Thứ Sáu, 11/10/2024 17:18 CH
Thanh Tùng - thi sĩ có số phận kỳ lạ
Chủ Nhật, 17/09/2017 13:00 CH

Thanh Tùng là một tài năng thơ bẩm sinh, một nhân cách thơ có số phận độc đáo và kỳ lạ trong đời sống thi ca Việt Nam hiện đại. Ông được xem là nhà thơ tiêu biểu xuất thân từ công nhân “quai búa” và “áp tải”, hai lần được nhận giải thưởng thơ của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

 

Nhà thơ Thanh Tùng và tập thơ Thời hoa đỏ mới tái bản - Ảnh: PHAN HOÀNG

 

Nhà thơ Thanh Tùng tên thật là Doãn Tùng, sinh ngày 7/11/1935, tại làng Cầu Gia, xã Gia Hòa, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định trong một gia đình khá giả, được học hành. Trưởng thành giữa lúc đất nước chiến tranh, rồi trải qua thời hậu chiến đầy khó khăn, ông làm lụng vất vả bằng nhiều nghề ở Hải Phòng. Cuối đời ông hành phương Nam mưu sinh và sáng tác tại TP Hồ Chí Minh.

 

Số phận kỳ lạ thể hiện ngay ở hành trình cuộc đời nhà thơ Thanh Tùng. Quê ở thành Nam, trưởng thành ở phố Cảng, gắn bó với Hà Nội rồi ông phiêu bạt tận phương Nam. Bước chân thi sĩ hồn nhiên lãng du khắp đất nước này, từ núi rừng biên giới phía Bắc đến duyên hải miền Trung và tận sông nước Cửu Long. Ông xê dịch không ngừng nhưng luôn cảm nhận được vẻ đẹp thẳm sâu từng vùng đất ông đến. Như bài thơ Hà Nội nổi tiếng được nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc, trong ấy có đoạn ông viết:

 

Vội vã trở về, vội vã ra đi

Chẳng kịp nhận ra từng con phố

Nhưng trong tôi vững bền đến thế

Những chiếc lá nhìn tôi vẫn mắt tuổi học trò

Những vòm cổ nghiêng xuống tôi hơi ấm

Thầm thì lời của rêu phong

Sâu đến nỗi bàng hoàng lạc tới ngàn năm.

 

Khởi đầu dạy thể dục thể thao trường trung học phổ thông, Thanh Tùng chuyển sang làm công nhân đóng tàu, áp tải hàng hóa, phụ bán quán rượu và gần cuối đời mới thực sự làm công việc của mình là biên tập thơ cho tạp chí Tài Hoa Trẻ, Kiến Thức Gia Đình. Dù làm việc gì, sống ở đâu, nhà thơ Thanh Tùng cũng luôn trong hoàn cảnh nghèo túng. Ông nghèo nhưng không hèn. Ông nghèo nhưng trong sạch, không xem trọng danh lợi. Và ông nghèo nên dễ đồng cảm với cái nghèo của người khác.

 

Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn, một đàn em gần gũi với bậc lão thành Thanh Tùng cho hay: “Ông rất nhạy với những buồn vui của số phận, nên ông hay khóc. Ông không khóc thầm. Ông khóc nấc lên, không cần giấu diếm, không cần che đậy. Lần đầu tiên gặp nhau, tôi mời ông vào một quán bia nhỏ bên đường, Thanh Tùng đã khóc vì chứng kiến một đứa bé gầy gò bán vé số. Nhìn theo đứa bé thất vọng quay đi khi chúng tôi không mua vé số, đôi mắt Thanh Tùng nhạt nhòa dần. Đưa tay quệt nước mắt, Thanh Tùng ứng tác ngay mấy câu: Tôi khốn nạn vì cái nghèo/ Không đủ tiền mua cho em một tấm vé số/ Mua cho tôi một niềm hy vọng/ Và mua cho em một chiếc vé vào tương lai.

 

Nghèo tiền bạc nhưng giàu có tình thương yêu con người như nhà thơ Thanh Tùng thật đáng quý xiết bao. Một cái nghèo đẹp và sang, đầy tinh thần nhân văn.

 

Trong đời sống riêng tư, nhà thơ Thanh Tùng cũng lận đận. Ông trải qua ba cuộc hôn nhân nhưng đều gặp trắc trở. Là một người yêu đương say đắm, mãnh liệt, tận tâm tận lực với người mình yêu, với bạn đời, nên khi tình yêu tan vỡ, ông vô cùng đau khổ, lấy rượu giải sầu, lấy thơ giải tỏa và cũng từ đó nhiều bài thơ tình xuất thần của ông đã ra đời. Trong đó, bài thơ tình tiêu biểu Thời hoa đỏ được nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng phổ nhạc quen thuộc, đã tạo dựng vị trí vững chắc của Thanh Tùng trên thi đàn:

 

Dưới màu hoa như lửa cháy khát khao

Anh nắm tay em bước dọc con đường vắng

Chỉ có tiếng ve sôi chẳng cho trưa hè yên tĩnh

Chẳng chịu cho lòng ta yên

Anh mải mê về một màu mây xa

Về cánh buồm bay qua ô cửa nhỏ

Về cái vẻ thần kỳ của ngày xưa

Em hát một câu thơ cũ

Cái say mê một thời thiếu nữ

Mỗi mùa hoa đỏ về

Hoa như mưa rơi rơi

Cánh mỏng manh tan tác đỏ tươi

Như máu ứa một thời trai trẻ.

 

Trắc trở trong tình yêu nhưng đổi lại có được một bài thơ bất tử như Thanh Tùng thì cũng là điều độc đáo, kỳ lạ hiếm thấy!

 

Dù trải qua khó khăn nghèo túng nhưng nhà thơ Thanh Tùng luôn dành tình yêu thương lớn lao cho hai người con, một trai một gái của mình. Nhờ tình yêu thương của cha và sự vượt lên chính mình, hai người con của ông đều trưởng thành, làm ăn vững vàng. Đặc biệt là cô con gái hiếu thảo Lan Hương sau khi an cư tại TP Hồ Chí Minh đã trở thành điểm tựa yên vui cho cha lúc cuối đời. Lễ mừng sinh nhật 80 của nhà thơ Thanh Tùng và tập thơ Thời hoa đỏ tái bản gần đây của ông là niềm hạnh phúc cho ông mà con gái Lan Hương mang lại.

 

Và nói đến nhà thơ Thanh Tùng, chúng ta không thể quên tình cảm mà ông dành cho đồng nghiệp, bạn bè. Ông là một trong những người có rất nhiều tri kỷ, tri âm khắp bốn phương. Không chỉ trong nước mà nhà thơ Thanh Tùng còn có những người bạn ngoài nước, nhất là khi ông được Hội Nhà văn Việt Nam cử sang Hy Lạp tham dự liên hoan thơ quốc tế. Ai đã một lần gặp trò chuyện với Thanh Tùng thì không thể nào quên bậc thi sĩ có nụ cười hồn nhiên, chân chất, hào sảng, sáng trong như trẻ thơ. Vâng, Thanh Tùng là một nhà thơ có tâm hồn trẻ mãi không già. Điều ấy thể hiện trên chính nụ cười của ông.

 

Và nụ cười hồn nhiên ấy của nhà thơ Thanh Tùng đã mãi mãi lịm tắt vào lúc 21 giờ 30 ngày 12/9/2017 (nhằm 21/7 năm Đinh Dậu) tại nhà riêng con gái ông ở TP Hồ Chí Minh, hưởng thọ 83 tuổi, sau một thời gian chống chọi với căn bệnh dạ dày nan y.

 

PHAN HOÀNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek