Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh vừa ra mắt chính thức truyện dài mới nhất mang tên “Ngày xưa có một chuyện tình”. Độc giả cũng xôn xao với phát biểu từ nhà xuất bản: “Sách xém bị gắn mác 16+”.
Với tác phẩm này, nhiều người sẽ rất vui mừng khi được gặp lại Nguyễn Nhật Ánh của những “Mắt biếc”, “Đi qua hoa cúc”, “Cô gái đến từ hôm qua”... Tác giả như trở lại tuổi 17 với những rung động tuổi học trò, những cảm xúc bất chợt, sớm nắng chiều mưa, những mơ mộng cho tương lai và cả những ước mơ gãy đổ...
Nội dung tác phẩm xoay quanh các nhân vật: Vinh, Phúc và Miền, những đứa trẻ cùng lớn lên ở một thị trấn miền Trung. Nơi đó, chúng cùng trải qua những kỷ niệm khó quên của một thời cắp sách đến trường, chia sẻ với nhau những niềm vui ngọt ngào và cả những nỗi buồn đắng ngắt. Nơi đó, những tình bạn đẹp được nảy nở và tình yêu cũng được gieo trồng, đơm hoa kết trái.
Nguyễn Nhật Ánh đã viết lại những trang nhật ký đầy trăn trở tuổi mới lớn và những giằng xé nội tâm của tuổi trưởng thành. Nơi ngã ba đường, mỗi nhân vật của ông lại đứng trước những lựa chọn khác nhau để tìm về hạnh phúc. Đặc biệt, tác giả để chính nhân vật tự kể câu chuyện của mình và người đọc tự ráp nối các câu chuyện lại với nhau.
Chia sẻ trong buổi họp báo ra mắt sách, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh tâm sự rằng, trước đây, bạn đọc thường thắc mắc về kết thúc truyện hơi lơ lửng, không biết nhân vật nam nữ có yêu nhau không, không đám cưới. Lại có những thắc mắc về các nhân vật nam trước đây thường là khù khờ, tốt bụng và bị con gái bỏ. Vì vậy, nhà văn đã viết tác phẩm này để chứng minh người tốt, tử tế thì vẫn kết thúc có hậu. Một chàng trai tốt, biết yêu chân thành thì sẽ gieo lên tình yêu ở người con gái chứ con gái không chỉ thích hot boy. Trong tác phẩm này, nhà văn còn muốn nói ở đời làm người tốt khó hơn người xấu. Người xấu dễ lắm vì cứ làm theo những bản năng thấp hèn, không phải cố gắng. Để trở thành người tốt rất khó vì phải chế ngự con quái vật trong lòng mình có tên là dục vọng, bản năng. Khi trở thành người tốt thì mình thú vị và thanh bình lắm. Sở dĩ ông chọn cách để từng nhân vật tự kể câu chuyện của mình là vì sau quyển “Mắt biếc”, nhiều độc giả đã phản ứng khá gay gắt về nhân vật nữ. “Nhưng làm sao biết nhân vật đã nghĩ gì để rồi hành động như vậy? Nên cách tốt nhất là để họ tự kể về câu chuyện của mình để độc giả có những cái nhìn khác nhau”, nhà văn lý giải.
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cũng chia sẻ về lý do khiến quyển sách của mình xém bị gắn mác 16+: “Vì trong đó tôi có viết những chuyện như làm tình, có bầu, làm mẹ đơn thân… Nhưng khi qua những thẩm định của các độc giả đầu tiên, tôi thấy quyển sách này trẻ em 13 tuổi vẫn có thể đọc được. Trong sách vẫn có đầy đủ những giá trị giáo dục ở câu chuyện. Tôi cũng ngại gắn mác 16+ thì người ta nói mình muốn câu khách”.
Sau thành công của bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” được chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của Nguyễn Nhật Ánh và sắp tới đây, một tác phẩm khác của ông cũng tiếp tục lên màn ảnh rộng, nhiều người đặt câu hỏi về mối quan hệ của tác phẩm văn học của Nguyễn Nhật Ánh và phim điện ảnh. Tuy nhiên, nhà văn cho biết thành công của phim là thành công của đạo diễn. “Tôi chỉ nhận đó là thành công của mình khi nói về lĩnh vực văn học. Vì thế, khi sáng tác, tôi cũng sáng tác trên cảm xúc văn học của mình chứ không chịu ảnh hưởng gì từ điện ảnh”, Nguyễn Nhật Ánh chia sẻ.
“Ngày xưa có một chuyện tình” phát hành trên toàn quốc từ ngày 18/9 với hai biển bản: Bìa mềm và bìa cứng. Ngoài ra, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh còn có những buổi ký tặng độc giả tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vào các ngày 18, 24 và 25/9.
TUYẾT TRẦN (tổng hợp)