Thứ Bảy, 12/10/2024 17:22 CH
Đà Lạt lãng mạn cũ và mới
Thứ Hai, 03/04/2017 13:00 CH

Một con đường yên tĩnh trên đồi thông - Ảnh: PHAN HUỲNH

Vốn là dân biển nên tôi thích hướng về biển hơn lên núi. Vì vậy, hơn 5 năm qua tôi không lên Đà Lạt, một nơi vốn quá quen thuộc mà trong suy nghĩ của tôi và nhiều người thì thành phố sương mù này không có gì mới. Mới đây, tôi cùng gia đình quyết định quay trở lại để đổi mới không khí và ôn những kỷ niệm đẹp lãng mạn, nhưng lại được sống và chứng kiến nhiều bất ngờ...

 

Chúng tôi rời Tân Sơn Nhất bay lên Liên Khương vào mờ sáng. Nhờ đặt trước hơn 2 tuần nên giá vé máy bay khứ hồi cho mỗi người trong gia đình chỉ khoảng 800.000 đồng. Từ sân bay Liên Khương đi 35 cây số về trung tâm TP Đà Lạt bằng taxi có giá vé 170.000 đồng/xe 4 chỗ ngồi, còn nếu đi xe buýt thì 40.000 đồng/người.

 

Cuối xuân, du khách trong và ngoài nước lên Đà Lạt vẫn còn đông, nhưng các khách sạn không tăng giá. Chúng tôi tiết kiệm chọn khách sạn 2 sao, 1 phòng 2 giường cho 4 người có giá chỉ 400.000 đồng/ngày đêm. Khách sạn ở ngay trung tâm, tiện đi lại, nhất là ban đêm đi bộ ngắm phố phường, lai rai cà phê và lên chợ Đà Lạt hòa trong không khí mua bán chợ đêm nhộn nhịp.

 

Mặc dù ở thời đại bùng nổ thông tin, nhất là thông tin mạng, nhưng khi ngồi trong các quán cà phê hay lúc tham quan các di tích, thắng cảnh tôi nghe không ít du khách cả người Việt lẫn người nước ngoài thắc mắc rằng, Đà Lạt được hình thành ra sao, thành phố này có gì hấp dẫn khác biệt so với những nơi khác của Việt Nam.

 

Cái khác biệt đầu tiên của Đà Lạt chính là không khí ôn đới mát mẻ quanh năm mà không nơi nào trên đất nước này có được. Đà Lạt cũng là thành phố trẻ có một lịch sử kỳ lạ. Từ thuở xa xưa, Đà Lạt (được hiểu như toàn bộ cao nguyên Lang Biang) vốn là địa bàn cư trú của người Lạch, người Chil, có diện tích hơn 400km2, được bao bọc bởi các dãy núi và đỉnh núi cao nối tiếp nhau, như: Chorơmui, Chư Yang Kae, Bi Doup, Cho Proline, Yang Sơreng… Trải bao biến đổi, hiện nay diện tích tự nhiên của Đà Lạt là 424km2, phía bắc giáp huyện Lạc Dương, phía đông và đông nam giáp huyện Đơn Dương, phía tây và tây nam giáp hai huyện Lâm Hà và Đức Trọng của tỉnh Lâm Đồng.

 

Năm 1993, TP Đà Lạt tiến hành lễ hội lớn kỷ niệm 100 năm hình thành và phát triển, từ đó đến nay, nhiều sự kiện quan trọng đã diễn ra. Tháng 10/1994, Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt đề án Quy hoạch tổng thể xây dựng TP Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2010 và đầu năm 2002 đã phê duyệt đề án Điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2020; giữa hai thời điểm này, TP Đà Lạt được Chính phủ công nhận là đô thị loại II của cả nước. Đến ngày 23/3/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định công nhận TP Đà Lạt là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Lâm Đồng.

 

Nhắc lại vài nét về lịch sử của Đà Lạt để chúng ta hình dung một chút về sự phát triển của thành phố độc đáo này trong gần 125 năm qua. Đặc biệt, sau khám phá vùng đất này vào đầu thập niên 1880 của nhà thơ Nguyễn Thông khi ông làm quan Doanh điền sứ Bình Thuận, thì khoảng 10 năm sau đó: ngày 21/6/1893, bác sĩ Alexandre Yersin đã đặt chân đến cao nguyên Lang Biang (còn được phiên âm Lang Biang, Lâm Viên), phát hiện và đặt nền móng cho sự hình thành, phát triển TP Đà Lạt tương lai. Năm ấy Yersin tròn 30 tuổi. Trong hồi ký của mình, Yersin đã viết: “Trên đường đi cao nguyên nhấp nhô cao từ 900-1.200m, khoảng 15-20km trước khi đến chân núi, tôi ra khỏi rừng. Tôi đứng trên một vùng hoàn toàn trơ trụi. Đất đồi mấp mô khiến tôi có cảm giác như đi trên một đại dương xao động vì những ngọn sóng khổng lồ. Núi Lang Biang đứng sừng sững ở giữa như một hòn đảo và hình như ngày càng xa dần khi tôi đến gần. Dưới chỗ trũng, đất màu đen và đầy than bùn. Những đàn nai lớn để yên cho chúng tôi đến gần…”.

 

Sinh trưởng ở nước Pháp nhưng sự nghiệp và tình cảm của bác sĩ Yersin gắn bó với nước Việt, mà đặc biệt là với cao nguyên Lang Biang và TP Đà Lạt. Và mỗi khi lên đứng trên đỉnh Lang Biang, nhìn về phía thượng nguồn sông Đồng Nai hay bao quát cả TP Đà Lạt trong sương mờ, tôi như thấy hình bóng tiền nhân Yersin thấp thoáng đâu đây.

 

Ngoài đỉnh núi kỳ vĩ Lang Biang, du khách lên Đà Lạt còn có thể đến nhiều điểm du lịch hấp dẫn khác như: Hồ Xuân Hương, vườn hoa Đà Lạt, Trường cao đẳng Sư phạm Đà Lạt, nhà thờ Domain, khu Thiền viện Trúc Lâm - hồ Tuyền Lâm, thung lũng Vàng, chợ Âm Phủ, chợ đêm Đà Lạt, làng Cù Lần, vườn Dâu Tây, thung lũng Tình Yêu, Dinh 1-2-3, đèo và thác Prenn, thác Datanla… Đó là những địa chỉ từ lâu làm nên “thương hiệu” cho Đà Lạt.

 

Gần đây, Đà Lạt làm mới mình bằng những địa chỉ văn hóa đáng chú ý: Quảng trường Lâm Viên, Ma Rừng lữ quán, Phố đèn lồng, Vòi nước khổng lồ ngay trong lòng hồ Đa Thiện, Vườn bí ngô khổng lồ… Đặc biệt, Quảng trường Lâm Viên được xem là trái tim của thành phố hoa, có yếu tố kỹ thuật và mỹ thuật cao, rộng hơn 72.000m2 tọa lạc ở trung tâm Đà Lạt, hướng ra hồ Xuân Hương, khởi công năm 2009 và sử dụng năm 2016. Điểm nhấn của quảng trường là công trình nụ hoa cao hơn 15m, bên trong có quán cà phê rộng hơn 500m2. Phần mái kính màu xanh, vàng uốn theo đường xoắn sinh học, mô phỏng những cánh hoa. Theo kiến trúc sư Trần Văn Dũng, tác giả đồ án, thì đây là nụ hoa cách điệu, khi nhìn vào mọi người sẽ liên tưởng đến nụ hoa hồng hay Atisô, nông sản đặc trưng của Đà Lạt. Còn công trình khổng lồ đóa hoa dã quỳ màu vàng cao hơn 18m, diện tích 1.200m2, bên trong là cung biểu diễn nghệ thuật với 1.500 chỗ ngồi.

 

Hiện nay giao thông của Đà Lạt phát triển khá tốt. Hầu hết các tuyến đường chính nội thành và đường dẫn đến các khu du lịch đã được cải tạo nâng cấp, trải bê tông nhựa, chỉnh trang và từng bước hoàn thiện các nút giao thông cũng như hệ thống chiếu sáng công cộng.

 

Ngoài đầu tư xây dựng thì công tác quản lý trật tự đô thị, nhất là hoạt động kinh doanh du lịch cũng được Đà Lạt rất chú ý. Để lập lại trật tự kỷ cương trong hoạt động kinh doanh du lịch và các hoạt động thương mại dịch vụ, UBND TP Đà Lạt đã phối hợp với ngành Du lịch tiến hành quy hoạch ranh giới các thắng cảnh, phân loại khách sạn nhà nghỉ.

 

Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách, chính quyền đã hạn chế cấp phép kinh doanh dịch vụ du lịch theo hướng khuyến khích đầu tư nâng cấp trang thiết bị nội thất các khách sạn, nhà nghỉ và nâng cao chất lượng dịch vụ ở các khu du lịch, điểm vui chơi giải trí đang được phép hoạt động và ưu tiên đối với những doanh nghiệp đang tạo ra những sản phẩm du lịch mới; đồng thời tăng cường kiểm tra các hoạt động dịch vụ.

 

Không chỉ phát triển hạ tầng cơ sở, xuất hiện nhiều địa chỉ du lịch mới, mà ngay cả ẩm thực của Đà Lạt cũng phong phú, đa dạng đến bất ngờ so với những năm trước. Ngoài đặc sản của các vùng miền khắp trong nước thì nhiều nhà hàng ẩm thực mang yếu tố nước ngoài cũng xuất hiện để phục vụ du khách quốc tế.

 

Sau khi lỗi hẹn vào dịp Noel và Tết Nguyên đán, mai anh đào ở Đà Lạt cũng đã nở rộ. Ngắm mai anh đào và muôn ngàn sắc hoa xuân khác trong sương mờ và nắng ấm, hít thở không khí mát mẻ dễ chịu, tham quan nhiều điểm du lịch mới, chúng tôi thấy yêu Đà Lạt hơn.

 

Không chỉ thế, tình yêu ấy còn hơi hụt hẫng khi dạo phố trung tâm ban đêm chúng tôi bắt gặp những ánh mắt buồn của một số đồng bào dân tộc K’ho ngồi bên đường đưa những cánh tay đen đủi xin tiền. Trong đó có những em bé ngồi co ro giữa sương lạnh gây ngạc nhiên và thương hại của du khách. Các cơ quan và cá nhân có trách nhiệm của Đà Lạt nên lưu tâm đến vấn đề này để giúp người dân nghèo khó và làm đẹp hơn hình ảnh của thành phố hoa cao nguyên!

 

PHAN HUỲNH

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek