Thu hút hơn 300 diễn viên quần chúng tham gia, hội thi Văn nghệ quần chúng các xã, thị trấn huyện Sơn Hòa năm 2017 là sân chơi văn nghệ bổ ích, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân địa phương. Với các chương trình văn nghệ được dàn dựng công phu, giàu bản sắc văn hóa, hội thi thu hút đông đảo khán giả đón xem và cổ vũ.
Đậm đà bản sắc
Tại hội thi Văn nghệ quần chúng các xã, thị trấn huyện Sơn Hòa năm 2017, 14 đội đến từ các xã, thị trấn trên toàn huyện trình diễn 42 tiết mục văn nghệ được dàn dựng công phu và giàu bản sắc văn hóa các dân tộc vùng đại ngàn. Trong đó, chùm tiết mục hát múa ca ngợi vẻ đẹp của quê hương Sơn Hòa đầy ấn tượng, được dàn dựng công phu như: “Ơi Krông Trai” (xã Suối Trai), “Tươl lờ đe”, “Sơn Hòa quê tôi” (xã Suối Bạc), “Điệu múa chim ưng” (xã Cà Lúi), tổ khúc “Sơn Hòa một bài ca - Mừng Tây Nguyên thắng trận” (xã Phước Tân)… Trong số này có 2 tiết mục trình diễn được hội đồng giám khảo chấm giải tiết mục trình diễn hay là “Điệu múa chim ưng” và “Tươl lờ đe”, bởi đã thể hiện hồn cốt, tinh túy trong nếp sinh hoạt văn hóa lâu đời của người dân địa phương.
“Điệu múa chim ưng” gồm 2 yếu tố cấu thành là: nghệ nhân nam chơi trống đôi và nghệ nhân nữ múa xoan điệu chim ưng. Điệu múa mô phỏng lại các động tác mạnh mẽ, uyển chuyển của loài chim ưng có từ lâu đời trong nếp sinh hoạt văn hóa của người Ê Đê. Hiện nay, điệu múa này chỉ còn rất ít nghệ nhân ở xã Cà Lúi biểu diễn và đây là xã duy nhất trên địa bàn huyện Sơn Hòa còn lưu giữ.
Còn bài múa “Tươl lờ đe” của đội văn nghệ xã Suối Bạc thì miêu tả lại nét sinh hoạt văn hóa quan trọng nhất của đồng bào dân tộc Ê Đê trong lễ bỏ mả. Chị Sô Thị Lý, người dàn dựng chương trình văn nghệ cho đội xã Suối Bạc, chia sẻ: “Tươl lờ đe” có nghĩa là lễ bỏ mả. Điệu múa mô tả cảnh người sống chia của cho người chết và tiễn đưa linh hồn người chết về với giàng (trời). Chúng tôi xây dựng bài múa phỏng theo nét văn hóa truyền thống lâu đời của người Ê Đê ở Sơn Hòa không hề buồn bã mà diễn ra tự nhiên trong tiếng cồng chiêng và điệu múa xoan nhuốm màu tâm linh”.
Bên cạnh các tiết mục ca ngợi nét đẹp trong đời sống văn hóa của các dân tộc bản địa, hội thi còn nổi bật bởi các tiết mục mang nhiều nét văn hóa của vùng đất đa sắc tộc. Các đội văn nghệ đến từ thị trấn Củng Sơn, các xã Sơn Nguyên, Sơn Hội có những bài hát múa mang đậm dấu ấn của các dân tộc: Thái, H’Mông, Tày, Nùng đến từ vùng núi phía Bắc như “Cô giáo về bản”, “Hương Tây Bắc”... Còn đội văn nghệ xã Sơn Long thì dàn dựng chương trình văn nghệ mang dấu ấn của người dân miền Tây Nam Bộ, với các tiết mục: “Bức họa đồng quê”, “Sóc bơ bai Sóc Trăng”, “Hồn quê”…
Để lại dấu ấn sâu đậm trong hội thi là những tiết mục mang đậm bản sắc đại ngàn. Những giọng ca đến từ các buôn làng có âm vực rộng, giàu cảm xúc; những diễn viên múa đầy say mê và thành thục đã tạo nên những tiết mục trình diễn khó quên đối với khán giả. “Mùa xuân Krông Pa”. “Khúc rừng thiêng” (xã Suối Bạc), “Lửa tình Tây Nguyên” (xã Phước Tân), “Nồng nàn cao nguyên” (xã Suối Trai), “Chuyện tình thảo nguyên” (xã Sơn Long)… đưa người xem lạc vào không gian tình yêu lãng mạn của núi rừng.
Bà Huỳnh Thị Ái Phi, một khán giả đến từ thị trấn Củng Sơn, chia sẻ: “Các tiết mục văn nghệ mang lại cho tôi nhiều cảm xúc. Các địa phương đầu tư rất bài bản từ đội ngũ diễn viên đến trang phục và đạo cụ. Một số tiết mục biểu diễn hào hứng, sôi nổi, một số tiết mục khác lại sâu lắng, cảm xúc, mang đậm bản sắc buôn làng, rất thú vị và ấn tượng”.
Một tiết mục biểu diễn tại hội thi - Ảnh: TUYẾT DIỆU |
Sân chơi văn nghệ bổ ích
Trong hơn 300 diễn viên tham dự hội thi Văn nghệ quần chúng các xã, thị trấn huyện Sơn Hòa năm 2017 có đủ các thành phần từ thiếu niên đến các cụ già. Không khó để nhận thấy những diễn viên đã quen sân khấu, là cộng tác viên thường xuyên của các chương trình văn nghệ do Phòng VH-TT huyện Sơn Hòa tổ chức. Tuy nhiên, trong đó cũng có những diễn viên quần chúng lần đầu đứng trên sân khấu. Và những tiết mục do các diễn viên không chuyên này trình diễn đã mang lại nhiều cảm xúc cho khán giả, như tiết mục trình diễn “Người mẹ của tôi” của nhóm người cao tuổi trong đội văn nghệ thị trấn Củng Sơn, tiết mục hát múa “Bức họa đồng quê” của các em thiếu nhi đến từ xã Sơn Nguyên, hay tiết mục hát múa “Hạt gạo làng ta” của nhóm thiếu nhi đến từ đội văn nghệ xã Sơn Hội…
Em La Chí Liễu đến từ đội văn nghệ xã Sơn Hội, chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên em đứng trên sân khấu biểu diễn. Em rất run nhưng cũng rất vui vì thấy khán giả ở dưới vỗ tay. Em mong có nhiều chương trình văn nghệ nữa để tụi em có thể biểu diễn nhiều hơn”.
Ôm cây guitar và say mê thể hiện niềm vui ca hát, chàng trai Công Danh đến từ đội văn nghệ xã Sơn Long chinh phục khán giả bởi cảm xúc đong đầy với bài hát “Nồng nàn cao nguyên”. Công Danh bộc bạch: “Tôi đang theo học Trường cao đẳng Văn hóa nghệ thuật và du lịch Nha Trang. Đây là lần đầu tiên tôi tham gia văn nghệ thi diễn cho xã Sơn Long và cũng là lần đầu tiên tôi đứng trên sân khấu văn nghệ huyện để hát ca. Sân khấu này vừa sức để tôi thể hiện niềm đam mê ca hát của mình. Tôi rất vui vì điều đó”.
Hội thi Văn nghệ quần chúng các xã, thị trấn huyện Sơn Hòa năm 2017 là hoạt động văn hóa - văn nghệ lớn của huyện. Đây là dịp để các diễn viên quần chúng giao lưu, học hỏi thể hiện niềm đam mê ca hát. Hội thi cũng giúp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc. Qua hội thi này, Phòng VH-TT huyện phát hiện nhiều hạt nhân văn nghệ có thể góp phần phát triển phong trào văn nghệ quần chúng huyện Sơn Hòa trong thời gian tới.
Trưởng Phòng VH-TT huyện Sơn Hòa Nguyễn Thiện Tình |
DIỆU ANH