Đêm biểu diễn miễn phí của đoàn cải lương Tây Đô tại thôn Cảnh Phước (xã Hòa Tân Đông, huyện Đông Hòa) thu hút nhiều người đón xem. Tuy nhiên, đằng sau những tràng pháo tay khích lệ, người nghệ sĩ cải lương cũng ngậm ngùi vì khán giả ngày càng thờ ơ với loại hình sân khấu truyền thống này.
Rủ nhau xem cải lương
Đoàn cải lương Tây Đô hát cả thảy ba đêm tại thôn Cảnh Phước. Đêm diễn vở “Trăng về bến hẹn” (soạn giả Điêu Huyền), nhiều người dân thôn Cảnh Phước đã tập hợp về trụ sở thôn đón xem. Thành phần đủ cả nam phụ lão ấu. Trước giờ diễn cải lương, đoàn phục vụ 45 phút ca nhạc, có ý chờ cho khán giả đến đông hơn. Khoảng 20 giờ hơn, các nghệ sĩ bắt đầu biểu diễn.
“Trăng về bến hẹn” là vở cải lương tâm lý xã hội. Nội dung xoay quanh câu chuyện tình yêu lứa đôi bị chia cắt bởi ranh giới sang hèn giữa chàng trai là con một địa chủ và cô gái mồ côi ăn nhờ, ở đậu trên đất của cha chàng. Mối tình này bị người cha cấm đoán và phải trải qua nhiều thăng trầm, đôi lứa mới đến được với nhau. Câu chuyện đơn giản song thu hút khán giả ở lối ca diễn mượt mà. Chất giọng ngọt ngào của các nghệ sĩ đoàn cải lương Tây Đô đã chinh phục khán giả. Những tràng pháo tay tán thưởng vang lên khi người nghệ sĩ ngân một làn điệu bằng làn hơi dài khi lên bổng lúc xuống trầm. Khán giả lúc sụt sùi vì các lớp diễn thảm, lúc cười ồ với các lớp diễn hài hước.
Lặn lội từ thôn Nông Nghiệp (xã Hòa Bình 1, huyện Tây Hòa) về thôn Cảnh Phước để xem hát cải lương, bà Huỳnh Thị Nhung chia sẻ: “Tôi mê cải lương lắm nên có đoàn biểu diễn là đi coi ngay. Thôn Nông Nghiệp cách thôn Cảnh Phước không xa lắm nên tôi rủ mấy người trong xóm đi coi. Đoàn Tây Đô diễn viên hát hay nên tôi rất thích”.
Trong đêm diễn, không chỉ những khán giả trung niên như bà Nhung mà nhiều người trẻ cũng chăm chú xem hát. Chị Hà Thị Kim, một khán giả trẻ ở thôn Cảnh Phước, chia sẻ: “Tôi rất thích xem nghệ sĩ cải lương hát trực tiếp trên sân khấu. Tôi nghe được làn hơi và thấy cách họ biểu diễn sinh động hơn coi trên ti vi nhiều. Ở nông thôn không có nhiều chương trình văn nghệ chuyên nghiệp nên mọi người thường coi đông nếu có đoàn hát về biểu diễn”.
Đêm hát đã níu chân khán giả tới những giây phút cuối cùng. Họ ra về trong niềm vui sướng được nghe hát và tâm trạng háo hức chờ đợi đêm diễn tiếp theo.
Không bán vé để kéo khán giả
Không có bạt căng xung quanh sân khấu, không có người soát vé, các đêm diễn cải lương của đoàn Tây Đô hoàn toàn không bán vé. Mọi người tự do vào cổng xem hát. Nghệ sĩ hát miễn phí và duy trì đoàn hát bằng tấm lòng yêu quý của khán giả. Người mộ điệu xem hát thấy hay thì thưởng bằng cách bỏ tiền vào thùng ủng hộ. Một số người không tiếc tiền ủng hộ ngay khi diễn viên chưa hát. Có người khi nghe hát mùi quá vỗ tay tán dương rồi móc hầu bao. Tuy nhiên, chúng tôi quan sát thấy không có nhiều người “hào phóng” trong đám đông khán giả. Không phải họ không ủng hộ, không thương nghệ sĩ, mà có khi vì đời sống nông thôn còn khó khăn nên họ có phần dè dặt. Nghệ sĩ Minh Vũ, Trưởng Đoàn cải lương Tây Đô, nói trên sân khấu: “Mong bà con thương ủng hộ cho nghệ sĩ trong đoàn duy trì niềm đam mê cải lương, môn nghệ thuật sân khấu truyền thống được sáng đèn trên sân khấu”. Nghe thật nhói lòng!
Nghệ sĩ Minh Vũ cho biết thêm: “Từ năm 2016, đoàn cải lương Tây Đô đã không còn bán vé biểu diễn nhằm thu hút nhiều người đến với cải lương. Khán giả xem hát, nhìn thấy nỗ lực của anh em nghệ sĩ mà ủng hộ. Có khi như thế lại hay vì không bán vé, khán giả tới coi đông hơn. Tuy nhiên, cũng vì thế mà thu nhập của đoàn lại giảm hơn trước. Đất sống của cải lương ngày càng thu hẹp, nhiều nghệ sĩ phải bỏ nghề. Ngày trước, đoàn có 24 người bây giờ chỉ còn 18 người. Nhiều nghệ sĩ quá khó khăn buộc phải bỏ nghề ca diễn”.
Câu chuyện của đoàn cải lương Tây Đô cho thấy một thực tế là cải lương bây giờ không còn được khán giả ưa chuộng, nếu không nói là bị bỏ rơi. Không phải vì cải lương dở đi mà bởi vì có quá nhiều loại hình biểu diễn khác dễ nghe và thu hút khán giả hơn, nhất là với khán giả trẻ.
Diễn viên Phương Yến, đào chánh trong vở “Trăng về bến hẹn”, chia sẻ: “Cải lương vận vào người tôi như cái nghiệp. Đã có lúc sân khấu sáng đèn nhưng vắng khán giả, đã có lúc hát nhưng không bán được tấm vé nào, nhưng chúng tôi vẫn đứng trên sân khấu. Cũng có lúc, tôi nghĩ quẩn quá mà rời xa ánh đèn sân khấu nhưng rồi mong nhớ thiết tha nên lại quay về nghiệp diễn. Hơn 20 năm gắn bó, sân khấu cải lương như là cái nghiệp tôi không thể bỏ”.
Với đủ cung bậc cảm xúc, sân khấu cải lương vẫn đang sáng đèn trên khắp các nẻo làng quê. Nhưng thời kỳ hoàng kim của cải lương đã xa quá rồi...
DIỆU TRẦN