Tại Phú Yên, lễ hội cầu ngư là nét đẹp văn hóa truyền thống của các làng chài ven biển. Lễ hội có vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống tâm linh, tín ngưỡng của ngư dân, được thể hiện qua các nghi lễ đặc sắc và loại hình diễn xướng dân gian phong phú. Vừa qua, Bộ VH-TT-DL đã vinh danh Lễ hội cầu ngư Phú Yên là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Nghi lễ đặc sắc
Lễ hội cầu ngư gắn liền với tín ngưỡng thờ cá Ông đã có từ xa xưa. “Ông” là tên gọi tôn kính của ngư dân dành riêng cho cá voi. Theo quan niệm của ngư dân, cá Ông là loài cá thường giúp con người vượt qua hiểm nguy khi lênh đênh trên biển cả. Vì vậy, cá Ông được tôn thờ và có một vị trí đặc biệt trong đời sống tâm linh của ngư dân.
Lễ hội cầu ngư bao giờ cũng được tổ chức một cách long trọng. Tín ngưỡng thờ cá Ông và lễ hội cầu ngư gắn liền với lăng Ông. Dọc các địa phương ven biển Phú Yên có khá nhiều lăng Ông. Hiện toàn tỉnh có 41 lăng Ông và nơi nào có lăng Ông thì nơi đó đều tổ chức lễ hội cầu ngư. Lăng Ông là nơi diễn ra hầu hết các nghi thức cúng tế trong lễ hội cầu ngư. Kiến trúc nghệ thuật và ứng dụng thực tế của lăng Ông được miêu tả kỹ lưỡng và là một yếu tố quan trọng trong hồ sơ công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội cầu ngư Phú Yên.
Theo đó, lăng Ông cơ bản mang dáng dấp của một ngôi đình. Lăng thường được xây gần sông, biển và quay về hướng đông. Tổng thể lăng thường chia làm ba phần. Phần trước là võ ca (sân khấu). Phần giữa là chánh điện thờ ngọc cốt cá Ông, bài vị các vị thủy thần, tiền hiền, hậu hiền. Phần nhà sau dùng làm nơi hội họp và tiếp khách. Phía trước sân lăng có bình phong đắp nổi hoa văn long, ly, quy, phụng. Ngoài cổng có hai trụ biểu, một số nơi có tường bao quanh. Các dấu tích kiến trúc và hiện vật, tư liệu như tượng cổ, bài vị, sắc phong… cho thấy một số lăng Ông được xây dựng từ rất lâu đời. Những lăng Ông ở thôn Hòa Lợi (TX Sông Cầu), Tiên Châu (Tuy An), Phú Câu (Tuy Hòa), Phú Lạc (Đông Hòa)… có thể đã được xây dựng cùng với quá trình hình thành những làng xã đầu tiên ở Phú Yên vào các thế kỷ XVI, XVII.
Về thời gian diễn ra lễ hội cầu ngư thì không có ngày thống nhất chung, mà mỗi nơi, tùy thuộc vào ngày cá Ông đầu tiên lụy hoặc ngày nhận sắc vua phong hoặc theo phong tục, công việc làm ăn mà ban lạch cùng bà con trong làng định ngày mở lễ hội. Nhưng nhìn chung, các lễ hội cầu ngư thường diễn ra từ tháng 3-8 âm lịch.
Ông Phạm Cuộc, thành viên Ban lạch Long Thủy (xã An Phú, TP Tuy Hòa), cho biết: “Lễ hội cầu ngư thường được tổ chức ít nhất hai ngày. Chiều ngày thứ nhất, ban lạch làm lễ rước Ông sanh (nghinh Ông). Ngư dân đưa kiệu ra cửa biển rước Ông và các thủy thần về dinh lăng an vị. Sáng sớm ngày thứ hai, lễ hội được tiếp tục với các lễ cúng yết, dâng lễ vật, dâng trầu, dâng rượu. Buổi trưa đến chiều tối là thời gian tổ chức lễ cúng khai tiên. Chi phí cúng tế do bà con tự đóng góp”.
Để minh họa rõ hơn về nghi thức cúng tế, ông Cuộc đọc một đoạn văn tế trong lễ nghinh Ông: Nam mô A Di Đà Phật/ Tước vị (tên chánh tế), bổn thôn lạch cử/ Cung nghinh Nam Hải cự tộc ngọc lân tôn thần/ Lịnh bà Thủy tề chúa nương nương/ Tam đầu cửu vĩ, ngũ vị long vương/ Ngũ vương Hà Bá/ Thủy giang chi thần/ Giang liên hà hải chi thần/ Cung nghinh quy hồi bổn sở (năm, tháng, ngày, giờ)/ Chứng minh chiếu giám, bổn thôn ca xướng chúc diện xuân kỳ thôn nội nhơn dân/ Vạn đắc bình an, cung nghinh vái lạy…
Phong phú loại hình diễn xướng dân gian
Ngoài nghi lễ đặc sắc, nét nổi trội làm nên thành công của lễ hội cầu ngư là hoạt động diễn xướng dân gian phong phú và đa dạng. Trước tiên phải nói đến loại hình nghệ thuật hát bả trạo. Hát bả trạo là loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian mang tính chất nghi lễ trong lễ hội cầu ngư. Hát bả trạo còn gọi là hò đưa linh, chèo cầu ngư, hát bạn chèo đưa Ông.
Diễn viên Tuấn Minh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hò bả trạo thôn Mỹ Quang Bắc (xã An Chấn, huyện Tuy An), biểu diễn hò bả trạo tại lễ đón bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội cầu ngư Phú Yên, cho biết: “Bả là cầm nắm, trạo là mái chèo. Trong hát bả trạo, lời hát và động tác múa diễn tả lại quá trình đi biển, từ lúc thuyền ra khơi đánh cá cho đến lúc thuyền trở về bình yên. Trong hành trình đó có lúc sóng êm biển lặng, gió mát trăng thanh, buông câu thả lưới…; có lúc phải vất vả chống chọi lại với gió to, sóng cả, giông tố hiểm nguy. Đội hình chèo thuyền gồm tổng mũi ở phía trước, tổng lái ở phía sau, tổng thương ở giữa và các tay chèo. Đây là loại hình diễn xướng tổng hợp nhiều làn điệu dân ca như: hò, vè, lý, hát tuồng, nói lối… Nội dung hát của bả trạo gần như một vở diễn nên lời hát rất phong phú và sinh động”.
Cùng với hát bả trạo, còn có hát tuồng (hát bội) là loại hình nghệ thuật không thể thiếu trong các lễ hội cầu ngư. Ông Hồ Ngợi, Trưởng Ban lạch Phú Câu (phường 6, TP Tuy Hòa), nói: “Hát tuồng trong lễ hội cầu ngư còn gọi là hát thứ lễ, hát án hay hát cúng lăng. Khai chầu hát thường là những tuồng tích như: “Tiết Nhơn Quý chinh đông”, “Lưu Kim Đính hạ san”, “Mộc Quế Anh dâng cây”… Kết thúc kỳ hát bao giờ cũng có màn “tôn vương”, thường là tuồng “San Hậu”, mang hàm ý “hết cơn bĩ cực đến hồi thái lai”… Thời gian diễn tuồng trong lễ hội có thể từ một đến vài đêm”.
Trong lễ hội cầu ngư còn có các hoạt động như: đua thuyền, đua sõng, lắc thúng chai, đi cà kheo, kéo co, đấu võ cổ truyền và những hoạt động văn nghệ quần chúng đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của bà con về dự lễ hội.
Lễ hội cầu ngư giúp gia tăng tinh thần đoàn kết cộng đồng, giúp người dân vững vàng ra khơi bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Thời gian tới, Sở VH-TT-DL tỉnh sẽ chủ trì, phối hợp với các địa phương tiếp tục nghiên cứu, lần lượt lập hồ sơ các lăng Ông để bảo tồn không gian thực hành di sản Lễ hội cầu ngư; chủ trì phối hợp với các địa phương có di sản tổ chức truyền dạy, bảo tồn các loại hình nghệ thuật truyền thống - linh hồn của lễ hội cầu ngư đến với thế hệ trẻ. Các cấp chính quyền tiếp tục quan tâm, đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các ban quản lý lăng Ông, các đội bả trạo, câu lạc bộ tuồng được giao lưu, trao đổi kinh nghiệm thực hành di sản trong và ngoài tỉnh.
Ông Hồ Văn Tiến, Giám đốc Sở VH-TT-DL |
DIỆU ANH