Diễm Phúc (SN 1965) vừa tổ chức buổi giới thiệu: Thơ Diễm Phúc, với sự chung vui của bạn thơ cả nước. Sức sáng tác dồi dào và các tác phẩm của chị đã truyền cảm hứng sáng tạo với thi hữu gần xa.
Tác giả thơ Diễm Phúc (thứ 2 từ phải sang) nhận hoa chúc mừng từ thi hữu - Ảnh: TUYẾT DIỆU |
Buổi giới thiệu thi vị
Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Đà Nẵng phối hợp với Văn phòng đại diện Trung tâm UNESCO Nghiên cứu văn chương Việt Nam tại miền Trung - Tây Nguyên và Chi hội Thơ Đường luật Phú Yên vừa tổ chức buổi giới thiệu: Thơ Diễm Phúc. Tại buổi giới thiệu, các giọng ngâm của đất Phú như Bích Trâm, Thu Thủy, Phan Kim Việt… lần lượt giới thiệu đến bạn thơ gần xa tiếng thơ, cũng là tiếng lòng của Diễm Phúc. Các tác phẩm được chọn đều thuộc 5 tập thơ: “Thơ tình Diễm Phúc”, “Lục bát tình”, “Tình yêu và duyên phận”, “Chép dưới trăng vàng” và “Mấy vần thơ đường luật” được chị ra mắt trong khoảng thời gian từ năm 2013-2016.
Bài thơ “Tiếng lòng” do Thu Thủy diễn ngâm mở đầu cho buổi giới thiệu: Con lên ba mẹ đã thành thiên cổ/ Đêm thiếu lời ru, thiếu cả hơi người… Con bước vào đời chưa tròn câu thiếu đủ/ Cha ra đi cháu ngoại mới chào đời/… Mà mơ ước không thoát qua định mệnh/ Anh ra đi khi mới nửa đời người…/ Nghe vạc kêu sương nhìn trăng gác núi/ Ôm hai con vào lòng khóc ba mảnh mồ côi/… Em thắp nén hương lòng cho cha, mẹ và anh bên trời miên viễn…
Cuộc đời thực của Diễm Phúc khá truân chuyên, bất hạnh khi sớm chia lìa cha mẹ và chồng. Thân phận mồ côi giữa dòng đời luôn chảy trong thơ chị. Diễm Phúc trở đi trở lại trong thơ với nỗi niềm riêng của người đàn bà bất hạnh. Cũng vì thế mà những vần thơ khao khát tình ruột thịt, nghĩa vợ chồng của Diễm Phúc luôn được bạn thơ đồng cảm. Tại buổi giới thiệu, nhiều bài thơ thuộc chủ đề này được bạn thơ đem ra diễn ngâm và bàn luận. Quặng lòng nhớ tiếng ầu ơ/ Thèm hơi ấm mẹ đêm về giá đông (Tâm tình với mẹ); Mượt mà từng sợi tóc tiên/ Mong manh số phận muộn phiền đường tơ (Sợi tơ hồng); Một thân chớp biển mưa nguồn/ Một thân cũng lội, mấy non cũng trèo (Chép dưới trăng vàng)…
Một mảng lớn khác trong đời thơ của Diễm Phúc là tình yêu quê hương đất nước thiết tha. Tác giả thơ Hoàng Cường, hội viên Hội Văn học nghệ thuật Phú Yên có mặt trong buổi giới thiệu cũng vì trân quý cái tình của chị đối với quê hương đất nước mà mượn lời thơ phổ thành bài hát. Hoàng Cường chia sẻ rằng, nơi nào Diễm Phúc đặt chân đến chị đều dành cho nơi đó những vần thơ tình nhất. Bởi thế, thi hữu gần xa được dịp thưởng thức bài hát “Gửi một miền thương” được phổ từ bài thơ “Một chút nồng nàn” của Diễm Phúc: (Anh chờn vờn trong nỗi nhớ của em/ Trời tháng bảy đôi khi mưa rắc nhẹ/ Thương anh đi ngược gió mùa lặng lẽ/ Cái gió Tuy Hòa vẫn phóng khoáng buông lơi/ Con nước Đà Rằng lờ lững như chẳng muốn trôi/ Trên tháp cổ loài chim di khép cánh/ Lúa hân hoan vươn mình chờ nắng/ Cho trăm năm hạt gạo Tuy Hòa…).
Diễm Phúc trải lòng: “Thơ tôi tự nhiên như lời ru của bà của mẹ. Tiếng thơ là tiếng lòng của người phụ nữ qua thăng trầm của cuộc sống đời thường, là những ngậm ngùi lời ru nước mắt, là những ước mơ hạnh phúc dung dị chân phương gửi đến sâu thẳm nghìn trùng hay tri ân đến những người bạn thân thiết. Cũng vì vậy mà tôi luôn tìm được cảm hứng sáng tác, tìm niềm xướng họa thơ cùng thi hữu gần xa”.
Thi sĩ giao thiệp rộng
Chỉ nhìn vào buổi giới thiệu thơ Diễm Phúc ai cũng có thể cảm nhận được chị là người giao thiệp rộng. Chị họa thơ với nhiều thi hữu. Người nào có thơ được chị tâm đắc chị đều họa. Bài họa nào ý tình cũng đều tâm đắc. Cũng chính vì thế mà thi hữu luôn yêu mến và dành cho chị nhiều lời hay ý đẹp. Trong buổi giao lưu tác giả thơ Nguyễn Công Đức, Chủ tịch Chi Hội thơ Đường Luật Phú Yên đọc một câu trong bài “Trở lại Sông Hinh”: Chiều phố núi con đường cong cáng võng/ Nhà rông, rượu cần, mây cõng trăng lên… Tác giả thơ Nguyễn Công Đức nói: “Mới đây, Diễm Phúc lại khám phá bản thân ở một thể thơ mới và cho ra đời tập thơ “Mấy vần thơ Đường luật”. Thơ Đường luật vốn là thể thơ bác học, thế nhưng ở thể loại này lại là thế mạnh của chị. Cùng với các thể thơ vốn là sở trường của Diễm Phúc như: lục bát, song thất lục bát, thơ tự do, ở thể loại nào, Diễm Phúc cũng có những vần thơ sâu lắng nhất”.
Nữ nhà thơ Vạn Lộc tuổi ngoài 70, hội viên Hội Nhà văn TP Đà Nẵng vượt đường xa kịp có mặt trong buổi giới thiệu thơ Diễm Phúc. Nhà thơ Vạn Lộc chia sẻ: “Mỗi khi Diễm Phúc ra mắt tập thơ mới, chị đều gửi tặng tôi. Tập thơ nào của chị tôi cũng đều đọc đi đọc lại. Thơ Diễm Phúc rất phụ nữ. “Thơ tình”, “thơ mẹ” xúc động đến rơi nước mắt, như nói thay tâm tư, tiếng lòng của phụ nữ một cách chân thành, tràn đầy cảm xúc”.
Bén duyên với thơ Diễm Phúc thông qua công tác biên tập và xuất bản tập thơ nhân kỷ niệm 400 năm Phú Yên, nhà thơ H.Man, Trưởng văn phòng đại diện NXB Văn học tại TP Đà Nẵng và khu vực miền Trung - Tây Nguyên yêu mến và dõi theo bước đường thơ Diễm Phúc. Nhà thơ H.Man nói: “Tác giả Diễm Phúc trong một thời gian ngắn đã cho ra đời nhiều tác phẩm thơ đặc sắc về chất lượng. Buổi giới thiệu thơ giúp tăng cường giao lưu và phát triển phong trào làm thơ đất Phú”.
DIỆU ANH