Thứ Bảy, 11/01/2025 11:46 SA
GS-NGND Lê Đình Kỵ - hiện thân một vẻ đẹp nhân văn
Chủ Nhật, 20/11/2016 13:00 CH

GS-NGND Lê Đình Kỵ (1922-2009) là nhà sư phạm mẫu mực, nhà nghiên cứu văn học hàng đầu, được nhiều thế hệ học trò yêu quý, giới văn chương nể trọng. Ông là hiện thân một vẻ đẹp nhân văn, lặng lẽ và hết mình, tài hoa và khiêm nhường, hòa quyện phẩm chất cao quý của một nhà sư phạm mẫu mực với một nghệ sĩ hồn nhiên…

 

 

GS-NGND Lê Đình Kỵ (1922-2009)

Một nhà sư phạm mẫu mực

 

Lê Đình Kỵ là con một của một gia đình nông dân ở xã Điện Quang, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Tuổi thơ Lê Đình Kỵ chịu nhiều thiệt thòi, cả vật chất lẫn tinh thần. Nhà nghèo, Lê Đình Kỵ lại đi học khá muộn. Đến ban tú tài, ông rời Quảng Nam ra Huế học tú tài 1 ở Trường trung học tư thục Việt Anh, rồi vào Sài Gòn học tú tài 2 ban Triết học ở trường Pétrus Ký.

 

Con đường đến với nghề giáo của Lê Đình Kỵ rất ngẫu nhiên. Năm 1944 sau khi đỗ tú tài 2 trường Pétrus Ký ở Sài Gòn, ông định học tiếp đại học nhưng không có trường nào hợp với nguyện vọng. Trường Luật, Toán thì ông không thích. Trường y, ông có thích đôi chút, nhưng do học lực các môn Sinh, Hóa đều yếu nên sức khó kham nổi. Vì vậy, chàng tú tài xứ Quảng đành rời Sài Gòn “quy cố hương” dạy học tư kiếm sống.

 

Tháng 3/1945, Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương, Lê Đình Kỵ tham gia phong trào yêu nước Thanh niên Phan Anh. Bằng vốn hiểu biết của một trí thức trẻ đầy nhiệt huyết trước vận mệnh dân tộc, ông tích cực hoạt động xã hội, đi nói chuyện nhiều nơi, hô hào đấu tranh đánh đuổi phát xít Nhật. Lê Đình Kỵ cùng với Hoàng Phê, Hoàng Tụy, Hoàng Chúng… tham gia tổng khởi nghĩa ở đô thị cổ Hội An.

 

Cách mạng Tháng Tám thành công, Lê Đình Kỵ được Việt Minh phân công làm công tác thông tin tuyên truyền, rồi vào bộ đội chống Pháp tái xâm lược. Ở trong quân ngũ, ông tranh thủ học tiếng bạch thoại để làm phiên dịch cho các cố vấn Trung Quốc. Ba năm sau, ra quân ông quyết định quay lại với nghề giáo, vào Quảng Ngãi dạy học cùng với Lê Trí Viễn ở Trường trung học kháng chiến Lê Khiết. Trong điều kiện vô cùng khó khăn, tài liệu sách vở và các phương tiện giảng dạy thiếu thốn trầm trọng, Lê Đình Kỵ cùng đồng nghiệp đã phấn đấu vượt bậc, có nhiều đóng góp đối với của ngành Giáo dục Nam Trung Bộ thời chín năm chống Pháp.

 

Sau Hiệp định Genève năm 1954, Lê Đình Kỵ tập kết ra Bắc và dạy cấp 3 Trường Nguyễn Trãi ở Hà Nội, nơi có học sinh phần lớn là người miền Nam. Ba năm sau, nhờ vốn tiếng Nga tự học của mình, ông được chuyển lên dạy đại học. Năm 1957, Hoàng Ngọc Hiến về Khoa Ngữ văn Trường đại học Tổng hợp Hà Nội thì năm sau ông đề nghị Chủ nhiệm khoa là Hoàng Xuân Nhị mời Lê Đình Kỵ về cùng dạy. Tiếp sau đó, các nhà giáo nổi tiếng như Hoàng Như Mai, Trương Chính, Hà Minh Đức, Phan Cự Đệ… cũng lần lượt được mời về giảng dạy ở đây.

 

Đất nước hòa bình thống nhất năm 1975, Lê Đình Kỵ chuyển vào dạy Ngữ văn ở Trường đại học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh. Một học trò thân thiết của GS Lê Đình Kỵ là nhà giáo Nguyễn Hà nhìn nhận về thầy: “Đối với các thế hệ học trò, thầy vừa nghiêm khắc, đòi hỏi cao về học thuật, nhất là về chuyện viết lách nhưng đồng thời cũng rất khoan hòa, độ lượng, hết lòng giúp đỡ trong nghề nghiệp và cuộc sống. Nếu như trong phê bình thơ, thầy có công phát hiện và động viên kịp thời những Phan Thị Thanh Nhàn, Xuân Quỳnh, Nguyễn Đức Mậu, Phạm Tiến Duật, Lê Anh Xuân, Thanh Thảo… mà sau này họ trở thành những nhà thơ có tên tuổi thì trong đào tạo, những người được thầy dìu dắt và đánh giá cao, nay đều thành danh cả, như GS Huỳnh Như Phương, PGS Nguyễn Thị Thanh Xuân, PGS Lê Tiến Dũng…”.

 

Với những đóng góp to lớn của mình cho sự nghiệp nghiên cứu và giảng dạy văn học, GS. Lê Đình Kỵ xứng đáng là một trong những tên tuổi hàng đầu của ngành GD-ĐT nửa sau thế kỷ XX. Không qua giáo sư I, Lê Đình Kỵ được Nhà nước phong thẳng giáo sư II năm 1984 và, cũng không qua danh hiệu Nhà giáo Ưu tú, ông được phong thẳng Nhà giáo Nhân dân năm 1988. Ông còn được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng nhất. Giản dị và thoải mái trong đời thường. Nghiêm cẩn và chuẩn tắc trong công việc. Đó là hai mặt trong một Lê Đình Kỵ - người thầy mà chúng tôi cũng như nhiều thế hệ học trò của ông luôn kính trọng.

 

Một nhà nghiên cứu văn học hàng đầu

 

Giảng dạy và nghiên cứu phê bình văn học luôn hỗ trợ cho nhau. Bước lên bục giảng đại học, Lê Đình Kỵ cũng bắt đầu nghiên cứu viết lý luận phê bình. Năm 1959, ông có bài phê bình văn học đầu tiên được đăng trên Tạp chí Văn Nghệ. Đó là bài viết về truyện ngắn Con cá song của nhà văn trẻ Anh Đức vừa được giải thưởng của tạp chí này cùng với truyện Cái hom giỏ của nữ nhà văn trẻ Vũ Thị Thường. Trên đà ấy, mấy tháng sau ông lại có bài Từ ấy và phong trào Thơ mới cũng được đăng trên Văn Nghệ. Và đến bài viết này, tài năng phê bình văn học của Lê Đình Kỵ mới thực sự được giới văn học chú ý đến.

 

Bài viết Từ ấy và phong trào Thơ mới vốn ban đầu Lê Đình Kỵ đặt tên là Từ ấy và Thơ mới. Nhưng khi biên tập, nhà thơ Xuân Diệu ngại nên sửa đề bài. Vì sao Xuân Diệu ngại? “Số là Xuân Diệu trước đó có đưa ra luận điểm “Từ ấy thoát thai từ Thơ mới”. Chữ “thoát thai” chưa được ổn lắm, nhưng hiện tượng tiếp thu, kế thừa giữa tập thơ Từ ấy của Tố Hữu và Thơ mới cũng là chuyện bình thường thôi. Tuy nhiên, bấy giờ Xuân Diệu bị một số người cho là hữu khuynh”, GS Lê Đình Kỵ thổ lộ với chúng tôi trong một cuộc trò chuyện lúc sinh thời.

 

Bốn nhà thơ Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên và Tế Hanh đồng thời cũng là những “ông lớn” của đời sống văn học bấy giờ đã nhiệt tình động viên, khuyến khích Lê Đình Kỵ tiếp tục viết. Cũng ngay trong năm 1959 đáng nhớ ấy, lần đầu gặp Lê Đình Kỵ ở Tòa soạn Văn Nghệ, nhà thơ Chế Lan Viên nói với hai nhà thơ Xuân Diệu và Hoàng Trung Thông rằng: “Tưởng Kỵ còn trẻ, hóa ra cũng là người cùng thế hệ với mình”! Lúc đó Hoàng Trung Thông là Tổng biên tập còn Xuân Diệu là Ủy viên Ban Biên tập báo Văn Nghệ.

 

Sau gần nửa thế kỷ hoạt động văn học, Lê Đình Kỵ đã xuất bản các tác phẩm tiêu biểu như: Các phương pháp sáng tác, Đường vào thơ, Truyện Kiều và chủ nghĩa hiện thực, Tìm hiểu văn học, Thơ Tố Hữu, Nguyên lý văn học, Phương pháp sáng tác, Thơ mới - những bước thăng trầm, Trên đường văn học (2 tập), Nghiên cứu phê bình văn học… cùng nhiều bài nghiên cứu đăng rải rác trên báo chí. Trong số đó, ông tỏ ra rất tâm đắc với tác phẩm Truyện Kiều và chủ nghĩa hiện thực, bắt đầu viết năm 1965, in lần đầu năm 1970, đến nay đã được sửa chữa tái bản nhiều lần. GS Lê Đình Kỵ từng cho biết: “Trong lần đầu in cuốn Truyện Kiều và chủ nghĩa hiện thực, xảy ra một chuyện khá ngộ. Tên sách tôi để như hiện nay, nhưng nhà xuất bản thì cứ đòi đổi cho kỳ được thành tựa Truyện Kiều và chủ nghĩa hiện thực của Nguyễn Du! Thêm mấy chữ mà vấn đề khác đi rồi. Nguyên nhân là do có một vị khả kính đã khẳng định Nguyễn Du là “hiện thực phê phán”(?). Tất nhiên là tôi không bao giờ đồng ý thêm cụm “của Nguyễn Du”...”.

 

Trên bước đường nghiên cứu văn học, giáo sư cũng gặp khá nhiều “tai nạn”. Năm 1963, cuốn Các phương pháp sáng tác của Lê Đình Kỵ có đưa ra luận điểm về tính người, về chủ nghĩa nhân đạo (thông qua tính giai cấp), luận điểm về mối quan hệ phức tạp giữa thế giới quan và sáng tác. Như ông cho rằng sau Cách mạng Tháng Tám, thế giới quan của Nguyễn Tuân thay đổi nhưng phong cách thì không khác trước mấy. Cuốn sách đã bị phê phán nặng nề và kéo dài trên Tạp chí Nghiên Cứu Văn Học là: bị ảnh hưởng của “xét lại”, xem nhẹ tác dụng của thế giới quan đối với sáng tác!

 

Đến năm 1974, Lê Đình Kỵ gửi đăng trên Tạp chí Tác Phẩm Mới bài Hải Triều - những bước xung kích cùng với một loạt bài có tính chân dung văn học về các nhà phê bình nghiên cứu Hoài Thanh, Đặng Thai Mai, Nguyễn Đình Thi… Ông viết về người chiến sĩ tiên phong của Đảng Cộng sản về lý luận văn nghệ, ngỡ là “quá bảo đảm”, ngờ đâu cũng bị phê rằng đề cao cá nhân Hải Triều là có dụng ý…! Nhà thơ Chế Lan Viên ra sức chống đỡ cho Lê Đình Kỵ, vì trách nhiệm là đã biên tập bài đó cho Tạp chí Tác Phẩm Mới, và cũng vì lẽ công bằng. Nhà thơ Chế Lan Viên thanh minh: “Nói xung kích thì vận vào người lính thường cũng được, có gì là đề cao Hải Triều”.

 

Nhớ lại tai nạn văn chương ấy, GS Lê Đình Kỵ bảo rằng: “Văn học mang ý nghĩa chính trị, nhưng không nên chính trị hóa văn học, không nên để rơi vào xã hội học dung tục. Tôi tâm niệm đã gọi là văn học thì phải có thẩm mỹ, có văn. Kiến thức lý luận không thiếu được, nhưng sớm muộn có thể thu nhận, lĩnh hội, đồng hóa được, còn văn thì phải tự mình đào luyện lấy, đồng thời cũng phải có năng khiếu nhất định. Khoảng năm 1965, ông Lê Duẩn có phát biểu phê phán Nho giáo ở một số mặt, và khẳng định chủ nghĩa nhân đạo và tính người trên lập trường giai cấp. Tôi còn nhớ sau đó, anh Vũ Khiêu gặp tôi nói rất cởi mở, chân tình: “Mừng cho anh tấc riêng như trút gánh đầy đổ đi”. Anh Chế Lan Viên lại có cách nói quen thuộc: “Phật thì bao giờ cũng hiền hơn sư sãi”. Còn anh Huy Cận thấy tôi băn khoăn thì thông cảm: “Rồi cuộc sống sẽ trả lời thôi”. Đúng như thế, sau này lúc ta đổi mới tư duy, cuộc sống đã đưa lại lời giải đáp”.

 

Vâng, lời giải đáp từ thời gian và cuộc sống đã chứng minh cho sự đúng đắn cho những kiến văn khoa học của Lê Đình Kỵ. Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật mà Chủ tịch nước trao cho Lê Đình Kỵ năm 2001 đã ghi nhận những đóng góp lớn lao của ông về nghiên cứu văn học.

 

GS-NGND Lê Đình Kỵ đã từ giã cõi đời cách đây vừa tròn 7 năm ở tuổi 87, nhưng nhân cách và sự nghiệp sáng ngời của thầy vẫn còn mãi trong đời sống giáo dục và văn học nước nhà!

 

PHAN HOÀNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek