Thứ Sáu, 11/10/2024 17:24 CH
Câu chuyện Trung Quốc – truyện ngắn của URS WIDMER (Thụy Sĩ)
Thứ Hai, 18/09/2017 07:00 SA

Urs Widmer, sinh năm 1938, là nhà văn nổi tiếng người Thụy Sĩ, viết bằng tiếng Đức, tiến sĩ văn học, làm việc ở các nhà xuất bản. Từ năm 1967 sang Đức, dạy học ở Đại học Frankfurt, viện sĩ Viện hàn lâm Ngôn ngữ và Văn học Đức. Năm 1984 trở về Thụy Sĩ, sống ở Zurich. Widmer viết truyện ngắn, tiểu thuyết, tiểu luận, dẫn chương trình trên các đài phát thanh và truyền hình. Được trao nhiều giải thưởng văn học của Đức và Thụy Sĩ.

 

*

 

Không biết các bạn có nhớ là tôi đã từng sống ở Trung Quốc. Tôi đã kể, thậm chí đã viết về chuyện ấy, sự việc diễn ra lâu rồi, rất lâu. Trung Quốc ngày ấy không phải như hiện nay, kể cả tôi cũng vậy. Dạo ấy tôi còn trẻ, khỏe như vâm và thô kệch như con quỷ. Tôi có cô bạn gái là nghệ sĩ dương cầm tên là Phi. Tôi yêu cô ấy và cô ấy cũng yêu tôi, đúng như vậy, nhưng sau đó cô ấy bỏ tôi để làm lại cuộc đời ở Trung Quốc. Nói chung, tôi đã kể về chuyện này rồi, chỉ có điều là chưa nói đến cái đoạn gay cấn nhất. Trong lúc vở kịch của đời tôi đang diễn ra thì làm sao tôi có thể hé răng được?

 

Minh họa: PV

 

Dĩ nhiên là trong chuyện này có một người đàn ông Trung Hoa đóng vai trò quan trọng như trong một vở kịch, nếu không muốn nói là bi kịch. Nó đã làm cho trái tim tôi ứa máu, nhưng tôi vẫn phải cười mà rơi nước mắt, thay vì phải tát vào mặt cô ta hay là người đàn ông Trung Hoa kia một trận mới phải. Nhưng chẳng ai nói gì cả. Lúc ấy cũng chẳng ai nghĩ đến chuyện phân biệt chủng tộc. Khi đó, đất nước Trung Quốc còn xa hơn cả mặt trăng.

 

Ông Bình là người Hoa, đương nhiên là đến từ Trung Quốc, chính xác là từ Thượng Hải, nói năng như một quan chức có học, còn viết chữ nho bằng mực Tàu thì những bức thư của ông ta trông như những tấm rèm đến nỗi lũ chim cứ bay lượn xung quanh mà ngắm nhìn mê mải. Tôi phải dịch những bức thư đó vì cô Phi không biết tiếng Hoa, còn tôi lại biết, chỉ có điều xin đừng hỏi, tôi đã học như thế nào, chuyện ấy sẽ kể sau, chỉ cần biết cô Phi của tôi vô cùng hạnh phúc khi nghe tôi dịch trực tiếp bức thư: “Tôi yêu em” hay “những đường nét của bộ ngực em như đốt cháy trái tim tôi”. Vẻ mặt cô như siêu thoát, như đang nghe tiếng gọi từ đấng tối cao, ánh mắt không rời khỏi miệng tôi trong lúc tôi dịch sang tiếng Đức những lời tỏ tình thơ mộng và quỷ quái của anh chàng người Hoa.

 

Đã thế, tôi lại càng cảm thấy khổ tâm hơn vì sự giằng xé nội tâm: một mặt, tôi không muốn đọc thành lời nhiều câu trong những bức thư như thế này, nói chung là không muốn. Mặt khác, lòng tự trọng của một nhà Hán học bắt tôi phải dịch chính xác mọi sắc thái tình cảm của bức thư. Ôi, những sắc thái tình cảm! Chúng ta không viết như họ. Chúng ta chỉ nói một cách đơn giản: Elza, anh muốn em, chúng ta lên giường nhé, và thế là xong. Nhưng người Hoa không thể xong như thế được, ở họ mọi chuyện vẫn còn tù mù lắm, còn vô vàn những câu bóng gió, ám chỉ, đến nỗi đôi khi cũng làm tôi xúc động đến ứa nước mắt, phải đặt bức thư xuống đầu gối, chấp nhận yêu cái lão già Thượng Hải kia, thuyết phục cô Phi đến với lão - khốn nạn thế đấy. Đã thế, lão kia còn là một nhà hiền triết, nhà hiền triết da vàng đáng ghét. Ông ta là một trí thức, là phó giáo sư ở trường đại học tổng hợp, một nhà Tây học theo cách nói của họ ở đấy, tức là chuyên nghiên cứu về chúng ta, chủ yếu là về lý thuyết. Đối với ông, cô Phi là cuộc thí nghiệm thực tế đầu tiên, và tôi không biết chắc, cái cuộc thí nghiệm thực tế này kết thúc ra sao. Nhưng đột nhiên, vào một ngày đẹp trời, cô Phi bỗng biến mất - tôi nghĩ, cô ta đã ngồi vào chiếc máy bay của hãng hàng không “Chainơ Elai”, dù tôi không thể nào hiểu nổi, cô ấy lấy tiền ở đâu để mua vé. Cô Phi không có tiền, tôi cũng không có, còn cái lão già người Hoa lúc nào cũng chỉ có một bộ trang phục màu xanh như chiếc áo thụng trông chẳng giống một người có thu nhập ổn định trong cái thế giới tội lỗi này. Mặc dù, rất có thể tôi nhầm lẫn ở đây vì ta không bao giờ hiểu được người Hoa. Bất cứ lức nào, nhà cầm quyền cũng có thể gọi đao phủ tới, và anh sẽ không thể biết, ngay bây giờ đầu của anh hay của người bên cạnh sẽ bay khỏi cổ: Anh vừa bép xép cái gì đó đụng chạm tới chính quyền, người kia vừa sinh thêm một đứa con hay dính dáng tới ma túy - giờ đây ở đấy, anh không thể biết chắc, thế nào là có tội, thế nào là không. Đôi mắt của người Hoa hẹp đến mức, không ai, nói chung là không ai có thể đoán được họ đang nghĩ gì. Nếu các bạn để ý quan sát những người Hoa đến đây - đến phương Tây tự do, các bạn sẽ thấy, mắt họ mở to hơn, to hơn là vì nền kinh tế thị trường tự do, và chính họ đang tìm cách len lỏi vào mọi kẽ hở của nó.

 

Vậy là cô Phi đã biến mất. Tôi đã nói, cô ấy là một nghệ sĩ piano chưa nhỉ? Ở Trung Quốc, người ta không chơi piano, nói gì đến dương cầm. Ở đấy, ngay giữa ban ngày, có đốt đuốc cũng không tìm đâu ra một cây đàn dương cầm “Steinway” hay “Bechstein”. Tôi nghĩ, có lẽ cô Phi rất buồn vì giờ đây cô ấy phải thể hiện tình cảm của mình bằng những chiếc đũa tre gõ vào cây đàn xylophone, chỉ tạo ra những âm thanh đơn điệu. Mặc dù vậy, ông bồ người Hoa của cô Phi rất thích màn biểu diễn này, ông ấy có thể nghe suốt ngày đêm không chán. Tôi thậm chí cũng không biết, họ có cưới nhau thực sự hay không, nhưng tôi nghe nói, vào đêm tân hôn, các cô gái người Hoa đều thủ một cái chuông như tháp chuông ở Strasbourg vậy. Không, đối với tôi, nói cô Phi có cái chuông thì quả là quá đáng. Suốt đêm tôi lang thang trong vườn trước cái tổ uyên ương của họ, ghé tai vào tấm vách ván phòng ngủ của họ, nhưng chẳng nghe thấy gì cả, hoàn toàn không có gì. Tôi nghi ngờ, và ngay sau đó tôi tin chắc là ở đó không có cô Phi nào cả. Kể cả cái vị quan chức mặc áo xanh kia cũng không có nốt. Thực ra, tai tôi lúc nào cũng nhét bông, tuy nhiên đôi khi tôi cũng nhìn thấy loáng thoáng những cái bóng. Những cặp chân, những cái mông nhấc lên hạ xuống, mái tóc xõa ra, và tất cả đều diễn ra trong sự im lặng tuyệt đối. Dựa vào những cái bóng, có thể nhận ra khuôn mặt của đôi tình nhân, nhất là khi chúng chuyển động và hòa vào nhau trong những nụ hôn không theo kiểu của chúng ta. Tôi không nói về ngôn ngữ mà nói về một đất nước, một nền văn hóa khác, nơi không bao giờ ta có thể biết được người làm vườn có đuổi ta đi, còn lũ chó có lao ra cắn xé. Các bạn biết đấy, ở đó, trong các nhà hàng, người ta vẫn làm thịt chúng?

 

Mọi việc tiếp theo diễn ra một cách bình thường: hình như tôi lại nhầm lẫn gì đó. Có thể, khi ấy tôi không có mặt ở Trung Quốc, trong mọi trường hợp là vào thời gian đó, tức là vào năm 1970, khi mọi chuyện diễn ra, tôi không có mặt ở Trung Quốc. Tôi chỉ nhớ, tôi ngồi ở nhà, ngẫm nghĩ về việc làm cách nào để tiếp cận những kẻ phụ tình kia một cách dễ dàng, rồi tôi chợt nhớ đến cái bảo tàng với những bức tranh mà ta có thế bước vào trong đó - dĩ nhiên nếu anh là người Hoa và đó là tranh Trung Quốc. Quả thật, tôi không phải là người Hoa, nhưng dù sao thì tôi cũng biết tiếng Hoa, hẳn các bạn còn nhớ, tôi đã hứa sẽ kể về việc tôi học tiếng Hoa như thế nào? Như thế này đây: tôi chỉ cần nhìn vào mồm cái ông ứng cử viên tình ái bẻm mép dù vẫn chưa hiểu ông ta nói gì. Khả năng học ngoại ngữ của tôi khá hơn nhiều so với cô Phi. Vậy là tôi chẳng khó khăn gì tìm ra bức tranh cần thiết và cho cô ta biết, tôi là người của cô ấy. Vậy là tôi đã bước vào tâm hồn của cô Phi. Cô ấy miêu tả vùng ngoại ô Thượng Hải như trên tấm biển quảng cáo, và thế là tôi như đang đứng giữa những người Hoa, cả đàn ông lẫn đàn bà, y như trong các tư liệu cổ, giữa những đóa hoa sen và những con chim công. Không khí oi bức, tôi đổ mồ hôi hột trong chiếc quần dạ và áo len cao cổ. Ở châu Âu đang là mùa đông. Sau khi cởi áo len ra, tôi bước trên con đường dẫn đến thành phố Thượng Hải. Tôi không biết, kẻ đã lấy mất cô Phi của tôi tên là gì, sống ở đâu, những bức thư của ông ta không ghi địa chỉ người gửi, còn chữ ký toàn là những bút danh hoa mỹ khác nhau, nhiều đến mức gây cho người ta cảm giác không chỉ có một người Hoa mà là cả vương quốc vùng Trung Á này đang tán tỉnh cô Phi. Sau bức thư thứ tư - được ký bằng bút danh “Tâm hồn của con giống màu xanh” - cô Phi đã sẵn sàng hiến dâng ngay lập tức cho ông ta hoặc cho cho tất cả mọi người Hoa, thậm chí ngay cả khi tôi hét toáng lên cô ta cũng không thèm nghe. Ôi, tôi đã phải la hét như thế nào! Thì cũng như tất cả những người đàn ông phát cuồng lên vì ghen: Đồ chó cái, đồ nhơ nhuốc, đồ đĩ ngựa. Thế mà cô ấy chỉ mỉm cười, bởi lẽ cô ấy đã sống trong một thế giới khác, thế giới của người Hoa.

 

Ở Thượng Hải, vấn đề rắc rối nhất là khi tôi hấp tấp bước ngay vào bức tranh của đời sống thường nhật thế kỷ XVI - đúng là ngớ ngẩn thật! - tôi rơi vào triều đại đầu nhà Minh chứ không phải cuối nhà Mao, nhưng sự khác biệt không đến mức lớn lắm. Vào thời kỳ này, hầu như ở mỗi góc phố đều có một kẻ nào đó bị tử hình. Tuy nhiên, điều đó chẳng làm tôi cảm thấy nhẹ nhõm hơn bởi lẽ người phụ nữ với chiếc chuông đằng sau bức vách bằng giấy bồi mà tôi đã quyết định phải chiếm đoạt cho bằng được hóa ra không phải là cô Phi, kể cả khi người đàn ông mà cô ấy rung chuông cầu cứu đã gọi tên cô ấy bằng tiếng Hoa là “Phi” - tôi đã lấy cục bông nhét ở tai ra nên có thể nghe thấy mọi tiếng động nhỏ nhất. Như mọi người đều biết, trong tiếng Hoa, chữ “P” đọc thành “H”, chữ “I” đọc thành “U”, còn chữ “I” đọc thành “NG”, vậy là thành chữ Hường - ôi, cái tên mới dịu dàng làm sao! Cô Hường đang yêu say đắm, như chết mê chết mệt, còn tôi, đúng lúc ấy đang chuẩn bị đập vỡ bức vách bằng giấy bồi thì lũ chó nhảy bổ vào tôi. Không đơn giản là những con chó mà là những tảng thịt chó khổng lồ, cả một đàn chó săn cao khoảng một mét, không có một con chó cái nào, cùng sủa ầm ĩ, nhe ra những cái mõm đầy dãi nhớt, hay như người ta vẫn thường nói là những cái hàm khủng khiếp của lũ chó săn ngoác ra. Tôi hoảng hồn đến mức không thể nghĩ ra được điều gì, không thể diễn tả nổi bằng lời - kể cả tôi và cái tay người Hoa kia! - tôi chỉ còn biết cắm đầu băng qua vườn hoa. “Ngồi xuống!” - tôi muốn hét lên, hay là “Đứng lại!”, nhưng từ cổ họng chỉ phát ra những tiếng khò khè. Rất có thể tôi đã bị xé tan ra thành từng mảnh nếu như vào thời khắc cuối cùng, tấm cửa đẩy bằng giấy bồi trên ngưỡng cửa không hé ra và một thiếu nữ người Hoa tuyệt đẹp trong bộ áo váy bằng lụa không hiện ra như trong một giấc mơ. “Ngồi xuống! - cô gái hét lên. - Đứng lại!” Ngay sau đó là lão già người Hoa bước ra, không có áo choàng bằng lụa và nói chung là chẳng thèm quan tâm đến tôi. Tuy nhiên, ông ta cũng chẳng còn việc gì làm ở đây nữa. Tôi được mời vào nhà. Chúng tôi lịch thiệp ngồi xuống chiếc chiếu và dùng trà. Người phụ nữ, dĩ nhiên không phải là cô Phi - đó là vào năm 1556! - mà là cô Hường, và vào cái buổi tối tuyệt vời ấy, cô Hường yêu tôi đắm đuối - tôi cũng yêu cô ấy như thế. Sáng sớm hôm sau, cô ấy đưa tôi ra cổng giữa đám chó săn nằm im thin thít và chúng chỉ ngọ ngoạy khi ông chủ nhà đuổi theo chúng tôi. Nhưng ông ta đành phải đứng từ xa hét toáng lên như mọi người đàn ông trong hoàn cảnh tương tự khi những bà vợ của họ khuất dần trong màn sương sớm với những người đàn ông khác: Nào là đồ chó cái, đồ nhơ nhuốc, đồ đĩ ngựa. Còn chúng tôi lại rất vui và hôn nhau. Chúng tôi chạy hết con đường và dừng lại giữa những đóa sen. Ở đó còn có một ngôi chùa mà trước đó tôi không để ý. Chúng tôi dễ dàng tìm thấy lối ra khỏi bức tranh, tôi còn giúp cô Hường đi vào bảo tàng. Vào thế kỷ hai mươi. Vào thành phố của tôi.

 

Đương nhiên ở đây, tên của cô gái là “Phi”, bởi vậy mà từ bấy đến nay tôi lại sống chung với cô Phi. Tôi yêu cô ấy. Đúng ra, cô ấy không chơi đàn piano. Cây đàn “Bosendorfer” vô dụng phủ đầy bụi trong phòng khách, nhưng bù lại, cô ấy vẽ những bức tranh phong cảnh rất đẹp, gợi nhớ đến quê hương Thượng Hải với những cây cầu treo, những dãy núi uốn lượn mềm mại, những bụi tre. Tôi hạnh phúc, chỉ có một điều duy nhất khiến tôi lo lắng: đến một lúc nào đó cô ấy sẽ bước vào một trong số những bức tranh kia. Tôi như nhìn thấy, cô ấy đứng trước bức tranh của mình, đột nhiên thu nhỏ người lại, rồi đi về phía đường chân trời trong bức tranh bằng những bước chân cương quyết, không một lần ngoái đầu lại, ít ra là để vẫy tay với tôi, cho đến khi biến thành một cái chấm nhỏ và cuối cùng thì biến mất hoàn toàn.

 

ĐÀO MINH HIỆP (dịch)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek