Chủ Nhật, 13/10/2024 05:16 SA
Về Phước Tân tìm hiểu các phong tục của đồng bào Chăm H’roi
Thứ Ba, 07/02/2017 14:00 CH

Các chàng trai xã Phước Tân đánh cồng chiêng vui ngày tết - Ảnh: C.V.N

Chúng tôi ghé thăm nhà ông Rơ O Thư ngay bên đường dẫn vào trung tâm xã Phước Tân thuộc huyện Sơn Hòa vào một ngày đầu xuân.

 

Như bao gia đình khác, nhà ông sửa sang đẹp hơn, trong nhà có mứt, kẹo, rượu ngon và trà thơm để đãi khách. Ông đã 89 tuổi nhưng trông vẫn còn khỏe. Ông như pho sách sống của làng. Ông Rơ O Thư cho biết: “Khi mùa màng thu hoạch xong, bà con đồng bào bắt đầu vào mùa nghỉ ngơi và chuẩn bị ăn tết riêng của mình. Điều đặc biệt là các lễ hội của bà con dàn trải nhưng cũng rơi vào Tết Nguyên đán của người Kinh. Mở màn cho mùa “ăn năm uống tháng” của bà con đồng bào là lễ mừng lúa mới với ý nghĩa tôn vinh hạt lúa của Giàng ban cho dân làng. Tiếp theo nữa là lễ cúng bến nước để cầu mong mưa thuận, gió hòa, nguồn nước dồi dào, trong lành, mọi người khỏe mạnh”.

 

Theo ông Thư, cái tết lớn nhất của người Chăm H’roi phải kể đến là Tết đổ đầu. Tết thường được tổ chức khoảng từ 25-30 tháng Chạp âm lịch. Ai không kịp cúng đổ đầu sẽ bị xui cả năm. Mâm lễ thường là bánh trái, hoa quả, trầu cau, con gà trống thật to luộc chín, nồi cơm gạo lúa mới, ché rượu cần thật ngon và các dụng cụ sản xuất như rìu, gùi, cuốc, nỏ... đặt ngay ngắn bên cạnh. Ông chủ lễ, thường là cụ cao niên uy tín trong làng vừa khấn vừa bốc một nắm gạo vãi lên mời Giàng về tiễn năm cũ mừng năm mới, cảm ơn Giàng giúp đỡ nên dân làng mới có mùa màng bội thu, được no cái bụng, được nhà mới khang trang, đuổi cái nghèo đi. Nắm gạo thứ hai vãi lên tứ phía mời thần núi, thần sông, mời ông bà, tổ tiên về cùng chứng giám. Tiếp theo, người chủ lễ lấy chén rượu có pha sẵn tiết gà tươi đổ một vài giọt lên đầu, lên trán gia chủ rồi tiếp đến các thành viên trong gia đình với mong muốn cầu chúc năm mới mạnh khỏe, sau đó lại tiếp tục “đổ đầu” cho từng con bò, con heo trong chuồng, đổ đầu cho từng bậc thang, ché rượu, từng cái cày, cái rựa đã cùng gia đình lên rẫy, giúp gia đình có được cuộc sống no đủ. Ông lý giải: “Theo cách nghĩ của người Chăm H’roi, đây là cách tạ ơn Giàng, thần linh đã cho mình sáng cái đầu, mạnh đôi chân, khỏe đôi tay làm ra thật nhiều lúa gạo, của cải. Xong lễ, gia đình cùng với xóm làng quây quần bên nhau, mời nhau rượu cần, chuyện trò, chúc mừng kết quả lao động một năm đã qua”.

 

Trong chuỗi lễ hội của người Chăm H’roi còn phải kể đến lễ bỏ mả cho người đã khuất, lễ mừng thọ cha mẹ. Mùa tết của người Chăm H’roi chỉ thật sự kết thúc bằng việc tổ chức lễ cúng sức khỏe cho những con vật nuôi trong gia đình. Trong tâm thức họ, vật nuôi trong nhà như những người bạn. Thiếu chúng, con người sẽ cô đơn, bé nhỏ biết bao trước thiên nhiên bao la rộng lớn.

 

Nói về văn hóa ba ngày tết của người Chăm H’roi ở Phước Tân, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Ka Sô Liễng cho biết: “Trong tư duy ngày trước của bà con ở đây, tối giao thừa họ thường chăm chú lắng nghe âm thanh của thú rừng để biết được năm đó vận mệnh của buôn làng như thế nào. Nếu là tiếng cọp gầm thì biết năm đó tốt, nghe có con nai bép thì năm đó xấu. Người Chăm H’roi đến nay vẫn lưu truyền phong tục giữ cho bếp lửa rực hồng trong đêm giao thừa. Trong niềm tin của bà con, thần lửa như người chăm lo cho sự sống gia đình, là vị thần may mắn luôn bảo vệ con người”.

 

Ông Ka Sô Liễng hiện sống ở xã Ea Chà Rang, huyện Sơn Hòa, song ông rất tự hào vì mình đã được sinh ra trên mảnh đất Phước Tân với bề dày về những pho sử thi, điệu múa, lời ca đặc trưng của người Chăm H’roi. Nỗi trăn trở lớn nhất của ông khi bàn chân chưa mỏi là kịp ghi lại những thiên anh hùng ca, những luật tục độc đáo của đồng bào có nguy cơ biến mất theo thời gian.

 

Phước Tân đón năm mới trong men rượu cần, lửa, âm thanh tiếng chiêng, những vũ điệu của các chàng trai, cô gái hòa cùng sinh khí tốt tươi của núi rừng khiến khách ở xa đến không thể không bị níu lòng.

 

Tết trong tâm thức văn hóa của người Việt không chỉ để vui chơi, để ngơi nghỉ mà còn là lúc con người trở về với nguồn cội, trở về với những giá trị văn hóa truyền thống. Đón tết cùng bà con người Chăm H’roi ở Phước Tân với những phong tục, tập quán độc đáo, thú vị, chúng ta sẽ càng thấy yêu hơn những sắc màu văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam trong dòng chảy văn hóa Việt Nam.

 

CAO VĨ NHÁNH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek