Live concert chính thức đầu tiên của danh ca Khánh Ly tại TP Hồ Chí Minh vừa diễn ra với niềm hân hoan lẫn xúc động của nghệ sĩ và khán giả. Đây thật sự là một cuộc hạnh ngộ bằng âm nhạc sau hơn 40 năm xa cách.
Chính vì vậy, trong gần 3 tiếng đồng hồ diễn ra tại Nhà thi đấu Quân khu 7, cùng với tiếng hát, có niềm vui và những giọt nước mắt của ngày trở lại chính thức trên sân khấu Sài Gòn - nơi giọng hát và tên tuổi Khánh Ly được đến với khán giả, và được “đóng dấu” trong lịch sử của tân nhạc Việt Nam. Sau khi gửi đến những ca khúc quen thuộc của Trịnh Công Sơn: “Diễm xưa”, “Hạ trắng”, Khánh Ly mới mở lời chào khán giả Sài Gòn: “Xin kính chào quý vị, Sài Gòn. Sài Gòn mà tôi đã đi xa hơn 40 năm… Tôi biết ơn quý vị đã đến đây ngày hôm nay để cùng ôn lại những kỷ niệm, và xin nhớ “áo xưa dù nhàu cũng xin bạc đầu gọi mãi tên nhau”.
Là người biểu diễn và dẫn dắt câu chuyện âm nhạc của mình, Khánh Ly không chỉ cho người mến mộ nghe lại giọng hát mang nhiều sắc màu của ký ức, mà xen kẽ những giai điệu gắn với một phần của đời sống ấy là những chia sẻ dí dỏm của bà: “40 năm gặp lại quý vị, tôi thấy điều rõ ràng là chúng ta đã già. Tôi đã qua tuổi 70… Hãy cứ hát đi. Người ta nói 72 mới bắt đầu biết yêu! Tôi rất hồi hộp thú nhận rằng, từ sáng đến giờ tôi chưa ăn gì, cũng không ngủ được mà chỉ ngồi chờ cuộc gặp gỡ tối nay. Tôi đến sớm để tập với ban nhạc thêm nữa. Và hát như rút hết tơ ra…”. Hoặc khi giới thiệu về hai tiếng hát mà lúc sinh thời nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã chọn: Hồng Nhung, Quang Dũng, bà bảo rằng: “Quang Dũng thì đẹp trai, còn Hồng Nhung dịu dàng, có khi e lệ và có lúc lại ngổ ngáo. Tôi mừng khi biết hai ca sĩ này yêu nhạc Trịnh Công Sơn. Tôi phải cảm ơn hai ca sĩ này rất nhiều. Tôi chỉ xin Dũng - Nhung chia cho tôi một chút tuổi trẻ và một chút sức lực”.
Hay, khi dẫn chuyện cho phần âm nhạc của Mẹ và quê hương Việt Nam, Khánh Ly đã chia sẻ bằng chính những trải nghiệm của người từng sống trong bom đạn. Và bà cho rằng, mỗi lần kể lại cho những người trẻ tuổi về chiến tranh, bà chỉ mong rằng các bạn hãy nhớ để yêu thương nhau nhiều hơn. Và bà đã “kể” những câu chuyện đó, của những “Người già em bé”, “Bà mẹ Ô Lý”, “Ca dao mẹ”, “Xin cho tôi”, “Chờ nhìn quê hương sáng chói” cùng với ca sĩ Quang Thành, người bạn vong niên của mình.
Người trẻ nhất trong đêm nhạc, ca sĩ Hồ Ngọc Hà đã đệm đàn và song ca cùng ca sĩ Khánh Ly ca khúc “Còn tuổi nào cho em”, đưa khán giả đến với âm nhạc của tình yêu, tình người. Có thể nói, màn song ca của Hồ Ngọc Hà và danh ca Khánh Ly là một điểm nhấn đẹp trong chương trình, mang đến sự bất ngờ cho người thưởng thức. Bởi ngoài phần hòa quyện cảm xúc, chọn ca khúc phù hợp, có thể xem ca sĩ Hồ Ngọc Hà là thế hệ tiếp nối đem đến sự mới mẻ thật sự chứ không chỉ tạo vẻ khác lạ trong vai trò khách mời.
Đây cũng là dịp khán giả được nghe và biết thêm nhiều kỷ niệm một thời của các ca sĩ, hay tâm tư của người hát với chính tác giả những ca khúc mình thể hiện, đó là Khánh Ly với những lời chưa kịp nói cùng nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 hay Thanh Bình; là Ý Lan với những tâm tình khi nhớ về thời còn lẽo đẽo theo mẹ Thái Thanh đến phòng trà Khánh Ly… Khánh Ly đã rơi nước mắt và làm khán giả xúc động khi chia sẻ: “Bao nhiêu người đã ra đi khỏi cuộc đời này như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Anh Bằng, Nguyễn Ánh 9, Thanh Bình… hay rồi tôi cũng sẽ đi… Thì ra cuộc đời là những cuộc hẹn không thành, và những người đi xa là những người làm ta thương nhớ không bao giờ nguôi”…
Đêm nhạc khép lại bằng những bản tình ca của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Như một lời chia tay”, “Em còn nhớ hay em đã quên” và “Để gió cuốn đi”.
Kết thúc Khánh Ly - Live concert in Sài Gòn, chương trình sẽ tiếp tục diễn ra tại Vũng Tàu (9/12), Quy Nhơn (15/12) và Huế (18/12). Đây đều là ba tỉnh, thành lần đầu tiên ca sĩ Khánh Ly đến biểu diễn kể từ lần trở về Việt Nam đầu tiên năm 2014.
Theo TNO