Là một giảng viên đại học, vừa nghiên cứu khoa học vừa làm quản lý nhưng thầy giáo Đinh Lăng vẫn “chung tình” với thơ. Nói “chung tình”, không có nghĩa là in thơ liên tục mà anh sáng tạo, chắt lọc, nâng niu cất giữ những giá trị tinh thần trên từng con chữ. Chính vậy, mãi hơn 10 năm sau tập thơ đầu tay Dòng sông về muộn (2004) đến đầu xuân Đinh Dậu này, anh mới in tập thơ thứ hai Mái nhà xưa.
Bìa tập thơ “Mái nhà xưa” - Ảnh: ĐÀO TẤN TRỰC |
Trong lời tựa tập thơ, nhà thơ Phan Hoàng cho rằng, Mái nhà xưa tập hợp 62 bài thơ suốt “một hành trình thơ vừa cũ vừa mới”. Theo tôi, cũ ở đây, có nghĩa là bao gồm những tác phẩm được anh viết hơn 25 năm về trước, và mới là những bài thơ viết trong những năm gần đây. Nghĩa là theo cách nói của Phan Hoàng, mới và cũ ở phương diện thời gian sáng tác, tồn tại chứ không phải dưới góc nhìn hệ hình tư duy thơ hay thi pháp học. Và bởi được viết trong suốt một thời gian dài hơn 25 năm như vậy nên cả 62 bài thơ trong Mái nhà xưa đều có những nét riêng, không lặp lại quá nhiều ở sự thể hiện cảm xúc, diễn đạt, ngôn ngữ, thể thơ và cả thi tứ. Tuy nhiên, có hai điều dễ cảm nhất khi đọc tập thơ này là giọng điệu và hình ảnh thơ.
Nhiều người cho rằng, làm thơ phải tìm được giọng điệu, và đôi khi giọng điệu phải nhấn lên chùng xuống thì thơ mới hay. Trong Mái nhà xưa, Đinh Lăng đã thể hiện khá rõ điều đó. Cố nhiên, không phải gượng ép mà đây chính là một giọng tự nhiên, nó không chùng xuống quá thấp đến nỗi mờ nhạt và cũng không ngất ngưởng đến nỗi hô hào. Đọc Mái nhà xưa, dù mây mưa gió nắng hay tình yêu nỗi buồn, chạm vào đâu cũng thấy sâu sắc: “Những giọt nước mắt tuổi hai mươi/ Lưu lạc một thời con gái/ Đâu rồi em những vườn xưa, đong đưa hoa trái/ Bâng khuâng kỷ niệm chiều hôm/ Ai nhớ, ai quên, ai giận, ai hờn!/ Tuổi dậy thì xa xôi, trên vành mi thiếu nữ!...” (Nước mắt). Cả khi viết cho thời tuổi trẻ được mất của mình, của người mình yêu, thơ anh cũng cứ chập chùng như sương khói, khó tả bằng lời: “Ta nhón chân đi về phía trước/ Nghe sau lưng mùa lá rụng thật nhiều/ Thời trai trẻ chẳng bao giờ trở lại/ Rưng rưng tay cầm màu phượng đỏ chắt chiu” (Thời đã mất).
Ấn tượng nhất trong tập thơ là hình ảnh thơ gắn với quê nhà, nơi nhà thơ và biết bao người được sinh ra, lớn lên, ra đi và trở về để rồi thức nhận một điệp trùng ký ức. Quê nhà trong thơ Đinh Lăng hiện hữu nỗi nhớ của những người con Phú Yên về một vùng đất và cả sự chờ mong: “Đêm ở hội quán PySa/ Một khúc sông Ba trôi trên giàn thiên lý/ Đôi mắt Phú Yên, thăm thẳm trời xa/ vòng tay thương nhớ quê nhà! Ly café đen/ Bên bức tranh thiếu nữ/ Đôi mắt ngút ngàn biển khơi/ Phố của người, khói thuốc cay cay/ Thèm nắm lấy một bàn tay…/ Đá Bia mây phủ chiều chiều/ Tiếng chim gọi bạn, qua đèo xốn xang...!” (Đêm ở hội quán PySa). Quê nhà trong thơ anh từ hình dáng, con đường, màu sắc; cả trong tính cách, niềm vui, nỗi buồn, ước mơ và dĩ vãng cũng hiện hữu những điều rất chung, rất gần, quen thuộc: “Một đời lam lũ sớm trưa/ Tay chân lạnh cóng, cơn mưa đầu mùa/ Không toan tính chuyện hơn thua/ Nhà quê - quen với bao mùa bão giông/ Tháng năm vui với ruộng đồng/ Cho con cái chữ, đêm hồng giấc mơ…!/ Chân phèn giữ phận nhà quê/ Khuyên con giấy rách, giữ lề cho thơm” (Quê nhà).
Ở phía quê nhà ấy, hình ảnh mái nhà xưa được xem là tâm điểm, trở đi trở lại nhiều lần. Trong tiềm thức, mái nhà xưa của anh có “hoa cỏ”, “cây khế nở nụ hoa đầu tiên”, những “con cua, con cá rô” hoặc “những đêm đông, gió lùa qua vách đất”, “mùi bùn thôn dã” lẫn những “vạch than trên nền gạch cũ” gợi nhắc “một thời lam lũ” thần tiên. Quê nhà đó có khi là một cái giật mình xa ngóng, hoài vọng nhớ thương: “Có buổi chiều chan chén canh phố thị/ nghẹn nhớ mùi quê hương!” (Mái nhà xưa). Ngoài kỷ niệm đẹp, nơi mái nhà ấy còn trở về trong anh bao mùa lũ dữ. Nơi đó có dáng hình, nỗi lòng, cuộc sống người mẹ trong tâm thức quặn lòng của người con đang xa quê: “Mắt mẹ buồn trông vời vợi/ Mây đen mắt mẹ buồn hơn/ Bão xa, bão gần ái ngại/ Đêm dài, đêm bỗng dài hơn!” (Đồng về trên mái nhà xưa).
Tất nhiên trong tập thơ này, Đinh Lăng còn viết nhiều điều về cuộc sống, nỗi niềm, kỷ niệm và nhiều nhất là tình yêu. Dù thể hiện ở chủ đề nào thì cảm xúc, giọng điệu và hình ảnh trong thơ anh cũng độc đáo, tinh tế. Đọc xong tập thơ, dư vị còn lại với lòng người đọc là một cảm giác nhẹ nhàng trong trẻo, bàng bạc khó nói thành lời. Và có lẽ, đây cũng chính là kết quả cho niềm vui vừa làm nghề dạy học vừa làm thơ mấy chục năm tin yêu gửi đến bao thế hệ sinh viên, bạn bè cả nước của chính anh.
ĐÀO TẤN TRỰC