Thứ Năm, 10/10/2024 11:18 SA
Ca sĩ Anh Đào: Trường Sa luôn trong tim
Thứ Ba, 20/03/2018 14:00 CH

Nổi tiếng với ca khúc Gần lắm Trường Sa của nhạc sĩ Hình Phước Long, nữ ca sĩ một thời ở Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng đã gắn trái tim mình với Trường Sa muôn trùng sóng gió, xem biển đảo của Tổ quốc là nhà. Và từ đáy lòng, bà cất tiếng hát, gửi yêu thương đến những người thân: lính đảo.

 

Mới đây, trước hàng trăm người lính trở về từ Trường Sa, tóc nhuộm màu thời gian sương gió, hội ngộ tại thị trấn Hòa Vinh (huyện Đông Hòa), người phụ nữ luống tuổi bước lên sân khấu giản dị, cất tiếng hát: “Đảo Sơn Ca vắng tiếng sơn ca/ Chỉ có tiếng hát của những người chiến sĩ/ Anh bỗng trở thành loài chim quý/ Hát giữa đảo ngàn thay tiếng hót sơn ca…”. Bà là Anh Đào - ca sĩ của Trường Sa.

 

Ca sĩ Anh Đào hát ở buổi hội ngộ người lính Trường Sa tại thị trấn Hòa Vinh (huyện Đông Hòa) - Ảnh: YÊN LAN

 

* Thưa bà, cảm xúc của bà như thế nào khi trở về Phú Yên, hát trước những người lính Trường Sa trong buổi gặp mặt tưởng niệm đồng đội của họ?

 

- Lần này về Phú Yên, Anh Đào tránh không hát bài Gần lắm Trường Sa vì lòng đã nghẹn, đã nấc lên sau khi xem phim tài liệu về Gạc Ma. Anh Đào từng thả vòng hoa xuống biển, cầm micro hát cho những người lính hải quân đã ngã xuống vì chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Mỗi lần đi qua gần khu vực đó, Anh Đào cảm thấy đau buốt khi nghĩ về những người lính đảo đã hy sinh, thân xác hòa vào biển cả…

 

Từ năm 1984 đến 1988 - khoảng thời gian mà khu vực quần đảo Trường Sa có nhiều diễn biến phức tạp, người lính hải quân ngày ấy làm nhiệm vụ trên những hòn đảo không có bóng cây, đời sống thiếu thốn khó khăn. Nhưng họ vẫn kiên cường bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Tinh thần của lính Trường Sa ngày đó, đến hôm nay Anh Đào vẫn cảm nhận được từ những người lính trở về. Họ đã hoàn thành nhiệm vụ, trở về đất liền, xây dựng cuộc sống, nhưng tinh thần của người lính Trường Sa vẫn luôn sáng trong họ. Và Anh Đào cảm thấy rất hạnh phúc khi gặp lại nụ cười của lính đảo ngày nào.

 

* Bao năm qua, tên bà gắn liền với ca khúc Gần lắm Trường Sa của nhạc sĩ Hình Phước Long. Bà có thể chia sẻ về kỷ niệm đặc biệt của mình liên quan đến bài hát này?

 

- Khi nhận ca khúc Gần lắm Trường Sa từ nhạc sĩ Hình Phước Long, Anh Đào nói với nhạc sĩ: “Em hát nhưng mà em chưa biết Trường Sa, em chưa từng ra đảo”. Lúc đó, chính nhạc sĩ Hình Phước Long cũng chưa đặt chân lên đảo. Năm 1982, một buổi chiều đạp xe trên đường Trần Phú (TP Nha Trang, Khánh Hòa), nhạc sĩ nhìn thấy một cô gái mặc áo dài đang đứng dõi mắt ra biển. Ông tự hỏi: Phải chăng cô gái ấy có người yêu là lính hải quân đang làm nhiệm vụ trên quần đảo Trường Sa và cô đang gửi nhớ thương về nơi đó? Trong ông chợt bật lên suy nghĩ: Trường Sa không xa, và ông sáng tác ca khúc này.

 

Năm 1983, Anh Đào được cử đi cùng với lãnh đạo tỉnh Phú Khánh ra huyện đảo Trường Sa. Đó là lần đầu tiên Anh Đào đặt chân lên đảo. Có một điều lạ là trong đất liền, Anh Đào thể hiện rất thành công ca khúc Gần lắm Trường Sa, nhưng khi ra đảo thì hát không hay được. Khi hát, nhìn những người lính đảo da sạm nắng, khao khát gương mặt, nụ cười từ đất liền, Anh Đào nấc nghẹn, không hát được. Có những lần chỉ hát vài câu thì khóc, đi vào; một lúc sau trở ra hát, lại khóc. Đó là những kỷ niệm đầu tiên khi Anh Đào hát Gần lắm Trường Sa ở Trường Sa. Những cảm xúc đó, hồi ức đó luôn ở trong trái tim Anh Đào. Cho nên mỗi lần về với Trường Sa, về với các đơn vị bộ đội hải quân, trở về “ngôi nhà” thân yêu của mình, Anh Đào lại hát Gần lắm Trường Sa để tặng các chiến sĩ. Gần lắm Trường Sa trở thành bài hát rất đặc biệt của Anh Đào với những người lính Trường Sa.

 

* Ngoài nhạc phẩm nổi tiếng đã đưa tên tuổi của bà vang xa, còn ca khúc nào về Trường Sa, về lính đảo mà bà rơi nước mắt khi hát?

 

- Đó là bài hát Tiếng hát đảo Sơn Ca. Ở biển chỉ có chim hải âu, chim vịt, không có chim sơn ca. Nhạc sĩ Hình Phước Long kể rằng khi ra đảo Trường Sa, chiều chiều anh thấy đôi ba chiến sĩ ngồi dưới gốc cây phong ba, ôm guitar và hát. Và nhạc sĩ Hình Phước Long sáng tác ca khúc Tiếng hát đảo Sơn Ca: “Đảo Sơn Ca vắng tiếng sơn ca/ Chỉ có tiếng hát của những người chiến sĩ/ Anh bỗng trở thành loài chim quý/ Hát giữa đảo ngàn thay tiếng hót sơn ca…”.

 

Đến ngày tưởng niệm những người lính hải quân đã hy sinh ở Trường Sa hay những dịp đặc biệt khác, nếu các đơn vị bộ đội, cựu chiến binh Trường Sa mời và sức khỏe cho phép thì Anh Đào đến với họ và hát. Năm nay, Anh Đào đã 60 tuổi rồi. Anh Đào hát cho bộ đội là hát bằng tình cảm, bằng tấm lòng chứ không phải bằng giọng hát hay, đẹp. Anh Đào hát như lời tâm tình và truyền tình yêu biển đảo đến với người nghe.

 

* Trường Sa luôn trong trái tim bà. Có khi nào bà nghĩ rằng người ở đất liền chúng ta nợ những người lính đảo?

 

- Ở ngoài đảo, đi đông - tây - nam - bắc đều gặp biển. Để hoàn thành nhiệm vụ, các chiến sĩ phải vượt lên chính mình, nhất là trong những năm tháng vô cùng thiếu thốn, khó khăn. Ở đất liền, chúng ta không biết những người lính đảo đã vượt qua khó khăn như thế nào để bảo vệ đảo, bảo vệ cuộc sống bình yên và hạnh phúc cho chúng ta. Chúng ta nợ họ nhiều lắm!

 

Anh Đào ra Trường Sa không phải với tinh thần của một ca sĩ. Năm 1988, ra Trường Sa, Anh Đào hỏi đảo trưởng: “Anh ơi, bây giờ các cháu, các em sống như thế nào? Có đỡ thiếu thốn hơn không?”. Đảo trưởng nói: “Anh Đào ngộ ghê, ca sĩ mà ra đây cứ hỏi về cuộc sống của lính đảo, sao giống… thủ trưởng của anh vậy!”. Quần đảo Trường Sa giống như ngôi nhà thân yêu của Anh Đào. Mỗi lần ra đảo, thấy có sự đổi thay, có cây xanh, bóng mát…, cuộc sống của lính đảo đã khác trước, Anh Đào rất sung sướng, hạnh phúc.

 

Hai năm nay, Anh Đào có suy nghĩ là sẽ viết thư cho Bộ Tư lệnh Hải quân và quý thầy trụ trì các chùa ở Trường Sa, rằng sau này, khi Anh Đào không còn sống trên thế gian nữa thì tro cốt của mình sẽ được rải xuống gần nơi các chiến sĩ đã hy sinh, để Anh Đào cùng những người lính hải quân tiếp tục bảo vệ quần đảo Trường Sa thân yêu của chúng ta.

 

Anh Đào sẽ hát đến hơi thở cuối cùng và dành trọn vẹn cho Trường Sa.

 

* Xin cảm ơn bà!

 

Ca sĩ Anh Đào quê ở Khánh Hòa. Khi Phú Yên chưa tái lập tỉnh, bà từng cùng các đồng nghiệp ở Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng biểu diễn phục vụ người dân các xã ở Phú Yên hàng tháng liền và có nhiều kỷ niệm với mảnh đất, con người nơi đây.

 

Con trai duy nhất của ca sĩ Anh Đào tên là Hải Đăng. Và bà dự định sẽ đặt tên cho cháu nội của mình là Trường Sa, cho dù đó là bé gái hay bé trai. Nữ ca sĩ đã 5 lần đến Trường Sa, vào các năm: 1983, 1988, 2000, 2004 và 2012.

 

YÊN LAN (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Vui hội bài chòi
Chủ Nhật, 18/03/2018 14:00 CH
Tháng ba – thơ THỤY BÌNH
Chủ Nhật, 18/03/2018 11:00 SA
Mùa dệt thổ cẩm
Chủ Nhật, 18/03/2018 10:00 SA
Alicia Vikander - đả nữ mới ở Hollywood
Chủ Nhật, 18/03/2018 09:09 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek