Sau một thời gian chống chọi với bệnh tắc ống mật và viêm gan, Nghệ sĩ Ưu tú Phạm Bằng - ông “sếp đầu hói” nổi danh trong các chương trình “Gặp nhau cuối tuần” ngày nào đã vĩnh viễn rời xa sân khấu.
Cố Nghệ sĩ Ưu tú Phạm Bằng - Nguồn: VOV |
Vào thập niên 50, khi đang học Trường cao đẳng Giao thông Công chính, chàng thanh niên Hà Nội Phạm Bằng chưa bao giờ nghĩ rằng sẽ có một ngày, mình “bén duyên” sân khấu và gắn bó với nghiệp diễn. Có lẽ lúc bấy giờ, chính ông cũng không nhận ra rằng mình có đủ tố chất để trở thành diễn viên chuyên nghiệp, đặc biệt là diễn viên hài. Ông chỉ muốn học hành, làm việc, sống một cuộc sống bình thường như bao người. Tuy nhiên, vì gia cảnh khó khăn, Phạm Bằng buộc lòng phải bỏ dở việc học.
Cuộc đời của Phạm Bằng rẽ sang hướng khác, cái hướng mà số phận sắp đặt, khi ông gia nhập Đoàn Văn công Hà Nội vào năm 1959. Sau thời gian đầu bỡ ngỡ với sân khấu, duyên may đã đến khi ông nhận được lời mời tham gia các vở diễn của đạo diễn Nguyễn Đình Nghi. Gương mặt sắc sảo và có vẻ “lạnh” cộng với năng khiếu bẩm sinh, Phạm Bằng đã ghi dấu ấn của mình qua những vai phản diện. Gắn bó với Đoàn Văn công Hà Nội cho đến cuối năm 1974, Phạm Bằng chuyển sang Đoàn Kịch nói Trung ương.
Cố đạo diễn Nguyễn Đình Nghi là người có ảnh hưởng đối với Nghệ sĩ Ưu tú Phạm Bằng. Ông từng chia sẻ: Tôi tâm đắc câu nói của cố đạo diễn Nguyễn Đình Nghi: “Nếu anh đóng bi kịch giỏi, thì anh sẽ đóng hài kịch rất giỏi”. Đối với những diễn viên nghiêm túc với nghề, diễn hài không phải là gây cười cho khán giả bằng những câu bông đùa hời hợt, nhạt nhẽo, cũng không phải bằng những động tác quá lố đến mức kệch cỡm, mà phải có chiều sâu. Phạm Bằng có được những tố chất của một diễn viên hài mà khán giả miền Bắc, vốn khó tính, đòi hỏi, nên ông nhanh chóng thu hút sự chú ý khi bước sang sân khấu hài, trong những vở kịch của đạo diễn Trần Hoạt. Đặc biệt, với vai Lý trưởng trong vở “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” của Lưu Quang Vũ và vai Thương trong vở “Mớ đời Thương” của Tất Đạt, nghệ sĩ Phạm Bằng đã hai lần đoạt huy chương vàng tại Hội diễn Sân khấu toàn quốc.
Từ sân khấu kịch, Phạm Bằng làm quen với điện ảnh. Khán giả nhớ đến ông sau khi xem “Ngày lễ thánh”, “Đất mẹ”… Nhưng suy cho cùng, chỗ đứng vững chãi nhất của Phạm Bằng vẫn là sân khấu, qua những vai hài đa dạng mà ông hóa thân.
Năm 2000, Trung tâm Sản xuất phim truyền hình (Đài Truyền hình Việt Nam) ra mắt khán giả màn ảnh nhỏ một chương trình hài kịch có sức hút lớn: Gặp nhau cuối tuần. Đây chính là “làn gió mới” đưa những cái tên: Hoàng Nhuận Cầm, Phạm Bằng, Vân Dung, Quốc Khánh, Quang Thắng, Văn Hiệp, Giang Còi, Xuân Bắc, Công Lý, Tự Long, Minh Vượng… đến với đông đảo khán giả trong cả nước. Phạm Bằng là một trong những nghệ sĩ không thể thiếu của chương trình này. Ông nổi danh qua các vai “sếp đầu hói” với lối diễn rất riêng của một nghệ sĩ luôn chịu khó tìm tòi, “đào sâu” trong diễn xuất.
Đồng nghiệp thân thiết với Phạm Bằng đều biết ông là một nghệ sĩ đầy đam mê và rất nghiêm túc với nghề. Mỗi khi nhận vai, ông luôn đọc trọn kịch bản để nắm bắt được các mối liên hệ nhân vật trong vở kịch chứ không bao giờ đọc mỗi phần diễn của mình.
Rất hài hước và tạo được “thương hiệu” riêng trên sân khấu, trên màn ảnh song ngoài đời, Nghệ sĩ Ưu tú Phạm Bằng là người nghiêm túc, không bông phèng đùa cợt. Ông sống hiền lành, gần gũi, giản dị nên được đồng nghiệp yêu quý; cánh diễn viên trẻ gọi ông là “bố” rất thân thương. Phạm Bằng từng nói: “Cuộc đời là cuộc đời chứ không phải sân khấu. Ngoài đời anh là một người vui tính nhưng chưa chắc lên sân khấu anh có thể diễn hài mà duyên được”.
Hơn 50 năm duyên nợ với nghiệp diễn, Nghệ sĩ Ưu tú Phạm Bằng đã có những vai diễn để đời, có chỗ đứng trong lòng khán giả và được nhiều người yêu mến. Trong trường hợp của ông, nghề đã chọn người. Và ông theo nghề với niềm đam mê, trân trọng. Trước khi bị bệnh tật quật ngã, nghệ sĩ sinh năm 1931 này chưa từng nghĩ rằng mình sẽ chia tay nghiệp diễn. “Khi nào đầu óc vẫn còn nhớ được kịch bản và đôi chân vẫn đủ sức bước lên sân khấu, tôi sẽ còn diễn”. Câu nói này của ông lúc sinh thời khiến người hâm mộ rưng rưng.
Những người thân của Nghệ sĩ Ưu tú Phạm Bằng nói rằng, sau khi vợ qua đời, niềm vui của ông chính là sân khấu và quán bánh trôi ở phố cổ Hà Nội. Đến lúc ông ngã bệnh, quán bánh trôi đóng cửa. Con gái đã đưa ông sang Singapore phẫu thuật, sau đó đưa về Việt Nam, tiếp tục điều trị tại một bệnh viện quốc tế. Nghệ sĩ Ưu tú Phạm Bằng trút hơi thở cuối cùng lúc 20 giờ ngày 31/10, hưởng thọ 85 tuổi, để lại bao tiếc thương trong lòng đồng nghiệp và những người hâm mộ.
YÊN LAN