Sau 1 năm thực hiện, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, việc xét công nhận chuẩn văn hóa của các cá nhân, đơn vị vẫn còn mang tính hình thức.
Chuyển biến tích cực
Năm vừa qua, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh đã phát triển sâu rộng trong nhân dân, thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Trong đó, nhóm các phong trào mang lại thay đổi cốt lõi trong xây dựng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đạt được kết quả khả quan.
Theo báo cáo tại hội nghị Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” lần thứ I, các gia đình đã thực hiện tốt những nội dung tiêu chí gia đình văn hóa. Tiêu chí “Gia đình hòa thuận, hạnh phúc, tiến bộ tương trợ giúp đỡ mọi người trong cộng đồng” được xem là cốt lõi trong phong trào xây dựng gia đình văn hóa đã được đẩy mạnh thực hiện. Tính đến cuối tháng 11/2016, toàn tỉnh có 92,1% hộ nhận danh hiệu gia đình văn hóa. Các tiêu chí bài trừ tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông; nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, kế hoạch hóa gia đình; việc cưới, việc tang và lễ hội đã lôi cuốn các tầng lớp nhân dân đồng tình tham gia. Việc xây dựng nếp sống văn minh, lịch sự trong sinh hoạt, giao tiếp, ứng xử được đẩy mạnh nơi cơ quan, công sở. Các mô hình “Cộng đồng học tập”, “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập” được nhân rộng. Các cuộc vận động “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Xóa đói giảm nghèo” thường xuyên được thực hiện. Các tiêu chí này góp phần làm giàu thành tích các đơn vị. Kết quả cụ thể, “Thôn, buôn, khu phố văn hóa” đạt tỉ lệ 80%; “Xã văn hóa nông thôn mới, phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị” đạt tỉ lệ 40%; “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa” đạt tỉ lệ 96%...
Theo ông Hồ Văn Tiến, Giám đốc Sở VH-TT-DL, phong trào “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa” đã tác động tích cực đến nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội, nâng cao dân trí; diện mạo nông thôn, thành thị ngày càng khởi sắc. Việc thực hiện phong trào góp phần động viên sự tham gia phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng môi trường cảnh quan, bảo vệ an ninh trật tự, góp phần làm ổn định và lành mạnh đời sống nhân dân ở khu dân cư”.
Tiết mục biểu diễn thể hiện tinh thần giao lưu các dân tộc tại một ngày hội văn hóa - thể thao - du lịch tỉnh Phú Yên - Ảnh: TUYẾT DIỆU |
Cần nâng chất phong trào
Thực tế sau mỗi năm tổng kết phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, tỉ lệ gia đình văn hóa năm sau cao hơn năm trước. Tuy nhiên, trong việc xét công nhận tiêu chuẩn văn hóa còn mang tính hình thức, chạy theo thành tích, dẫn đến ảnh hưởng tới chất lượng phong trào.
Tại hội nghị vừa qua, ông Nguyễn Trung Thành, Trưởng Ban Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh, thành viên Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh, cho biết: Hiện Phú Yên có hơn 92% hộ đạt chuẩn gia đình văn hóa. Lẽ ra, nếp nhà và trật tự xã hội phải được giữ gìn, phát huy. Tuy nhiên, người không chấp hành chủ trương chính sách, thậm chí là cán bộ gia tăng. Tội phạm xuất hiện ngày càng nhiều với thủ đoạn tinh vi hơn. Các vụ khiếu kiện ngày một nhiều.
Tại hội nghị, các thành viên Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã nêu ra tình trạng, không ít địa phương dù có tỉ lệ gia đình đạt chuẩn văn hóa rất cao nhưng vẫn xảy ra tình trạng bạo lực, cờ bạc. Trong số gia đình được công nhận đạt chuẩn văn hóa thì không ít gia đình vi phạm quy định về giữ gìn vệ sinh môi trường trong việc chăn nuôi gia súc, gia cầm; hoặc có trường hợp con cái quấy phá hàng xóm, mắc các tệ nạn xã hội... Hiện nay, tỉ lệ gia đình văn hóa, cơ quan đơn vị, trường học đạt chuẩn văn hóa tăng cao, nhưng trong thực tế có rất nhiều vấn đề khiến cả xã hội trăn trở.
Ông Trương Công Nghiệp, Trưởng Phòng VH-TT huyện Tây Hòa, cho hay: “Hiện nay, đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa thôn xã thường xuyên thay đổi, chuyên môn còn hạn chế nên kỹ năng vận động, tuyên truyền còn lúng túng. Một số tiêu chí xét chuẩn văn hóa quá cao không phù hợp với các vùng miền núi. Áp lực thành tích đôi khi khiến cơ sở báo cáo không đúng sự thật, khuếch đại thành tích để đạt danh hiệu văn hóa. Điều cần nhất hiện nay là sự thay đổi về nhận thức, hướng tới giá trị thực. Làm sao mỗi đơn vị, cơ quan, gia đình văn hóa phải thực sự là tấm gương, giúp cho xã hội ngày càng phát triển lành mạnh, văn minh”.
Thời gian tới, trong quá trình thực hiện phong trào cần tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền; sự phối hợp đồng bộ giữa mặt trận, đoàn thể trong việc chỉ đạo triển khai thực hiện phong trào. Các địa phương chú trọng công tác xét tiêu chí kết hợp chặt chẽ phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” với phong trào “Thi đua chung sức chung lòng xây dựng nông thôn mới”. Ngoài ra, công tác xã hội hóa, tiếp tục vận động nhân dân, nhà hảo tâm, tổ chức doanh nghiệp trên địa bàn đóng góp xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng, xây dựng các thiết chế văn hóa ở cơ sở… cần phải được chú trọng đẩy mạnh. Giám đốc Sở VH-TT-DL Hồ Văn Tiến |
DIỆU ANH