Thứ Tư, 15/01/2025 23:26 CH
Những người truyền truyền lửa đam mê vọng cổ
Chủ Nhật, 25/06/2017 12:07 CH

Một buổi sinh hoạt của Nhóm đờn ca tài tử Đức Thắng vào chiều thứ 7 hàng tuần - Ảnh: THIÊN LÝ

Mỗi khi nhắc đến những làn điệu vọng cổ trữ tình, trái tim những cây văn nghệ quần chúng trong đội đờn ca tài tử Đức Thắng ở xã An Hòa (huyện Tuy An) lại bắt đầu thổn thức.

 

Ngần ấy năm gắn bó với vọng cổ, những người này không ngừng hun đúc, ra sức góp lửa đam mê vọng cổ cho thế hệ mai sau. Và như họ nói “Có một tình yêu vọng cổ không bao giờ phai trong chúng tôi”.

 

Sống với đam mê

 

Đến thôn Mỹ Quang Bắc, xã An Chấn (huyện Tuy An), tôi gặp đào chính Nguyễn Thị Thùy Sang (51 tuổi), người đã diễn hàng trăm trích đoạn, tuồng trên sân khấu. Với giọng ca thiên phú, truyền cảm, bà Sang đã sớm bộc lộ năng khiếu nghệ thuật. Những năm còn là một trong 30 thành viên của CLB Dân ca nhạc cổ của Hội Nông dân xã An Chấn, bà Sang được giao giữ vai đào chính trong nhiều trích đoạn, tuồng cổ cải lương. Mặc dù là sân khấu quần chúng, có khi chỉ là những buổi sinh hoạt phục vụ văn nghệ cho bà con xã nhà nhưng mỗi làn điệu vọng cổ, trích đoạn cải lương đều được bà thể hiện sinh động, tình cảm.

 

Bà Sang kể lại: “Ngày trước, ba tôi là trưởng ban văn nghệ quần chúng của thôn nên từ nhỏ, tôi đã được tiếp xúc với những làn điệu vọng cổ. Cứ thấy ba mẹ xem cải lương hay ca cổ là tôi lại chăm chú lắng nghe và thuộc lòng nhiều bài. Nhiều khi ba ru tôi ngủ bằng những trích đoạn trong các vở như “Bạch Hải Đường”, “Người tình trên chiến trận”... nên niềm đam mê vọng cổ ngấm vào tôi tự lúc nào không hay”.

“Máu” nghệ thuật ăn sâu vào tận xương tủy nên bà chẳng nề hà vất vả luyện tập, học hỏi kinh nghiệm của đàn anh, đàn chị đi trước. Càng biết nhiều, niềm yêu thích vọng cổ càng lớn lên theo sự trưởng thành của Nguyễn Thị Thùy Sang.

 

Lắm lúc bộn bề mưu sinh nhưng bà Sang vẫn sinh hoạt đều đặn với CLB Dân ca nhạc cổ của Hội Nông dân xã An Chấn. Sau này, hơn 30 hội viên trong CLB mỗi người một hướng, người làm ăn xa, người định cư nước ngoài nên những buổi sinh hoạt cũng dần ít đi. Mặc dù vậy, đối với cô, đó chính là ngôi nhà vọng cổ đầu tiên đã nâng bước cô vào những ngày đầu gắn bó với con đường nghệ thuật. Hiện tại, không còn được như thời son trẻ nhưng cô vẫn là cây văn nghệ quần chúng đắc lực của xã, huyện trong các cuộc thi. Ngoài ra, gần đây, cô còn thử sức với vai trò là một nhà viết kịch và biên đạo cho các chương trình vọng cổ, cải lương.

 

Có chung niềm đam mê vọng cổ, cải lương, “cây đàn sến” Đức Thắng, tên thật là Phạm Ngọc Thắng (64 tuổi) ở thôn Nhơn Hội, xã An Hòa (huyện Tuy An) là cái tên không xa lạ với giới mộ điệu dân ca nhạc cổ trên địa bàn tỉnh. Khi được hỏi, ông Thắng cho biết: “Sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất, với chút tài mọn về đờn ca tài tử, tôi quyết định thành lập đoàn cải lương Hải Yến. Lúc đó, tôi chủ yếu vừa hát vừa làm diễn viên trong đoàn. Sau này, đoàn cải lương tan rã, tôi bắt đầu mày mò học đàn. Từ đó, tôi tham gia vào đoàn văn nghệ của địa phương với tư cách là một nhạc công”.

 

Truyền lửa nghệ thuật

 

Với tâm niệm tập hợp những người cùng sở thích để trao truyền kinh nghiệm mà mình đã học và tích lũy được, ông Thắng cùng bà Sang và nhiều người khác đã tổ chức lập thành hội đờn ca tài tử Đức Thắng, sinh hoạt đều đặn vào thứ bảy hàng tuần.

 

Ông Phạm Ngọc Thắng cho hay nhóm đờn ca tài tử này hình thành đã hơn chục năm nay. Hầu hết các thành viên trong nhóm đều sinh sống tại làng Yến (xã An Hòa), chỉ có một số ít ở xã khác. Vì yêu thích nên họ đã tự nguyện dành thời gian vào mỗi thứ bảy hàng tuần tụ hội về đây để được đờn, được hát. Khi những buổi sinh hoạt đờn ca tài tử trùng vào ngày trăng lên là vui như hội, xôm tụ cả một góc làng. Nhiều buổi sinh hoạt của nhóm còn thu hút đông đảo giới mộ điệu dân ca nhạc cổ từ các huyện Đông Hòa, Tây Hòa... và cả Nha Trang về đây giao lưu.

 

Anh Trịnh Minh Hải - “cây đàn guitar” của nhóm chia sẻ: “Hồi còn ở lứa tuổi thiếu nhi, tôi đã bắt đầu yêu những giai điệu của “hò, xự, xang, xê, cống”. Sau này, khi trở về địa phương công tác, được bà con nhắc nhiều về nhóm đờn ca tài tử của “cây đàn sến” Đức Thắng nên tôi mạnh dạn xin vào làm một chân đàn guitar trong nhóm. Trước đây, tôi chỉ học đàn qua mạng internet nên nhiều kỹ thuật còn chưa hoàn chỉnh. Từ khi vào nhóm, tôi được các bậc đàn anh, đàn chị chỉ bảo tận tình từ bộ nhịp cho đến kỹ thuật luyến láy, cách phát âm nhả chữ khi hát”.

 

Ông Phùng Long Ẩn, Chủ nhiệm CLB Bài Chòi, Hội Văn nghệ dân gian và Văn nghệ dân tộc thiểu số Phú Yên, cho biết: “Nhóm đờn ca tài tử Đức Thắng là một trong những nhóm tập hợp các cây văn nghệ quần chúng trên địa bàn huyện Tuy An, nhất là An Hòa có chung niềm đam mê vọng cổ, cải lương. Đa phần những người thành lập nhóm đều có thâm niên trong hoạt động nghệ thuật quần chúng. Bằng niềm đam mê của mình, họ đã tạo ra những sân chơi nghệ thuật lành mạnh. Hơn nữa, họ đã phần nào góp công trao truyền cho những thế hệ sau, làm cho đờn ca tài tử âm ỉ cháy mãi trong lòng nhiều bạn trẻ”. 

 

THIÊN LÝ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek