Thứ Bảy, 12/10/2024 05:25 SA
Hoa giữa đời thường
Thứ Ba, 27/06/2017 12:00 CH

Chị Thảo (ngoài cùng bên trái) đang ngồi bàn công tác phòng chống bạo lực gia đình với cán bộ thôn Ngọc Phước 1 -Ảnh: NGỌC DUNG

Chị là một người bình dị, chân chất như bao người phụ nữ khác mà chúng tôi từng gặp. Nhưng ở chị lấp lánh vẻ đẹp của đức hy sinh, vượt khó, ý chí ham học hỏi, tình yêu thương con vô bờ và niềm mong ước được đóng góp một chút công sức cho cộng đồng. Chị là Nguyễn Thị Xuân Thảo ở thôn Ngọc Phước 1 (xã Bình Ngọc, TP Tuy Hòa).

 

Gần 50 tuổi vẫn đi học bổ túc

 

Ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên Phú Yên, hầu như ai cũng biết chị Nguyễn Thị Xuân Thảo. Chị là học sinh lớn tuổi nhất của lớp học bổ túc văn hóa ở đây. Ở tuổi ngấp nghé 50 mà tối nào chị cũng cắp cặp đi học nên ban đầu dưới mắt mọi người, có cái gì đó không bình thường. Bạn bè chị và không ít người ái ngại: “Già rồi còn đi học nữa làm gì?” hoặc “Chị đâu còn trẻ nữa mà học để làm ông này bà kia…?”. Những lúc ấy, chị Thảo cười hiền khô: “Tôi học để được biết thêm nhiều điều hay, bổ ích trong cuộc sống. Học để dạy con mình cho tốt hơn!”. Chị tự nhủ: “Học không “bổ bề ngang cũng bổ bề dọc”. Hơn nữa, còn nêu tấm gương cho các con nhìn vào đó mà nung nấu ý chí ham học hỏi. Sự học là vô tận…”.

 

Thuở nhỏ, nhà nghèo lại đông con, ước mơ cho tất cả các con đến trường mỗi ngày mỗi xa khi gánh nặng mưu sinh nặng trĩu trên vai cha mẹ chị Thảo. “Gia đình tôi khi ấy quá thắt ngặt. Ba mẹ lớn tuổi, không còn sức dài vai rộng để lo lắng chu toàn cho các con. Tôi là con gái, lại là chị cả nên tự nguyện nghỉ học khi đang học lỡ dở lớp 11…”, chị Thảo ngân ngấn lệ kể lại. Dù vậy, sáng sáng theo mẹ chuyên chở hàng la ghim từ chợ Tuy Hòa lên bán ở chợ Tân Hiệp để kiếm tiền nuôi em mà lòng chị Thảo buồn so. Bên góc chợ Xéo ồn ã, nhắc lại câu chuyện cũ, chị Thảo không hề có ý trách hờn cha mẹ mình, hay hối tiếc về quyết định nhường suất học cho các em thuở ấy.

 

Hơn 30 năm trôi qua, dù đã lập gia đình, bận bịu chồng con, nhưng ước mơ đến trường chưa bao giờ tắt trong chị Thảo. Sáng sáng, trong căn phòng nhỏ chật chội bề bộn các mặt hàng hành, tiêu, nước mắm, dầu ăn, bột ngọt, gạo, muối… hễ tranh thủ lúc nào ngớt khách là chị Thảo với tay cầm sách xem lại kiến thức của buổi học tối hôm trước. Chị Thảo phấn khởi nói: “Chị đi học bổ túc ở trung tâm đã 3 năm nay rồi. Chị mong có tấm bằng THPT từ lâu, nhưng thời con gái không có điều kiện. Cuộc sống gia đình mấy năm nay ổn định hơn, hai con đã lớn. Được chồng ủng hộ chuyện đi học chị vui lắm!”.

 

3 năm nay, bất kể nắng mưa, cứ tối tối, sau khi dọn dẹp hàng quán, lo cơm nước cho chồng con, chị Thảo lại cần mẫn chạy xe đến Trung tâm Giáo dục thường xuyên Phú Yên. Bỏ lại sau lưng bao nỗi lo toan thường nhật, chị hòa mình vào thế giới những trang sách thú vị, gò mình nắn nót nét chữ trên từng trang vở trắng tinh tươm. Những buổi học ấy như gợi lên bao ký ức và ước mơ êm đẹp của cô nữ sinh Nguyễn Huệ thuở nào.

 

 Niềm vui của vợ chồng chị Thảo khi xem lại bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh tặng cho con trai về thành tích đạt giải 3 môn Toán cấp quốc gia - Ảnh: NGỌC DUNG

 

Ở lớp học 12A của trung tâm có 34 học sinh. Chị Thảo lớn tuổi nhất, lại là học sinh chăm chỉ, chịu khó nhất. Ngồi lật giở những trang vở viết cẩn thận từng con chữ cho chúng tôi xem, chị cười tươi rói: “Em thấy chị viết chữ có đẹp không? Kết thúc năm học vừa rồi, chị đạt danh hiệu học sinh tiên tiến đấy!”.

 

Thấy chị Thảo tối nào cũng đi học, các cô cậu học trò nhỏ lau nhau trạc tuổi con trai chị nói: “Cô lớn tuổi mà còn siêng như vậy, tụi con làm sao dám nghỉ học”. Ở đây, chị trở thành tấm gương để đám học trò nhỏ soi mình và tự dặn lòng rằng không được nản chí theo đuổi con chữ.

 

Thắp sáng tương lai cho con

 

Nói đến việc học hành, chị Thảo nhớ lại: 12 năm trước, khi cậu con trai lớn Trần Trọng Tín bước vào lớp 1, chị Thảo không dám nghĩ có ngày vợ chồng chị đủ sức lo cho con vào giảng đường đại học. Ngày ấy, sống trong một căn phòng không đầy 15m2, chị không có việc làm ổn định, cuộc sống cả nhà dựa vào đồng tiền chạy xe ba gác bữa có bữa không của anh Quý. Dù tiền nong chi tiêu túng thiếu, nhưng thấy con ham học lại vẽ đẹp, vợ chồng chị quyết định cho con vừa học văn hóa, vừa đi học vẽ tại Trung tâm Hoạt động Thanh thiếu nhi Phú Yên. Sự quan tâm chăm chút của ba mẹ làm cho cậu con trai nhỏ suy nghĩ. Cậu bé hỏi: “Mẹ ơi! Nhà mình nghèo quá mà cho con học vẽ làm gì? Cho con đến trường học chữ là được rồi!”. Lúc ấy, chị xoa đầu con: “Con ráng học đi. Dù khó khăn đến đâu, ba mẹ cũng quyết tâm cho con ăn học. Ba mẹ ít chữ nghĩa, con phải cố gắng để mai mốt không khổ như ba mẹ”.

 

Cuộc sống gia đình mỗi ngày một túng thiếu khi cô con gái thứ hai Xuân Tuyền ra đời. Nhà ở cạnh chợ Xéo - một chợ quê nhỏ ở thôn Ngọc Phước 1, chị Thảo mon men học cách buôn bán hàng tạp hóa để kiếm tiền chợ hàng ngày. Nhờ vậy, những hôm anh Quý không có ai gọi chở hàng, đồng tiền lãi ít ỏi khoảng 100.000 đồng của chị trở thành nguồn thu nhập duy nhất lo cho bốn miệng ăn trong nhà.

 

Thương ba mẹ vất vả, Trọng Tín, Xuân Tuyền quyết tâm học tập. Thấy mẹ lớn tuổi mà vẫn ham học, hai anh em như được tiếp thêm động lực. Năm nào, hai anh em cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi. Trọng Tín là học sinh chuyên Toán Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh, từng đạt giải 3 cấp quốc gia môn Toán, rồi được tuyển thẳng vào Trường đại học Bách Khoa TP Hồ Chí Minh trong niềm vui vỡ òa của cha mẹ. Còn bé Xuân Tuyền cũng là học sinh giỏi của Trường THCS Trần Quốc Toản. “Với vợ chồng tôi mà nói, đó là niềm hạnh phúc rất lớn, là phần thưởng quý nhất, và là động lực để vợ chồng tôi vượt qua mọi khó khăn”, ánh mắt chị Thảo lấp lánh hạnh phúc.

 

Trọng Tín học giỏi, được nhiều tổ chức, doanh nghiệp trao học bổng. Với số tiền thơm thảo ấy, chị Thảo mở một tài khoản, dù túng thiếu đến mấy, gia đình cũng không đụng đến, mà để dành cho con chi phí học tập ở giảng đường đại học.

 

Nhận biết bản thân còn khiếm khuyết trong nuôi dạy con, những ngày không bận bịu mua bán hay ôn tập bài vở, chị Thảo tạt qua mấy hiệu sách quen mua vài quyển sách “Nuôi dạy con nên người” hay “Đắc nhân tâm”… Mỗi tối, sau khi dọn dẹp hàng quán, khâu vá xong xuôi, chị Thảo ngồi chong đèn đọc sách. Chị học cách khơi gợi sự sáng tạo cho con, cách vượt qua khó khăn, cách đối nhân xử thế… qua những trang sách. Những câu chuyện về lòng nhân nghĩa, hy sinh, sự cảm thông, sẻ chia với người cùng khổ… Tín và Tuyền được mẹ răn dạy hàng ngày. Bởi vậy, hai anh em không chỉ học giỏi mà còn hiếu thuận với cha mẹ, thương yêu chia sẻ với những bạn học nghèo.

 

Trong ngôi nhà nhỏ chật hẹp, nóng bức, vợ chồng chị Thảo anh Quý dành một góc nhỏ trang trọng chất đầy những tấm bằng khen của hai con. Ở góc nhỏ ấy, tỏa sáng những ước mơ tương lai tươi sáng của Tín, Tuyền và lấp lánh bao niềm vui, niềm kỳ vọng của đôi vợ chồng nghèo.

 

Góp sức cho cộng đồng

 

Chị Thảo chia sẻ về quan niệm sống: “Làm người quan trọng nhất là đạo đức, nhân nghĩa”. Đặt tên con trai là Trần Trọng Tín - cũng là mong muốn của vợ chồng chị rằng con trai sẽ là người coi trọng những điều tín nghĩa trong cuộc sống. Chị bảo thật may mắn khi chồng chị luôn thương yêu, đỡ đần, hậu thuẫn vợ mọi việc gia đình, kể cả việc tiếp sức cho chị được học bổ túc văn hóa, bỏ ngoài tai những lời lao xao của thiên hạ. Chị biết ơn anh luôn đồng hành cùng chị qua những tháng năm buồn vui trong cuộc sống để nuôi dạy con cái nên người.

 

Đưa mắt nhìn khắp căn nhà chật hẹp của mình, chị Thảo nói cảm thấy hạnh phúc với cuộc sống hiện tại. Con người thường mong ước nhiều điều cao xa hơn thực tại, thậm chí vượt tầm tay với. Nhưng chị có cách nghĩ khác. Chị hạnh phúc với những nỗ lực, phấn đấu hàng ngày của vợ chồng chị và hai con. Hạnh phúc với căn nhà nhỏ bé nhưng chật đầy tiếng cười hạnh phúc lẫn sự sẻ chia, tôn trọng, thương yêu này. Đó cũng là “bí quyết” mà chị dùng để hóa giải những xung đột của các đôi vợ chồng trong thôn khi gia đình họ “cơm không lành, canh không ngọt”.

 

Bí quyết “lạc mềm buộc chặt”, “lời dịu ngọt của người vợ sẽ làm lay chuyển trái tim người chồng”… luôn được chị chia sẻ kinh nghiệm cho các chị em. Đồng thời, với tư cách Phó Trưởng thôn Ngọc Phước 1 và Chi hội phó phụ nữ thôn này, chị luôn vận động chị em ra sức học tập, trau dồi kiến thức, kỹ năng nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình hạnh phúc.

 

Qua nhiều năm đảm nhiệm nhiều công tác ở thôn, chị Thảo luôn phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ. Chị luôn tích cực phối hợp với các đoàn thể địa phương vận động tuyên truyền gần 400 hộ dân nơi đây thực hiện tốt các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư…

 

Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Bình Ngọc Đinh Thị Huệ nói: “Chị Thảo được nhận bằng khen của Tỉnh hội trong dịp khen thưởng tôn vinh 100 gia đình hội viên phụ nữ toàn tỉnh nuôi dạy con tốt mới đây. Tấm gương ham học hỏi, nuôi con khỏe dạy con ngoan của chị giúp cho nhiều chị em địa phương học tập, noi theo”. Còn Chủ tịch Hội LHPN TP Tuy Hòa Nguyễn Thị Tường Vy nhận định: Chị Thảo là phụ nữ tiêu biểu của thành phố trong học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cũng như trong việc rèn luyện, hướng đến xây dựng người phụ nữ Việt Nam có sức khỏe, tri thức, kỹ năng nghề nghiệp, năng động, sáng tạo, có lối sống văn hóa, có lòng nhân hậu, trung hậu đảm đang, giỏi việc nước, đảm việc nhà.

 

NGỌC DUNG 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek