Thứ Sáu, 11/10/2024 03:27 SA
Cuồn cuộn dòng chảy 60 năm âm nhạc Việt Nam
Thứ Năm, 21/12/2017 16:00 CH

Các nhạc sĩ, hội viên Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tại Phú Yên và Chi hội Âm nhạc Phú Yên biểu diễn một tiết mục mang đậm bản sắc dân tộc - Ảnh: YÊN LAN

Hội Nhạc sĩ Việt Nam vừa tổ chức kỷ niệm 60 năm ngày thành lập. 60 năm qua, âm nhạc đã đồng hành với vận nước, đã góp phần cho chiến thắng, cho hòa bình, cho đổi mới… Tất cả điều đó bắt nguồn từ mạch nguồn dân tộc, gắn liền với tình yêu quê hương đất nướ

 

Cuối tháng 5/1957, Đại hội thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam được tổ chức (tiền thân của hội là Đoàn Nhạc sĩ Việt Nam thuộc Hội Văn nghệ Việt Nam, thành lập vào tháng 7/1948, trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp). Sau đó, ngày 30/12/1957, Hội Nhạc sĩ Việt Nam nhận quyết định thành lập theo Nghị định 750 (Hội Nhạc sĩ sáng tác) và 751 (Hội Nhạc sĩ biểu diễn) của Bộ Nội vụ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

 

Tư liệu cũ còn ghi lại những ngày đầu thành lập, Hội chỉ có 50 hội viên gồm các nhạc sĩ, nghệ sĩ từ chiến khu mới về và các nghệ sĩ đang hoạt động tại Hà Nội. Hội Nhạc sĩ đã tập hợp dưới mái nhà chung, mở ra một thời kỳ mới cho nền âm nhạc Việt Nam phụng sự đất nước.

 

Tính đến nay, suốt 9 nhiệm kỳ, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã đồng hành với dân tộc; nhiều thế hệ nhạc sĩ tiếp nối nhau xây dựng nền âm nhạc Việt Nam ngày càng phát triển cả về lượng cũng như về chất. Thật tự hào khi Việt Nam có những nhạc sĩ lớn đã có công gây dựng ngôi nhà âm nhạc: Văn Cao, Nguyễn Xuân Khoát, Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước, Huy Du, Ca Lê Thuần, Xuân Hồng, Hoàng Hiệp, Phan Huỳnh Điểu, Trọng Bằng, Nguyễn Đức Toàn, Phạm Tuyên…

 

Chúng ta ghi ơn các nhạc sĩ - chiến sĩ đã anh dũng hy sinh nơi chiến trường khi tuổi đời còn rất trẻ, tài năng và sức sáng tạo đến độ chín, các Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân: Hoàng Việt (tốt nghiệp Nhạc viện Sofia - Bungari, hy sinh năm 1966 tại Cái Bè, Tiền Giang), Văn Cận (tốt nghiệp Nhạc viện Bắc Kinh - Trung Quốc, hy sinh năm 1968 tại Điện Bàn, Quảng Nam), Vĩnh Bảo (tu nghiệp tại Nhạc viện Kiep - Ukraina, hy sinh năm 1966 tại phía bắc sông Sài Gòn) và còn nhiều nghệ sĩ - liệt sĩ nữa như: Trịnh Quý, Nguyễn Mỹ Ca, La Hối… Họ đã để lại những tác phẩm âm nhạc vang vọng mãi với thời gian.

 

Hội Nhạc sĩ Việt Nam hình thành và phát triển trong giai đoạn đất nước nhiều thay đổi: vừa ổn định lại miền Bắc sau kháng chiến chống Pháp, vừa tập trung toàn lực cho cuộc chiến giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà, rồi xây dựng lại đất nước sau hòa bình, lại chiến tranh biên giới Tây Nam, phía Bắc, đến thời đổi mới, hội nhập, bảo vệ chủ quyền biển đảo. Âm nhạc đã đồng hành với vận nước.

 

Âm nhạc đã góp phần cho chiến thắng, cho hòa bình, cho đổi mới… Tất cả điều đó bắt nguồn từ mạch nguồn dân tộc, gắn liền với chủ nghĩa yêu nước. Âm nhạc ngợi ca tình yêu con người, tình yêu quê hương đất nước, ngợi ca cuộc sống lao động và chiến đấu của nhân dân… Những hoạt động quy mô do Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức từ đầu năm 2017 đến nay là sự tri ân của thế hệ nhạc sĩ hôm nay với công chúng và các thế hệ nhạc sĩ đi trước.

 

Nhìn vào chặng đường 60 năm, Hội Nhạc sĩ Việt Nam rất đỗi tự hào là một tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, xứng đáng với lòng tin của Đảng, của nhân dân. Các thế hệ nhạc sĩ Việt Nam đã có những đóng góp to lớn trong cuộc đấu tranh cách mạng, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, từ phong trào “Tiếng hát át tiếng bom” ở miền Bắc đến phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe” tại các đô thị miền Nam trước năm 1975. Trong hòa bình, âm nhạc đóng góp cho công cuộc đổi mới đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Âm nhạc Việt Nam đã đồng hành với dân tộc.

 

Cùng với hoạt động sáng tác, biểu diễn, hoạt động lý luận phê bình cũng phát triển. Nhiều hội thảo, trại sáng tác được tổ chức trong nhiều năm qua; các công trình nghiên cứu dân ca, dân nhạc, sách về âm nhạc Việt Nam, băng đĩa được in ấn, phổ biến rộng rãi; hoạt động giao lưu âm nhạc quốc tế được đẩy mạnh…

 

Các thế hệ nhạc sĩ Việt Nam đã để lại một gia tài âm nhạc đồ sộ, giá trị, đóng góp vào kho tàng văn hóa của cả dân tộc. Đảng và Nhà nước đã chọn ngày 3/9 hàng năm là Ngày Âm nhạc Việt Nam, để tôn vinh những người hoạt động âm nhạc.

 

Tại lễ kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam vừa diễn ra hôm 17/12 ở Nhà hát Lớn Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu: “Các thế hệ nhạc sĩ, nghệ sĩ đã thực sự hóa thân vào cuộc sống chiến đấu, lao động và công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc của nhân dân Việt Nam; đã sáng tạo những tác phẩm âm nhạc thấm đẫm hồn dân tộc và hơi thở thời đại, những bài ca đi cùng năm tháng. Trong 12 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được UNESCO vinh danh, có 8 di sản về âm nhạc. Đây là niềm tự hào của cả dân tộc, đặc biệt là của những người làm công tác âm nhạc”.

 

Nhìn lại những chặng đường đã đi qua của âm nhạc Phú Yên, chúng ta thấy nhiều niềm vui. Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tại Phú Yên được thành lập với sáu hội viên, gồm nhạc sĩ - Nghệ sĩ Ưu tú Ngọc Quang, nhạc sĩ - Nghệ sĩ Ưu tú Cao Hữu Nhạc, nhạc sĩ Tấn Phát, nhạc sĩ - Nghệ sĩ Ưu tú Thanh Hải, nhạc sĩ Xuân Huy và nhạc sĩ Duy Tài.

 

Chi hội có tầm hoạt động rộng, mạnh mẽ, các nhạc sĩ có nhiều tác phẩm chất lượng đã vang xa trong nước và bạn bè quốc tế, nhiều ca khúc đoạt giải thưởng tại các cuộc thi âm nhạc. Hầu hết các nhạc sĩ đã khẳng định mình qua huy chương vàng, huy chương bạc, các giải thưởng về sáng tác trong tỉnh, ngoài tỉnh và của Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

 

Chi hội đã tích cực đóng góp vào các hoạt động âm nhạc ở Phú Yên vốn phong phú và sôi nổi, điểm nhấn là các dịp lễ, tết. Đặc biệt, chương trình chào mừng Ngày Âm nhạc Việt Nam được tổ chức vào đêm 3/9 hàng năm luôn sáng tạo, hấp dẫn, thu hút nhiều nhạc sĩ, ca sĩ ở các tỉnh, thành bạn tham gia. Với những gì đã làm được, Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tại Phú Yên tự hào là một điểm sáng, hòa nhập vào dòng chảy âm nhạc Việt Nam.

 

Với những thành tích đã đạt được, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã được Đảng và Nhà nước trao tặng: Huân chương Độc lập hạng nhất, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Sao Vàng, danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

 

Đến nay, Hội Nhạc sĩ Việt Nam có 22 nhạc sĩ được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, 120 nhạc sĩ được trao tặng Giải thưởng Nhà nước, 51 Nghệ sĩ Nhân dân, Nhà giáo Nhân dân, hơn 200 Nghệ sĩ Ưu tú và Nhà giáo Ưu tú. Hội đã phát triển trên 1.500 hội viên, gồm 4 chuyên ngành: Sáng tác, Lý luận, Biểu diễn và Đào tạo, với 51 chi hội trong cả nước.

 

 

Nhạc sĩ - Nghệ sĩ Ưu tú CAO HỮU NHẠC

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek