Thứ Hai, 14/10/2024 03:28 SA
Trương Huỳnh Như Trân và cái duyên trang viết cho thiếu nhi
Thứ Ba, 20/09/2016 14:12 CH

Từ vùng cao su Đồng Xoài của Bình Phước, Trương Huỳnh Như Trân xuống TP Hồ Chí Minh học tập và trở thành cây bút mới đầy triển vọng trong làng văn và điện ảnh. Đọc những câu chuyện của chị viết cho thiếu nhi, chúng ta hiểu vì sao tập truyện Cuộc phiêu lưu của Bồ Công Anh của chị vừa xuất bản đã được NXB Kim Đồng tái bản.

 

Nhà văn trẻ Trương Huỳnh Như Trân - Ảnh: CTV

Ngày 28/7/2016, Trương Huỳnh Như Trân cùng đoàn văn nghệ sĩ do Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP Hồ Chí Minh tổ chức đã lên đường đi thực tế sáng tác ở các tỉnh miền Trung, tham quan các di tích gắn liền với huyền thoại Tàu Không số. Đây là chuyến đi về nguồn thứ hai của chị ngay sau hành trình các tỉnh miền Tây để chuẩn bị cho những tác phẩm mới. 2 ngày ở Phú Yên, chị cùng các đồng nghiệp tham quan di tích Tàu Không số ở Vũng Rô cùng nhiều thắng cảnh, di tích khác mang lại cho chị nhiều cảm xúc trong lần đầu đến xứ sở “hoa vàng cỏ xanh”!

 

Truyện viết cho thiếu nhi ở trong nước ngày càng ít so với nhu cầu đông đảo bạn đọc. Các tác giả chuyên viết cho thiếu nhi cũng ngày càng hiếm. Sau những nhà văn như Trần Nhã Thụy, Phong Điệp, Nguyễn Đình Tú, Phan Hồn Nhiên… sự xuất hiện của Trương Huỳnh Như Trân cùng một số cây bút trẻ thế hệ 8X, 9X đam mê viết cho thiếu nhi gần đây như Võ Diệu Thanh, Nguyễn Thị Kim Hòa, Phương Trinh, Yến Linh, Bích Khoa, Võ Thu Hương, Lê Hữu Nam… là những tín hiệu đáng mừng.

 

Ngoài việc tham gia viết kịch bản phim truyền hình như một nghề mưu sinh như Mai anh đào, Gia đình số đỏ, Gia tài bác sĩ, Những cuộc phiêu lưu của Hai Lúa (phần 2)…, Trương Huỳnh Như Trân còn là cây bút “nặng nợ” với các em thơ. Từng nhận giải thưởng Cuộc vận động sáng tác Ước mơ xanh (2010-2011) do Hội Nhà văn Đan Mạch và Nhà xuất bản Kim Đồng tổ chức với truyện ngắn Đã muộn rồi Se Sẻ ơi, Trương Huỳnh Như Trân đã dành nhiều thời gian và trí tưởng tượng cho thế giới tuổi thơ. Đến nay, chị đã hoàn thành 3 tập truyện viết cho các em: Cuộc phiêu lưu của Bồ Công Anh, Lá thư mật mã, Mây xếp hình.

 

Trong đó, tập truyện Cuộc phiêu lưu của Bồ Công Anh hấp dẫn tuổi thần tiên với những câu chuyện đồng thoại hiện đại tươi mới, hồn nhiên, trong trẻo như suối nguồn.Viết truyện đồng thoại khó hay nếu không có một tình yêu say đắm và nắm bắt được ngôn ngữ ngộ nghĩnh của trẻ thơ. Đó là chưa kể cấu trúc truyện, khả năng liên tưởng và cảm xúc của tác giả. Trương Huỳnh Như Trân có được những phẩm chất ấy trong tập Cuộc phiêu lưu của Bồ Công Anh cùng những truyện mới sáng tác gần đây cho thiếu nhi.

 

Bước vào khu vườn kỳ lạ và quyến rũ của Cuộc phiêu lưu của Bồ Công Anh, các bạn đọc nhỏ tuổi sẽ đồng hành với ba anh em trong một nhà là Mũi To, Cắc Cớ và Nghiêm Nghị. Họ chung sống, vui chơi tự nhiên với những bạn cùng quê là Gà Mái Hoa, Sóc Con, Miu Tai Trắng, Bướm Nâu, Sâu Đốm… và đặc biệt là Bồ Công Anh. Mỗi bạn đều có một câu chuyện bí mật giấu kín trong khu vườn và kể lại một cách ly kỳ, hấp dẫn cho bạn mình.

 

Bìa tập truyện Cuộc phiêu lưu của Bồ Công Anh - Ảnh: CTV

 

Từ khu vườn kỳ lạ và tinh tế, thế giới ước mơ tuổi thơ được mở ra với bầu trời cao rộng. Ở đó có tình bạn chân thành của Hồng Hạc và Cắc Cớ, tình mẫu tử đầy hy sinh của Mẹ Cây dành cho các cô Lá Xanh, hay sự tươi vui ấm áp của chị Vịt Bầu Đãng Trí dành cho đàn con ngơ ngác. Và từ khu vườn, bao vẻ đẹp ánh lên, sinh sôi và lan tỏa đến cuộc sống muôn loài. Có thể nói, Cuộc phiêu lưu của Bồ Công Anh là cuộc phiêu lưu sống động đầy tình yêu thương mà các bạn nhỏ cần khám phá, từ đó tự khơi gợi cho mình những cuộc phiêu lưu mới.

 

Còn với tập truyện Lá thư mật mã, Trương Huỳnh Như Trân vẫn tiếp tục với những câu chuyện đồng thoại, nhưng bằng khả năng quan sát tinh tế thế giới tuổi thơ, chị hướng các em về kỹ năng sống qua từng câu chuyện ở những lời chú giải cuối truyện. Chẳng hạn, truyện Ôm mẹ một cái, sau khi đồng hành với bé Nghé hay khóc nhè, chị đã trìu mến dặn dò: “Đừng khóc vì những chuyện cỏn con,“ôm mẹ một cái” dễ chịu hơn nhiều, bé nhỉ!”. Với bé Mi trong truyện Đồ chơi nổi loạn, chị đã dẫn dắt các em đến lời kết: “Hãy dọn dẹp đồ chơi cẩn thận khi chơi xong bé nhé! Bé không muốn đồ chơi làm lộn xộn căn phòng ngăn nắp của mình phải không nào?”. Hay trong truyện Lá thư mật mã với nhân vật là cô bé Én Nhỏ viết thư gửi cho bạn Họa Mi nhưng vì viết nhanh viết ẩu nên chữ xấu, đến nỗi Họa Mi phải gửi thư trở lại cho Én Nhỏ nhờ giải mã, Trương Huỳnh Như Trân đã nhẹ nhàng nhắc: “Bé có muốn bạn bè đọc không ra thư bé gửi vì chữ xấu quá không? Chắc chắn là không rồi! Cố gắng luyện viết chữ cho đẹp bé nhé!”.

 

Trương Huỳnh Như Trân sinh ngày 30/7/1982 ở Bình Thuận, theo gia đình phiêu bạt vào Đồng Nai một thời gian ngắn, rồi lên Đồng Xoài của tỉnh Bình Phước mưu sinh và học tập. Chị tốt nghiệp lớp biên kịch của Quỹ Ford tại Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội và theo con đường cầm bút tại TP Hồ Chí Minh. Đây cũng là điều mà người cha yêu thơ của chị mong ước. Tuổi thơ cơ cực với nhiều kỷ niệm vui buồn ở những vùng đất khác nhau, đặc biệt là ở Đồng Xoài, đã mang lại cho chị nguồn cảm hứng viết cho thế giới tuổi thần tiên. Với những thành công đáng khích lệ bước đầu, bạn đọc nhỏ tuổi đáng chờ đợi những trang viết thú vị mới của cây bút đầy triển vọng Trương Huỳnh Như Trân. 

 

TƯỜNG MINH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek