Thứ Bảy, 12/10/2024 05:25 SA
Muôn nẻo chuyện nghề
Thứ Ba, 20/06/2017 09:09 SA

Nhà báo Quang Thuần (phải) kể về quá trình tác nghiệp với tác giả bài viết - Ảnh: MINH CHÂU

Qua các tác phẩm báo chí, một số cây bút được bạn đọc nhớ tên, yêu mến, tin cậy. Bên cạnh những nhà báo nổi tiếng là những đồng nghiệp âm thầm. Đó là các nhà báo làm công việc “bếp núc” của tòa soạn, biên tập bài vở, tổ chức để có những trang báo tinh tươm đến tay bạn đọc. Đó là những nhà báo cầm máy quay phim, kỹ thuật viên máy lẻ…

 

Một ngày giữa tháng 12/2016, tiếp nối những trận mưa dầm dề, cơn lũ ào đến xã An Hiệp (huyện Tuy An). Sau khi thông tin về việc một nhóm thanh niên cứu 4 cô giáo và 17 học sinh bị nước lũ vây bủa trong Trường mầm non xã An Hiệp được đăng tải trên Báo Phú Yên và một số tờ báo khác, nhà báo Nguyễn Quang Thuần (Phó Trưởng Phòng Thư ký tòa soạn Báo Phú Yên, cộng tác viên Báo Tuổi Trẻ) tức tốc về vùng lũ và biết rằng: Trong ngày hôm đó, nếu các cô giáo không dũng cảm cứu học sinh thì chẳng rõ các cháu có còn sống đến khi nhóm thanh niên tiếp cận ngôi trường bị lũ cô lập.

 

Tìm gặp 4 cô giáo vẫn chưa hết bàng hoàng, Quang Thuần thật sự xúc động khi biết từ 13-16 giờ ngày 13/12/2016, họ đã chống chọi với nước lũ để cứu học trò. Các cô giáo đưa bọn trẻ lên nóc tủ hồ sơ, đỡ các cháu đu lên bệ cửa sổ, cho các cháu đứng trên vai còn cô ngâm mình dưới nước. Cô giáo Lê Thị Kim Hằng kể rằng khi nước dâng đến miệng mà không thấy ai đến ứng cứu, cô nghĩ tất cả cô trò sẽ chết. 5 cháu nhỏ đu chung quanh người cô, la khóc. Cô giáo ôm một cháu bé 5 tuổi vừa được vớt dưới nước lên vào lòng và hỏi các cháu có sợ không? Các cháu đáp: Dạ, sợ. Cô động viên: Có cô ở đây rồi, các con đừng sợ. Cứ đu trên mình cô, đừng thả ra, cô giận đó. Rồi sẽ có người đến cứu chúng ta… Thật may mắn là nước dâng lên đến miệng người lớn thì dừng lại, rồi rút từ từ cho đến khi nhóm thanh niên địa phương vào ứng cứu.

 

Khâm phục trước tình cảm và tinh thần trách nhiệm của các cô giáo đối với học trò, Quang Thuần trao đổi với nhà báo Huỳnh Hiếu, Trưởng Văn phòng đại diện Báo Tuổi Trẻ vùng Nam Trung Bộ - Tây Nguyên quyết định chuyển hướng đề tài. Vội vã trở về, anh viết bài trong khoảng 1 giờ và gửi về tòa soạn. Hôm sau, ngày 15/12, bài viết “Thà cô chết chứ không để trò chết” được đăng tải trên Báo Tuổi Trẻ, gây xúc động mạnh. Bài viết này của Quang Thuần là “phát pháo” đầu tiên. Sau đó, các nhà báo Duy Thanh, Ngọc Thắng và Dương Thanh Xuân tiếp tục thực hiện tin, ảnh về những hoạt động xoay quanh sự việc này. Chính các tác giả cũng bất ngờ trước sức lan tỏa của tác phẩm báo chí. Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng GD-ĐT và Chủ tịch UBND tỉnh đã gửi thư khen. Các tổ chức, cá nhân hỗ trợ nhà trường cải thiện điều kiện dạy và học. Cô Thái Thị Tuyết Hồng được Báo Tuổi Trẻ mời tham gia chuyến hành trình đến với biển đảo quê hương tại quần đảo Trường Sa. Cô Lê Thị Kim Hằng được Đài Truyền hình kỹ thuật số (kênh VTC14) mời tham dự chương trình biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến cuộc sống. Cô Nguyễn Thị Hòa là một trong bốn đại biểu ở Phú Yên dự lễ tuyên dương điển hình tiên tiến năm 2017 diễn ra tại thủ đô Hà Nội. Và loạt tác phẩm về 4 cô giáo cứu học trò đã vượt qua hàng ngàn tác phẩm khác, đưa các tác giả đoạt giải B báo chí quốc gia, giải B báo chí TP Hồ Chí Minh. Riêng bài viết “Thà cô chết chứ không để trò chết” của nhà báo Quang Thuần còn đoạt giải A báo chí tỉnh Phú Yên năm 2016.

 

Đây không phải là lần đầu tiên giải báo chí quốc gia gọi tên những nhà báo Phú Yên. Hơn 10 năm trước, báo chí lên tiếng mạnh mẽ vụ một hành khách bị đánh chết ở Bình Thuận, tại một quán “cơm tù”. Dưới sự chỉ huy của nhà báo kỳ cựu Bùi Thanh khi đó là Phó Tổng biên tập Báo Tuổi Trẻ, hai nhà báo Xuân Hiếu và Tấn Lộc đã cùng đồng nghiệp ở các địa phương khác thực hiện loạt bài điều tra về nạn cơm tù trên các cung đường của quốc lộ 1. Loạt bài công phu này đoạt giải A báo chí quốc gia năm 2003. Nhà báo Xuân Hiếu nhớ lại: Nhóm phóng viên tác nghiệp trên địa bàn Phú Yên gồm có tôi, nhà báo Kim Em và Tấn Lộc, do Kim Em làm trưởng nhóm. Đi thực tế tại một quán cơm tù gần Gành Đỏ (Sông Cầu), chúng tôi thấy mỗi khi xe khách vào sân thì người của quán ra kéo dây thép lại, nhốt hành khách trong sân. Khi tác nghiệp, anh em phải hết sức cẩn trọng, giấu máy ảnh, chỉ áng chừng rồi chụp chứ không thể đưa lên ngắm nghía vì sẽ gây chú ý và nguy hiểm cho mình”.

 

Nhà báo Xuân Hiếu, Phó Trưởng Phòng Xây dựng Đảng - Nội chính (Báo Phú Yên) từng là diễn viên Đoàn cải lương Hòa Tân và có một thời gian ngắn làm Trưởng Đài Truyền thanh HTX Hòa Tân Đông 1 vào năm 1985. “Nhiệm vụ của tôi khi đó là viết tin, đọc tin bài, quay máy nổ, tắt máy nổ…”, anh mỉm cười nhớ lại. Sau khi tốt nghiệp Trường đại học Văn hóa Hà Nội, anh làm việc trong ngành Văn hóa một thời gian rồi rẽ sang làm báo. “Với nghề báo, tôi được tiếp xúc nhiều người, nhiều thành phần, học hỏi được nhiều điều”, anh chia sẻ. Không được đào tạo bài bản về báo chí, nhà báo Xuân Hiếu tự học từ công việc, từ quá trình làm nghề và trưởng thành. Anh là cây bút không ngại khó ngại khổ. Có thể nói, với anh, báo chí không chỉ là nghề mà là nghiệp.

 

Năm 2008, nữ nhà báo Dương Thu Thủy (hiện là Trưởng Phòng Văn hóa - Xã hội Báo Phú Yên), khi đó là phóng viên phụ trách mảng y tế đã trăn trở, đầu tư để làm loạt 4 bài về tình trạng khủng hoảng thiếu bác sĩ, dược sĩ. “Loạt bài đã phản ánh bức tranh toàn cảnh về khủng hoảng thiếu bác sĩ, dược sĩ cũng như những giải pháp để giữ chân, thu hút nhân tài của tỉnh thời điểm ấy. Sau khi đăng trên Báo Phú Yên, được đánh giá cao, mọi người động viên tôi gửi dự giải báo chí quốc gia và đã đoạt giải khuyến khích”, nữ nhà báo quê Đồng Xuân nhớ lại.

 

*

 

Với những người làm nghề, giải thưởng báo chí là niềm vui khi tác phẩm - công sức của mình và đồng nghiệp được ghi nhận, chứ không phải là “thước đo” nhà báo. “Thước đo” chính là sự đam mê, tận tâm với nghề, là ý thức trách nhiệm và bản lĩnh của người cầm bút. Qua các tác phẩm báo chí, một số cây bút được bạn đọc nhớ tên, yêu mến, tin cậy. Bên cạnh những nhà báo nổi tiếng là những đồng nghiệp âm thầm.

 

Đó là các nhà báo làm công việc “bếp núc” của tòa soạn, biên tập bài vở, tổ chức để có những trang báo tinh tươm đến tay bạn đọc. Đó là những nhà báo cầm máy quay phim, kỹ thuật viên máy lẻ… Họ chưa bao giờ xuất hiện trong các tác phẩm báo chí của mình, dù rất nhọc nhằn trên những hành trình tác nghiệp. Tôi còn nhớ những lần cùng ê kíp làm phim ở TP Hồ Chí Minh, VTV Phú Yên thực hiện các cảnh quay trên đỉnh núi Đá Bia. Đường đi thăm thẳm, nhiều đoạn bậc thang dốc đứng, leo núi một lát đã có cảm giác chiếc ba lô nhỏ trên lưng nặng như chì. Thế nhưng, cánh quay phim còn phải vác trên vai máy quay chuyên dụng, kỹ thuật viên máy lẻ thì mang theo túi đồ nghề to đùng. Mồ hôi tuôn như tắm. Mà nào phải leo núi khơi khơi, họ phải vừa đi vừa tác nghiệp. Để rồi những Phú Yên một cõi nhớ (phim của HTV), Chuyện của đá (phim của VTV Phú Yên)… ra đời, chinh phục khán giả bằng những hình ảnh ấn tượng. Người xem chỉ thấy MC tươi cười trước ống kính, vui vẻ trò chuyện với nhân vật, nào biết được sự nhọc nhằn của cả ê kíp!

 

Phóng viên báo in “độc lập tác chiến”, còn “dân” báo hình tác nghiệp ít nhất phải có 2 người: biên tập và quay phim; những chương trình “dài hơi” thì có cả một ê kíp thực hiện. Vì thông tin được chuyển tải bằng hình ảnh và âm thanh nên trong quá trình tác nghiệp, những người làm báo hình thường bị chi phối nhiều bởi ngoại cảnh. Đang ghi hình MC dẫn ở hiện trường thì con chó nhà bên cạnh giận dữ sủa to, con gà trống nổi hứng đập cánh và cất tiếng gáy. Thế là bỏ, ghi lại. Đang quay cảnh nhân vật trò chuyện trong vườn chuối vườn rau thì một đám mây kéo tới rồi trời hắt xuống một cơn mưa. Công việc đương nhiên bị gián đoạn. Nhớ lần cùng các nhà báo Trần Thanh Hưng (hiện là Phó Giám đốc VTV Phú Yên), Trần Phương Vũ… làm phim tài liệu Xóm đèn dầu ở Bình Thuận. Với hai máy quay, cả nhóm giấu mình sau bức tường cách “xóm đèn dầu” của các cô gái “bán hoa” một con đường nhựa, cứ như những tên trộm. Rồi lần cùng các nhà báo Minh Sinh, Hữu Viên… ở VTV Phú Yên tác nghiệp trên đảo Cù Lao Xanh (xã đảo Nhơn Châu, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định), trời yên biển lặng, ê kíp khấp khởi chờ quay cảnh những chiếc thuyền về bến, cá đầy khoang. Mới 4 giờ sáng, cả nhóm đã có mặt tại bến và chờ. Chờ mãi, nhóm được người dân địa phương thông báo: tối qua không đánh bắt được gì! Đêm thứ hai cũng vậy. Ngày thứ ba, Minh Sinh “thương thảo” với một ngư dân, người này đồng ý chở ê kíp (bao gồm hai phụ nữ) ra biển quay cảnh ngư dân câu mực vào ban đêm. Thỏa thuận đâu vào đấy, sắp đến giờ hẹn, Minh Sinh gọi điện mãi ngư dân kia vẫn không nghe máy. Nhờ người chạy đến tận nhà tìm thì được gia đình ngư dân thông báo: Ổng đi nhậu về, xỉn quá, ngủ rồi. Hết “phim”!

 

Đấy, muôn nẻo khó khăn, muôn nỗi nhọc nhằn mà chỉ những người có mặt ở hiện trường mới biết được. Bởi vậy, nếu không đam mê, không duyên nợ thì khó lòng gắn bó lâu dài với nghề báo.

 

YÊN LAN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek