Chủ Nhật, 13/10/2024 19:19 CH
Lo hầu đồng biến tướng
Thứ Năm, 08/12/2016 09:00 SA

Các nghệ sĩ hát chầu văn, hình thức lễ nhạc gắn liền với nghi thức hầu đồng, vào dịp cuối tuần tại phố Mã Mây (Hà Nội) - Ảnh: YÊN LAN

“Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào đêm 1/12 tại TP Addis Abada - Cộng hòa Dân chủ Liên bang Ethiopia. Việt Nam có thêm di sản văn hóa thứ 11 được thế giới vinh danh vừa là niềm vui nhưng cũng là nỗi lo của nhiều người khi nghi lễ của đạo Mẫu - hầu đồng chứa đựng những giá trị văn hóa, nghệ thuật đặc sắc đang bị biến tướng một cách đáng lo ngại.

 

Thực dụng, mê tín

 

Sau một thời gian gần như thất truyền, hầu đồng - nghi thức tín ngưỡng trong đạo Mẫu, còn gọi là loại hình diễn xướng dân gian độc đáo - đang phát triển khắp nơi, thậm chí thành phong trào “nhà nhà đi hầu đồng” cầu xin đủ thứ.

 

Trước đây, hầu đồng là món ăn tinh thần có phần xa lạ vì không phải ai cũng thực hành được nghi thức này và người thưởng thức cũng không nhiều vì không dễ gì hiểu hết nét đẹp của nghi thức. Chính vì thế, một thời gian dài, hầu đồng bị coi là hoạt động mê tín dị đoan. Trước khi được Nhà nước nhìn nhận là văn hóa phi vật thể cần được bảo tồn, phát huy, hầu đồng đã bị một số nơi lợi dụng vào những trò buôn thần bán thánh…

 

Một cung văn theo hầu đồng phải có ít nhất 5 năm tôi luyện, rèn giũa thanh sắc, giữ gìn đạo đức. Ngày nay, chỉ sau 2 tuần học vài giá đồng là họ đã xuất hiện diêm dúa, lợi dụng tín ngưỡng này để tổ chức lừa bịp những người nhẹ dạ. Hầu hết người tham gia hầu đồng được yêu cầu phải cúng lễ vật, nữ trang đắt tiền, tiền mặt thủ sẵn trong túi để rải đều mỗi khi thực hiện các giá đồng cầu duyên, cầu tài…

 

Không ít người đến hầu đồng đã phải vay nợ từ các băng nhóm cho vay nặng lãi, phải cầm nhà, bán xe để cúng lễ đúng yêu cầu, rải thật nhiều tiền để được nhận lộc may. Có người tán gia bại sản khi dính vào các “kịch bản” của nhiều phủ thờ.

 

Còn nguyên giá trị

 

Trong những năm gần đây, đã có nhiều cuộc hội thảo xung quanh chủ đề này với không ít ý kiến trái chiều về hầu đồng. Theo các nhà khoa học và các nhà nghiên cứu văn hóa, hầu đồng cần được bảo tồn, đừng để khi thế giới vinh danh thì nó lại mai một, biến tướng giá trị vốn có trở thành di sản hư danh vì thiếu sự quản lý, kiểm tra, ngăn chặn kịp thời. Nhà nghiên cứu nghệ thuật, NSND Đinh Bằng Phi băn khoăn: “Giữ gìn và phát huy hầu đồng không có gì để bàn cãi nhưng sau này, hầu đồng được bung ra nở rộ đến độ chóng mặt thì nét đẹp văn hóa của dân tộc ít nhiều bị biến tướng. Bên cạnh hầu đồng thật còn có rất nhiều trò hầu đồng giả, buôn thần bán thánh ngay trong khung cảnh linh thiêng chốn đền phủ khiến những ai quan tâm nghi thức này cảm thấy đau lòng”.

 

GS-TS Trần Quang Hải, hiện ở Pháp, cho rằng vấn đề nào cũng có hai mặt - sự tích cực và tiêu cực, thẩm mỹ và phi thẩm mỹ. Thế nhưng, hầu đồng bị biến tướng đã nghiêng hẳn về thực dụng. “36 giá đồng là 36 câu chuyện mang tính nhân văn của các vị thánh mẫu, tiên cô và các vị tướng trung thần, các vị quan thanh liêm… Hầu đồng trong xã hội Việt Nam thời phong kiến đã xác lập bất di bất dịch mục đích, giá trị tinh thần là ca ngợi công ơn của các vị thánh, Mẫu, các vị tướng quân đã có nhiều công lao xây dựng và bảo vệ đất nước. Nghi lễ này rất nhân văn, con người giao hòa với thần linh để gửi niềm tin vào thế giới siêu thực mà họ khao khát vươn tới để sống lạc quan, yêu đời, làm việc thiện. Vì vậy, không thể để nghi thức tín ngưỡng tốt đẹp này bị lợi dụng, bị bóp méo thành những trò mê tín để trục lợi”, GS-TS Trần Quang Hải nhấn mạnh.

 

Theo GS-TS Trần Quang Hải, xét về nghệ thuật hầu đồng, các cung văn khi bước vào thế giới siêu thực của các giá đồng với niêm luật, nghệ thuật độc đáo, bản thân họ là những nghệ sĩ đang “say” theo những thăng hoa đã tích tụ từ nét văn hóa ngàn đời của dân tộc. “Theo dòng chảy tự nhiên, hầu đồng vẫn còn nguyên giá trị về tính nhân văn, thẩm mỹ trong xã hội hiện đại nếu được phát huy đúng cách, và phải phá bỏ tất cả những gì khiến di sản này bị đánh giá là biến tướng” - GS-TS Trần Quang Hải đề nghị.

 

(NLĐ

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek