Thứ Bảy, 12/10/2024 09:17 SA
Nhà không có đàn ông – truyện ngắn của NGUYỄN TỊNH GIANG
Chủ Nhật, 28/05/2017 11:05 SA

Minh họa: PV

Không biết người phụ nữ nào là người đầu tiên vì buồn chuyện gia đình mà thốt lên câu này. Nhưng nói thế thì cũng vô lý, vì không có đàn ông thì sao có đàn bà, không có đàn bà thì sao có đàn ông và nếu không có cả hai thì làm sao có lũ nhóc leo nheo lít nhít... Nói nhà không có đàn ông thì có thể là một nửa thế giới ấy hoặc là đã đi xa vĩnh viễn hoặc đi đâu đấy hoặc có mà cũng như không. Nói tóm lại là: nhà không có đàn ông là... nhà không có đàn ông! Tôi không dám nói gì về trường hợp thứ nhất vì đấy là nỗi buồn, nỗi đau, là số phận mà nói như dân dã là ông trời bắt nên phải chịu chứ có ai muốn nửa đường đứt gánh (còn cuối đường đứt gánh là đương nhiên!). Nhà thủng mưa dột, bóng đèn cháy, máy nước hỏng... trăm thứ việc không tên ấy nếu không có bàn tay đàn ông? Rồi lúc buồn, lúc vui, lúc đau bụng, đau dạ đêm hôm khuya khoắt thì không lẽ lại cứ alô cho gã hàng xóm tốt bụng nào đó? Chị em thử đặt mình trong hoàn cảnh ấy mới thấm thía và mới thấy hết tầm quan trọng của những “đứa trẻ to xác” kia trong gia đình và lẽ ra phải nhẹ tay, nâng niu như đồ cổ mới được trục vớt từ tàu đắm; đằng này, lúc nào cũng lăm lăm đòi dứt đi cái của nợ...

 

Tôi nhớ có một cô bạn bảo: Cái lão nhà em hút thuốc như điên, nói mãi nhưng gã cứ lờ đi, giờ em mặc kệ, cho lão... ăn khói (cô định nói: cho lão chết nhưng kìm được)! Bảo lão đi khám bệnh, lão sợ cứ tìm lý do chối quanh. Một ngày, đô lão phải ba bốn gói, mở mắt ra chưa kịp xỏ chân vào dép là đã với tay lấy gói thuốc và bật lửa... Hút như thế mà phổi không như cái bánh tráng nướng mới lạ! Nhưng nói thật với anh, thỉnh thoảng lão đi công tác, mấy ngày không thấy bóng lão ngồi ở bàn uống nước, không thấy khói thuốc mịt mù, không có tiếng ho sù sụ cả ngày lẫn đêm lại thấy nhớ nhớ, thiếu thiếu... Ở nhà, dù lão chẳng làm gì, nhưng có người đàn ông trong nhà là yên tâm. Mà cũng nhờ khói thuốc của lão nên nhà em không tốn tiền mua nhang chống muỗi, lại không có trộm vì lão ho như thế suốt canh trường thì chẳng ma nào dám vào! Tôi thầm nghĩ nếu ai cũng nhận ra giá trị bền vững của cánh mày râu chúng tôi như cô này thì thế giới đại đồng từ lâu rồi! Chả bù với nhiều bà vợ suốt ngày chỉ biết chì chiết cái gã đàn ông của nhà mình, dù gã rất ngoan ngoãn hiền lành, luôn luôn vâng lời vợ một dạ hai thưa, lương đủ ngủ nhà và chẳng dám làm điều gì trái ý “mẫu hậu”. Nhưng khi chị em đã không thích thì có nhiều thứ để chê lắm. Nào là chồng của người ta sao lanh lợi thế, nhà cao cửa rộng, ô tô xịn, vợ thì hàng ngày hết lượn shop lại vào spa, con cái gửi đi học nước nọ, nước kia... Hoặc hồn nhiên hơn thì kể ông kia vừa lên chức, nhà kia vừa mua sắm thứ này, lên đời thứ nọ... Không biết nói cho vui hay có ẩn ý gì không, nhưng tâm trạng chung của chúng tôi xin thưa thật với chị em là buồn lắm, tủi lắm (Ai mà không muốn vợ mình sung sướng bằng chị bằng em? Giá mà chúng tôi có đủ dũng khí cầm súng, cầm dao xông vào ngân hàng để cướp!). Buồn mà không nói được, nước mắt không chảy ra ngoài được. Ấy mới đau bội phần. Có gã bảo đau như hoạn nhưng không dám kêu. Tôi không biết hoạn đau cỡ nào, chỉ đọc qua sách báo về những nẻo đường... hoạn (quan) cũng thấy khủng khiếp lắm rồi. Ngày xưa, khi hoạn không thuốc gây mê, chỉ có con dao thật sắc nướng qua lửa, rồi xoẹt một cái là eo ôi, ông... ra bà! Nói như thế để mọi người hiểu là anh em chúng tôi đau lắm lắm. Nhưng làm sao mà giữ mãi buồn đau trong lòng được, không kêu được ở chỗ này thì ta kêu ở chỗ khác (Dẫu biết đấy chỉ là những tiếng kêu vô vọng). Đó là những lần anh em hẹn gặp nhau để trút bầu tâm sự... Và khi đã có chút men thì anh nào cũng dũng cảm, hăng hái, nói như chưa bao giờ được nói và quanh đi quẩn lại vẫn là chuyện về con gì ăn ít nói nhiều, mau già lâu chết, miệng kêu tiền tiền. Ở đây thì cứ vô tư, diễn đàn tự do mà, còn về nhà... Trước khi chia tay anh em không quên động viên, căn dặn nhau lâm ly, thắm thiết: Có gì bức xúc thì cũng cố đợi đến cuộc gặp mặt lần sau, chớ dại mồm... (Làm như về nhà là sa vào tay giặc, có thể một đi không trở lại như tráng sĩ Kinh Kha qua sông Dịch và nếu có gặp lại được nhau thì cũng dích dắc lắm hệt chương trình truyền hình Như chưa hề có cuộc chia ly). Hình như có ai đó đã nói: Nếu muốn trả thù một người đàn ông nào đấy thì hãy tặng cho hắn một người đàn bà đẹp. Ngẫm thật chí lý! Kể ra, tôi đây cũng dại mồm vì nôn nóng nói lên nỗi đau thầm kín, vật vã của anh em mà có khi bị vạ lây... Nhưng hy sinh một người để cứu muôn người thì tôi đây sẵn sàng!

 

Có anh bạn bảo: Như tôi đây chẳng đui què sứt mẻ, rất hùng dũng đàn ông nữa là đằng khác, lại chẳng cờ bạc bê tha, chẳng rượu chè trai gái, chẳng đi sớm về khuya, tiền bạc nhập kho đúng kỳ, đúng hạn, không vay, không nợ, một lòng một dạ nguyện thề suốt đời trung thành, tận tụy hy sinh cả đời trai... vậy mà vẫn không yên. Có hôm xe hỏng về muộn vậy là bị truy: đi đâu, đi với ai, làm gì... Mâm cơm được dọn lên, bát đũa nẩy tưng tưng, chưa ăn đã nghe nghèn nghẹn ở cổ. Mà ông biết đấy, ưu điểm tuyệt vời của vợ tôi là luôn luôn tìm ra được khuyết điểm dù nhỏ nhất của chồng để phát động chiến tranh! Do vậy, tôi luôn luôn tuân thủ hai điều: 1) Vợ luôn luôn đúng. 2) Nếu vợ sai xem lại điều 1. Cho nên, xe cũng không được hỏng, mà có hỏng cũng phải đẩy hoặc vác lên vai chạy bộ để về nhà đúng giờ. Vì thế, ông thấy hết giờ là tôi phóng xe về nhà như bị ma đuổi, chẳng dám nhìn ngang ngó dọc. Anh em có mời giao lưu gặp gỡ cuối ngày, cuối tuần cũng đành nói dối là có việc này, việc nọ... Cực chẳng đã, trước đây vì nể anh em mà tôi mới đôi lần đi ăn uống rồi hát karaoke. Nhưng vào đấy, thề có trời đất và các ông làm chứng là tôi như Bụt. Chỗ vui chơi ca hát nhưng không hát, bia rượu, trái cây không đụng và nhiều thứ khác cũng... không đụng! Các em thương tình lấy khăn lạnh lau mặt rồi đưa những gì có thể đưa được lên đến tận nơi mới dám... đụng! Vậy mà không biết đứa nào độc mồm độc miệng nên giờ bị cấm cung. Buổi chiều, quẩn quanh ở nhà làm bạn với chim gà cá cảnh mãi cũng buồn, bật ti vi xem và làm vài ly rượu để giải khuây thì vợ đi làm về bắt gặp: Có oan ức gì thì nói, cái kiểu uống rượu một mình là có tâm trạng, mà có tâm trạng là có vấn đề, mà có vấn đề là... Vâng! xin hứa lần sau không dám xem ti vi một mình, không uống bất kỳ nước gì (kể cả nước lọc), chỉ xin phép được ngồi nhổ râu thôi. Không được! Nhổ râu là có vấn đề, mà có vấn đề là có tâm trạng, mà có tâm trạng là... Vậy là được làm khán giả nghe giọng hát Việt sồn sồn... miễn phí! Thế đó, ông thấy có khổ chưa? Nhiều đêm nằm vắt tay lên trán ngẫm nghĩ không biết mình đã gây ra lỗi lầm gì mà phải bị trừng phạt như thế? Hay là kiếp trước vụng đường tu, nói năng bạt mạng báng bổ thánh thần? Chịu!

 

Đấy! Loại đàn ông ngoan ngoãn điển hình vợ đặt đâu ngồi đó, chẳng dám cãi nửa câu mà còn bị hành lên bờ xuống ruộng, huống hồ... Có cô nọ, vì quá giận chồng không biết vâng lời, phán độc: Thiến hết các lão đi hoặc có phép màu nào đó làm cho các lão biến mất khỏi trái đất này càng sớm càng tốt! (Ô hay! Sao lại vơ đũa cả nắm thế?). Tìm hiểu kỹ tôi mới biết chồng cô là một nhà thơ kiêm họa sĩ, kiêm văn sĩ, kiêm... đủ thứ. Mà văn nghệ sĩ thì thường... văn nghệ sĩ! Vui chơi ngoài đường chán thì lại mời bạn bè về nhà bia rượu rồi thơ phú, đàn ca hát xướng... Và khi đã có vài ly thì trời cũng chào thua. Anh nào cũng thấy mình là nghệ sĩ tầm cỡ quốc gia, thậm chí là tầm cỡ... thế giới! Những R. Tagore, Victor Hugo, Lev Tolstoy, Vincent van Gogh, Picasso, Mozart, Beethoven... chưa là cái đinh gì đâu nhé! Nhưng chuyện đấy thì các bà không cần biết, các bà chỉ biết rằng phục vụ chu đáo bia rượu cho những “tài sản quốc gia” đó từ sáng đến tối, từ ngày này qua ngày kia là vô cùng hao người, tốn của. Một hôm, chồng cô như thường lệ đưa bạn về nhà chơi và gọi vợ lên giới thiệu: Đây là nội tướng của nhà em, người không có công sinh ra em nhưng có công dạy dỗ, nuôi dưỡng cha con em nên người. Còn đây là nhà thơ A, nhà thơ B, nhà thơ C... toàn là những tên tuổi tầm cỡ cả... Cô bảo: Em rất hân hạnh được biết các bác, nhìn các bác em nói thật, trông bác nào cũng sạch sẽ, mặt mũi sáng sủa, lương thiện như thế này mà không ngờ lại đi làm thơ, sao không kiếm nghề khác cho tử tế, lại có đồng ra, đồng vào?! Chiều hôm đấy khi khách khứa về hết, anh chồng nhẹ nhàng: Sao em lại nói thế làm mất thể diện anh trước bạn bè... Chả mất gì sất! Em dân dã, nghĩ sao nói vậy chỉ có tật thì giật mình thôi. Đất nước này sẽ không khá lên được khi nào còn có những người quần áo bụi bặm, tóc dài, đeo kính, mang túi xách suốt ngày ngơ ngác lang thang ngoài đường (!).

 

Vậy là ngoan ngoãn, hiền lành, ngoài giờ đi làm, đến hẹn lại... về, chăm chỉ như osin thì bị chê: Đàn ông gì mà suốt ngày ru rú ở nhà, ăn xó mó niêu, chẳng biết giao du với ai thì làm sao mà vợ con nở mày nở mặt? Còn ngược lại thì cũng bị mắng là suốt ngày lông nhông ngoài đường hết uống rồi lại hát, hết hát rồi lại uống như một điệp khúc chẳng đoái hoài đến nhà cửa, con cái, có chồng mà cũng như không! Khó thế đấy! Chẳng biết ăn làm sao, ở làm sao?! Giờ thì anh em chúng tôi chỉ biết... bình tĩnh sống và cầu trời khấn Phật cho tai qua nạn khỏi, được yên vui ngày nào là hay ngày ấy và tự hứa với lòng: Phải thật chu đáo với vợ con, thành khẩn khai báo tội lỗi (nếu không giấu được), ăn năn hối cải, tu tâm dưỡng tính để kiếp sau được... chuyển giới! À... hơi lẩm cẩm tí, nếu anh em chúng ta được trời đoái thương, cho tất cả được chuyển giới hết rồi thì sao nhỉ...? Thì lúc ấy đất nước chúng ta thành... Tây Lương nữ quốc như trong truyện Tây Du Ký và chắc chắn sẽ không có lũ nhóc leo nheo lít nhít... Tức là chỉ có diệt mà không có sinh và muốn sinh thì chỉ còn cách uống nước sông Tử Mẫu như chị em xứ Tây Lương nọ. Rồi thì nhà máy bia, nhà máy thuốc lá, các quán nhậu, quán bia ôm đèn mờ, các cơ sở massage sẽ đóng cửa, các em chân dài sẽ tràn ra đường (dù không biết đón ai)... Kinh tế đất nước sẽ suy giảm, đội quân thất nghiệp sẽ gia tăng... Gay go đấy! Nhưng mặc kệ, như thế cũng tốt, vì cái sướng nhất bây giờ là huề cả làng không còn nghe ai ca cẩm: Nhà mình không có đàn ông!

 

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek