Thứ Bảy, 11/01/2025 11:36 SA
“Ngâu tím nẻo trời” - sự giao thoa của những tâm hồn từ các vùng văn hóa
Thứ Ba, 22/11/2016 13:00 CH

Trên tay bạn đọc là một tập thơ đặc biệt, ít nhất là đối với tôi. Đặc biệt ở chỗ tập thơ của hai tác giả, nhưng không phải hai phần khác nhau, mà là “hòa quyện” vào nhau. Ngày xưa có hình thức thơ xướng - họa chủ yếu qua thể Đường luật, nhưng đây không phải xướng - họa, mà thể thơ lại là lục bát, mỗi bài 4 câu cho mỗi người, “vị chi” khi hòa quyện lại trở thành 8 câu hoàn chỉnh. Bởi vậy, khi trích, là phải trích cả hai mới… đủ cặp, hơn nữa mới khỏi phiến diện!

 

 

Tập thơ mang tên “Ngâu tím nẻo trời” của hai đồng tác giả là nhà thơ Triệu Lam Châu (chàng) và nhà thơ Nguyễn Tuyết Mai (nàng). Phần trong ngoặc đơn là tôi thêm vào cho “rõ nghĩa”, bởi nguồn cảm hứng hình thành nên tập thơ này là sự đồng điệu về văn hóa của nhiều xứ sở, thông qua hình thức thơ đối đáp chàng - nàng giữa hai người khác phái.

 

Nhìn tổng thể, đây là tập thơ trữ tình, viết theo dạng đối đáp nam nữ bằng thơ lục bát, là một hình thức hát hay hò giao duyên trong văn nghệ dân gian. Đề tài là các nét đặc trưng của văn hóa giữa các vùng miền, xứ sở… thông qua câu chuyện về tình yêu, về cuộc sống, về giao lưu văn hóa - văn nghệ giữa hai con người có tâm hồn thi sĩ.

 

Trong văn giới có câu “Văn tức thị nhân” nên cũng có thể suy ngược lại, nhất là trong trường hợp tập thơ này. Một chút thông tin về tác giả sẽ giúp hiểu rõ hơn về bối cảnh của những bài thơ đối đáp này.

 

Nhà thơ, dịch giả, nhạc sĩ Triệu Lam Châu là người con dân tộc Tày, quê ở tỉnh Cao Bằng, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, tốt nghiệp Trường đại học Mỏ Saint Peterbourg của Liên bang Nga vào năm 1976, từng công tác tại Trường cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa và về hưu cũng tại quê hương này.

 

Nhà thơ Nguyễn Tuyết Mai, theo lời giới thiệu của anh Triệu Lam Châu như sau:

 

“Nguyễn Tuyết Mai là người con gái của vùng đất Tổ Hùng Vương, làm dâu và định cư tại Nhật Bản gần 20 năm qua. Chị đến với công việc làm thơ bằng năng khiếu của một đứa con gái nhà nòi văn chương. Cha của chị là nhà giáo, nhà văn Nguyễn Anh Đào.

 

Trên thi đàn nước nhà có thêm được một người phụ nữ làm thơ tâm huyết - đó là điều đáng quý. Nguyễn Tuyết Mai sống và làm việc tại Nhật Bản, rồi làm thơ phản ánh hiện thực sinh động của đất nuớc mặt trời mọc. Điều này lại càng quý thêm gấp bội”.

 

Dựa vào những thông tin khái quát đó, ta sẽ hiểu vì sao có tần suất xuất hiện liên tục các xứ sở quen thuộc trong tập thơ, đó là: Gia (Ja) Pan, Cao Bằng, Phú Thọ, Phú Yên…Tiếp sau đó là các loại hình văn hóa, nghệ thuật dân gian, địa danh và sản phẩm từ các xứ sở đó như: hát Sli, hát lượn, núi Khau Mi-à… (Cao Bằng), Đền Hùng, đất Tổ… (Phú Thọ), hát bài chòi, núi Chóp Chài, Nhạn Tháp… (Phú Yên), rượu Sakê, núi Phú Sĩ… (Nhật)…

 

Với tần suất xuất hiện những chất liệu đó trong sáng tác, nhà thơ Triệu Lam Châu gọi là bút pháp giao thoa văn hóa giữa các vùng miền, các xứ sở mà anh đã tìm ra (bút pháp này) từ năm 1992 và trung thành cho đến nay. Anh rất tâm đắc và hăm hở với sự tìm tòi này, và nhà thơ Nguyễn Tuyết Mai là người đồng điệu trong bút pháp ấy để cùng anh “dệt” nên tập thơ đặc biệt “Ngâu tím nẻo trời”.

 

Tập thơ chia thành nhiều bài không đề, chỉ đánh dấu theo số thứ tự, bốn câu đầu của Triệu Lam Châu, bốn câu sau của Nguyễn Tuyết Mai. Một bài tám câu lục bát như vậy, có thể nói là “Mình với ta dẫu hai nhưng một/ Ta với mình tuy một mà hai” (ca dao). Để khỏi “rối mắt”, khi trích dẫn, tôi không nhắc tên hai tác giả nữa, mà chỉ nêu trọn bài thơ cũng có thể biết được đoạn nào của tác giả nào.

 

Có lẽ, với tựa chung của tập là “Ngâu tím nẻo trời”, nên bài thơ sau đã mang tính “giới thiệu” khá nổi bật:

 

Lá phong vàng mảnh hồn nàng

Neo vào thu tím lòng chàng khát khao

Thảo nào mây

cũng nao nao

Tít mờ xa thẳm… anh đào cũng ghen…

Mảnh hồn ai đó khéo chen

Neo vào chiều tím bừng lên lửa lòng

Như là rực đỏ lá phong,

Anh đào hé nở phập phồng trong nhau…

Từ việc tự giới thiệu không gian địa lý:

Một Gia Pan - một Đầm Miêng

Một Cao Bằng núi - một niềm Phú Yên

Nhành Riêng - đậu những bốn miền

Làm sao không trĩu nặng mềm túi thơ?

Hai quê hẳn lắm ước mơ

Bốn miền thao thức đang chờ niềm riêng

Lao xao sóng biếc Đầm Miêng

Duềnh nghe vọng tiếng thiêng liêng Cao Bằng…

 

Đến việc giới thiệu những nét văn hóa khác nhau và ý định hòa nhập vào đó của tác giả khá rõ:

 

Chóp Chài - Phú Sĩ - Đền Hùng

Kiềng thơ ba mảnh giăng chung một niềm

Như long lanh như ảo huyền

Hai ku - Lục bát - nồng duyên Bài chòi…

Thơ hay níu chặt hồn rồi

Kiềng thơ ba mảnh ánh ngời sân Fây

Bao nhiêu nụ biếc hương say

Duyên nồng cứ mãi thế này sao đi?

Một câu hỏi, nhưng thực ra đã có lời đáp:

Tay ta nâng chén rượu đây

Như nâng cả sóng biển đầy long lanh

Đền Hùng, Phú Sĩ bồng bềnh

Soi vào sẽ thấy lòng anh gửi nàng…

Về bên Phú Sĩ cao sang

Trắng trong tuyết phủ mơ màng sóng dâng

Như đằm trong cả vầng trăng

Hồn say lạc cốc rượu vang Tuy Hòa.

 

Quả thật, không gian tâm hồn có “ưu thế” hơn không gian vật lý ở chỗ vượt mọi khoảng cách:

 

Mắt ta nhắm ở Tuy Hòa

Mà sao vẫn thấy ánh hoa anh đào

Thấy luôn cả nỗi xôn xao

Khẽ khàng lượn sóng cài vào tóc em…

Thơ người đã ngọt lại êm

Rót vào em mãi bao niềm xuyến xao

Giá mà đông nở anh đào

Thì em khẽ gửi tình trao, hoa cùng.

 

Cũng từ không gian tâm hồn ấy, một chút bãng lãng khói sương của tình ý cũng hòa tan vào các vùng văn hóa. Hay nói khác đi, trong riêng có chung, trong chung có riêng:

 

Em là gì của anh đây

Là sli? Là ánh xoan đầy nhớ nhung?

Là Fuji thẳm không cùng

Là hơi thở nhẹ mông lung mỗi chiều?

Em là người nhận bùa yêu

Từ sông, núi, suối nạm nhiều niềm anh

Fuji thăm thẳm tròng trành

Là chàng khơi mạch đàn tranh nồng nàn...

 

Có lẽ, bài thơ sau đã khái quát được chủ đề của tập thơ cùng sự gửi gắm của tác giả:

 

Những gì con hát ngày xưa

Giờ đây đã hóa nhành thơ cho đời

Điệu sli Khau Mi-à chơi vơi

Cũng thành đặc sản, bao người đắm say…

Điệu sli của mường vút bay

Chan vào sông núi cho cây xanh mầm

Lan vào mây, gió mưa thâm

Japan hưởng lộc, âm thầm đắm say.

 

Bạn đọc mỗi người sẽ có một cảm nhận riêng, tôi khen hay chưa chắc bạn đã đồng ý, hoặc tôi thích bài này bạn thích bài khác, vậy nên mời bạn hãy làm cuộc thưởng lãm với riêng mình.

 

QUỲNH VĂN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek