Đối tượng phản ánh của phóng sự bao giờ cũng là những sự kiện, vấn đề tiêu biểu, thông qua những con người và sự vật cụ thể. Ngay cả khi con người không được xem là đối tượng phản ánh trực tiếp thì trong bài phóng sự, nhân vật và sự kiện vẫn không thể tách rời. Hơn thế, những phát ngôn của nhân vật trong từng khoảnh khắc, tình huống còn là điều hết sức cần thiết để định vị không gian, thời gian tạo tính sinh động, xác thực cho thông tin. Bởi vậy, một trong những tố chất quan trọng của người viết phóng sự là khả năng nhạy cảm, linh hoạt và tỉnh táo ở khâu sử dụng ngôn ngữ nhân vật.
Ngôn ngữ nhân vật - vai trò quan trọng của phóng sự
Trước hết, phải thấy rằng, mặc dù không đóng vai trò chủ đạo nhưng ngôn ngữ nhân vật thường vào bài phóng sự với tư cách là những tư liệu sống. Thiếu vắng ngôn ngữ nhân vật, bài phóng sự khó tránh khỏi khô cứng, đơn điệu cho dù lối dẫn dắt, trần thuật của tác giả có khéo léo đến đâu. Có thể, trong một bài, lời nhân vật chỉ đôi ba lần xuất hiện song đó lại là những chứng lý đảm bảo tính thuyết phục cao. Bởi lẽ, nhân vật trong phóng sự vốn là những nhân chứng trực tiếp hoặc gián tiếp, liên quan tới sự kiện nên tiếng nói của họ góp phần minh chứng cho sự có mặt của nhà báo ở nơi sự kiện xảy ra. Hơn nữa, khi lời nói của người trong cuộc được dẫn sẽ khiến người đọc xóa bỏ những hoài nghi, dự cảm không cần thiết về sự kiện. Chẳng hạn: “Ba đêm rồi mà lũ trẻ chưa hết sợ, chúng chưa dám ngủ, cứ sấm chớp là đòi xách túi chạy thôi…” (“Hiểm họa núi lở”- Báo Lao Động số 147 năm 2000). Khi để nhân vật trực tiếp thuật lại như vậy, tác giả đã phần nào thành công, vì quy mô, diện mạo của sự kiện dường như được thâu tóm trong lời nhân vật và người đọc cũng bị thuyết phục hoàn toàn trước những bằng cớ có thật về nỗi hãi hùng, khiếp đảm của người dân Sa Pa sau thiên tai thảm khốc.
Nhân vật trong phóng sự cũng có khi chỉ là người ngoài cuộc, đứng ngoài sự kiện, tiếng nói của họ có thể đi ngược lại chính kiến của tác giả. Song những phát ngôn ấy, nếu được đặt đúng cảnh huống, vẫn có tác dụng soi sáng lý trí, giúp người đọc nhận thức tỉnh táo về sự kiện.
Đặc biệt, nếu lời nhân vật được dẫn trong phóng sự lại là lời của những nhà quản lý, chức trách thì có thể xem đó như những chứng cứ pháp lý tạo sức nặng, độ khách quan cho thông tin. Trên thực tế có những bài phóng sự, do tính chất của vấn đề, sự kiện (thiên về chuyên môn hoặc nặng triết lý suy tư) nên ngôn ngữ nhân vật được sử dụng ít, nhưng không phải vì thế mà cho rằng tác giả coi nhẹ thành phần ngôn ngữ này.
Thông thường ngôn ngữ nhân vật được đưa vào bài phóng sự theo hai dạng chính. Dạng thứ nhất là: Nhân vật trực tiếp phát ngôn. Dạng này khá phổ biến. Những câu hỏi của nhân vật có thể nằm trong mạch đối thoại với tác giả - người trong cuộc chứng kiến sự kiện, hoặc cũng có khi nhân vật tự phát ngôn trong tư cách người kể chuyện. Bối cảnh giao tiếp lúc này trở nên sinh động, khoảng cách từ sự kiện tới bạn đọc cũng được rút ngắn hơn. Còn dạng thứ hai là: Ngôn ngữ nhân vật hiện hữu gián tiếp thông qua lời tác giả. Dạng này được sử dụng không nhiều. Tuy nhiên, khi sử dụng nếu tác giả khéo lồng lời nhân vật vào mạch dẫn của mình thì hiệu quả cũng không kém khi dẫn trực tiếp lời nhân vật. Có điều là, khi dẫn gián tiếp ngôn ngữ nhân vật, nhà báo phải tuân thủ nguyên tắc không nói thay nhân vật, không sáng tác lời nhân chứng. Nghĩa là lời nói của nhân vật phải đúng tư cách, địa vị, tâm tư của họ. Muốn vậy tác giả chỉ có cách làm sao hiểu đúng được từng lời của nhân vật để dung hòa vào lời của mình. Đương nhiên, dung hòa ở đây không có nghĩa là bóp méo, bẻ cong chủ kiến của nhân vật mà chỉ tạo biến tấu mềm mại hơn trong mạch dẫn mà thôi.
Mặt khác, cũng phải thấy rằng, ngôn ngữ nhân vật trong tác phẩm phóng sự là thành phần ngôn ngữ được xác định rõ ràng chủ thể phát ngôn. Cho nên, trong sử dụng, việc đảm bảo cá tính của lời nói yêu cầu tất yếu phải đặt ra. Nếu như ngôn ngữ tác giả có thể “xê dịch” ranh giới giữa nói và viết thì ngôn ngữ nhân vật nhất thiết phải nguyên chất. Không thể để nhân vật nói như ngôn ngữ viết. Nghĩa là, tính chất khẩu ngữ, màu sắc cá nhân, địa phương của ngôn ngữ nhân vật được xem như thước đo chuẩn xác của phát ngôn. Ví dụ, nhân vật của bài là người miền Trung hay miềnNamthì ít nhiều người đọc phải nhận ra dấu vết của những phương ngữ ấy, nếu không chắc chắn tính xác thực của thông tin sẽ bị giảm đi nhiều.
Ngoài ra, ngôn ngữ nhân vật còn là phương tiện hữu hiệu để chuyển tải quan điểm, thái độ của tác giả về sự kiện. Khi mượn lời nhân vật để bộc lộ tư tưởng, tình cảm, cách nhìn của mình, nhà báo sẽ tạo được một điểm nhìn bao quát sự kiện một cách đa diện, thấu đáo hơn. Tuy vậy, nếu thiếu thận trọng, rất có thể tác giả biến nhân vật thành “cái loa phát ngôn tư tưởng” làm lộ liễu chủ kiến cá nhân, dẫn đến nguy cơ vi phạm tính khách quan báo chí. Chẳng hạn, có khi một chị làm nghề thu gom đồng nát lại được nhà báo cho phát biểu y hệt nhà quản lý; hoặc đâu đó người đọc bắt gặp những anh cán bộ xã có lối khái quát chẳng khác gì các nhà triết học, xã hội học…
Không hẳn nhân vật nói sao thì đưa lên phóng sự như vậy
Việc đưa ngôn ngữ nhân vật vào tác phẩm phóng sự tưởng chừng đơn giản bởi nhiều khi người ta quen nghĩ: Nhân vật nói sao, mình dẫn thế, miễn không thêm thắt, bịa đặt nhưng thực chất vấn đề lại không chỉ có vậy. Lựa chọn lời nào, ý nào trong chuỗi phát ngôn của nhân vật để phục vụ chủ đề, soi sáng sự kiện là cả một thách thức lớn đối với nhà báo. Đành rằng, để đảm bảo tính chân thực, người viết không thể tùy tiện phóng tác lời nhân vật, song thử hình dung, nếu nhân vật nói gì cũng mang nguyên si vào tác phẩm thì đâu còn gọi là phản ánh? Đấy chỉ là thao tác “điểm chỉ” thực hiện trang giấy mà thôi. Không bao giờ nhà báo được phép hời hợt, rũ bỏ trách nhiệm theo kiểu: Đó là nhân vật nói, nhân vật nghĩ. Đã là người tham gia vào sự kiện, cho dù đứng ở góc độ nào, trong cuộc hay ngoài cuộc, gần hay xa, người làm báo cũng không thể bứt mình ra khỏi môi trường giao tiếp với nhân vật. Có vậy, bài phóng sự mới đảm bảo được logic của chỉnh thể cũng như đáp ứng tính định hướng khách quan trong quá trình cộng cảm cùng độc giả.
Về căn bản, ngôn ngữ nhân vật là những phát ngôn cửa miệng nhân vật, nhưng nó lại thông qua ý tưởng của nhà báo trong việc tổ chức tác phẩm. Vì vậy, không thể để nhân vật ngẫu hứng, tùy tiện phát biểu nhận định mà nhà báo phải “điều khiển” những phát ngôn ấy theo “quỹ đạo” vận động của sự kiện. Nói cách khác, khi dẫn lời nhân vật trong tác phẩm phóng sự, nhà báo tuân thủ theo lôgíc sự kiện cũng giống như khi nhà văn để nhân vật trong tác phẩm của mình phát ngôn theo lôgíc của tính cách. Đương nhiên, các lôgíc của tính cách cho phép nhà văn được hư cấu hoặc điển hình hóa, còn lôgíc của sự kiện buộc nhà báo phải nhất quán trong từng “lát cắt” hiện thực. Bất kỳ một sự xô bồ, cẩu thả hay lạm dụng nào đều hết sức tối kỵ.
Như thế, để thấy rằng, việc sử dụng ngôn ngữ nhân vật trong tác phẩm phóng sự phần nào giống việc các họa sĩ phối màu khi vẽ tranh. Các mảng màu được phối khéo léo, ăn ý sẽ tôn nhau lên. Tuy nhiên, chỉ một sơ suất nhỏ cũng dễ làm “đổ bể” cả một công trình. Đối với bài phóng sự cũng vậy, rất có thể một lời nói của nhân vật phá vỡ tính chân thực khách quan; ngược lại, cũng có khi, qua một câu nói từ nhân vật, sức ám ảnh của vấn đề, sự kiện lại trở nên sâu sắc hơn nhiều. Điều này chỉ những ai từng trải nghiệm đắng cay, thành bại trên con đường tác nghiệp mới thực sự thấm thía.
QUỐC DUY