Thứ Sáu, 11/10/2024 15:22 CH
Loay hoay tìm cách quản lý hát nhạc sống
Chủ Nhật, 01/10/2017 14:00 CH

Hát nhạc sống bán kẹo cao su trên vỉa hè - Ảnh: TUYẾT DIỆU

Tình trạng hát nhạc sống gây ồn ào, mất an ninh trật tự trong cộng đồng đang diễn ra tràn lan và khó kiểm soát. Các địa phương vẫn đang lúng túng trong việc quản lý và xử phạt các vi phạm liên quan đến việc hát nhạc sống.

 

Khó kiểm soát, xử phạt

 

Nhu cầu hát nhạc sống giải trí đang ngày càng phổ biến. Đó là ở các tụ điểm hát cho nhau nghe, tiệc tùng, các dịch vụ bán hàng sử dụng loa kéo di động (thường gọi là loa kẹo kéo), các gia đình, cá nhân bày tiệc hát nhạc sống… Tuy nhiên, việc làm nhiều người bức xúc đến bất lực của việc hát nhạc sống đó là sự thiếu ý thức của người tổ chức hát cũng như người hát khi mà hát bất kể giờ giấc, địa điểm, gây ồn ào và mất an ninh trật tự. Trong khu dân cư, hai nhóm người bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ việc ô nhiễm tiếng ồn là người già vì không thể nghỉ ngơi, và học sinh khó tập trung vào việc học. Ở các địa điểm sinh hoạt công cộng, nhiều nhóm hát nhạc sống tự phát vô tư tổ chức hát… Đơn vị chức năng quản lý tại các địa phương dù nhận được nhiều đơn thư khiếu nại bày tỏ bức xúc và yêu cầu giải quyết tình trạng này, song các địa phương vẫn đang lúng túng, chưa có biện pháp quản lý, xử lý vi phạm hát nhạc sống.

 

Chị Nguyễn Thị Trúc Loan, cán bộ VH-XH xã An Hải (huyện Tuy An), cho biết: “Ở địa phương tôi, mọi người hát nhạc sống tở mở. Khi có khiếu nại, chúng tôi đến làm việc nhưng bị phản ứng dữ dội. Họ nói công chức VH-XH không có quyền lập biên bản, xử lý”. Còn ông Trần Đức Duân, Phó Trưởng Công an phường 5 (TP Tuy Hòa), đề xuất: “Khi lực lượng công an đi kiểm tra mà độc lập phát hiện vi phạm, lập biên bản, xử lý, người dân không tâm phục khẩu phục. Nếu cán bộ VH-XH phường phối hợp với công an làm nhiệm vụ này thì hiệu quả sẽ cao hơn, các đơn vị chức năng liên quan cần phải phối hợp chặt chẽ hơn nữa”.

 

Dù đã triển khai nhiều biện pháp quản lý như yêu cầu các điểm hát cho nhau nghe, các đơn vị cho thuê thiết bị âm thanh và cung cấp dịch vụ hát nhạc sống ký cam kết không vi phạm ca hát, nhưng các địa phương vẫn không thể quản lý tình trạng vi phạm hát nhạc sống. Ông Ngô Xuân Vinh, viên chức Phòng VH-TT huyện Tây Hòa, cho biết: “Hiện nay, trung bình ở huyện Tây Hòa cứ một xã có 10 tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ hát nhạc sống. Phòng chưa thể kiểm soát được các vi phạm từ việc hát loa kẹo kéo và các cá nhân tự phát. Vừa rồi, Sở VH-TT-DL tổ chức tập huấn đo độ ồn cho cán bộ VH-XH địa phương nhưng tôi nghĩ chưa thể áp dụng. Vì máy đo độ ồn theo đúng chuẩn có giá thành cao, địa phương chưa thể trang bị được”.

 

Tuyên truyền vẫn là biện pháp chủ yếu

 

Tuy nhiên, việc kiểm soát tình trạng nhạc sống gây ồn và mất an ninh trật tự không phải hoàn toàn bất lực nếu các cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương quan tâm, vào cuộc. Ông Ngô Xuân Vinh cho biết thêm: “Ở huyện Tây Hòa có xã Hòa Đồng làm rất tốt công tác quản lý vi phạm hát nhạc sống. Cách làm của xã Hòa Đồng là lập đội kiểm tra gồm nhiều đơn vị chức năng gồm công an xã, cán bộ VH-XH thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở và xử lý vi phạm. Tôi cho rằng, nếu địa phương tăng cường công tác kiểm tra, lồng ghép truyền thông, tuyên truyền thì hiệu quả sẽ cao hơn”.

 

Thực tế cho thấy, để chấn chỉnh tình trạng vi phạm trong việc hát nhạc sống thì nên đưa nội dung này thành điều khoản trong quy ước thôn, buôn, khu phố là phù hợp nhất. Vừa qua, tại lớp tập huấn sử dụng máy đo tiếng ồn do Sở VH-TT-DL Phú Yên phối hợp với Viện Môi trường và Tài nguyên (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) tổ chức, Sở VH-TT-DL Phú Yên đã thông qua dự thảo Quy ước đồng thuận khu dân cư. Dự thảo quy ước này nêu cao trách nhiệm của trưởng thôn, buôn, khu phố trong việc quản lý hát nhạc sống ở địa phương. Dự thảo quy ước còn quy định thời gian cụ thể cho việc tổ chức hát, tránh các giờ nghỉ trưa và sau 20 giờ; không được tổ chức các địa điểm công cộng như dưới lòng, lề đường, trên vỉa hè, công viên... Các đơn vị vi phạm quy ước sẽ bị xử lý bằng các hình thức: kiểm điểm, phê bình trước dân ở khu dân cư; không được bình xét công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Cơ quan, đơn vị văn hóa”; xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật”.

 

Ông Hồ Văn Tiến, Giám đốc Sở VH-TT-DL Phú Yên, cho hay: “Việc phổ biến dự thảo Quy ước đồng thuận khu dân cư (thôn, buôn, khu phố) về hoạt động hát nhạc sống giúp địa phương có cơ sở để quản lý hiệu quả hơn. Sở VH-TT-DL Phú Yên cũng vừa tổ chức lớp tập huấn cho cán bộ văn hóa các cấp từ xã đến tỉnh, cấp chứng nhận về việc sử dụng máy đo tiếng ồn. Sau lớp tập huấn, các học viên là thành viên của các đoàn kiểm tra có thể sử dụng máy đo độ ồn xử lý vi phạm. Chế tài từ việc vi phạm về tiếng ồn được quy định tại Điều 17, Nghị định 155 của Chính phủ trong khung từ 1-160 triệu đồng. Đồng thời, chính quyền các địa phương cần quan tâm và bố trí kinh phí để trang bị máy đo độ ồn trong quản lý hát nhạc sống”.

 

DIỆU ANH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek