Nghiên cứu công phu, tư liệu chính xác, văn phong mạch lạc và giàu cảm xúc, tác phẩm Văn chương phương Nam - một vài bổ khuyết của hai tác giả Võ Văn Nhơn và Nguyễn Thị Phương Thúy không chỉ khiêm tốn “bổ khuyết” mà là công trình giàu tâm huyết với những khám phá ngạc nhiên mới lạ rất hữu ích.
Hai nhà nghiên cứu Võ Văn Nhơn và Nguyễn Thị Phương Thúy cùng đồng nghiệp và học trò tại một buổi tọa đàm văn học ở TP Hồ Chí Minh |
Chẳng hiểu vì sao cho tới nay vẫn chưa có một công trình nghiên cứu hệ thống về văn học sử Nam Bộ, đặc biệt là giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX vốn được xem là hết sức độc đáo và phong phú, góp phần mở đầu và tạo nên diện mạo cho nền văn chương Việt Nam hiện đại. Sự thiếu hụt ấy được bù đắp một phần quan trọng bởi sự xuất hiện của tác phẩm Văn chương phương Nam - một vài bổ khuyết do NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh ấn hành quý IV/2016. Công trình hiếm hoi và khác biệt này lập tức đã gây chú ý đối với những người quan tâm đến lịch sử văn học vùng đất mới phương Nam, nhất là trung tâm Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh.
Hai nhà nghiên cứu Võ Văn Nhơn và Nguyễn Thị Phương Thúy thuộc hai thế hệ khác nhau, hiện cùng giảng dạy tại Khoa Văn học và Ngôn ngữ Trường đại học KHXH&NV TP Hồ Chí Minh và cùng mối quan tâm về “khoảng trắng” lâu nay của văn chương Nam Bộ. PGS-TS Võ Văn Nhơn sinh năm 1956 ở Hóc Môn - Gia Định, còn ThS Nguyễn Thị Phương Thúy sinh năm 1987 ở Tây Ninh, mà theo nhận định của GS-TS Huỳnh Như Phương trong lời tựa sách: “Giữa họ có khoảng cách về tuổi tác, về nguồn đào tạo, lẫn về thị hiếu thẩm mỹ; đồng thời cũng có những điểm chung: niềm xác tín về phẩm chất và giá trị của văn chương phương Nam, tinh thần khách quan, sự cẩn trọng trong khoa học và ý thức trách nhiệm của người dạy học trước sự thật lịch sử mà mình muốn khẳng định và truyền đạt”.
Bìa sách Văn chương phương Nam - một vài bổ khuyết |
Tác phẩm Văn chương phương Nam - một vài bổ khuyết là kết quả hơn 10 năm lặng lẽ nghiên cứu của hai tác giả, gồm 25 bài viết được chia làm hai phần. Phần thứ nhất cũng là phần chính của cuốn sách gồm những bài viết mang tầm khái quát về những vấn đề cụ thể của văn học Nam Bộ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX: Báo chí Quốc ngữ Latinh với sự hình thành và phát triển của tiểu thuyết Nam Bộ, văn học dịch, ảnh hưởng của tiểu thuyết nước ngoài đối với sự hình thành và phát triển nền tiểu thuyết Quốc ngữ ở Nam Kỳ, quan niệm về tiểu thuyết của các nhà văn Nam Bộ, tiểu thuyết lịch sử, tiểu thuyết hành động, Hà Hương phong nguyệt - tiểu thuyết Quốc ngữ đầu tiên, truyện và tiểu thuyết trên báo Nam Kỳ địa phận, mảng văn học trên báo Sống. Đồng thời, trong phần thứ nhất còn có bốn bài viết đáng chú ý khác: Ảnh hưởng của tiểu thuyết Tự lực văn đoàn đến tiểu thuyết ở đô thị Nam Bộ 1945-1954, Tác phẩm ký ở đô thị Nam Bộ 1945-1954, Một vài đặc điểm truyện của người viết trẻ ở TP Hồ Chí Minh những năm đầu thế kỷ XXI, và đặc biệt là bài nghiên cứu công phu gây tiếng vang gần đây, được nhiều tờ báo đăng tải, trích dẫn: Văn học thị trường ở TP Hồ Chí Minh.
Phần thứ hai của cuốn sách Văn chương phương Nam - một vài bổ khuyết gồm chân dung của một số nhà văn tiêu biểu của Nam Bộ từ năm 1954 trở về trước, chủ yếu vẫn là giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX: Nguyễn Trọng Quản, Hồ Biểu Chánh, Trần Chánh Chiếu, Trương Duy Toản, Lê Hoằng Mưu, Biến Ngũ Nhy, Nguyễn Chánh Sắt, Phan Thị Bạch Vân, Đông Hồ, Mộng Tuyết, Trúc Hà, Lư Khê, Vũ Anh Khanh. Với những tư liệu được minh định công phu, dẫn chứng chính xác, hai tác giả Võ Văn Nhơn và Nguyễn Thị Phương Thúy đã tái hiện chân dung những nhà văn có nhiều đóng góp mà lâu nay ít được nhắc đến, như Biến Ngũ Nhy - người viết truyện trinh thám đầu tiên ở Việt Nam, Lê Hoằng Mưu - nhà văn của những thử nghiệm táo bạo đầu thế kỷ XX, Một nhà văn nữ tranh đấu cho nữ quyền vào đầu thế kỷ XX: Phan Thị Bạch Vân, Vũ Anh Khanh - cây bút hàng đầu của dòng văn chương tranh đấu miền Nam 1945-1954, cùng những phát hiện, đính chính, bổ khuyết về hai nhà văn Trúc Hà, Lư Khê trong nhóm “Hà Tiên tứ tuyệt” và những tác giả, tác phẩm khác, cũng như mối quan hệ sâu sắc giữa báo chí với văn chương của Nam Bộ từ buổi ban đầu…
Một điều thú vị nữa là tại Hội thảo “Sáng tác văn học Việt Nam thời kỳ Đổi mới: Thực trạng và triển vọng” do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội tổ chức ở Hà Nội vào tháng 5/2015, bài viết Văn học thị trường ở TP Hồ Chí Minh của hai tác giả Võ Văn Nhơn và Nguyễn Thị Phương Thúy là một tham luận gây được nhiều sự chú ý, trên cơ sở đó Viện Văn học nảy ra ý tưởng tổ chức Hội thảo “Thị trường văn học và văn học thị trường: Lý luận và thực tiễn” vào tháng 8/2016 cũng ở Hà Nội. Bài viết không chỉ cung cấp những dữ liệu đã được điều tra, nghiên cứu kỹ lưỡng mà còn thể hiện cách nhìn nhận, đánh giá khách quan, khoa học về một thực trạng đời sống văn học mang tính thời sự ở một trung tâm văn học lớn của cả nước: “Người ta lo lắng giới trẻ chìm đắm trong thị hiếu tầm thường, thấp kém, nhưng người ta cũng quên mất rằng không phải chỉ riêng giới trẻ, mà ở bất cứ lứa tuổi nào, số đông vẫn là những người không chuyên nghiệp, vì vậy không thể đòi hỏi họ đọc và yêu thích những thứ mà chỉ những người chuyên nghiệp, được trang bị kiến thức và kỹ năng tương ứng, mới có thể quan tâm”.
Với quan điểm như trên, tôi cũng cho rằng tác phẩm Văn chương phương Nam - một vài bổ khuyết của Võ Văn Nhơn và Nguyễn Thị Phương Thúy không thể đòi hỏi số đông người tìm đọc, nhưng đây là công trình nghiên cứu thực sự có giá trị trong quá trình khám phá, bổ khuyết về lịch sử văn chương Nam Bộ, dù trong sách còn một số chân dung nhà văn thể hiện hơi sơ lược và cần bổ khuyết cho đầy đặn hơn, sắc nét hơn.
PHAN PHÚ YÊN