Thứ Bảy, 11/01/2025 11:42 SA
Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ:
Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại
Thứ Năm, 13/04/2017 09:47 SA

Các nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Việt Nam hát chầu văn phục vụ du khách trên phố Mã Mây (Hà Nội) - Ảnh: NGỌC LAN

Tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt là một hình thức thờ cúng người Mẹ hóa thân ở các miền trời, sông nước, rừng núi được hình thành trên nền tảng của tín ngưỡng thờ nữ thần. Tại phiên họp Ủy ban liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 11 của UNESCO diễn ra tại Ethiopia vào cuối năm 2016, di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Lễ đón bằng công nhận của UNESCO được UBND tỉnh Nam Định, Bộ VH-TT-DL phối hợp tổ chức tại Quần thể di tích lịch sử - văn hóa Phủ Dầy (huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) mới đây.

 

Tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu: “Được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là niềm vinh dự, tự hào, khẳng định giá trị, đóng góp của văn hóa Việt Nam đối với nền văn hóa chung của nhân loại. Cùng với niềm vinh dự đó là trách nhiệm phải bảo tồn, phát huy di sản tốt hơn. Tất cả chúng ta cần thực hiện thật tốt chương trình hành động quốc gia, nhằm bảo vệ, phát huy giá trị di sản, cần để tín ngưỡng thờ Mẫu được thực hiện, trao truyền đúng với ý nghĩa bản sắc tốt đẹp vốn có, không bị làm sai lệch, biến tướng, làm tầm thường hóa, thương mại hóa”.

 

Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu gồm các lễ cúng, nghi lễ lên đồng, hát văn và lễ hội, tiêu biểu là lễ hội Phủ Dầy (tỉnh Nam Định) và một số lễ hội khác. Các thực hành tín ngưỡng thể hiện những yếu tố văn hóa truyền thống như trang phục, âm nhạc, múa, diễn xướng dân gian mang đậm bản sắc văn hóa Việt, được sáng tạo, phát triển, lưu truyền qua hàng trăm năm.

 

Để tín ngưỡng thờ Mẫu giữ được những giá trị truyền thống, phù hợp với thuần phong mỹ tục, theo nhiều nhà nghiên cứu, quản lý văn hóa thì cần xây dựng quy ước cho việc tổ chức nghi lễ lên đồng từ lễ vật cung tiến, hàng mã, phục trang, hóa trang, vũ đạo, âm nhạc, cách thức ban phát lộc thánh… để tiến tới xây dựng những vấn hầu thanh lịch, tránh phô diễn, khoe khoang giàu có, trục lợi cá nhân trong các hoạt động liên quan đến tín ngưỡng thờ Mẫu. GS Ngô Đức Thịnh, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia, cho rằng: Lâu nay, đạo Mẫu phát triển tự do, rộng khắp nhưng lại không có một quy chuẩn gì; trong khi đó, nhiều thanh đồng lại thiếu kiến thức đầy đủ về tín ngưỡng thờ Mẫu. Vì vậy, các cơ quan quản lý văn hóa, nhà chuyên môn cần xây dựng chương trình phổ biến kiến thức về đạo Mẫu nói chung và hầu đồng nói riêng để cộng đồng có những tri thức, hiểu biết khoa học về di sản. Từ đó, người dân sẽ chủ động tham gia vào quá trình bảo tồn và phát huy, kế thừa và phát triển di sản một cách đúng đắn. “Phải tìm cách quản lý thích hợp để họ ý thức hơn về hành vi tín ngưỡng của họ. Điều quan trọng là phải tác động vào những chủ thể của văn hóa này để tự họ thay đổi, có ý thức rõ hơn trách nhiệm đối với di sản và bảo vệ di sản. Kinh nghiệm thấy rằng nếu họ đứng ngoài cuộc thì không thể nào thành công được”, GS Ngô Đức Thịnh nói.

 

NGỌC LAN (tổng hợp)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek