Thứ Sáu, 11/10/2024 01:22 SA
Mảnh vườn ký ức
Thứ Hai, 01/01/2018 08:00 SA

Minh họa: PV

Đứa bé con lớn lên trong những mảng màu ký ức vỡ vụn là tôi. Để rồi chính những mảnh vỡ ấy đã đâm vào tâm thức tôi buốt nhói. Đến mức tôi dường như lớn lên bằng chính cái ký ức tật nguyền đã làm héo hắt niềm tin yêu vào cuộc đời, ngay cả khi tuổi đôi mươi vừa đến.

 

Tôi hoài nghi mọi thứ, vì cái cảm giác tất cả mọi người đều dối gian, đều sẵn sàng lừa gạt dẫn tôi vào thế giới đầy cô độc. Đến cha mẹ tôi, họ là những người đã mang nặng đẻ đau lại chính là những người làm tổn thương tôi nhiều nhất. Đôi khi tôi tự hỏi rằng tôi sinh ra trên cuộc đời này để làm gì? Cái gì mới là bổn phận của tôi?

 

Mẹ - Người đàn bà khốn khổ đã đẻ tôi ra vào cái năm thanh niên trong làng bỏ đi biệt xứ kiếm ăn. Vì họ thấy cuộc đời quá bấp bênh trên mảnh đất cằn cỗi, hết hạn hán lại lũ lụt kéo dài. Thế nên sau này trong giấc mơ của mình, tôi hay mơ thấy một đứa trẻ lúc sinh ra, mở mắt nhìn cuộc đời đầy cô đơn, nó như muốn tìm kiếm, cầu cứu bằng ánh mắt van lơn đầy tội nghiệp.

 

Người mẹ sau cơn đau kéo dài đã nằm mê mệt, tiếng khóc chào đời của đứa trẻ không đủ phá đi cái nỗi sợ và sự tĩnh lặng khủng khiếp trong căn phòng phía nào cũng huơ hoắc gió.

 

Mẹ bỏ đi sau những lần bố rượu say về cãi vã. Khi ấy tôi còn nhỏ, mỗi chiều mưa nhìn ra ngoài bầu trơi giăng giăng một màu trắng xóa. Bọn trẻ con đi tắm mưa qua ngang nhà hát vu vơ “Trời mưa bong bóng phập phồng…”. Tôi cúi mặt để mặc cho mọi nỗi hoài nghi cứ chảy ướt khắp đầu óc bé bỏng mình.

 

Cái đêm hôm ấy đúng tuần trăng nhưng chẳng hiểu sao bầu trời bị bao phủ đầy mây. Mẹ trở dậy, lén lút lấy túi đồ giấu sẵn dưới gậm giường rồi lách cửa ra đi. Tôi chạy theo mà không dám khóc, mặc dù cơn buồn tủi đã ứa đầy lên tận cổ.

 

Mẹ quay lại ôm tôi vào lòng nói trong tiếng nấc: “Mẹ xin con. Con thương mẹ thì để mẹ đi đến mùa mưa mẹ sẽ trở về”. Tôi đứng chết lặng cho đến khi những cơn nấc nghẹn đã đi qua mới dám trở vào giường nằm im. Bố tôi vẫn nằm ngáy ngoài nhà, tôi dụi mặt vào chiếc gối vẫn còn đượm mùi mồ hôi mẹ mà khóc. Khi ấy tôi mười tuổi.

 

Mẹ hứa đi đến mùa mưa sẽ về nhưng hết mùa mưa này đến mùa mưa khác đi qua. Tôi đã mười lăm, mười sáu tuổi, mấy thằng choai choai đi qua nhà đã buông lời chọc nghẹo mà mẹ vẫn bặt vô âm tín. Con bạn tôi bảo:

- Mày phải làm đẹp dần đi chứ. Con gái gì mà cứ lôi thôi, lếch thếch.

 

Tôi bảo:

 

- Làm đẹp để làm gì chứ?

 

Nó bảo:

 

- Để lấy chồng.

 

Tôi cười chua chát. Mười lăm tuổi tôi đã biết cười đời chua chát thì hỏi tôi có mấy giây phút được vui trong cuộc đời cô độc này. Tôi không còn mẹ, không ai dạy tôi làm con gái phải thế này thế kia, rồi phải kiêng kỵ điều này điều nọ. Tất cả mọi thứ tôi đều phải tự học lấy, bởi bố thì càng chẳng bao giờ dạy tôi bất cứ điều gì cả ngoài chửi mắng, đánh đập tôi.

 

Nhưng bao giờ tôi cũng thương yêu bố hay nói đúng hơn là tôi thương thay cái cô đơn, cái kiếp bị bỏ rơi. Bởi vì suy cho cùng tôi cũng là một nỗi cô đơn giống bố. Chỉ có điều chúng tôi đã không tựa vào nhau, không làm cho nhau vui. Mặc dù tôi và bố đều có những lúc khát thèm tình thương yêu lắm lắm.

 

Bố uống rượu. Càng uống càng thấy nỗi buồn tràn ngập trong đôi mắt ấy. Cũng may bố không đánh tôi những lúc say, bởi như thế chắc sau này tôi sẽ hận bố mình nhiều lắm. Chỉ khi nào thật tỉnh táo bố mới mang đòn roi để đánh tôi. Lúc đầu tôi cố van xin, hoặc sẽ bỏ chạy tránh đòn. Sau này tôi mặc kệ, bố đánh tôi chẳng còn thấy đau đớn thịt da gì nữa. Có chăng là một nỗi buồn tủi giày vò.

 

Đánh tôi bố cũng chẳng nhẹ người hơn, tôi cứ tưởng chính lúc ấy thì cuộc đời đang hành hạ ông nhiều nhất. Sau mỗi lần đánh chửi tôi, bố ngồi lặng rất lâu ngoài hiên, không uống rượu, không khóc mà đôi khi chỉ cất lên mấy lời hát khàn khàn nghe như xát muối vào lòng. Nhất là những ngày mưa buồn bã. Hai cha con, mỗi người ngồi mỗi nơi nhưng đều ngóng ra phía cổng. Những lúc ấy tôi muốn than “Sao ngày xưa bố đánh mẹ làm gì để mẹ bỏ đi rồi bố lại mong…”. Nhưng nỗi đau cứ nghèn nghẹn trong cổ họng, không tài nào cất nổi thành lời.

 

Thi thoảng nhà tôi có bạn uống nước chè của bố. Nhưng hôm ấy bố có vẻ vui hơn, đi ra đi vào cũng bớt lầm lũi hơn, giọng nói nghe cũng vang hơn. Mọi người ngồi kể những chuyện đồng áng vu vơ. Đôi khi là câu chuyện tục tĩu về những người đàn bà. Người làng bảo bố tôi lấy vợ đi không già mất, lấy mà kiếm lấy đứa con trai sau này còn nhờ cậy. Bố tôi nghe mà lặng thinh. Đôi lúc lại bảo “vợ con gì, thân mình còn chưa lo nổi”, tôi nghe mà như muốn khóc.

 

Việc duy nhất bố làm cho tôi, ấy là khi tôi mười sáu tuổi. Ngực đã nhô lên, người cao vổng, mấy cái áo các dì mua cho đã ngắn cũn cỡn. Một hôm tôi đang ngồi tắm ngoài vườn thì bỗng phát hiện ra có người rình trộm, tôi hét lên sợ hãi. Sáng hôm sau bố lên rừng chặt tre làm cho tôi một cái buồng tắm, có cả cửa được gài chắc chắn. Bố bảo:

 

- Mai cầm tiền đi ra chợ mua quần áo mới mà mặc. Con gái lớn thì cũng phải ăn mặc đoàng hoàng chứ.

 

Tôi nghe mà nước mắt lưng tròng, không rõ vì tủi thân hay mừng vui nữa. Tôi lớn lên, bố cũng không còn đánh mắng như hồi lên mười nữa. Nhưng điều đó khiến tôi đau đớn, bởi khi không còn cầm roi đánh tôi thì bố dường như u uất hơn nhiều, suốt ngày chỉ đi ra đi vào lầm lũi như chiếc bóng. Nhiều khi tôi ước gì bố cứ cầm roi mà quất vào cơ thể tôi như lúc nhỏ, như thế tôi cũng còn cảm thấy dễ chịu hơn nhiều.

 

Có duy nhất trong một lần say, bố mang những bức ảnh cũ của mẹ ra ngắm. Tôi rất sợ bố sẽ đốt đi những kỷ vật cuối cùng về mẹ còn lại trong ngôi nhà. Nhưng rồi bố lại cất đi, nước mắt ướt nhòe, bố nằm ngửa mặt lên trời kêu lên những tiếng cười không ra cười, khóc không ra khóc.

 

Sáng hôm sau bố đưa cho tôi một mảnh giấy bảo hãy đi tìm mẹ. Nhưng chẳng hiểu thế nào tôi đã không đi. Có thể vì tôi sợ khi bước chân ra khỏi ngôi nhà khốn khổ ấy rồi tôi sẽ lại đi biệt tăm như mẹ. Tôi sợ mình bỏ lại một khoảng trống mênh mông cho người cha đã đi hết nửa đời người trong buồn khổ.

 

* * *

 

Khi tôi càng dặn lòng đừng nhung nhớ mẹ, thì dường như những mảnh vụn ký ức càng chẳng chịu buông tha tôi. Đêm đêm tiếng bà mẹ trẻ ru con vẳng mênh mông ra phía cánh đồng hoang nơi mẹ từng bao lần hát ru tôi trong nước mắt.

 

Tiếng ru gợi nhớ trong tôi mùi sữa mẹ, cái thứ quý hiếm mà một thời mẹ từng cắn răng chịu đựng để cho tôi rít chặt vú kiếm tìm dòng sữa. Để rồi khi tôi thất vọng nhả vú ra cũng là lúc mẹ rơi nước mắt. Tiếng ru nhắc cho tôi những bản năng đã lãng quên mà chẳng cần một ai nhắc nhở.

 

Đôi lúc chính bản thân tôi cũng không hiểu vì sao mình lại có thể hồi tưởng được mọi thứ từ quá khứ, từ những tháng năm tưởng chừng như mình còn quá nhỏ để ghi lại bất cứ hình ảnh gì đã xảy ra. Có lẽ là ông trời đã bù đắp cho đứa trẻ đã sớm phải rời xa mẹ như tôi, sớm phải mò mẫm với mọi thứ xung quanh, học cách sống như thế nào để tồn tại.

 

Khi không có mẹ ở bên, tôi nhớ quay quắt hương bồ kết trên mái tóc mẹ, nhớ cả cái dáng ngồi khom khom mỗi khi bố say rượu trở về nhà. Nhớ từng hơi thở tủi hờn trong cơn đau vừa bị người đàn ông đầu ấp tay gối với mình hành hạ. Những giọt nước mắt ấm vẫn vô tình rơi xuống cánh tay bé nhỏ của tôi khi ấy đủ làm tôi đau đớn mãi sau này. Nỗi nhớ thôi thúc tôi đi tìm mẹ. Khi ấy tôi đã gần hai mươi, tôi phải trải qua kỳ thi quan trọng của cuộc đời mình. Đấy là lần đầu tiên tôi nghĩ đến việc rời xa bố.

 

Tôi trở về sau kỳ thi đại học muộn hơn năm ngày. Bố đón tôi trở về bằng một nỗi buồn dường như đã mặc định trong đôi mắt. Rất có thể bố biết tôi đã đi tìm mẹ, rất có thể bố đọc được trong suy nghĩ tôi sự tuyệt vọng và hờn giận nhưng ông vẫn im lặng. Ngày ấy tôi hận sự im lặng của bố vô cùng nhưng cho đến bây giờ tôi nghĩ mình cần phải cảm ơn bố vì điều ấy.

 

Mẹ sống một cuộc đời sung túc hơn tôi vẫn từng cầu chúc cho bà. Lẽ ra tôi nên hạnh phúc và lấy làm thanh thản cho quãng đường dài dằng dặc mà mình sắp phải bước đi. Nhưng hỡi ôi sự tủi hờn, tình yêu thương mẹ bấy lâu đã làm tôi gần như thù hận mẹ.

 

Có ai từng bị mẹ bỏ rơi trong cái nghèo khổ giữa một người cha rượu chè và quen đánh đập như tôi mới biết thế nào là sự tổn thương ghê gớm. Bấy nhiêu năm trời đằng đẵng tôi ngồi đợi những mùa mưa hiếm hoi đi qua cuộc đời. Đã bao mùa hạn hán, trời không nhỏ xuống một hạt mưa.

 

Tôi đã ngồi khóc tu tu trách ông trời sao ác vậy, nếu không mưa tôi sợ mẹ sẽ không biết mà trở về tìm tôi nữa. Rồi đến khi những hạt mưa hiếm hoi rơi xuống mặt đất khô khan, những hạt mưa không đủ để cho sức khát của đồng ruộng được thỏa mãn thì tôi cứ đinh ninh rằng đấy mới là mùa mưa. Một mùa mưa đến muộn, rồi thắc thỏm thể nào mẹ cũng trở về. Đã mười năm tôi chỉ sống để chờ mùa mưa như thế. Mẹ đã ở đâu? Ở đâu?

 

Người ta nói với tôi về mẹ như nói với một người qua đường về người đàn bà đầy hạnh phúc. Người ta bảo khoảng mười năm trước bỗng có một người đàn bà đến đây xin vào làm trong công ty đóng gạch. Rồi thế nào lại lấy ông chủ, sinh con đẻ cái. Khi những lò gạch được mở rộng ra khắp làng thì người đàn bà lạ nghiễm nhiên trở thành một bà chủ giàu có.

 

Người ta kể về mẹ tôi như thể người ta đang mơ ước và ghen tị. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ để thôi thúc tôi quay về mà không gặp mặt mẹ sau bấy nhiêu năm xa cách. Tôi càng không khi nào kể với bố tôi về mẹ. Bởi tôi sợ sẽ có thêm một sự thù hận nữa trong ngôi nhà vẫn trống huơ trống hoắc của bố con tôi.

 

Tôi đi học xa nhà đã bốn năm. Mỗi lần trở về thăm nhà nhìn dáng bố ngồi khom khom ngoài hiên một mình mà thương khắc khoải. Bố già đi nhiều lắm vì phải gánh trên vai không chỉ là những nỗi buồn quá khứ mà cả gánh nặng lo cho tôi học tập. Bố vẫn im lặng kể cả lúc tôi biết rằng bố đang rất hạnh phúc khi tôi trở về thăm sau mấy tháng dài xa cách.

 

Cái buồng tắm lần nào tôi về cũng được che chắn lại, bữa cơm nào cũng có canh cá chua, cái món mà tôi thích nhất. Rồi trong bữa cơm bố luôn hỏi tôi ở dưới thành phố có vui không, có ăn uống đầy đủ không. Rồi dặn tôi đừng đi làm thêm nhiều mà gầy ốm, con gái thì phải béo khỏe ra mới lấy được chồng. Rồi trước lúc đi, lần nào bố cũng dúi thêm cho tôi ít tiền mà tôi biết là bố đã phải rất vất vả để ki cóp được. Bố bảo:

 

- Cầm lấy xuống thành phố mà mua sắm. Con gái đến tuổi trưởng thành cũng đừng tuềnh toàng quá, người ta lại khinh mình. Mua thức ăn mà bồi dưỡng, mấy tháng nay bố thấy con gầy quá.

 

Tôi cầm vội những đồng tiền của bố rồi quay đi thật nhanh, vừa quay đi nước mắt đã ướt nhòa trên má. Tôi không chịu được những lời yêu thương ấy, nó làm tôi đau đớn như thể tôi đã quen với sự im lặng quá lâu rồi. Mặc dù tôi vô cùng yêu thương bố.

* * *

Thầy tôi bảo: “Con người nên nghĩ về sự chết để sống tốt hơn, để bao dung hơn, yêu thương hơn hết thảy mọi người. Và… để biết tha thứ nhiều hơn”. Tôi sau bấy nhiêu năm lớn khôn, nhiều lúc ngồi tĩnh lặng một mình nghĩ mãi cũng không hiểu mình có còn hận mẹ hay không nữa.

 

Trong giấc mơ của mình, tôi vẫn gặp tiếng ru của mẹ tôi còn thơm hương bồ kết, nhớ cái cắn răng chịu đựng lúc tôi rít sữa bằng mấy cái răng đang mọc. Nhớ những hình ảnh mường tượng về ngày tôi sinh ra trên cuộc đời này, nhớ cả những trận đòn roi của bố dành cho mẹ.

 

Nỗi nhớ ấy nhiều lúc khiến tôi nghẹt thở nhưng nó cũng mang cho tôi sự thanh thảng trong tâm hồn một đứa con bị bỏ rơi từng ấy năm trời. Con bạn tôi hay kể về những giấc mơ của nó, giấc mơ về mối tình đầu khi còn ngồi trên ghế nhà trường từ những năm phổ thông.

 

Nó bảo:

- Những cái sâu thẳm trong tâm thức thì không khi nào có thể phai mờ được.

 

Tôi hỏi:

 

- Đấy có phải là nỗi nhớ không?

 

Nó bảo:

 

- Có thể đúng cũng có thể không.

 

Mà khiến tôi buồn mênh mang quá. Nhiều lúc tôi cứ tự hỏi mình rằng phải chăng sau từng ấy năm với bao sóng gió cuộc đời tôi vẫn không nguôi nhớ mẹ? Không ai trả lời tôi, chỉ có tiếng gió mênh mang ngoài cánh đồng tuổi thơ vẫn còn ầu ơ lời ru con khắc khoải trong ký ức vọng về...

 

Lễ tốt nghiệp xong, tôi nhận bằng rồi trở về quê. Tôi mang theo con heo sứ đầy ắp những đồng tiền bố từng gửi cho tôi bấy nhiêu năm. Tôi chẳng tiêu vào một đồng nào kể từ khi tôi kiếm được việc làm thêm. Số tiền này tôi dự định sẽ sửa sang lại căn nhà cho bố, còn đâu thì để bố dưỡng già. Cái ý nghĩ ấy an ủi tôi phần nào ngày trở về quê hương xin việc.

 

Căn nhà im ắng, một tiếng gà mẹ cục con cũng không, chỉ thấy xào xạc tiếng lá rơi ngoài mảnh vườn sau nhà. Tôi lặng người đi khi nhìn thấy dáng bố đang lom khom chăm tưới cho mấy chậu lan rừng mà mỗi dịp đi thực tế trên Tây Bắc tôi lại lôi về. Chúng đã ra hoa tim tím bên những gốc cây sù sì, già cỗi.

 

Đây - mảnh vườn tuổi thơ tôi đã từng bao lần ngồi khóc vụng khi bố đánh hay khi hết mùa mưa mà mẹ vẫn chưa về. Bấy nhiêu năm tôi không đoái hoài để ý để bây giờ nhìn mấy cây xoài đã cao lớn hẳn, chúng tỏa bóng mát ra khắp khu vườn. Trên thân cây dù bao mùa thay vỏ nhưng vẫn còn những vết khắc sâu mà ngày xưa tôi dùng mảnh chai siết mạnh.

 

Như không nghe thấy bước chân tôi trở về nên bố vẫn cặm cụi quét vun đống lá khô cho mùa đông dài sẽ ngừng lên rừng hái củi. Vết chổi va vào tiếng lá khô nghe buồn xao xác, nhưng chính vào giây phút ấy tôi lại tìm thấy hạnh phúc bình dị của mình hơn bao giờ hết. Nó khiến tôi thanh thản như thể tôi đang được vẫy vùng giữa dòng sông xanh mát.

 

VŨ THỊ HUYỀN TRANG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek