Thứ Sáu, 11/10/2024 09:24 SA
Người đi qua cuộc chiến: Những trang sách “vẽ” chân dung đại tá Vũ Linh
Thứ Năm, 09/11/2017 14:00 CH

Đại tá Vũ Linh (bên trái) và ông Ja Duck - Nguồn: Internet

Một chương trình giới thiệu sách rất đặc biệt diễn ra tại TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) vào cuối tháng 10 vừa qua, có sự tham dự của các sĩ quan tình báo, an ninh, các nhà văn, nhà báo… Chương trình giới thiệu với bạn đọc tập ký và ghi chép Người đi qua cuộc chiến, do nhóm tác giả Nguyễn Trọng Hoàng, Trần Ngọc Trác và Đinh Thị Nga dày công biên soạn.

 

Nhân vật chính trong tập ký và ghi chép này là đại tá Vũ Linh, nguyên Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng, nguyên Phó Cục trưởng A16 - Bộ Nội vụ, Cụm trưởng An ninh Tây Nguyên. Ông là “linh hồn” của chiến dịch Cao nguyên F101 nổi tiếng, một người con Phú Yên hội đủ nhân - trí - dũng.

 

Sau cuốn tiểu thuyết - ký sự nổi tiếng, sau bộ phim hành động Cao nguyên F-101 đã trở thành hiện tượng điện ảnh một thời, tập ký và ghi chép Người đi qua cuộc chiến không chỉ tái hiện chuyên án lừng danh Cao nguyên F101 mà quan trọng hơn là khắc họa chân dung đại tá Vũ Linh: một nhà tình báo mưu lược, anh dũng trong kháng chiến chống Mỹ, một sĩ quan an ninh tài trí, táo bạo và rất nhân văn trên trận tuyến chống Fulro thời hậu chiến.

 

Nhà tình báo nhân - trí – dũng

 

Bìa tập ký và ghi chép “Người đi qua cuộc chiến” - Ảnh: YÊN LAN

Tôi nhớ lần đầu tiên gặp đại tá Vũ Linh tại nhà riêng của vợ chồng cụ ở thôn Phụng Tường (xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa). Đó là khi ông Nahria Ya Duck, nguyên Phó Thủ tướng thứ nhất Fulro - Đề-ga, vượt đường xa đến thăm. Ba mươi mấy năm sau khi chuyên án nổi tiếng Cao nguyên F101 khép lại, ông Ya Duck đã trở thành ĐBQH khóa XII, XIII, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân tộc, Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Lâm Đồng. Trong ngôi nhà của vị quan tình báo từng là Phó ban thường trực Ban chuyên án Cao nguyên F101, ông Nahria Ya Duck, người từng đứng bên kia chiến tuyến, cảm kích thổ lộ: “Nếu không có cụ Vũ Linh, tôi không biết sẽ sống như thế nào, một số anh em của tôi sẽ không trở về với Nhà nước, với nhân dân. Chúng tôi có khả năng chém giết lẫn nhau và tự diệt vong. Cụ Vũ Linh là ân nhân số một đối với tôi. Tôi sống đến hôm nay và trưởng thành như hôm nay là nhờ ân nhân đó”.

 

Nhiều lần gặp đại tá Vũ Linh, chắp nối những câu chuyện theo hồi ức của người sĩ quan an ninh ngày nào và đọc hàng trăm trang tài liệu, tôi nhớ nhất là câu nói của cụ: “Nợ máu không bao giờ trả được. Vì vậy, phải tìm cách thuyết phục, cảm hóa người ta về với mình, tránh tối đa việc đổ máu”. Câu nói đó cho thấy tầm vóc của một nhà tình báo tài trí, mưu lược và luôn đề cao tình người, tình đồng bào!

 

Là “linh hồn” của chuyên án Cao nguyên F101, đại tá Vũ Linh, khi đó là thượng tá, Phó Trưởng ty Công an Lâm Đồng, đã cùng đồng chí đồng đội đập tan đầu não Fulro, làm tan rã toàn bộ lực lượng của chúng. Trong cuộc đấu trí cam go này, người sĩ quan an ninh quê Phú Yên đã thành công với kế sách dụ cọp ra khỏi hang, tháo gỡ “nút thắt” quan trọng là Ya Duck - người mang biệt danh “Hùm xám Tây Nguyên”, Phó Thủ tướng thứ nhất Fulro - Đề-ga. Thực hiện thành công kế hoạch câu nhử rồi cảm hóa “Hùm xám Tây Nguyên”, đại tá Vũ Linh cùng đồng chí đồng đội đã kết thúc chuyên án trong thắng lợi: Làm tan rã một phần Trung ương Fulro ở Lâm Đồng. Tổ chức Fulro ở Nam Tây Nguyên gần như tê liệt. Đây là thắng lợi có tính quyết định đến việc đập tan tổ chức Fulro trong những năm sau đó.

 

Những trang sách “vẽ” chân dung

 

Tập ký và ghi chép Người đi qua cuộc chiến (NXB Hội Nhà văn) dày hơn 400 trang, do nhà báo Nguyễn Trọng Hoàng, con trai đại tá Vũ Linh cùng nhà thơ - nhà báo Trần Ngọc Trác và nhà báo Đinh Thị Nga dày công biên soạn. Tập sách giới thiệu với độc giả gần 30 tác phẩm báo chí về cụ Vũ Linh, tên thật là Nguyễn Trọng Cảnh, quê ở thôn Phụng Tường. Quá trình tham gia Ban vận động chuẩn bị khởi nghĩa của tổng Hòa Tường, trở thành cán bộ Công an tỉnh Phú Yên, tập kết ra Bắc và học Trường an ninh Việt Bắc, tham gia tiếp quản Thủ đô Hà Nội rồi học lớp tình báo, vào chiến trường Khu VI… của cụ Vũ Linh được thể hiện qua nhiều bài viết sinh động. Thú vị nhất có lẽ là những tác phẩm tái hiện khoảng thời gian cụ Vũ Linh làm Tổ trưởng Tổ điệp báo A2, sau đó kiêm Trưởng Ban An ninh Đà Lạt, với những trận đánh không tiếng súng thể hiện sự mưu trí, táo bạo và tình người của nhà tình báo này. Những phẩm chất đó càng thể hiện rõ khi ông trực tiếp chỉ huy chuyên án Cao nguyên F101. Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Ủy viên Ban An ninh Khu VI, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị (Bộ Công an) viết trong tập sách: “Chuyên án F101 đã thành công vượt qua sự suy nghĩ ban đầu, trở thành huyền thoại về chiến công của Công an Lâm Đồng, của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam mà linh hồn của chuyên án chính là anh Vũ Linh… Thời gian đã lùi xa gần nửa thế kỷ, chiến công ấy vẫn còn âm vang đến tận bây giờ, đã để lại nhiều bài học quý báu cho thế hệ công an trẻ hiện nay. Anh Vũ Linh, năm nay đã bước sang tuổi 92, vượt lên trên những oan trái do “lắm kẻ yêu thì nhiều người ghét”, anh vẫn an nhiên tự tại giữa cuộc đời, vui vầy cùng con cháu và lưu mãi hình ảnh đẹp trong lòng đồng bào, đồng đội”.

 

Bên cạnh những tác phẩm công phu và thu hút của các nhà báo: Uông Thái Biểu, Khắc Dũng, Hoàng Nguyên, Đinh Thị Nga…, tôi ấn tượng với bài viết Trang văn khơi sáng trong lòng của nhà thơ Trần Ngọc Trác. Bài viết mang đến cho người đọc một góc nhìn mới về nhà tình báo Vũ Linh: một người yêu văn chương, ghi chép tỉ mỉ những câu thơ của Tố Hữu, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Tản Đà, Tú Xương, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Đức Mậu… Ông đọc nhiều tác phẩm văn học Trung Hoa, am hiểu khá sâu về lịch sử triết học Trung Quốc và am hiểu lịch sử Việt Nam, tinh thông nghiệp vụ. “Khi đọc sách báo, bắt gặp những câu châm ngôn hay, ông thường ghi chép vào sổ tay, vừa răn mình, vừa ứng xử cho phải đạo làm người. Trong nghiệp vụ, ông tâm đắc câu “Người khéo thắng là ở chỗ mềm dẻo, chứ không phải ở chỗ lấy mạnh đè yếu, lấy ít hiếp nhiều” tác giả không biết là ai, chỉ thấy ông viết bằng hai chữ Hán biến thể thành mật mã… Càng đọc những gì ông ghi chép vào sổ tay, tôi càng hiểu vì sao ông lãnh đạo, chỉ huy tổ điệp báo một cách thông minh, tài tình; càng hiểu vì sao ông đối xử với kẻ thù một cách nhân ái, độ lượng…”, nhà thơ Trần Ngọc Trác viết.

 

YÊN LAN 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek