Chủ Nhật, 13/10/2024 07:25 SA
Cúng đổ đầu - nét văn hóa đặc trưng của người Chăm H’roi
Thứ Ba, 17/01/2017 14:00 CH

Sinh hoạt văn nghệ - một nét đẹp trong lễ đổ đầu của người Chăm H’roi - Trong ảnh: Các nghệ nhân Chăm H’roi biểu diễn tiết mục văn nghệ của dân tộc mình tại Ngày hội Các dân tộc tỉnh Phú Yên năm 2016 - Ảnh: TUYẾT DIỆU

“Con ngựa sắt” thân quen ngoan ngoãn cõng tôi trên đường, lúc gầm gừ khi lên dốc, lúc dịu dàng xuống trũng, vượt dốc đồi về với xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân. Nơi đây có nhiều bà con dân tộc Chăm H’roi sinh sống. Nghỉ ngơi ở một quán nước bên đường chờ qua giờ Ngọ, tôi tiếp tục lên đường tìm về các buôn Hà Rai của xã Xuân Lãnh; Phú Tiến, Phú Giang của xã Phú Mỡ. Nơi đây có phong tục cúng đổ đầu, một nét văn hóa đặc trưng của người Chăm H’roi.

 

Lễ cúng đổ đầu theo tiếng Chăm H’roi gọi là quoai chơ ruh a kơh. Lễ cúng đổ đầu diễn ra vào ngày 25 tháng Chạp hàng năm. Đây là một nghi lễ mang đậm nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Chăm H’roi tại Phú Yên có từ bao đời.

 

Qua tìm hiểu nghi thức lễ cúng này từ các cụ cao niên nơi đây, được biết, từ thuở xa xưa, khi các cụ còn nhỏ đã thấy dân làng cúng lễ quoai chơ ruh a kơh, giống như người Kinh cúng lễ tất niên. Trước khi cúng lễ này, mỗi gia đình đều sửa soạn mâm lễ, gồm đĩa trái cây, bánh ngọt, bình hoa tươi, hộp trầu cau, con gà trống luộc chín, ché rượu cần, nồi cơm. Ngoài ra, lễ vật còn có các dụng cụ sản xuất, rựa, rìu, cuốc, xẻng, xà beng, trái bầu đựng nước, cái gùi, cung ná và cả lưỡi cày... đặt ngay ngắn lên ché rượu. Từ khi ông mặt trời chưa dậy, trong mỗi gia đình, chủ nhà thắp nén hương khấn vái như đánh thức đất trời thần linh dậy để họ xin lên chòi rinh (nhà kho đựng lúa) lấy lúa mang về giã gạo nấu cơm, xin được ra suối, ra sông lấy bầu nước trong lành, xin được cắt tiết gà trống để làm phép đổ đầu cho mỗi thành viên trong gia đình và cầu nguyện cho quốc thái dân an, gia đình khỏe mạnh, hạnh phúc; con cháu học hành đỗ đạt.

 

Dân tộc Chăm H’roi tin rằng, qua một năm lao động vất vả, cuối cùng mọi người trong gia đình đủ ăn, đủ mặc là nhờ Giàng (trời) phù hộ giúp cho cái đầu khỏe mạnh, thông minh, biết tính toán trước sau. Bây giờ năm cùng tháng hết, người làng tổ chức cúng lễ đổ đầu là để tạ ơn Giàng, thần linh đi theo mình suốt một năm qua, phù hộ cho mình sáng cái đầu, mạnh đôi chân, khỏe đôi tay, làm ra thật nhiều của cải vật chất phục vụ cuộc sống ấm no hạnh phúc, góp phần xây dựng xã hội vững mạnh.

 

Khi đèn sáp ong được thắp sáng đặt gần bên ché rượu, mọi thành viên trong gia đình quỳ gối ngồi thật ngay ngắn, mặt hướng về phía chủ lễ rất trang nghiêm. Ông chủ lễ tay cầm cần rượu, tay vãi nắm gạo thứ nhất vái bài cúng mời (chủ lễ phải là người lớn tuổi có uy tín trong làng, trong xã): Ơi Giàng Pơ Kơh, Giàng Pơ Suh! Ơi ma núi buôn xang! Ơi thần sông, thần núi, thần suối, thần khe... Thay mặt gia chủ mời tất cả về đây cùng với gia chủ tiễn đưa năm cũ sắp hết, đón mừng năm mới tới gần, mừng các thành viên trong gia đình được sáng cái đầu, khỏe mạnh tay chân là nhờ Giàng, nhờ các thần linh phù hộ độ trì dân làng có được mùa màng bội thu, được no cái bụng, được ấm cái thân, được xây cái nhà khang trang thoáng mát sạch đẹp; đuổi đi cái đói, cái nghèo.

 

Nắm gạo thứ hai được vãi ra mời tổ tiên ông bà, họ hàng về với con cháu trong buổi lễ đổ đầu của gia đình. Nắm gạo thứ ba được vãi ra tạ ơn cô hồn và báo bữa tiệc gần tàn ăn uống no say, nhớ phù hộ cho gia chủ, cho buôn làng năm tới mùa màng được bội thu, nhà nhà no ấm.

 

Tiếp đến ông chủ lễ đứng dậy, các thành viên trong gia đình vẫn ngồi ngay ngắn như ban đầu. Ông chủ lễ lấy chén rượu có pha sẵn tiết gà nhỏ nhểu vài giọt lên đầu, lên trán chủ nhà, tiếp theo là nhểu lên đầu, lên trán các thành viên trong gia đình, cầu mong năm mới mạnh khỏe, sản xuất nhiều lúa gạo, bắp, sắn, chăn nuôi nhiều trâu, bò, heo, gà, vịt... mau lớn bán nhiều tiền.

 

Xong lễ, gia đình và họ hàng cùng với xóm làng quây quần bên nhau chuyện trò vui vẻ, mời nhau chén rượu cần nồng nàn, hát cho nhau nghe những giai điệu của dân tộc mình ấm áp nghĩa tình xóm làng đoàn kết bền lâu; cùng nhau nhìn lại những kết quả lao động của một năm đã qua, rút ra bài học kinh nghiệm bổ sung vào phương hướng kế hoạch sản xuất của năm tới phải đạt được những kết quả cao hơn.

 

Cũng trong dịp lễ này, những gia đình trong năm cũ có nhiều thành tích đóng góp xây dựng xóm làng, giáo dục con cháu chăm chỉ học hành, thi cử đỗ đạt, vâng lời cha mẹ, giúp đỡ bạn bè thì được coi là gia đình “Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền” sẽ được dân làng tổ chức đội văn nghệ cồng chiêng thôn buôn đến múa hát chung vui tưng bừng nhộn nhịp suốt ngày như một lễ hội lớn.

 

Cúng lễ đổ đầu hàng năm vào ngày 25 tháng Chạp là nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Chăm H’roi ở Phú Yên đã có từ lâu đời. Một nét đẹp văn hóa trong lễ thức cầu nguyện gia đình mạnh khỏe, đất nước bình yên chúng ta cần phải gìn giữ bảo tồn giá trị văn hóa đặc trưng ấy.

 

Nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc Ka Sô Liễng

 

TRẦN CAO TRÍ

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek