Thứ Sáu, 11/10/2024 23:31 CH
Viết thơ vào thinh không
Chủ Nhật, 06/08/2017 15:00 CH

Ai đến thăm Hồ Gươm, chắc sẽ nhớ ngọn tháp bút với 3 chữ tương truyền của cụ “Thần Siêu” - Nguyễn Văn Siêu (thế kỷ XIX) là “Tả thanh thiên”. Có nhiều cách hiểu, nhưng tôi thích cách hiểu “viết lên trời xanh” nhất, vì rất giàu tính gợi cảm.

 

Từ bấy đến nay, nào ai biết ai đã viết gì lên trời xanh!

 

Mới đây, cầm tập thơ “thinh không” của Đào Đức Tuấn, rồi đọc qua một lần, hầu như chẳng có gì để “kể” hay nhớ lại hết, quả thật là… thinh không. Tôi chợt liên tưởng, cụ Thần Siêu đã viết lên trời xanh thì đâu còn dấu vết nào ngoài ba chữ “tả thanh thiên” và một bầu hư không cho mọi người tự lấp chữ vào đó theo cách của mình. Có lẽ chính vì lẽ đó mà Đào Đức Tuấn cũng viết thơ mình vào thinh không chăng?

 

Tác giả Đào Đức Tuấn và tập thơ “thinh không” - Ảnh: HOÀNG CHƯƠNG

 

Phải nói, “thinh không” là tập thơ khá ấn tượng, từ cách trình bày bìa của họa sĩ Trần Quyết Thắng, đến cách trình bày chữ và nội dung bên trong (không có chữ nào viết hoa theo quy tắc chính tả), rồi đến cách dùng từ cũng không có trong từ điển… Qua đây mới thấy một Đào Đức Tuấn “ngông”, “quậy”, phá cách với những dòng thơ không chịu theo lối mòn; còn thành công hay không lại là chuyện khác. Ở đây chỉ nói cái “lạ” của tập thơ này mà thôi.

 

Trước hết, người làm nghệ thuật nói chung và làm thơ nói riêng, càng về sau càng khó, bởi người đi trước đã làm, đã nói cả rồi. Nhưng để tránh điều khó đó, Đào Đức Tuấn có cái “khôn”, muốn ít nhọc công “cày sâu cuốc bẫm” mà vẫn có mùa hoa trái lạ không giống ai, bằng cách bám rễ ngay vào mảnh đất đã sinh ra mình là xứ Nẫu. Đào Đức Tuấn đã khai thác triệt để cách phát âm của người Phú Yên (vùng Bình Định cũng tương tự), là nguyên âm “ôi” đều đọc thành “âu”:

 

đất nước âu

tàu tới đây rầu

Và:

thời gian trâu

dòng đời trâu lồng lộng

Hoặc “ươi” đọc thành “ư”:

quy nhơn kia tui trở lại làm ngừ

 

Và, có thể tìm thấy rất nhiều câu tương tự.

 

Tiếp nữa là thỉnh thoảng, vẫn có những bài theo “truyền thống” lục bát, nhưng vẫn khá lạ với “khẩu vị” người đọc:

tương tư chấm với tương cà

để nghe trong bụng xót xa mịt mù

ta về xóa bớt thâm thù

trẻ người non dạ sao u mê đời

(dang dở)

 

Trong bài “thủy chung”, lại một kiểu bâng quơ khác;

có bông hoa nở nhiều lần

nhìn sao thêm một lần yêu

bông hoa trong veo vẫn phải đi tìm

tình tang tang tình tính tính

 

Chẳng ai biết tình tang tang tình là cái gì trong văn cảnh này, nhưng thấy ngồ ngộ, rồi thấy thích thú ở những câu cuối:

hoa hết mình hoa biết thủy chung

tri kỷ mùa nào cũng thiếu

thiên niên gì cũng cần tấc lòng

em bình minh xanh ta bình minh cười

em bình minh xanh ta bình minh cười, chẳng phải là rất thơ đó sao?

 

Có những bài, cách kết hợp từ không có trong từ điển, nhưng nhờ vậy mà tạo được dư âm với những “sung sũng”, “ngút ngường”, “ngừ dưng”, “rường rượng”:

mưa hờn mưa dỗi

hà tĩnh mênh mang

thôn làng sùng sũng

lạnh má hồng phai

lênh loang câu hò

ngút ngường thu mượn

lòng trai cao thấp

đậu hồn ngừ dưng

mưa cho hết buồn

tình cây nghiêng ngửa

lâm thâm cõi mình

sông la rường rượng

(qua mưa)

 

Tuy nhiên cũng có bài, Đào Đức Tuấn để lộ cái dễ dãi không đáng có đối với một người luôn có ý thức tránh sự sáo mòn:

ta không sống suông

mà có trách nhiệm

mà có hoài niệm

mà không ồn ào

 

Để kết bài này, có thể lẩy ra một bài trong tập làm đại diện cho cái lạ, cái bâng quơ, cái… không đâu vào đâu của “thinh không”:

có thể kết ở đây

có thể kết ở đâu

đã chấm mà không rầu

dòng chữ đời hoang hoang

ừ thì đây phẩy phẩy

tan man cái dấu dài

xuống hàng thâu chiều ạ

gió gạch ngang hun hun

(dấu)

 

Thực ra, với cách trình bày tập thơ và cách viết ấy cũng không phải của riêng Đào Đức Tuấn, mà từ thời “Xuân thu nhã tập” của Thơ Mới đến một số tập thơ trước năm 1975 đã có, và những năm gần đây cũng có. Cho nên, Đào Đức Tuấn “lạ” ở đây là lạ với những sáng tác “chân phương” mà người ta đã quen tiếp cận, như là một sự đổi món, chứ không lạ gì với những tác giả có xu hướng cách tân.

 

Quả thật, khi gieo chữ cứ 6 cứ 8, hoặc 5 với 5, 8 với 8…, nhịp nhịp nhàng nhàng, thì ngoài những bài thành công ra, còn đa phần chỉ thấy sự trơn nhẵn, phẳng lỳ trong mòn sáo. Đào Đức Tuấn đã có ý thức tránh chuyện mòn sáo ấy và tránh một cách hệ thống trong suốt tập thơ “thinh không”.

 

Nếu so với nước uống, những bài thơ nhịp nhàng vần điệu là loại nước ngọt nhiều đường, không ai có thể ngày nào cũng uống được; còn những bài thơ phá cách, gân guốc xù xì là loại trà đắng, không phải khẩu vị mọi người đều thích, nhưng rõ ràng vị đắng chát của nó cứ ngấm vào vị giác của những người mỗi sáng thích chiêu vài ngụm rồi khà, rồi chép, xong lại vội vội vàng vàng rời khay trà để bắt tay vào những công việc thường ngày…

 

HUỲNH VĂN QUỐC

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek