Thứ Năm, 10/10/2024 23:27 CH
Nhớ trận đánh giao thừa Xuân Mậu Thân hào hùng
Thứ Tư, 10/01/2018 10:00 SA

Tác giả viếng mộ 42 liệt sĩ ở Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh - Ảnh: CTV

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân (1968) đã trôi qua 50 năm, nhưng dấu ấn về những địa danh, những trận đánh mãi mãi như những mũi tên màu đỏ khắc sâu vào lịch sử dân tộc. Lần đọc những trang tư liệu, tìm gặp và nghe nhiều nhân chứng lịch sử kể về diễn biến khốc liệt của chiến trường, có những tình tiết khiến người nghe sởn cả gai ốc, cảm giác như có luồng điện chạy khắp cơ thể... Những cảm xúc thật khó tả trước sự mất mát quá to lớn của cuộc trường chinh giải phóng dân tộc.

 

Năm 1967, chiến sự diễn ra vô cùng ác liệt. Mỹ - ngụy đã thua đau trong chiến lược “chiến tranh cục bộ”, đang chịu những áp lực đòi chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam. Tuy nhiên, là kẻ ngạo mạn, đế quốc Mỹ muốn rút quân trong thế thắng, về nước trong danh dự. Những kẻ đứng đầu Nhà Trắng hòng đảo ngược tình thế chiến trường, lấy lại lòng nhân dân Mỹ. Âm mưu đen tối đó đã thất bại hoàn toàn sau Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân (1968) của quân và dân ta. Chiến thắng này có sự đóng góp không nhỏ của quân và dân Phú Yên.

 

Trong buổi gặp đại tá Trần Văn Mười, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Phú Yên, nguyên cán bộ tác chiến của Tỉnh đội Phú Yên năm 1968, người trực tiếp tham gia trinh sát chuẩn bị chiến trường, tôi được nghe ông kể: Để thực hành Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân, ở Phú Yên thành lập Sở chỉ huy A9 do đồng chí Lư Giang, Tư lệnh Phân khu Nam làm Tư lệnh, đồng chí Trần Suyền, Bí thư Tỉnh ủy làm Chính ủy. Công tác chuẩn bị chiến trường được thực hiện từ tháng 7/1967 đến đầu năm 1968, so sánh lực lượng thì quân địch vẫn lớn hơn ta rất nhiều. Tuy nhiên, để bảo đảm thống nhất “Tổng tiến công và nổi dậy toàn miền Nam”, A9 quyết định chấp hành nhiệm vụ đúng kế hoạch.

 

Ngày 26/1/1968, A9 rà soát công tác chuẩn bị và bổ sung nhiệm vụ: Hướng trọng điểm TX Tuy Hòa do Tiểu đoàn 12 (D12), Trung đoàn Ngô Quyền đảm nhiệm đánh vào sân bay khu chiến, khu nhà 18 gian, giải phóng nhà lao, tiến vào ga Tuy Hòa, củng cố trận địa sẵn sàng đánh địch phản kích. Tiểu đoàn 85 (D85), Đại đội 202 (C202) đánh vào Trung đoàn 47 ngụy, Đài phát thanh, phát triển đánh chiếm Tỉnh đường. Đại đội Quyết thắng đặc công đánh vào Ty Cảnh sát, phối hợp với các đơn vị bạn đánh một phần Đài phát thanh ngụy. LLVT các huyện đúng giờ G (0 giờ 30 đêm giao thừa) đánh theo hiệp đồng…

 

Tiểu đoàn 12 sau khi nhận nhiệm vụ, hành quân đến Mòng Mòng lúc 21 giờ ngày 29/1. Tiểu đoàn trưởng (đồng chí Hùng) kiểm tra lại đơn vị và phổ biến “Mệnh lệnh hành quân chiến đấu…”. Nghe xong mệnh lệnh, các cán bộ, chiến sĩ trong niềm tin chiến thắng, lặng lẽ nối tiếp nhau bước về phía trước dưới đêm trời tối trăng, chỉ có những vì sao và những mảng mây trắng mờ soi bước chân người lính. Quãng đường hành quân không xa, nhưng để đưa cả đội hình tiểu đoàn hơn 200 người với đầy đủ vũ khí, trang bị vào đến vị trí triển khai đội hình chiến đấu bảo đảm tuyệt đối bí mật, đúng thời gian thì không chút dễ dàng. Trước thời khắc giao thừa linh thiêng, đồng bào ta đang chuẩn bị đón năm mới; xa xa, phía đồn địch vọng về tiếng những loạt đạn vu vơ, ánh sáng hỏa châu địch bắn canh chừng, các chiến sĩ D12 vẫn lặng lẽ bám nhau lội suối, băng rừng, quyết tâm đến vị trí chiến đấu đúng thời gian. Không ai nói với ai điều gì, chỉ có tiếng vũ khí, trang bị va vào nhau lạch cạch, tất cả như đang tập trung hướng về trận chiến đấu. Pháo giao thừa báo hiệu năm mới, bọn địch cũng bắn chào năm mới chừng mươi phút; đội hình hành quân còn cách vị trí triển khai vào tuyến xuất phát xung phong hơn 1km, vẫn phải bình tĩnh, giữ bí mật tiếp cận mục tiêu mà chiến đấu, đây là nguyên tắc “chia lửa chiến trường” của người lính.

 

Theo lời kể của ông Hoàng Kim Giai, nguyên cán bộ tác chiến của Trung đoàn Ngô Quyền, người trực tiếp cùng D12 tham gia trận đánh: 3 giờ ngày 30/1, tiểu đoàn vào tuyến chiếm lĩnh trận địa; 3 giờ 30 chiếm tuyến xuất phát xung phong, thực hành nổ súng tiến công. Tuy chậm so với thời gian hiệp đồng 3 tiếng đồng hồ, nhưng các mũi tiến công của tiểu đoàn vẫn đánh chiếm phát triển đúng nhiệm vụ. Đại đội 1 tấn công vào khu trung tâm sân bay Khu Chiến, sau 30 phút đã bắn pháo hiệu làm chủ trận đánh. Đại đội 3 đánh vào khu nhà lao gặp vật cản địch dày đặc, khắc phục vật cản xong, tiến vào tiêu diệt 1 xe M113, 4 pháo 105 li, đánh thiệt hại nặng 1 đại đội Mỹ, 1 đại đội bảo an, làm chủ gần hết mục tiêu đảm nhiệm. Địch phản kích quyết liệt, các đơn vị của D12 chiến đấu ngoan cường, tiêu diệt nhiều tên địch, giải thoát cho 50 cán bộ tù bị địch giam ở nhà lao. Hơn 4 giờ sáng, Đại đội 2 chiếm được khu xóm Đạo, đưa sở chỉ huy tiểu đoàn vào xóm Đạo. Trời tản sáng, yếu tố bí mật không còn, tiểu đoàn điều chỉnh đội hình về xóm Đạo và khu nhà 18 gian củng cố trận địa, xác định quyết tâm chiến đấu ban ngày. 7 giờ 30 ngày 1, địch tăng cường pháo binh, máy bay bắn phá vào đội hình của ta, chi viện cho bộ binh phản kích. Trong khi đó, D12 nhận được thông báo của trên: D85 không thể thực hiện chiến đấu theo hiệp đồng, D14 đặc công và D202 sau khi tiến công đã rút lui. Ban chỉ huy D12 nhận định đơn vị sẽ gặp rất nhiều khó khăn do “không có đơn vị chia lửa”, địch sẽ tập trung dồn lực lượng phản kích quyết lấy lại trận địa đã mất. Địch điều động 2 đại đội của Lữ dù 173, huy động tối đa máy bay, pháo binh bắn phá, tổ chức nhiều đợt tấn công nhưng đều bị ta bẻ gãy, đẩy lùi. Đến 13 giờ 30 địch dồn mọi nỗ lực ném bom na pan, bắn pháo, hỏa lực dồn dập vào trận địa ta, nhiều công sự bị sập. Sở chỉ huy tiểu đoàn trúng bom, Ban chỉ huy D12 hy sinh; đồng chí Xuy, Phó Chính ủy Trung đoàn Ngô Quyền trực tiếp chỉ huy bị thương nặng. Ông Hoàng Kim Giai được giao nhiệm vụ trực tiếp chỉ huy D12 tiếp tục chiến đấu trong điều kiện ta tổn thất và thương vong rất lớn, đạn đã tiêu hao gần hết. Đến 15 giờ 30 địch dùng bom dội xuống nhằm phá hủy, san phẳng trận địa và tiêu diệt toàn bộ lực lượng ta. Do địa hình đất cát, ít vật che khuất, che đỡ nên khó đào công sự, bom đạn địch cày xéo biến khu xóm Đạo, nhà 18 gian thành một đống đổ nát, khói lửa nghi ngút. Ta hy sinh, thương vong quá nhiều; song cán bộ, chiến sĩ vẫn kiên cường chiến đấu quyết tâm giữ vững trận địa, với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, chiến đấu đến người cuối cùng, viên đạn cuối cùng.

 

Đến 18 giờ, ông Giai chỉ huy D12 tổ chức rút lui; quá trình rút lui, bị địch truy kích, đồng chí Xuy, Phó Chính ủy trung đoàn và một số thương binh nặng không theo kịp nên bị địch bắt; khi về đến nơi an toàn, D12 quân số chỉ còn hơn 30 đồng chí. Các đồng chí hy sinh, bọn địch không cho nhân dân chôn cất, chúng dùng xe ủi dồn xuống chôn thành hố chôn tập thể.

 

Sự hy sinh của cán bộ, chiến sĩ D12 để lại niềm tiếc thương vô hạn cho đồng bào ta, chúng ta đời đời ghi nhớ công ơn các liệt sĩ đã ngã xuống trên mảnh đất này. Đến nay, nhờ sự nhiệt tình của đồng đội ghép nối thông tin đã tìm được danh sách hơn 120 liệt sĩ của D12 hy sinh trong trận chiến đấu này. Máu thịt của họ đã hòa vào lòng đất thành sinh khí tốt tươi vun đắp cho mảnh đất hòa bình chúng ta đang sống.

 

Sau trận chiến đấu này, D12 vinh dự được đề nghị tặng Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhì. Điều to lớn hơn là chiến công của D12 đã cùng quân và dân Phú Yên góp phần quan trọng cùng quân dân cả nước làm nên chiến thắng lịch sử Xuân Mậu Thân 1968.

 

Đến tháng 5/1991, được quần chúng cung cấp thông tin về hố chôn tập thể các liệt sĩ D12; Sở LĐ-TB-XH Phú Yên giao nhiệm vụ cho ông Nguyễn Văn Cường, quản trang chịu trách nhiệm tổ chức khai quật. Theo lời kể của ông Cường: Sau gần một tháng thăm dò, đào bới với tình cảm tôn kính và yêu thương, ông Cường và các nhân công đã tìm được 42 hài cốt liệt sĩ. Tỉnh Phú Yên đã long trọng tổ chức lễ truy điệu đưa các liệt sĩ an táng thành mộ chung tại Nghĩa trang Đông Tác. Khu đất tìm ra các hài cốt được nhân dân xây dựng một ngôi miếu nhỏ để thờ vong linh các liệt sĩ đã hy sinh.

 

Đầu năm 2017, tỉnh Phú Yên chủ trương xây dựng cụm công viên, tượng đài chiến thắng, nơi xảy ra trận chiến đấu ác liệt đêm giao thừa Xuân Mậu Thân 1968 của D12; với diện tích 7.100m2, kinh phí trên 10 tỉ đồng. Đây là lòng tri ân, biết ơn, kính trọng của quân và dân Phú Yên đối với sự hy sinh cao cả, to lớn đối với cán bộ, chiến sĩ D12. Tuy đã 50 năm nhưng những hình ảnh “giải phóng quân” tuổi đời còn rất trẻ, sinh ra từ miền Bắc với nụ cười tươi rói, niềm tin kiêu hãnh về một ngày mai chiến thắng còn lắng đọng trong lòng mỗi người dân Phú Yên.

 

Còn ít ngày nữa, công trình Đài tưởng niệm các liệt sĩ Tiểu đoàn 12 sẽ hoàn thành; bước trên nền tượng đài còn dang dở, bàn chân tôi vẫn rụt rè vì sợ làm đau thân thể các liệt sĩ trong lòng đất. Ngày mai, bạn hãy đến đó, đốt nén nhang cầu mong cho linh hồn các chú, các anh yên tịnh, siêu thoát; chắc rằng các chú, các anh cũng mãn nguyện trước tấm lòng tri ân của thế hệ con cháu hôm nay.

 

BÁ THUYẾT

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek