Thứ Sáu, 11/10/2024 07:24 SA
Những người trẻ giữ hồn nhạc dân tộc
Chủ Nhật, 03/12/2017 10:05 SA

Anh Nguyễn Duy Vinh và chị Nguyễn Thị Lệ Phương thể hiện bài vọng cổ “Quê hương đất Phú” trong đại hội nhiệm kỳ 2017-2020 của CLB Dân ca - Nhạc cổ - Ảnh: THIÊN LÝ

Say đắm những làn điệu vọng cổ, trích đoạn cải lương, bài chòi..., nhiều người trẻ đã chinh phục khán giả bằng giọng ca ngọt ngào của mình. Họ mong muốn những làn điệu, câu ca, âm nhạc truyền thống của dân tộc sống mãi.

 

Say mê âm nhạc dân tộc

 

Chúng tôi gặp anh Nguyễn Duy Vinh (25 tuổi), Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Bài chòi dân gian xã An Phú (TP Tuy Hòa) trong một quán quen. Vẫn giọng ca ngọt lịm chan chứa tình cảm ấy, anh cất cao làn điệu bài chòi mà không biết đã bao lần lấy đi nước mắt người nghe: Không biết ai sớm hỏi chiều hôm/ Phần thì con dại nợ nần không ai lo/ Đói cơm một bữa không ai cho/ Phải chi mà còn vợ đói no anh cũng mừng…

 

Ngày còn nhỏ, anh Vinh thường theo chân cha mẹ tham gia các buổi biểu diễn và sinh hoạt cùng những người đam mê làn điệu bài chòi. Lời ca tiếng hát đó làm anh Vinh say mê tự lúc nào không hay. Niềm đam mê mỗi ngày một lớn, thôi thúc anh quyết tâm theo đuổi âm nhạc truyền thống.

 

“Vào một buổi trưa khi còn là cậu nhóc, tôi nổi hứng nên lục lọi tủ sách của cha tôi. Lúc ấy, từ trong hàng chục quyển sách rơi ra một tờ giấy được ép thẳng tắp, giữ gìn cẩn thận với tiêu đề to tướng Phụng hoàng. Biết đó là bài hát nhưng tôi không tài nào hát được. Thích quá, tôi cứ đọc đi đọc lại nhiều lần. Thấy vậy, cha tôi ân cần chỉ dạy cho tôi cách lấy hơi và hát bài chòi từ đấy”, anh Vinh bồi hồi nhớ lại.

 

Còn chị Nguyễn Thị Lệ Phương (29 tuổi), một trong những thành viên CLB Dân ca bài chòi phường 5 (TP Tuy Hòa) đến với niềm đam mê âm nhạc từ truyền thống gia đình. Chị Phương nói: “Sinh ra trong một gia đình có truyền thống hát dân ca - nhạc cổ nên từ nhỏ tôi đã được tiếp xúc với những làn điệu dân gian. Xem cải lương, nghe ca cổ là tôi chăm chú nên thuộc lòng nhiều bài. Lớn lên chút nữa, tôi học hỏi thêm từ người thân trong gia đình, và những nghệ sĩ đi trước, bây giờ tôi có thể hát bài chòi, vọng cổ, cải lương và nhiều điệu lý như lý tăng tít, lý cái mơn, lý qua cầu…”.

 

Chẳng sợ bị chê lỗi thời, không ít bạn trẻ đam mê loại hình nghệ thuật truyền thống này. Cô gái Nguyễn Khắc Hà Đan (15 tuổi), thành viên nhỏ tuổi nhất của CLB Dân ca bài chòi phường 5 và CLB Dân ca - Nhạc cổ thuộc Trung tâm Văn hóa Phú Yên lại gắn liền với những làn điệu truyền thống, những lời ru ầu ơ của bà, của mẹ khi còn là một đứa trẻ nằm nôi. Chính lời hát ru đã dẫn dắt em đến với những làn điệu dân ca, nhạc cổ. Tuy còn trẻ tuổi nhưng Hà Đan đã tham gia biểu diễn trên nhiều sân khấu. “Niềm yêu thích dân ca - nhạc cổ của em ngày càng lớn nên em chẳng nề hà vất vả luyện tập, học hỏi kinh nghiệm của đàn anh, đàn chị đi trước”, Hà Đan bộc bạch.

 

Kế thừa giá trị truyền thống

 

Bắt đầu từ niềm đam mê cải lương, vọng cổ, Nguyễn Duy Vinh bén duyên với bài chòi, giờ đây anh đã trở thành một “thủ lĩnh” trẻ tuổi, nhiệt huyết của CLB Bài chòi dân gian xã An Phú. “CLB hiện có 9 thành viên chính thức, và nhiều thành viên tham gia. CLB không giới hạn độ tuổi hay vùng miền, cũng như không có bất cứ ràng buộc nào, ngược lại còn khuyến khích động viên các bạn trẻ, chỉ cần có đam mê đều có thể thỏa sức tham gia lĩnh vực âm nhạc truyền thống này”, anh Vinh cho biết.

 

Khi được hỏi về những trăn trở dành cho dân ca - nhạc cổ, anh Vinh cho rằng: “Trong cuộc sống hiện đại, đại bộ phận giới trẻ đều thích những giai điệu sôi động, mạnh mẽ như nhạc Rock, sự vui tươi, phấn khởi của nhạc Pop hay cuồng nhiệt, say đắm của Flamenco... có xuất xứ từ nước ngoài nên thờ ơ với âm nhạc dân tộc. Mỗi người có sở thích âm nhạc khác nhau nhưng tôi tin chắc rằng, nếu có cơ hội đến với những làn điệu mượt mà, sâu lắng này thì không ít bạn trẻ sẽ lay động. Và đâu đó, vẫn có những người đam mê các làn điệu dân ca truyền thống, họ tập hợp thành đội, nhóm, CLB ngày ngày duy trì, gìn giữ và phát huy giá trị truyền thống của dân tộc”.

 

Ông Nguyễn Ngọc Thừa, Chủ nhiệm CLB Dân ca bài chòi phường 5 (TP Tuy Hòa), năm nay đã sang tuổi 72, vẫn trung thành với những làn điệu bài chòi, vọng cổ suốt bao năm qua. Ông Thừa tâm tình: “Tôi chỉ mong muốn các bạn trẻ dành một ít thời gian vào mỗi ngày để chiêm nghiệm lại cuộc sống, các giá trị văn hóa của quê hương từ bài chòi, vọng cổ đến cải lương để cảm nhận được cái đẹp, cái hay về những vốn quý của dân tộc mình. Từ đó, các bạn trẻ mới có cảm hứng để bắt đầu tìm đến những giai điệu đặc trưng nhưng không kém phần hấp dẫn của âm nhạc truyền thống”.

 

Ông Phan Thanh Kính, Chủ nhiệm CLB Dân ca - Nhạc cổ Trung tâm Văn hóa Phú Yên, cho biết: “CLB hiện có 30 thành viên (17 nam, 13 nữ), hầu hết có tuổi đời còn trẻ. Một trong những mục tiêu sắp tới của CLB là làm lan tỏa, thu hút các bạn trẻ với loại hình nghệ thuật này; phát hiện, bồi dưỡng trở thành những nhân tố tích cực cùng bảo tồn và phát huy nền âm nhạc truyền thống dân tộc. Bên cạnh thế mạnh về bài chòi và cải lương, CLB còn mong muốn khôi phục lại hò khoan - đặc sản làn điệu vùng đất xứ Nẫu cho thế hệ sau”. 

 

THIÊN LÝ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek