Không chỉ được biết đến với những tác phẩm thơ giản dị và rất đượm tình, đôi khi trong trẻo đến ngạc nhiên, nhà thơ H.Man, Trưởng văn phòng đại diện NXB Văn học tại TP Đà Nẵng và khu vực miền Trung - Tây Nguyên, còn là “ông đỡ” cho nhiều tập thơ ra mắt độc giả. Tác giả “Tạ ơn người”, “Mưa mùa bất chợt”, “Những mảnh tình rời”… lạc quan về văn hóa đọc song vẫn trăn trở: Làm thế nào để những người yêu văn chương, yêu nghệ thuật thấy rằng tủ sách trong gia đình là một tài sản chứ không phải vật trang trí.
* Qua công việc của mình, ông cảm nhận như thế nào về đời sống thi ca ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên hiện nay?
Nhà thơ H.Man - Ảnh: DƯƠNG THANH XUÂN |
- Không khí văn nghệ, nhất là hoạt động thi ca ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên tương đối sôi nổi. Riêng tôi đặc biệt quan tâm đến Phú Yên vì nhiều lẽ. Trước hết, tôi từng về đây tham dự đêm thơ Nguyên tiêu trên núi Nhạn. Với không khí văn nghệ như vậy và sự hưởng ứng của những người yêu văn nghệ, nhất là dân Phú Yên, tôi có cảm giác dân Phú Yên là những người vô cùng yêu thích thơ.
Cách đây vài năm, NXB Văn học có biên tập và cấp giấy phép cho Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Yên in tuyển tập “Văn học Phú Yên 400 năm”. Cũng từ tuyển tập này, chúng tôi được quen biết nhiều khuôn mặt thơ ở Phú Yên. Gần đây nhất, Phú Yên có những cây bút nữ viết tương đối có tình, trải tâm tình thật của mình, nỗi niềm và sự hoài mong của mình khi nhìn thấy quê hương đất nước ngày một thay da đổi thịt, như Thu Hồng, Diễm Phúc…
* Số lượng tập thơ được xuất bản hàng năm luôn cao hơn văn xuôi, nhưng tìm được một tập thơ thật sự nổi trội, mang lại cảm xúc cho người đọc thì quả thật rất hiếm. Theo ông, làm thế nào để thay đổi thực trạng này?
- Tôi cũng xin nói thẳng như thế này: Thời buổi kinh tế thị trường, các nhà xuất bản rất dễ dãi trong việc cấp giấy phép. Gần đây, NXB Văn học, ngoài quan điểm là không “va đụng” về chính trị, “va đụng” với cá nhân, tổ chức, tôn giáo, thuần phong mỹ tục, thì còn buộc các biên tập viên phải lựa chọn tác phẩm, lựa chọn bản thảo. Những bản thảo nào kém chất lượng thì không cấp giấy phép xuất bản.
Theo quan điểm của chúng tôi, mỗi nhà văn, nhà thơ là một biên tập viên. Trước hết họ phải biên tập chính họ trong quá trình thể hiện tác phẩm. Nghĩa là khi chấp bút sáng tác, họ đã biên tập chính mình, lựa từng câu từng chữ, sắp xếp luồng mạch, bố cục, sau đó mới nhờ các biên tập viên, những người chịu trách nhiệm về chuyên môn, biên tập lần nữa.
* Báo chí đã bàn nhiều đến văn hóa đọc. Ông nói gì về văn hóa đọc hiện nay?
Quang cảnh buổi ra mắt tập thơ của một cây bút nữ, được tổ chức tại TP Tuy Hòa - Ảnh: DƯƠNG THANH XUÂN |
- Người ta nói rằng văn hóa đọc đang “chùng xuống” trước sự bùng nổ của thông tin. Thật ra không phải, văn hóa đọc vẫn tiếp tục và sôi nổi hơn nhưng cách đọc có thay đổi, người ta không đọc trên giấy nữa mà đọc trên điện thoại, máy tính. Văn hóa đọc vẫn luôn sôi nổi. Vấn đề là làm thế nào để người ta thấy được rằng mỗi cuốn sách trong tủ sách là một tài sản chứ không phải vật trang trí. Hiện nay, có một số người “truy lùng” những quyển sách cũ, sách hiếm và mua với giá gấp trăm lần giá bìa. Điều quan trọng là làm thế nào để những người yêu văn chương yêu nghệ thuật, nhất là yêu sách, thấy rằng tủ sách trong gia đình là một tài sản chứ không phải là vật trang trí.
* Những quyển sách hay, có giá trị thì luôn có chỗ đứng. Ở các nước phát triển, người ta vẫn rất coi trọng việc đọc sách và rất trân trọng sách. Nếu thờ ơ với sách, thì đó là sự thiệt thòi cho chính mình. Ông nghĩ sao về điều này?
- Điều này đòi hỏi sự thực hiện đồng bộ của nhiều tổ chức, đơn vị liên quan, chứ không phải một tổ chức làm là được. Riêng trong việc nâng chất lượng ấn phẩm, nhà xuất bản có những quy định như vậy, thì nhiều tác giả cũng phải “nhìn thấy” những quy định đó để mà làm.
* Xin cảm ơn nhà thơ!
Nhà thơ H.Man tên đầy đủ là Phạm Văn Mận, sinh năm 1954 tại làng Bảo An, xã Điện Quang, huyện Điện Bàn, tỉnh Quang Nam. Đến với thi ca từ năm 1972, ông hiện là hội viên Hội Nhà văn TP Đà Nẵng, sáng lập viên nhóm Thiên bút Thi hữu Quảng Ngãi.
Nhà thơ H.Man đã có các tập thơ ra mắt công chúng: “Tạ ơn người” (2008), “Mưa mùa bất chợt” (2010), “Ba lăm bài lục bát” (2010), “Những mảnh tình rời” (2013)… |
YÊN LAN (thực hiện)