Thứ Năm, 10/10/2024 11:26 SA
Cảm hứng về đất và người Sài Gòn
Chủ Nhật, 25/03/2018 09:12 SA

Đất và người Sài Gòn là niềm cảm hứng không bao giờ cạn cho giới cầm bút khám phá, nghiên cứu, sáng tạo. Cảm hứng ngay từ địa danh Sài Gòn. Cảm hứng sâu thẳm những địa tầng văn hóa. Cảm hứng từ những di tích, thắng cảnh, hẻm phố cho tới môi trường sống thuận lợi và có sức cảm hóa kỳ lạ dòng người nhập cư qua các thế hệ để tạo nên tính cách riêng, đức tính riêng của người Sài Gòn.

 

Bìa sách Sài Gòn đất lành chim đậu (tập 2) của Phan Hoàng

Giáo sư - nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương sinh thời tâm sự rằng, từ năm 1939, lần đầu ông vừa bước chân từ tàu lửa xuống ga Sài Gòn đã bắt gặp một không khí khác hẳn so với Huế và Hà Nội. Thành phố phương Nam là một trung tâm sản xuất, kinh doanh thực sự sôi động. Không có những chiếc xe nhà, xe kéo cổ lỗ sĩ như ông từng thấy, mà thay vào đó là tàu điện, xe lam, xe thổ mộ và xe xích lô ngang dọc, với một mạng lưới phương tiện giao thông đa dạng. Xích lô Sài Gòn tiện lợi và văn minh hơn hẳn xe kéo Hà Nội. Vào sáng sớm, lúc các chàng xích lô đang ngồi uống cà phê bên vệ đường hoặc đang ngả lưng trên xe để đọc báo thì bạn không nên gọi xe, nếu không muốn trả lời bằng sự im lặng khó chịu của họ.

 

So với nhiều thành phố lớn khác ở trong và ngoài nước có lịch sử hàng ngàn năm thì Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh vẫn là đô thị trẻ, nhưng nhờ có vị thế quan trọng nên sớm trở thành điểm giao thoa của nhiều nền văn hóa trên thế giới từ Đông sang Tây, với dấu ấn để lại sâu đậm trong những công trình văn học nghệ thuật, ngôn ngữ, tôn giáo, kiến trúc, phong tục tập quán trong đời sống xã hội thường nhật. Tất nhiên, con số hơn 300 năm chỉ là chỉ dấu về mặt hành chính, còn tầng tầng văn hóa dưới lòng đất vẫn là những bí ẩn có sức quyến rũ không chỉ đối với những nhà khảo cổ học mà cho cả những cây bút giàu sức liên tưởng sáng tạo nên những tác phẩm có tầm vóc cho thành phố này.

 

Có một câu hỏi tưởng dễ trả lời nhưng luôn là ẩn số đối với tôi, rằng đất và người Sài Gòn có gì khác biệt và độc đáo. Thật khó. Cũng trong câu chuyện với GS Nguyễn Văn Thương, ông cho rằng người dân Sài Gòn bộc trực, cởi mở, dễ kết thân, có lối sống bình dị và ứng xử rất thực tế. Ông nói: “Tôi còn nhớ lúc bốn anh em chúng tôi từ Hà Nội vào đến thuê nhà trọ ở đường Ohier (vùng chợ Cũ bây giờ). Chủ nhà là hai vợ chồng trẻ. Chồng làm công chức. Vợ nội trợ. Họ niềm nở tiếp chúng tôi tại phòng khách của căn hộ ở gác một. Tôi nhìn quanh nhà chỉ thấy phòng tiếp theo là phòng ngủ của hai vợ chồng, có kê bộ bàn ăn, tiếp đó là hành lang hẹp dẫn ra sau bếp và nhà vệ sinh. Tôi cứ thắc mắc mãi, không hiểu chúng tôi sẽ ngủ ở đâu! Buổi chiều chúng tôi dọn đến. Sau buổi cơm tối, chúng tôi rất đỗi ngạc nhiên khi tại phòng khách đã kê sẵn bốn cái ghế bố có mùng màn kèm theo, còn bộ salon được chất gọn vào một góc. Và cứ như thế, lúc chúng tôi đi làm, phòng khách trở lại tươm tất bàn ghế, đến tối thì thành phòng ngủ của bốn chúng tôi! Một cách xử lý rất thực tế”.

 

Chẳng những nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương mà nhiều nhân vật khác cũng gắn bó và có những kỷ niệm khó quên với Sài Gòn. Theo dòng thời gian, thành phố phương Nam như một “Liên Hiệp Quốc” hội tụ nhân lực từ hầu khắp các tỉnh thành cả nước. Trong đó, nhiều tài năng đã có những cống hiến nổi bật như: nhà cách mạng, nhà sử học Trần Văn Giàu, “vua” vũ khí Trần Đại Nghĩa, bác sĩ anh hùng Nguyễn Văn Hưởng, “vua” dược liệu học Đỗ Tất Lợi, nhà vật lý Nguyễn Chung Tú, nhà lý luận phê bình văn học Lê Đình Kỵ, nhà giáo nghiên cứu văn hóa Nguyễn Khuê, họa sĩ Nguyễn Thị Tâm và các danh tướng Hoàng Cầm, Nam Long, Hoàng Thế Thiện… Mỗi nhân vật có cuộc đời và sự nghiệp khác nhau đã cống hiến xứng đáng, hết mình cho nhân dân, đất nước và lý tưởng mà họ theo đuổi. Đây cũng là những nhân vật mà chúng tôi tái hiện trong cuốn sách ký sự chân dung Sài Gòn đất lành chim đậu (tập 2) do NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh phát hành tại Hội Sách TP Hồ Chí Minh lần thứ X tháng 3/2018.

 

PHAN HOÀNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek