Thứ Sáu, 11/10/2024 21:24 CH
Thách thức của truyền truyền hình trong giai đoạn mới
Chủ Nhật, 20/08/2017 16:00 CH

Từ 24 giờ ngày 15/8 vừa qua, thêm 15 tỉnh trên cả nước đã tắt sóng truyền hình tương tự mặt đất analog (không bao gồm truyền hình cáp, net, My TV) để chuyển hoàn toàn sang truyền hình kỹ thuật số mặt đất nằm trong lộ trình số hóa truyền hình đến năm 2020 của Chính phủ, nhằm đưa cả nước chuyển sang sử dụng truyền hình số mặt đất với chất lượng âm thanh, hình ảnh tốt hơn.

 

Để thu xem truyền hình sau ngày tắt sóng, các hộ gia đình đang sử dụng truyền hình analog phải trang bị đầu thu kỹ thuật số công nghệ DVB-T2 hoặc mua TV tích hợp sẵn đầu thu kỹ thuật số công nghệ DVB-T2. Thách thức của truyền hình trong giai đoạn mới xoay quanh vấn đề giữ khán giả và định hướng dư luận trong bối cảnh bùng nổ của truyền thông mới.

 

Sự lấn lướt của truyền thông mới

 

Tôi có anh bạn làm quản lý ở một cơ quan báo chí, được đồng nghiệp tặng mỗi ngày một tờ báo cũng khá nổi tiếng. Ban đầu, mỗi buổi sáng anh đều dành 15-20 phút để đọc, lướt tiêu đề có, đọc kỹ có. Sau, chỉ lướt qua các tiêu đề. Rồi, 2 năm nay, anh quên hẳn nó và để cho bảo vệ cơ quan đọc, nếu có nhận rồi cũng để đó. Anh giải thích, vì những vấn đề thời sự mình quan tâm tối qua đã ngập tràn trên các trang mạng xã hội, báo điện tử rồi.

 

Ê kíp của Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Phú Yên đang thực hiện một cảnh quay cho chương trình “Con đường di sản” - Ảnh minh họa: YÊN LAN

Khán giả, độc giả, nhất là giới trẻ, đã dần ít đọc báo giấy và cũng ít xem ti vi truyền thống. Bây giờ, xem ti vi truyền thống đa số là người già, phụ nữ, chủ yếu cũng chỉ xem phim. Phương thức xem phim trên ti vi truyền thống cũng đang bị thay thế dần bởi phương thức xem trên internet. Đó là một thách thức không nhỏ. Nhưng nhiều đài truyền hình, nhất là các đài địa phương, vẫn chưa chú ý lắm đến điều này.

 

Sự phát triển của internet và truyền thông mới đang làm thay đổi căn bản thị trường truyền thông vốn đã quen thuộc từ nhiều thập kỷ qua. Có lẽ, đây là sự bắt đầu một thời kỳ chưa từng có tiền lệ trong lịch sử phát triển của báo chí nói chung, truyền hình nói riêng trên toàn thế giới. Sự lấn lướt của truyền thông mới và internet đang thực sự làm suy giảm tác động ảnh hưởng xã hội của truyền hình, tác động mạnh tới nguồn thu.

 

Đưa ra chiến lược để đối phó với mối nguy cơ này đang là vấn đề sống còn đối với tất cả các đài truyền hình trên cả nước. Sự thay đổi mạnh mẽ của xã hội truyền thông đang đặt ra cho những đài truyền hình những khó khăn và thách thức chưa từng gặp phải.

 

Một thống kê ở Mỹ cho thấy, đến năm 2018, thị phần quảng cáo của internet sẽ chiếm tới 39%, vượt thị phần truyền hình chỉ còn 30%. Còn ở Việt Nam, 2 năm gần đây, các nhà đầu tư quảng cáo đều cắt giảm ngày càng nhiều cho thị phần truyền hình để chuyển sang internet và các phương tiện truyền thông mới. Các dự báo đều cho thấy, tương lai của truyền hình là nằm ở internet và không lâu nữa, sẽ không còn khái niệm truyền hình quen thuộc như lâu nay.

 

Trong mỗi gia đình, chúng ta cũng cảm nhận rõ điều này: ai quan tâm đến thời sự, may ra còn chờ xem tin tức, cũng chủ yếu trên vài kênh quen thuộc như VTV1, HTV, Vĩnh Long... Trẻ con thì tự chọn chương trình, muốn xem lúc nào thì xem trên thiết bị thông minh cầm tay. Còn phụ nữ thì chủ yếu xem phim, có thể trên ti vi, cũng có thể trên thiết bị thông minh cầm tay, trước lúc đi ngủ...

 

Thay đổi cách nghĩ, cách làm

 

Sự thay đổi chóng mặt của công nghệ đang làm đảo lộn trật tự của một xã hội thông tin truyền thông đã được thiết lập từ nhiều thập kỷ qua. Vậy, những người làm truyền hình cũng phải thay đổi cách nghĩ, cách làm. Thói quen được bao cấp, dựa dẫm vào nguồn ngân sách cấp, không dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm đến cùng với công việc của mình dẫn đến sự ì ạch của không ít đài truyền hình.

 

Sự năng động, đổi mới, tự chủ trong đầu tư phát triển, sản xuất, kinh doanh của Đài Phát thanh - Truyền hình (PTTH) Vĩnh Long là một ví dụ. Chúng tôi đã có dịp ghé thăm quan đơn vị này, cơ ngơi của họ tại Vĩnh Long vô cùng khiêm tốn, toàn bộ tiềm lực họ dành để đầu tư cho các phim trường tại TP Hồ Chí Minh.

 

Và từ đây, họ đã sản xuất hàng loạt chương trình được khán giả cả nước yêu thích mà trọng tâm là các chương trình về dòng nhạc bolero, về tìm kiếm tài năng ca hát… Có khán giả, tất nhiên có quảng cáo, có nguồn thu, để có sự đầu tư trở lại. Hiện cát-xê cho giới nghệ sĩ được Đài PTTH Vĩnh Long trả vẫn đứng ở tốp cao nhất phía nam.

 

Đó là cách thức tự làm mới mình để đảm bảo nguồn thu, còn nhiệm vụ chính trị của mỗi đài truyền hình thì sao?

 

Các đài truyền hình tại Việt Nam nằm trong hệ thống báo chí công, dù tự chủ đến bao nhiêu phần trăm vẫn được Nhà nước bao cấp một phần để thực thi nhiệm vụ chính trị. Nhiệm vụ đó chính là định hướng dư luận trong bối cảnh bùng nổ thông tin mạng, khán giả không thể phân biệt đâu đúng, đâu sai. Nhiệm vụ của báo chí công, trong đó có truyền hình, là phải phản ánh đúng sự thật, tạo niềm tin cho công chúng, lắp lỗ hổng thông tin, hướng con người đến những việc làm chân, thiện, mỹ.

 

Ngày nay, không riêng các đài truyền hình sản xuất tin tức, chương trình, mà nhiều doanh nghiệp cũng tham gia vào lĩnh vực này. Điều đó càng làm cho nguồn thông tin cung cấp cho khán giả là vô cùng khổng lồ, nếu không có sự quản lý chặt chẽ của cơ quan chức năng, chắc chắn dễ dẫn đến tình trạng “loạn” thông tin.

 

Trong bối cảnh đó, báo chí công, trong đó có các đài truyền hình, cần thể hiện là nơi cung cấp thông tin đáng tin cậy cho khán giả. Nhưng, chỉ cung cấp thông tin theo kiểu xem ti vi truyền thống, chờ đến giờ phát sóng bản tin, khán giả mới tiếp nhận thông tin sẽ không còn tồn tại lâu dài.

 

Gần đây, lĩnh vực truyền hình có thêm khái niệm mới, truyền hình OTT, hiểu một cách nôm na, truyền hình OTT giống như báo điện tử nhưng tin bài được thể hiện dưới dạng video. Xác định không thể đứng ngoài xu hướng tất yếu của truyền hình thế giới, những năm gần đây, VTV đã đầu tư nhiều nguồn lực cho truyền hình OTT.

 

Đến nay, VTV đã đạt gần 6 triệu lượt cài đặt ứng dụng truyền hình OTT, gần 9 triệu lượt xem các chương trình truyền hình trên web. VTV nhìn rõ chiến lược dài hơi về truyền hình OTT để giữ được khán giả. Bây giờ là lúc không phải khán giả tìm kênh truyền hình mà chính các kênh truyền hình phải tìm đến khán giả.

 

Ngoài VTV, HTV, Truyền hình Vĩnh Long... cũng đang chiếm vị thế tốt trong lĩnh vực mới mẻ này, vì có sẵn nhiều chương trình có nội dung tốt, cả giải trí lẫn tin tức. Vì thế mà các thương hiệu lớn này vẫn giữ được tầm ảnh hưởng của mình, trong giải trí lẫn định hướng dư luận. Rõ ràng, các đài truyền hình địa phương vẫn còn đang đứng ngoài cuộc chơi mới này.

 

Nhiều đài truyền hình địa phương mới chỉ có website, người quản trị thì kiêm nhiệm, chưa cập nhật được thông tin một cách kịp thời để góp phần “đối trọng” với những thông tin bất lợi cho dư luận xã hội đang tràn lan trên mạng.

 

Đó là tình hình trong nước. Còn trên thế giới, các ông trùm về mạng như YouTube, Google, Facebook... sẽ là những đối thủ cạnh tranh đáng gờm đối với các đài truyền hình, kể cả những thương hiệu lớn, nếu các đài không có sự chuẩn bị về mọi thứ, ngay từ lúc này.

 

TRẦN THANH HƯNG

Phó Giám đốc Trung tâm THVN tại Phú Yên

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek