo cuộc thi, từ nhiều góc độ phản chiếu, đều tỏa sáng cái đẹp của lòng tri ân, của đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, và cái đẹp chân dung của những con người biết vượt lên hoàn cảnh.

 

071226-me.jpg
Những đúa con của Mẹ - Ảnh::D.T.XUÂN

 

NHỮNG CÂU CHUYỆN XÚC ĐỘNG

 

Tác phẩm “Đêm cuối cùng bên Mẹ” (của Nguyễn Văn Viễn) mang đến cuộc thi câu chuyện gây xúc động lớn nhất về một tình mẫu tử hiếm có. Chuyện kể về chiến sĩ Đoàn Thắng được mẹ Việt Nam anh hùng Huỳnh Thị Trợ nhận làm con nuôi. Người con nuôi ấy đã hết lòng chăm sóc mẹ trong hai năm ròng rã mẹ bị đau bệnh trước khi  qua đời. Một tình cảm mẹ- con thật đặc biệt: “Lại gần đến ngày giỗ mẹ. Dưới suối vàng chắc mẹ hoàn toàn thanh thản, bởi không còn nỗi lo không ai thờ phụng chồng con một khi mẹ khuất bóng. Bởi mẹ đã có anh. Anh là Đoàn Thắng- người con nuôi của mẹ…”

 

Còn đây là câu chuyện tình yêu- “Cổ tích” tình yêu” (của Thủy Văn). Đã hơn 10 năm nay, chị Nguyễn Thị Tuyết Loan là đôi mắt, là ánh sáng của cuộc đời anh thương binh bị mù cả hai mắt Nguyễn Xuân Quang ở thôn Phong Niên, xã Hòa Thắng (huyện Phú Hòa). Tấm lòng nhân hậu bao dung và sự hy sinh thầm lặng của chị đã dệt nên một câu chuyện tình đẹp như cổ tích.

 

Một câu chuyện khác, câu chuyện “Nhật ký của một liệt sĩ” (của Lê Thanh Hội) nói về tình anh em và số phận kỳ lạ của một cuốn nhật ký. Đã hơn 30 năm qua, cụ Trần An ở thôn 1, xã Hòa Vinh, huyện Đông Hòa đã giữ kỹ cuốn nhật ký của người em liệt sĩ Trần Mộng Thành. Nhờ sự bảo bọc kỹ lưỡng của cụ mà cuốn nhật ký có giá trị này không bị hư hỏng và mới đây được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia xuất bản thành sách.

 

Có những câu chuyện gây xúc động khác nói về sự hy sinh và tận tụy. “Từ TP Tuy Hòa, theo Quốc lộ 1 đi về hướng bắc độ 5km, chúng ta bắt gặp một khu nhà đẹp đẽ, dáng vẻ như biệt thự của một doanh nhân, một “đại gia” nào đó. Nhưng đó lại là mái ấm dành cho các đồng chí thương binh, gia đình có công cách mạng, những người già yếu không nơi nương tựa và các cháu mồ côi. Đó là Trung tâm nuôi dưỡng người có công và bảo trợ xã hội Phú Yên”- “Ở nơi giàu tình yêu và trách nhiệm” (của Bằng Tín). Tác giả Thu Thủy với “Xóm thương binh thắm nghĩa tình” kể về xóm thương binh 12 nhà trên hẻm nhỏ ở đường Trần Cao Vân, phường 5, TP Tuy Hòa: Ngày ngày họ vẫn sống hạnh phúc trong một mái ấm có người vợ hiền và những đứa con ngoan. Mất mát chiến tranh vẫn còn ẩn hiện, song ở họ không có dấu hiệu của sự bi lụy chán nản. Chính tình yêu và sự đồng cảm đã giúp họ vượt qua khó khăn.

 

NHỮNG CON NGƯỜI VƯỢT LÊN CÁI CHẾT

 

Tác giả Lâm Vy khá thành công khi khắc họa chân dung “Người đàn bà từng đối mặt với cái chết”- bà Chế Thị Cúc. Trong những giờ phút đau khổ nhất, khó khăn nhất, người đàn bà gầy gò nhỏ bé ấy vẫn chưa bao giờ đánh mất lý tưởng. Đường liên lạc mòn theo bước chân bà, nhà giam và những trận đòn thù làm bà chết đi sống lại. Khi đứng trước mười họng súng của kẻ thù, khi tin chắc mình sẽ chết, người đàn bà đó vẫn không hề nao núng.

 

Tương tự, tác giả Thúy Hằng cũng thành công khi kể  về bà Bùi Thị Tỵ qua tác phẩm “Xứng danh “Vợ cộng sản”. Gia đình bà Tỵ là một trong 3 gia đình được Hội khuyến học tỉnh chọn tham gia Đại hội đại biểu gia đình hiếu học năm 2007 tại Hà Nội vừa qua. Ông Lê Văn Hữu, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh, hiện là Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Phú Yên nói: “Bà Tỵ là một người cho thấy thương binh tàn nhưng không phế”. Xã hội này rất cần có nhiều người vợ, người mẹ dịu hiền, nhân hậu, biết hy sinh và vượt lên hoàn cảnh như thế”.

 

Nguyên Lưu với câu chuyện “Người thương binh “3 trong 1” viết về thương binh Đặng Quốc Dụ ở Hai Riêng (Sông Hinh); Lê Biết với “Chuyện về một chiến sĩ đặc công năm xưa” viết về thương binh Lê Văn Tánh ở An Cư (Tuy An); Kim Chi với tác phẩm “Người nữ thương binh dũng cảm” viết về thương binh Trần Thị Nguyệt ở Hòa Phong (Tây Hòa)… là những câu chuyện viết về những con người vượt lên cái chết trong chiến tranh, phát huy phẩm chất anh hùng của người lính trong thời bình, đó là  những “người thương binh gương mẫu” “tàn nhưng không phế” thầm lặng tạo cho mình những chiến công mới.

 

Những câu chuyện ấy đã nói với chúng ta rằng: Chiến tranh đã lùi xa, nhưng lịch sử chói sáng của dân tộc vẫn khắc đậm chiến công của các vị anh hùng, thương binh, liệt sĩ. Trong mỗi trái tim Việt Nam vẫn sẽ mãi khắc ghi sự ngưỡng mộ, tri ân những người hy sinh cho độc lập dân tộc. Đó chính là nguồn sức mạnh vô cùng quí giá cần được nhân lên trong cuộc sống hôm nay.

 

ĐÔI ĐIỀU TIẾC NUỐI

 

Cuộc thi khá thành công, dẫu vậy, những người theo dõi cuộc thi lấy làm tiếc vì không có tác phẩm được trao giải nhất. Giải nhì “Người đàn bà từng đối mặt với cái chết”(của Lâm Vy) cho thấy tác giả khá chắc tay trong thể loại ký nhân vật, ngôn ngữ giàu chất văn chương, bố cục tác phẩm rất khéo…song cũng chỉ có vậy, tác phẩm thiếu ở giá trị phát hiện và tính độc đáo nên chưa đủ sức thuyết phục được hội đồng giám khảo.

 

Giải nhì khác “Đêm cuối cùng bên Mẹ” (của Nguyễn Văn Viễn) đã vận dụng thể loại truyện ký rất phù hợp với đề tài, chọn một bối cảnh thời gian khá giới hạn (đêm cuối cùng của mẹ) để nén một câu chuyện dài thành công. Tác giả cũng khá thành công trong ngôn ngữ trần thuật để kéo người đọc gần lại với người dẫn chuyện, từ đó gần lại với nhân vật. Thế nhưng, tác giả đã không thành công trong ngôn ngữ tả, và tác phẩm quá thiếu các chi tiết sinh động.

 

Ban tổ chức cũng lấy làm tiếc vì chất lượng các tác phẩm vào vòng chung khảo của các cộng tác viên chưa cao như mong muốn. Có nhiều đề tài mang tính phát hiện cao như  “Nhật ký của một liệt sĩ” (của Lê Thanh Hội), nhưng tiếc rằng, chưa có sự đầu tư tương xứng.

 

Hy vọng những điều đáng tiếc này sẽ được khắc phục trong các cuộc thi sau.

 

HUỲNH HIẾU

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek