Thứ Sáu, 11/10/2024 21:17 CH
Huyện Sông Hinh bảo lưu văn hóa “hoang sơ”
Thứ Ba, 22/08/2017 14:00 CH

Các thiếu nữ Ê Đê, huyện Sông Hinh biểu diễn múa chim Grứ - Ảnh: TRẦN LÊ KHA

Người Ê Đê ở huyện Sông Hinh cần cù trong lao động, đồng thời là những nghệ nhân tài hoa trong lĩnh vực âm nhạc, nhảy múa, điêu khắc, văn học dân gian truyền miệng được thể hiện trong các lễ hội. Chính vì vậy, một kho tàng văn hóa truyền thống “hoang sơ” đặc sắc của huyện Sông Hinh đã được lưu truyền mãi đến ngày nay.

 

Nếu như các lễ hội đã gắn bó và theo suốt vòng đời người và vòng cây trồng thì kho tàng dân ca, nhạc đàn, ngôn ngữ múa xoan, truyện cổ tích, các bản trường ca và nghệ thuật điêu khắc không bao giờ vắng bóng trong đời sống cộng đồng dân tộc Ê Đê ở huyện Sông Hinh. Các bản trường ca như: “Sinh Chơ Nhã”, “Đam San”, “Khinh Dú”, “Am H’Vứ”… ca ngợi sự đoàn kết của gia đình, cộng đồng các dân tộc, đều ngời lên tính nhân văn rất cao. Tiêu biểu là trường ca “Sinh Chơ Nhã” nói về cha Charkok và mẹ đẻ Bia Chơ Kuai đã bị bọn xấu lợi dụng giết hại, từ đấy Sinh Chơ Nhã lớn lên, nhờ bà mẹ nuôi che chở chăm sóc và tìm cách báo thù, đã nhiều lần đánh bại bọn gian ác trong buôn làng, giữ được sự bình yên cộng đồng của người Ê Đê trên mảnh đất phía mặt trời mọc Tây Nguyên.

 

Lời ca tiếng nhạc luôn là nguồn cổ vũ trong đời sống, hòa với tiếng suối reo, vang vọng giữa đại ngàn. Những điệu múa uyển chuyển chẳng mấy khi vắng bóng dưới mái nhà sàn. Người Ê Đê quan niệm rằng, chim Grứ (đại bàng) là biểu hiện cho sức mạnh dồi dào, chỉ có nó mới có thể bay cao nhất trong các loài chim. Nên động tác múa chim Grứ hoàn toàn mô phỏng theo cánh chim bay lượn.

 

Oi B’Lứ, người Ê Đê hiện ở buôn Ly, xã Ea Trol là nghệ nhân kèn Lá, kèn Đinh Năm và kèn Đinh Gúi, cho biết: “Dân ca Ê Đê vô cùng phong phú, nó gắn liền với những nhạc cụ cổ truyền của dân tộc là những bộ cồng chiêng. Bộ thường có 4 cái, chiếc to nhất có núm gọi là Char, dùng để đếm nhịp. Bộ cồng có 6 cái nhỏ hơn chiêng và đều không có núm. Bộ nhạc bằng đồng này thường phối hợp với chiếc trống cái bịt bằng da trâu. Ngoài cồng chiêng, người Ê Đê còn sử dụng các nhạc cụ đàn Gông, đàn K’ní, đàn T’rưng, kèn Đinh Năm, Đinh Gúi. Mỗi dàn cồng chiêng là tiếng nói tâm linh, tâm hồn của người Ê Đê, để diễn tả những niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống lao động và sinh hoạt hàng ngày của họ”.

 

Về di sản văn hóa vật thể, huyện Sông Hinh hiện có gần 600 bộ cồng chiêng các loại, 11 bộ a ráp. Còn di sản văn hóa phi vật thể xấp xỉ 100 sử thi và trên 30 nghệ nhân hát sử thi. Sông Hinh được xem là nơi hội tụ văn hóa lễ hội của dân tộc Ê Đê như tục cúng bến nước, cúng mừng ăn cơm lúa mới, cúng mừng tuổi, lễ bỏ mả, lễ cưới… Lễ hội truyền thống ấy luôn phong phú về thể loại, nội dung lại gần gũi với cuộc sống mỗi người nơi đây nên đã được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Ở các buôn làng, người Ê Đê vẫn còn giữ nghề truyền thống dệt thổ cẩm, họ dệt lên những hoa văn, họa tiết trên từng cái áo, cái êng (váy), chiếc khố, màu chủ đạo đen và đỏ rất đặc trưng của đồng bào mình. Dân tộc Đê còn có một nền mỹ thuật điêu khắc, kiến trúc mang đậm tính đặc thù khá nguyên bản, đa hình, đa sắc. Thể hiện đậm nét nhất là nghệ thuật điêu khắc đặc trưng ngôi nhà dài, nhà mồ của người Ê Đê. Các nghệ nhân dân gian chạm khắc nhiều họa tiết phản ánh thế giới tự nhiên, như mặt trời, hoa lá, các con vật, mảnh trăng non…

 

Ông Phan Thanh Quyền, Trưởng Phòng VH-TT huyện Sông Hinh, cho biết: “Ê Đê là một trong những dân tộc sinh sống lâu đời ở huyện Sông Hinh, với nhiều nét văn hóa đặc trưng. Trải qua nhiều biến thiên của lịch sử, đồng bào Ê Đê ở vùng đất này đã vượt muôn vàn khó khăn để sinh tồn. Ngày nay, cuộc sống của bà con ở các buôn làng đang đổi thay, có điều kiện giao tiếp với xã hội, nhưng họ vẫn gìn giữ và phát huy tập tục văn hóa truyền thống của dân tộc Ê Đê rất ít bị pha tạp. Trong các lễ hội truyền thống tại các buôn làng, hàng trăm thanh niên đã tham dự một số buổi biểu diễn cồng chiêng, múa xoan thu hút nhiều du khách. Đồng bào Ê Đê ở huyện Sông Hinh bảo tồn văn hóa dân gian đặc sắc, đã tiếp sức cho nền văn hóa hiện đại đậm đà bản sắc dân tộc”.

 

TRẦN LÊ KHA

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Cảm thu - thơ VŨ HOÀNG GIANG
Chủ Nhật, 20/08/2017 13:45 CH
Thu ca - thơ HUỲNH DUY HIẾU
Chủ Nhật, 20/08/2017 13:40 CH
Ngọn bút lá tre…
Chủ Nhật, 20/08/2017 13:14 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek